Số liệu của Payoo cho thấy kinh tế hồi phục khiến người dân chi tiêu mạnh tay hơn, doanh thu bán lẻ tăng trưởng so với năm ngoái.

Theo số liệu của Payoo trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị thanh toán không tiền mặt qua mạng lưới của công ty đã tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Thanh toán QR vẫn đi đầu về tốc độ tăng trưởng với mức tăng 2,5 lần, theo sau là thanh toán thẻ quốc tế với mức tăng 64%, thẻ nội địa tăng 7%. Trong đó, hình thức thanh toán không tiếp xúc qua NFC được ưa chuộng hơn, chiếm hơn 65% trong tổng số giao dịch qua thẻ.

Thanh toán không tiền mặt phổ biến là kết quả của quá trình nỗ lực từ Chính phủ, ngân hàng, tổ chức tài chính và sự hưởng ứng từ phía người dùng. Tuy vậy, đồng hành với quá trình phát triển của thanh toán không tiền mặt là những rủi ro mới đòi hỏi cả người dùng lẫn các ngân hàng, trung gian thanh toán có những cập nhật nhằm đảm bảo sự an toàn.

Nửa đầu năm nay, toàn cảnh bức tranh ngành bán lẻ có nhiều gam màu sáng nhờ được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế trên nền cơ bản thấp của năm ngoái.

Trong mảng bán lẻ, nhóm ngành hàng ghi nhận mức tăng lớn nhất trong nửa năm vừa qua là vàng bạc đá quý và trang sức. Hai quý đầu năm nay do giá vàng tăng, cộng hưởng với nhu cầu trang sức của người dân tăng lên trong những dịp lễ 14/2, 8/3 nên kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp mảng này khá khả quan, tăng 2,5 lần về số lượng và 4 lần về giá trị so với cùng kỳ.

Những báo cáo gần đây của Payoo cho thấy, nhu cầu “đẹp bên ngoài, khỏe bên trong” của người dân đã hình thành và tăng trưởng khá đều đặn thể hiện qua số lượt bán vé giải chạy, đạp xe, số lượng giao dịch tại nhà thuốc, đơn vị bán thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khỏe tăng cao. Dư địa tăng trưởng thị trường thuốc bán lẻ còn lớn khiến các doanh nghiệp dược phẩm tích cực mở rộng. Trên hệ thống Payoo, mảng bán lẻ dược phẩm ghi nhận mức tăng 2 lần số lượng và 2,4 lần giá trị giao dịch.

Bán lẻ các thiết bị công nghệ sau một năm sụt giảm mạnh năm nay cũng có đà hồi phục tốt. Các “ông lớn” ngành bán lẻ điện thoại điện máy đã đặt mục tiêu doanh số quay trở lại thông qua nhiều biện pháp tăng chất lượng dịch vụ và tối ưu những điểm bán hiệu quả. Trên nền tảng Payoo, số lượng và giá trị giao dịch ở các doanh nghiệp thuộc mảng này đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn giữ đà ổn định với mức tăng trưởng 50% số lượng và 30% giá trị. Đặc biệt, nhóm trung tâm thương mại – nơi tập trung các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm và F&B cũng ghi điểm với kết quả kinh doanh nửa đầu năm khả quan, tăng 30% số lượng và 15 % giá trị so với cùng kỳ.

Với số liệu tăng trưởng của các lĩnh vực kể trên, bên cạnh nguyên nhân thị trường hồi phục, tiêu dùng trở lại thì đánh giá của Payoo cho rằng phần lớn lại đến từ sự chuyển dịch của người dùng từ tiền mặt sang thanh toán điện tử.

Dự báo cho thấy, nửa sau năm 2024 sẽ là thời kỳ phục hồi mạnh mẽ của ngành bán lẻ nhờ vào hai mùa cao điểm mua sắm là mùa hè và mùa lễ hội cuối năm. Các chương trình khuyến mại từ các tổ chức tài chính, từ chính các nhãn hàng cộng hưởng với “tháng khuyến mại tập trung” do Sở Công Thương các địa phương phát động sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kích cầu tiêu dùng và tạo động lực cho nền kinh tế.

Thanh toán không tiền mặt nói chung và QR Code nói riêng có những bước phát triển mạnh trong năm 2023 nhờ nỗ lực từ nhiều phía.

Nền tảng thanh toán Payoo tổng hợp những điểm nhấn chính ở mảng thanh toán không tiền mặt trong năm vừa qua, dựa trên số liệu của nền tảng này và một số nguồn khác.

Bùng nổ thanh toán không tiền mặt trong cả khối tự doanh và dịch vụ hoá đơn

Theo số liệu Ngân Hàng Nhà Nước trong Hội nghị chuyên đề Hoạt động thanh toán, trong 11 tháng đầu năm 2023, so với cùng kỳ năm 2022, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực:

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt gần 10,15 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 197,23 triệu tỷ đồng (tăng 49,95% về số lượng và giảm 0,71% về giá trị); qua kênh Internet đạt hơn 1,94 tỷ giao dịch với giá trị đạt gần 52,23 triệu tỷ đồng (tăng 56,60% về số lượng và 5,80% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt gần 7,13 tỷ giao dịch với giá trị đạt gần 49,44 triệu tỷ đồng (tăng 61,14% về số lượng và 11,65% về giá trị); qua phương thức QR code đạt hơn 182,61 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 116,22 nghìn tỷ đồng (tăng 171,68% về số lượng và 74,16% về giá trị); qua POS là gần 670,48 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 1,13 triệu tỷ đồng (tăng 18,77% về số lượng và 20,64% về giá trị). 

Điều tích cực từ những con số kể trên là thanh toán không tiền mặt không chỉ nổi bật trong khối tự doanh ở nhiều lĩnh vực mà ngay trong dịch vụ hoá đơn – nơi người dân quen thuộc với cách thanh toán truyền thống – cũng đã có bước chuyển dịch lớn.

Trong suốt 15 năm triển khai thanh toán hóa đơn trên cả hai nền tảng trực tuyến và trực tiếp, Payoo ghi nhận tỷ lệ thanh toán tại cửa hàng thường cao gấp 3 lần so với online nhưng chỉ trong thời gian ngắn gần đây, thanh toán hoá đơn online qua ứng dụng ngân hàng, ví điện tử không những đuổi kịp mà có lúc vượt qua thanh toán tại cửa hàng.

Nhiều người dân đã chủ động cài đặt tính năng thanh toán tự động qua ứng dụng ngân hàng để xử lý các hóa đơn cố định hàng tháng như điện, nước, truyền hình, internet,… thay vì chờ đợi nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ đến thu tiền tận nhà. Đây là bước chuyển mình rất lớn và dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Tuy vậy, do chưa có cơ chế tài chính phù hợp nên mức phí được các đơn vị Nhà nước chia sẻ cho các trung gian thanh toán còn khá khiêm tốn. Theo trao đổi với nhiều đơn vị, chi phí được chia sẻ trên mỗi giao dịch vẫn chưa đủ bù chi phí vận hành hệ thống nói chung nên nhiều đơn vị trung gian thanh toán vẫn đang chấp nhận chịu lỗ để xây dựng mạng lưới, mở rộng thị phần.

QR code tăng gấp 3 lần, phổ biến với đơn hàng giá trị nhỏ

Không khó để thấy năm 2023, QR code giữ vị trí số 1 về tốc độ tăng trưởng. Số liệu của Payoo cho thấy giá trị giao dịch bằng QR tăng gấp 3 lần trong khi giao dịch thẻ nội địa chỉ tăng hơn 10%, thẻ quốc tế tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi các giao dịch sử dụng thẻ quốc tế thường phổ biến với những đơn hàng giá trị cao thì phương thức QR lại được ưa chuộng khi thanh toán đơn hàng giá trị nhỏ. Giao dịch thanh toán được thực hiện bằng mã QR với giá trị dưới 100.000 đồng qua hệ thống Payoo tăng trưởng gấp 5 lần so với 2022.

Có thể nói, sự tăng trưởng của QR code trong năm qua được sự hỗ trợ từ nhiều yếu tố: Nền tảng VietQR cho phép các nhà bán lẻ – đặc biệt là SMEs, không cần đầu tư hệ thống POS vốn phức tạp và yêu cầu cao về thẩm định, thay vào đó họ chỉ cần tự in một QR code để nhận tiền chuyển khoản từ khách hàng. 

Trong bối cảnh QR code đang được cả xã hội ủng hộ, các ngân hàng và trung gian thanh toán cũng vào cuộc và cho ra mắt những giải pháp tiện ích như QR đa năng chấp nhận cả QR ví điện tử và ứng dụng ngân hàng hay dịch vụ báo có vào tài khoản, cho thấy việc cả thị trường cùng hợp lực đã và đang thúc đẩy hơn nữa xu hướng thanh toán QR phát triển.

Quan sát ngành thanh toán Việt Nam, Payoo cho rằng QR code còn nhiều cơ hội để bùng nổ hơn nữa. Nhìn vào thị trường Ấn Độ, thanh toán mã QR qua UPI (giao diện thanh toán hợp nhất) được hơn 300 triệu người dùng sử dụng và được chấp nhận tại hơn 50 triệu cửa hàng bán lẻ, từ các cửa hàng ven đường đến những trung tâm mua sắm cao cấp.

Vào tháng 3/2023, thống kê từ cơ quan giám sát UPI ở Ấn Độ cho thấy, hơn 8,65 tỷ giao dịch trị giá hơn 170 tỷ USD đã được thực hiện. Cuộc cách mạng thanh toán số ở Ấn Độ khiến tiền mặt ở quốc gia này giảm hẳn. Nếu so sánh Việt Nam, rõ ràng tiềm năng thanh toán QR Code vẫn còn rất lớn.

Fintech và ngân hàng cùng hợp tác thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Nhiều năm qua, Fintech vẫn đóng vai trò là cánh tay nối dài của hệ thống ngân hàng. Trong khi ngân hàng tập trung nguồn lực vào nghiệp vụ quản lý dòng tiền và tài khoản của nhà bán, các Fintech với lợi thế về công nghệ sẽ là đơn vị lắng nghe và đáp ứng được những đòi hỏi tỉ mỉ của khách hàng doanh nghiệp nhờ tính nhanh nhạy, linh hoạt.

Sự song hành của Fintech và ngân hàng giúp chuyên môn hóa dịch vụ, tận dụng triệt để nguồn lực nhân sự, kỹ thuật và hạn chế việc cạnh tranh trực tiếp với nhau. Những hợp tác ngân hàng và fintech sẽ giúp tất cả các bên gặt hái thành tựu trong bối cảnh thị trường luôn luôn đổi mới và biến động.

Tiêu dùng 2023: Dè dặt nửa đầu năm nhưng dần hồi phục vào cuối năm

Mặc dù 2023 là một năm nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cả Chính phủ, Sở ban ngành, các ngân hàng, tổ chức thẻ trong việc kích cầu tiêu dùng thông qua các chính sách hỗ trợ về thuế, các chương trình khuyến mại dành cho thanh toán không tiền mặt và ưu đãi riêng của các siêu thị, trung tâm thương mại,… cùng cộng hưởng, tiêu dùng nửa cuối năm 2023 vừa qua cũng hồi phục tốt hơn nửa đầu năm.

Theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế tiếp tục có xu hướng phục hồi với mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,05% (Quý I tăng 3,41%; quý II tăng 4,25%; quý III tăng 5,47%; quý IV tăng 6,72%).

Từ sau dịp hè vừa qua và càng gần cuối năm, nhu cầu chi tiêu cũng cao hơn để đáp ứng cho mùa lễ hội, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới. Tại các hệ thống siêu thị vào quý IV này, các chương trình khuyến mãi diễn ra liên tục trong từng tuần, từng tháng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đón nhận 12 triệu lượt khách du lịch nước ngoài do các chính sách mở cửa về visa. Đây cũng là nguồn lực đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng tiêu dùng trong nước, thể hiện qua tỷ trọng thẻ quốc tế phát hành tại nước ngoài có phát sinh giao dịch thanh toán qua hệ thống Payoo tăng gấp đôi trong quý IV so với cùng kỳ.

Nửa cuối năm nay, lĩnh vực bán lẻ siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại ở 6 tháng cuối năm tăng 10% so với 6 tháng đầu năm. Riêng lĩnh vực du lịch và F&B, tăng trưởng 2 quý cuối năm đạt 20% so với nửa đầu năm . Ở chiều ngược lại, trong quý IV vẫn có những lĩnh vực mà tiêu dùng của người dân kém khả quan, chẳng hạn trong mảng ICTs ghi nhận nhiều doanh nghiệp giảm từ 20-30% doanh thu. Ở mảng này, nhiều chuỗi ICTs cũng đã đóng cửa một số cửa hàng có kết quả kinh doanh kém.

Tiêu dùng vẫn là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế trong năm 2024. Với tốc độ hồi phục tuy chậm mà chắc, công ty fintech kỳ vọng sẽ ghi nhận những tín hiệu tích cực của các doanh nghiệp từ quý I năm sau.

Dựa trên số liệu thống kê của đối tác trên toàn quốc, Payoo đã tổng hợp và ghi nhận một số xu hướng thanh toán của người dùng trong nửa cuối năm 2023.

Thanh toán không tiếp xúc đang trở thành hình thức được ưa thích hơn cả đặc biệt với giới trẻ bởi trải nghiệm thanh toán nhanh chóng, an toàn và chủ động mà nó mang lại. Cùng với sự phát triển và phổ biến của thanh toán không tiếp xúc là sự chủ động của người dùng: tự chạm điện thoại, đồng hồ hay thẻ vào thiết bị thanh toán mà không cần thông qua thu ngân.

QR Code dẫn đầu xu thế

QR code trở thành xu hướng thanh toán phổ biến nhất và tỷ trọng thanh toán QR code ngày càng tăng. Theo Napas, quý 3 vừa qua, thanh toán QR qua VietQR đã tăng trưởng gấp đôi về số lượng và đạt hơn 100 triệu lượt giao dịch/tháng. Trên hệ thống Payoo, thanh toán QR code trên nền tảng trực tuyến trong quý 3 đang tăng 6% số lượng và 30% giá trị so với quý trước. Tại quầy, thanh toán QR code tăng 8% về số lượng và gần 20% về giá trị, và đạt mức tăng 44% so với 3 tháng đầu năm.

Khách hàng thanh toán bằng mã QR. Ảnh: Payoo

Tỷ trọng giá trị thanh toán QR code so với hình thức thanh toán khác là khoảng 20% với giao dịch tại quầy và gần 40% với giao dịch trực tuyến. Tỷ trọng này đã có sự tăng trưởng dần đều ở mỗi quý. Đặc biệt, nếu như QR code trước đây chỉ phổ biến trong các giao dịch mua sắm, ăn uống tự doanh của cửa hàng thì nay cũng đã phổ biến trong lĩnh vực thanh toán hoá đơn. Hiện tại, các dịch vụ hoá đơn cũng đang triển khai hình thức thanh toán QR code (Điện, Nước, Truyền hình, Internet, Phí dịch vụ, Điện thoại cố định, học phí, viện phí). Số lượng giao dịch QR code mảng hoá đơn đã tăng 2,6 lần so với Quý 2.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thanh toán QR dẫn đầu xu thế bởi hình thức này được đón nhận từ mọi bên: từ phía Chính phủ, doanh nghiệp và cả người dùng.

Về phía Chính phủ, nhiều chính quyền địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Bến Tre, Bình Phước,… đã quy hoạch những tuyến phố không dùng tiền mặt. Các cơ quan đoàn thể như Tổng công ty Điện lực, Các đơn vị cấp nước, Sở Giáo dục và Đào Tạo,… khuyến khích thanh toán không tiền mặt.

Về phía người dân, thanh toán QR không chỉ được người trẻ am hiểu công nghệ đón nhận mà còn thân thiện với cả những người lớn, trung niên. Trong một số lĩnh vực như taxi truyền thống – phổ biến với người dùng trung niên, tỷ trọng giao dịch thanh toán qua mã QR cũng ghi nhận mức tăng trưởng từ 10% lên 40%.

Về phía doanh nghiệp, phí thanh toán QR code rất cạnh tranh so với hình thức khác như thẻ truyền thống nên được nhiều nhà bán hàng ưa chuộng. Trong tương quan giữa thanh toán thẻ và QR, thẻ có vẻ chiếm ưu thế ban đầu với 140 triệu thẻ đang lưu hành trên thị trường (103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế), nhưng QR đã nhanh chóng vươn lên trở thành phương thức phổ biến thời gian gần đây. Điều này xuất phát từ việc triển khai thanh toán QR dễ dàng và ít tốn kém – so với chi phí đầu tư cho thanh toán thẻ thường khá cao, buộc các ngân hàng, tổ chức thẻ tính chi phí vận hành trên mỗi giao dịch. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, phí xử lý thanh toán chính là gánh nặng và trở thành rào cản khiến các giao dịch thẻ ít được đón nhận hơn. Điều này thể hiện rõ ở các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, khi nhiều trường hợp nhà bán chỉ chấp nhận cho khách hàng thanh toán QR để tối ưu chi phí.

Tuy vậy, với góc nhìn của Payoo, để thị trường thanh toán điện tử có sự đa dạng và hỗ trợ lẫn nhau mà không quá thiên lệch về một hình thức nào, cần có sự điều phối từ nhà nước và các đơn vị tài chính dẫn đầu, gồm ngân hàng, tổ chức thẻ về vấn đề phí. Mục đích của việc điều phối này là để người dùng được quyền lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp với nhu cầu của họ thay vì quyền lựa chọn hiện nay phần lớn thuộc về các nhà bán hàng.

Thanh toán không tiếp xúc ngày càng được ưa chuộng

Apple Pay ra mắt tại Việt Nam vào tháng 8 khiến thanh toán contactless được lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng yêu công nghệ. Nhưng từ trước đó, các ngân hàng, tổ chức thẻ đã cùng phối hợp, nỗ lực truyền tải thông điệp về sự thuận tiện, nhanh chóng, an toàn của phương thức thanh toán này. Mastercard một tổ chức thẻ tiên phong trong việc truyền thông và hướng dẫn thanh toán contactless thông qua các chương trình khuyến mãi được tổ chức 3 năm liên tiếp trên hàng ngàn điểm bán. Phía Napas cũng cho biết toàn bộ thẻ phát hành mới hiện tại đều là thẻ contactless. Nhiều ngân hàng bán lẻ cũng phát hành đồng thời các loại thẻ vật lý lẫn thẻ phi vật lý đa tính năng gắn với thiết bị di động như đồng hồ, điện thoại, giúp tiết kiệm chi phí phát hành phôi thẻ và thân thiện với môi trường.

Sau nhiều nỗ lực giáo dục thị trường, những thu ngân viên khi nhìn thấy biểu tượng contactless trên thẻ đã lập tức “chạm” chứ không mặc định chèn chip hoặc quẹt dải từ vào đầu đọc như trước. Người dân cũng đã dần thay đổi thói quen trong thanh toán từ chỗ đưa thẻ cho thu ngân xử lý nay họ chủ động chạm thẻ vào thiết bị. Các ngân hàng, tổ chức tài chính khác cũng lần lượt chi ngân sách lớn cho các chương trình ưu đãi dành riêng cho thẻ contactless. Thống kê trên nền tảng Payoo ghi nhận, quý 3 vừa qua, giao dịch thanh toán contactless đã tăng 8% số lượng và 18% giá trị so với Q2, tăng 35% số lượng và giá trị so với Q1 và dự kiến sẽ còn tăng mạnh nữa vào cao điểm mua sắm cuối năm khi nhiều chương trình khuyến mãi cho riêng phương thức thanh toán này được triển khai đồng loạt trên toàn quốc.

Bên cạnh thanh toán thẻ contactless, một xu hướng thẻ mới đang được các ngân hàng chủ động phát hành là Thẻ tín dụng nội địa. Với ưu điểm tính năng như thẻ một thẻ tín dụng quốc tế nhưng dành cho thị trường nội địa, phí xử lý thanh toán thấp hơn nhiều so với thẻ quốc tế, đây dự kiến cũng là phương thức thanh toán được đón nhận trong thời gian tới.