Payoo tổng hợp một số thông tin và ghi nhận một số xu hướng tiêu dùng nổi bật về hành vi tiêu dùng dựa trên số liệu thống kê của đối tác Payoo trên toàn quốc.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tăng lên hàng quý (quý 1 tăng 3,28%; quý 2 tăng 4,05%; quý 3 tăng 5,33%) đã thể hiện  xu hướng tích cực của nền kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng phần nào đã trở lại.

Tuy vậy, mức độ tăng trưởng GDP này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 – 2023. Nền kinh tế có khởi sắc nhưng vẫn sẽ mất một khoảng thời gian dài tiếp theo để người dùng có thể chi tiêu thoải mái. Điểm sáng là đa phần người dân đã trở nên nhạy bén hơn, chủ động và linh hoạt tuỳ biến mức chi tiêu của mình theo tình trạng kinh tế hiện tại. Về phương diện thanh toán, đây cũng là giai đoạn vàng để các hình thức thanh toán không tiền mặt mới được phổ biến rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ người dùng ở nhiều địa phương, nhiều tầng lớp.

Tăng chi tiêu thiết yếu và chăm sóc sức khỏe

Theo báo cáo thị trường FMCG Việt Nam của Kantar phát hành quý 2 vừa qua, hơn 1/4 các hộ gia đình vẫn đang đối mặt với khó khăn về tài chính. Từ Quý 4/2019 đến Quý 2/2023, số lượng gia đình phải cắt giảm chi tiêu đã tăng đáng kể từ 19% lên 28%.

Quý 3 vừa qua, dù tín hiệu kinh tế đã ổn định hơn nhưng tâm lý lo ngại về công việc và thu nhập vẫn tồn tại, người dùng vẫn cắt giảm chi tiêu để đầu tư vào những giá trị cốt lõi như hàng hoá thiết yếu và tập trung chăm sóc sức khoẻ.

Thống kê dữ liệu của Payoo cho thấy, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh đang có tốc độ tăng trưởng khá. Giao dịch tại quầy của nhóm này tăng trưởng 14% về số lượng và 20% về giá trị so với quý trước, và tăng gần 40% về cả số lượng và giá trị kể từ đầu năm nay. Trong khi đó, các giao dịch trực tuyến giảm 12% và số lượng và 11% về giá trị so với quý trước. Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh không còn duy trì mua trực tuyến như thời điểm sau dịch mà trở lại mua sắm trực tiếp tại cửa hàng.

Một trong những nguyên nhân của tình hình khởi sắc nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi có thể xuất phát từ Chính sách giảm thuế VAT của Chính phủ từ 10% xuống 8% từ 1/7/2023, các chính sách bán hàng kích cầu riêng của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, cộng hưởng với chương trình ưu đãi cho mùa tựu trường khi phụ huynh tranh thủ sắm sửa những vật dụng cho trẻ bước vào năm học mới.

Đầu quý 3 cũng là mùa tăng trưởng doanh thu hàng năm của nhóm ICTs shop khi nhu cầu mua điện thoại, máy tính xách tay và máy tính bảng gia tăng dịp tựu trường. Bên cạnh đó, các chiến dịch cạnh tranh về giá tác động trực tiếp đến túi tiền người tiêu dùng được các nhà bán ICTs đồng loạt triển khai như: “Giá rẻ quá”, “Ở đâu giá rẻ, ở đây rẻ hơn”, “Rẻ hơn các loại rẻ” đã phần nào giúp ngành ICTs tăng trưởng trở lại so với kết quả kinh doanh kém khả quan trong 2 quý đầu năm. Tổng kết quý 3, đối với các giao dịch trực tuyến được thực hiện trên website và ứng dụng di động, nhóm ngành ICTs tăng 42% về số lượng, 19% về giá trị so với quý trước; giao dịch tại quầy tăng gấp 2 về số lượng và giá trị so với quý trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng khoảng 15%. Trong đó, giao dịch những ngày cuối tháng 9 tăng đột biến nhờ đợt mở bán chính thức các dòng sản phẩm iPhone 15 series – sản phẩm được những người yêu thương hiệu Apple chờ đón từ lâu.

Cuộc chiến về giá đã phát huy tác dụng vào quý 3/2023

Một trong những xu hướng được ghi nhận từ quý 2 và tiếp tục duy trì đến nay là người dân quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khoẻ. Trong quý 3, lượng giao dịch ở nhóm các sản phẩm wellness, dược phẩm, thực phẩm chức năng tăng 42% so với quý trước trên kênh online, và tăng 20% trên kênh POS tại quầy. Cùng với đó, lượt mua các gói chạy, đạp xe với các đối tác giải thể thao, chạy bộ cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt.

Đi ngược dòng với nhóm sản phẩm dịch vụ thiết yếu, các nhóm sản phẩm dịch vụ không thiết yếu đều giảm nhiệt. Cụ thể, nhóm Gym và Fitness, làm đẹp, spa, mỹ phẩm giảm khoảng 10% – 20% về cả số lượng và giá trị so với quý trước.

Du lịch ổn định, F&B tăng ấn tượng so với cùng kỳ

Du lịch để tìm kiếm những trải nghiệm sống mới từ lâu đã trở thành phong cách của nhiều người Việt trẻ. Việt Nam vừa trải qua những tháng hè cao điểm của mùa du lịch, các giao dịch mua vé máy bay, tour du lịch tại quầy tăng nhẹ so với quý trước và tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi du lịch giữ đà tăng ổn định thì thanh toán cho ngành F&B tại quầy bứt phá ấn tượng so với cùng kỳ năm trước: tăng 58% về số lượng và 35% về giá trị. Trong đó, nổi bật là tăng trưởng của nhóm các nhà hàng cao cấp. Giá trị đơn hàng trung bình của các nhà hàng dành cho người có thu nhập khá giả này tăng 7% so với quý trước, trong khi giá trị trung bình của các đơn hàng thức uống, thức ăn nhanh hầu như không thay đổi.

Khuyến mãi được săn đón

Mặc dù tăng trưởng của một số nhóm ngành trong quý 3 là đáng ghi nhận nhưng có thể nhìn thấy xu hướng tìm kiếm mặt hàng giá rẻ hơn vẫn duy trì ở nhiều nhóm ngành (ngoại trừ ngành F&B), khi số lượng giao dịch tăng đáng kể nhưng giá trị giao dịch chỉ tăng nhẹ, không tăng hoặc giảm nhẹ. Chính xu hướng tiết kiệm chi tiêu, cùng với sự phát triển của nhiều nền tảng mua sắm, người dùng được tiếp cận cùng một sản phẩm với đa dạng nhà bán hàng nên đã hình thành thói quen so sánh giá giữa nhiều nhà cung cấp và tích cực tìm kiếm các ưu đãi để chọn một mức giá hời hơn cả. Báo cáo của Kantar cho thấy 49% người tiêu dùng tham khảo nhiều cửa hàng để tìm kiếm chương trình ưu đãi hấp dẫn trước khi quyết định mua hàng. Khuyến mãi cũng đang trở thành động lực kích thích tiêu dùng và là lý do để người dùng chờ đợi khi muốn sở hữu một món đồ mới.

Các ví điện tử, ngân hàng cũng góp phần khuyến khích mua sắm thông qua các chương trình ưu đãi

Đi cùng xu thế này, các ngân hàng, ví điện tử cũng liên tục tung ra các chương trình ưu đãi nhằm khuyến khích các hình thức thanh toán không tiền mặt. Nhờ có nền tảng công nghệ được cấu hình sẵn sàng, Payoo có lợi thế đặc biệt là có thể triển khai ngay các chương trình khuyến mãi khi đối tác có ý tưởng, giúp đối tác tiết kiệm thời gian chuẩn bị, đặc biệt là khi xây dựng những chương trình đột xuất. Từ đầu năm đến nay, Mastercard, Napas, VPBank đã tổ chức nhiều chương trình ưu đãi cho thanh toán thẻ và thanh toán không tiếp xúc tại các đối tác của Payoo trên nền tảng khuyến mãi do Payoo phát triển và ghi nhận những kết quả khả quan. Tiêu biểu, trong thời gian diễn ra chương trình ưu đãi của Mastercard, lượng giao dịch tại cửa hàng F&B tăng 15%, tại các cửa hàng tiện lợi tăng từ 25% – 43% so với thời điểm thông thường. 

Xem tiếp xu hướng thanh toán quý 3.2023

Tăng cường sử dụng và thông thạo các dịch vụ số, Sự gia tăng sử dụng dịch vụ tiêu dùng số tại các khu vực tỉnh thành nhỏ và Người dùng trẻ tuổi trở thành nhóm người dùng số chủ lực là dự báo của Shopee về 3 xu hướng chính tiêu dùng chính sẽ định hình nền kinh tế số tại Việt Nam trong năm 2023.

1. Người dùng Việt tăng cường sử dụng và thành thạo các dịch vụ số

Trong thời gian qua, người tiêu dùng Việt Nam đã nhận ra sự tiện ích mà các dịch vụ số mang lại. Họ ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho các nền tảng này, đồng thời mong muốn nhận được thêm nhiều giá trị và trải nghiệm trực tuyến hoàn chỉnh hơn. 

Người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam mong đợi những trải nghiệm mua sắm trực tuyến toàn diện hơn với các tính năng giải trí và tương tác tích hợp trên các nền tảng thương mại điện tử.

Năm 2022, người dùng đã dành hơn 37 triệu giờ trên Shopee Live cho việc kết nối, tương tác với nhà bán hàng yêu thích để tìm hiểu về các sản phẩm mình quan tâm trước khi đặt mua. Người dùng cũng cảm thấy hứng thú hơn khi mua sắm trực tuyến với Giải thưởng Shopee, minh chứng ở số lượt chơi tăng gấp đôi so với năm 2021.

Người dùng số cũng trở nên chủ động hơn khi mua sắm trực tuyến, họ tích cực chia sẻ các phản hồi, đánh giá của mình về sản phẩm đã trải nghiệm. Trong năm 2022, người dùng Shopee đã để lại hơn 268 triệu đánh giá về các sản phẩm và nhà bán hàng trên nền tảng, giúp những người dùng khác đưa ra quyết định mua hàng tốt hơn.

Trong năm 2022, Shopee đã giới thiệu chuỗi phát sóng trực tiếp với nhiều nội dung, có sự tham gia của những nghệ sĩ nổi tiếng trong nước như “12H rồi! Shopee Live thôi!” hay chương trình truyền hình “Nói Vui Mua Nhiều”, bên cạnh đó là các hoạt động giải trí trên Giải Thưởng Shopee đã thu hút sự quan tâm của người dùng.

Các hoạt động này đã giúp thương hiệu và nhà bán hàng khai thác tính năng tương tác trên nền tảng để tiếp cận khách hàng tiềm năng, gia tăng mức độ ưa thích đối với sản phẩm của họ và làm tăng lưu lượng truy cập trực tuyến và mở rộng tệp khách hàng. 

Bên cạnh đó, Shopee cũng đem đến những khóa học trực tuyến miễn phí từ Shopee Uni giúp nhà bán hàng dễ dàng tiếp cận với TMĐT, phát triển kỹ năng vận hành gian hàng để kinh doanh hiệu quả trên nền tảng. 

2. Sự gia tăng sử dụng dịch vụ tiêu dùng số tại các khu vực tỉnh thành nhỏ

Số lượng người dùng ở các vùng nông thôn và ngoại thành Việt Nam chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến ngày một tăng. Thông qua thương mại điện tử, họ có thể tăng cường kết nối với các thương hiệu và nhà bán hàng, tiếp cận các sản phẩm có chất lượng với mức giá phải chăng một cách thuận tiện hơn.

Ngoài các thành phố lớn, Đồng Nai, Bình Dương và Hải Phòng là những tỉnh thành có số lượng đặt hàng cao nhất trên Shopee, trong đó Nhà cửa và Đời sống, Sức khỏe và Sắc đẹp, Thời trang là những ngành hàng được quan tâm nhất. 

3. Người dùng trẻ tuổi trở thành nhóm người dùng số chủ lực. 

Nhóm người dùng tích cực nhất trên Shopee thuộc vào độ tuổi từ 18 đến 34 tuổi. Theo ghi nhận, người dùng thuộc nhóm này có số lượng đơn hàng nhiều hơn 1,5 lần so với lượng đơn hàng trung bình của một người dùng trên Shopee trong năm 2022.

Nhóm người dùng trẻ tuổi dành nhiều sự quan tâm đến các ngành hàng Sức khỏe & Sắc đẹp, Thời trang, Điện tử và Đồ gia dụng, trong đó các sản phẩm chăm sóc da, thời trang nữ, điện thoại thông minh và phụ kiện được đặt mua nhiều nhất.

Ở góc độ chiến lược, các thương hiệu có thể tận dụng Bộ giải pháp Marketing của Shopee cùng các công cụ hỗ trợ như bảng phân tích dữ liệu bán hàng để tạo ra những trải nghiệm cá nhân hóa, phù hợp với thị hiếu người dùng và kết nối tốt hơn với khách hàng tiềm năng.  

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam chia sẻ: Bước sang năm 2023, công nghệ được dự đoán sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của mọi người. Chúng tôi hy vọng có thể giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng, từ đó đặt nền tảng cho một hệ sinh thái kỹ thuật số linh hoạt, cho phép họ tiếp cận nhiều người dùng hơn trong tương lai.”

“Những doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu của người tiêu dùng số sẽ có thêm nhiều cơ hội để đạt được thành công lâu dài”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.