Ông Khôi Lê – Giám đốc Quốc gia thị trường Việt Nam, Meta đã chia sẻ những xu hướng mạng xã hội định hình doanh nghiệp hứa hẹn sẽ phát triển trên các nền tảng của Meta trong năm tới.
Trong thế giới được kết nối, việc nắm bắt các xu hướng xã hội sẽ mang tới nhiều lợi thế cho doanh nghiệp. Mạng xã hội và nhà sáng tạo nội dung/người có tầm ảnh hưởng, hay chính người thân, bạn bè đóng góp một phần không nhỏ tới quá trình người tiêu dùng khám phá mua hàng, đánh giá chất lượng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
So với ba năm về trước, việc vận hành một doanh nghiệp ngày nay đã có nhiều khác biệt rõ rệt khi số hóa bao phủ và các đối thủ cạnh tranh có thể đến từ mọi nơi trên thế giới. Theo báo cáo mới nhất của eMarketer, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) sẽ chiếm gần 60% người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới vào năm 2023.
Mặc dù tăng trưởng chỉ với 2,7%, lượng người dùng mạng xã hội của khu vực trong năm nay (dự tính hơn 59 triệu) sẽ cao hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại. Vì vậy, tiềm năng để xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội và kết nối với khách hàng ở bất cứ đâu là rất lớn.
Dưới đây là các xu hướng mạng xã hội được dự đoán là nổi bật nhất, giúp các doanh nghiệp Việt nắm bắt sớm và tối đa hiệu quả kinh doanh.
1. Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI)
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã có một bước ngoặt lớn kể từ cuối năm 2022. Nhờ vào công nghệ ngày càng đi lên, AI đang trở nên phổ biến hơn và khả năng ngày càng được nâng cao, do vậy ngày càng có nhiều sản phẩm và dịch vụ kết hợp AI như thiết bị nhà thông minh, ô tô tự lái và trợ lý ảo.
Việc sử dụng AI để phân tích, sắp xếp, truy cập và cung cấp các dịch vụ tư vấn dựa trên một loạt thông tin phi cấu trúc sẽ ngày càng phát triển. Chi tiêu cho các hệ thống AI ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương của IDC (Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế) sẽ tăng từ 17,6 tỷ USD vào năm 2022 lên khoảng 32 tỷ USD vào năm 2025.
Các doanh nghiệp cũng đang ứng dụng tự động hóa để cải thiện trải nghiệm của khách hàng và tiết kiệm thời gian; sử dụng các trợ lý thực tế ảo tăng cường để hỗ trợ dịch vụ khách hàng cũng như các công cụ tự động hoá thông minh để giải quyết các công việc kinh doanh phức tạp, lặp đi lặp lại nhằm thúc đẩy quyết định mua hàng nhanh chóng hơn.
2. Kinh doanh hội thoại (Business Messaging)
Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi nhắn tin được ưu tiên hàng đầu. Mỗi tuần, một tỷ người trên toàn cầu nhắn tin với một doanh nghiệp trên WhatsApp, Messenger và Instagram Direct – Nhắn tin trực tiếp với các thương hiệu, xem danh mục sản phẩm, yêu cầu hỗ trợ hoặc tương tác với các câu chuyện (stories) được đăng tải.
Tại Việt Nam, nghiên cứu cho thấy kinh doanh bằng hội thoại đang bùng nổ mạnh mẽ sau đại dịch với 73% Người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát cho biết họ sử dụng hội thoại để tiếp cận doanh nghiệp và hội thoại là một phần quan trọng trong hành trình mua sắm; 40% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát cho biết họ tăng tần suất sử dụng hội thoại sau khi dịch Covid 19; Tần suất sử dụng hội thoại diễn ra thường xuyên (2 lần một tuần) được ghi nhận ở tất cả các độ tuổi (baby boomer, GenX, Millenials và gen Z).
3. Mua sắm xuyên biên giới
Thế giới ngày càng trở lên nhỏ bé hơn khi công nghệ giúp bạn mua sắm dễ dàng hơn từ mọi nơi. Nhờ đó, mức tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới hiện đang vượt xa tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong nước 5 điểm.
Đến năm 2026, ước tính thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu sẽ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD – tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 17% kể từ năm 2019.
Meta đã phối hợp với YouGov để khảo sát hơn 16.000 người mua sắm tại 8 quốc gia. Hơn một nửa số người được khảo sát cho biết họ đã mua một sản phẩm được bán bởi một doanh nghiệp ở nước ngoài và 82% cho biết họ cởi mở với phương thức này, cho thấy tiềm năng và cơ hội kinh doanh xuyên biên giới trong tương lai.
Phương tiện truyền thông xã hội đóng một vai trò quan trọng không kém trong quá trình khám phá, với 58% người mua sắm xuyên biên giới được khảo sát nói rằng họ tìm thấy sản phẩm từ các doanh nghiệp nước ngoài theo cách này.
4. Thực tế ảo và Thực tế ảo Tăng cường (VR & AR)
Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng AR/VR để tăng cường trải nghiệm khách hàng và xây dựng các cách thức sáng tạo, sống động giúp khách hàng trải nghiệm thương hiệu.
Theo IDC, chi tiêu vào AR/VR tại khu vực APAC sẽ tăng với mức độ tăng trưởng kép ở mức 42,2% (2021-26) và chạm tới mức 16,6 tỷ đô la Mỹ trước năm 2026.
Quảng cáo thực tế ảo tăng cường là yếu tố giúp doanh nghiệp củng cố kết nối với khách hàng và cải thiện trải nghiệm quảng cáo chung cho người dùng trên các nền tảng của Meta.
Nghiên cứu mới nhất của Meta về thái độ và hành vi tiêu dùng dịp cuối năm được thực hiện tại 12 thị trường APAC cho thấy 79% người mua sắm trên mạng xã hội tại Việt Nam được khảo sát đã sử dụng AR hoặc sẵn sàng sử dụng AR khi mua sắm trực tuyến cuối năm. 80% người mua sắm trên mạng xã hội được khảo sát tin rằng các công cụ thực tế tăng cường có ảnh hưởng đến quyết định mua hàng trong dịp Siêu Sales.
5. Các nhà sáng tạo
Một khảo sát cho thấy 51% người mua sắm xuyên biên giới cho rằng nhà sáng tạo nội dung là nguồn thông tin hàng đầu để khám phá và đánh giá sản phẩm. Điều này tạo cơ hội cho các thương hiệu hợp tác với những người sáng tạo để cùng xây dựng một câu chuyện thương hiệu.
Vào cuối năm vừa qua, Việt Nam là thị trường đầu tiên trong khu vực APAC được Meta lựa chọn để đã khởi động chương trình ‘Creators of Tomorrow” (tạm dịch: Nhà sáng tạo tương lai) – chiến dịch toàn cầu hướng tới tôn vinh các nhà sáng tạo trên khắp thế giới và tại Việt Nam- những người truyền cảm hứng về phong trào sáng tạo nội dung trên các nền tảng của Meta.
Đối với các thương hiệu, đây là thời điểm vàng để khám phá hoạt động cộng tác, đồng sáng tạo với các nhà sáng tạo nội dung và thậm chí là cộng tác với các thương hiệu khác để cùng phát triển.
6. Mua sắm trực tuyến
Tuy các cửa hàng vật lý đang đón khách trở lại, thói quen mua hàng trực tuyến được hình thành trong giai đoạn đại dịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ và dần thay thế cho trải nghiệm mua hàng trực tiếp. Đối với thế hệ Gen X và Baby Boomers, điện thoại di động tiếp tục được sử dụng như một kênh khám phá.
Kết quả từ nghiên cứu thường niên SYNC Đông Nam Á của Meta và Bain & Company về kinh tế số và tương lai của thương mại điện tử tại khu vực cho thấy tại Việt Nam, gần 8/10 dân số tiêu biểu hiện là người tiêu dùng kỹ thuật số.
Trong giai đoạn Khám phá, 84% người mua sắm Việt Nam xem trực tuyến là kênh truy cập của họ để duyệt và tìm các mặt hàng.
7. Video ngắn
Video tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trên internet và trên các nền tảng của Meta, trong đó có Reels đang phát triển mạnh mẽ về cả sản xuất và tiêu thụ nội dung.
Hiện nay, có hơn 140 tỷ Reels được phát trên Facebook và Instagram mỗi ngày. Đặc biệt là tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, video đang trở thành cách thức chính mà mọi người sử dụng sản phẩm của Meta và thể hiện bản thân.
Nhận định về xu hướng trên, ông Khôi Lê đưa ra lời khuyên dành cho các doanh nghiệp: “Đầu tiên, doanh nghiệp cần xác định rõ các mục tiêu: xây dựng thương hiệu hay thúc đẩy trải nghiệm mua sắm. Trong xu hướng này, việc đa dạng hoá định dạng và thời lượng của video khi kể câu chuyện thương hiệu sẽ vừa giúp xây dựng thương hiệu, vừa giúp người dùng khám phá hiệu quả hơn.
Ngày nay, doanh nghiệp có nhiều lợi thế như có nhiều cách để kết nối với khách hàng và xây dựng thương hiệu thông qua nhiều trải nghiệm xã hội, trực tuyến, nhập vai và trò chuyện – đó là một không gian thú vị để khám phá.
Cuối cùng, lời khuyên quan trọng nhất của tôi tới các doanh nghiệp là đừng ngần ngại bắt đầu, Hãy bắt đầu ở mọi nơi – chắc chắn những cách thức kinh doanh và kết nối mới này với người tiêu dùng sẽ ngày càng phát triển.”