Gần đây, hình thức lừa đảo thông qua mạng xã hội hay các khảo sát ngày càng tinh vi khiến nhiều người mất cảnh giác và dễ dàng rơi vào bẫy.

Cách đây không lâu, khi đang tìm kiếm thông tin trên mạng, chị L.T.N thấy một website tự động mở, trang này có giao diện làm nhái giống một thương hiệu nổi tiếng với nội dung ‘khảo sát ý kiến người dùng cùng cơ hội trúng thưởng xe máy’, tưởng thật nên chị N lập tức làm theo. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành khảo sát, chị tá hỏa khi mất hết quyền truy cập dữ liệu trực tuyến, trong tích tắc số tiền trong tài khoản của chị không cánh mà bay.

Với tâm lý được thì tốt, không thì thôi, anh T.V.T cũng dễ dàng bị rơi vào bẫy lừa đảo với thủ đoạn tương tự do các đối tượng xấu giăng ra. “Tôi được mời làm khảo sát để nhận tiền, vài bài đầu tiên thì họ chuyển đủ sống tiền đúng như cam kết, nhưng sau đó họ yêu cầu tôi nạp vào 2 triệu đồng để nâng cấp lên tài khoản cao cấp, thấy trước đó họ vẫn chuyển tiền đều đặn nên tôi đã tin tưởng và nạp cho họ, nhưng khi nạp xong thì tài khoản của tôi đã bị xóa ngay lập tức”, anh T kể lại.

Theo thạc sĩ Châu Trần Trúc Ly, luôn có những nguy hiểm tiềm tàng khi chúng ta thực hiện khảo sát trên các nền tảng không rõ nguồn gốc, như bị đánh cắp thông tin dẫn đến mất quyền truy cập vào các hệ thống dữ liệu cá nhân, bị mã độc xâm nhập vào máy và có thể gây thất thoát về cả tiền bạc lẫn thời gian. Để đề cao cảnh giác khi thực hiện các cuộc khảo sát online, Ths Trúc Ly khuyên: “Cần phải tìm hiểu thật kỹ tính chất pháp nhân của cơ quan cung cấp đường link khảo sát cho mình, ngoài ra cần cân nhắc trước khi quyết định cung cấp thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, email… Chúng ta có thể sử dụng định danh phụ như tên, số điện thoại phụ để tránh lộ thông tin thật của mình nếu không cần thiết”.


Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp, các đối tượng xấu đã tận dụng công nghệ hiện đại, để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi khiến người dùng khó nhận diện hơn, vì thế chúng ta cần quan tâm, bảo vệ thông tin cá nhân, kiểm tra, xác minh kỹ càng các website, ứng dụng trong các tin nhắn nhận được, tuyệt đối không truy cập vào các website, ứng dụng, đường link có nguồn gốc không rõ ràng để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Xem video chương trình tại đây

Thủ đoạn thuê trọ để trộm cắp tài sản
Mới đây, một người đàn ông ở Nam Định đã bị bắt vì tội trộm cắp tài sản trên địa bàn quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Đối tượng này do thiếu tiền tiêu xài nên đã đi tìm thuê trọ để trộm cắp tài sản. Sau khi ký hợp đồng thuê nhà và được giao chìa khóa phòng, đối tượng này đã trộm 4 chiếc xe máy rồi bỏ trốn. Có thể thấy rằng, trước những tình huống giả vờ thuê trọ rất tinh vi, nếu không tỉnh táo, chúng ta có thể trở thành nạn nhân của những vụ trộm cắp tài sản.


Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trương Văn Vỹ (Chuyên gia Xã hội học Tội phạm) cho biết: “Đa số các chủ nhà trọ đều có mong muốn cho thuê được càng nhiều càng tốt, dẫn đến đôi khi thủ tục cho thuê khá nhanh chóng và đơn giản. Hiện tại các đối tượng có thể dễ dàng làm giả giấy tờ để qua mắt chủ nhà trọ, khi chủ trọ đã mất cảnh giác vì chủ quan với giấy tờ trên tay cũng là lúc để các đối tượng thoải mái hành động”.

Thông thường, các đối tượng thực hiện thủ đoạn này thường là những người nghiện ngập, không có công ăn việc làm ổn định, do không có tiền tiêu xài, các đối tượng đã tìm và theo dõi những vị trí nhà trọ nằm ở nơi khó quan sát, quản lý lỏng lẻo để thực hiện hành vi.


Theo Luật sư Nguyễn Mỹ Phụng, hành vi trộm cắp tài sản có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 15, NĐ 144, năm 2021 phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng, ngoài ra còn bị tịch thu tang vật, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, những đối tượng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản, trường hợp tài sản trộm cắp có giá trị từ 2 – 50 triệu, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ở các trường hợp giá trị tài sản càng cao thì mức phạt tù càng cao, mức phạt cao nhất là phạt tù lên đến 20 năm.


Để tránh trở thành con mồi của các đối tượng trộm cắp, chủ nhà trọ và người thuê trọ cũng cần lưu ý một số biện pháp để đề phòng kẻ gian, như cần lắp camera giám sát, gia tăng các loại khóa bảo vệ, sắp xếp người coi giữ xe để thuận tiện cho việc quản lý. Hơn hết, mỗi người cần chú ý tự giác bảo vệ tài sản, những món đồ có giá trị cần để ở những nơi an toàn, đặc biệt không vội kết thân với những người mới đến trọ, quan sát, tiếp xúc để hiểu rõ hơn, khi nghi ngờ các đối tượng dùng nhân thân giả để đến trọ, cần trình báo cho cơ quan công an để được hỗ trợ giải quyết.

Xem đầy đủ chương trình tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *