Trước bối cảnh thị trường điện thoại, điện máy dần trở nên bão hòa và sức mua yếu do tác động của nền kinh tế, các doanh nghiệp trong ngành bước vào cuộc đua giá rẻ, dẫn đến kết quả kinh doanh của 2 ông lớn bán lẻ Thế Giới Di Động (MWG) và FPT Shop (FRT) sụt giảm nghiêm trọng. Còn doanh nghiệp bán buôn khác cũng không khả quan.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, 5 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, liên quan đến sản phẩm điện thoại, điện máy, đều giảm lãi trong năm 2023, đặc biệt với MWG và FRT có lợi nhuận thấp nhất từ khi niêm yết, FRT thậm chí chuyển lỗ. Digiworld, Petrosetco cũng có mức lãi thấp.
Xét riêng quý 4/2023, nhóm doanh nghiệp có mối quan hệ mẹ – con là PET và PSD đi ngược xu hướng, tuy tăng trưởng lãi ròng nhưng lại không đến từ hoạt động cốt lõi.
“Ông lớn” bán lẻ và những kỷ lục buồn
Thế giới Di động (HOSE: MWG) kết thúc năm 2023 với hơn 118 ngàn tỷ đồng doanh thu. Đóng góp chính vẫn là doanh thu từ chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ, bao gồm Topzone) và Điện máy Xanh (ĐMX), lần lượt hơn 28 ngàn tỷ đồng và 55 ngàn tỷ đồng, giảm 18% và 20%. Theo MWG, hầu hết ngành hàng đều suy giảm, ngoại trừ máy lạnh.
Sau chuỗi ngày khó khăn, sự kiện “ông lớn” bán lẻ này đóng cửa gần 200 cửa hàng TGDĐ và ĐMX không hiệu quả trong quý 4 đã đến như một lẽ tất yếu.
Riêng Bách hóa Xanh (BHX) có doanh thu tăng 17%, đạt gần 32 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động tài chính lại mang đến khoản lãi gần 611 tỷ đồng, thay vì lỗ gần 70 tỷ đồng như cùng kỳ.
Với vô vàn khó khăn, MWG khép lại năm 2023 với lãi ròng giảm đến 96%, còn gần 168 tỷ đồng. Kể từ thời điểm niêm yết năm 2014, đây là mức lãi ròng thấp nhất của MWG.
Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT) ghi nhận 4 quý đều thua lỗ trong năm 2023, bất chấp doanh thu đạt cột mốc mới.
Năm 2023, FPT Retail mang về gần 32 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 6% với động lực chính từ chuỗi FPT Long Châu tăng đến 66%, đóng góp 50% cơ cấu doanh thu, đồng thời tiếp tục mở rộng thêm 560 cửa hàng, nâng tổng số lên 1,497 nhà thuốc. Ngược lại, chuỗi FPT Shop đi lùi 22%, giảm 31 cửa hàng, trong đó một số nơi chuyển mặt bằng sang chuỗi Long Châu.
Sau khi trừ chi phí, FRT lỗ ròng 346 tỷ đồng, đánh dấu năm đầu tiên lỗ kể từ khi lên sàn.
Doanh nghiệp bán buôn cũng khó thoát cảnh ảm đạm
Không chỉ doanh nghiệp bán lẻ gặp khó trước thị trường chung khắc nghiệt, các doanh nghiệp bán buôn cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Với Thế Giới Số (Digiworld, HOSE: DGW), năm 2023, doanh thu đạt gần 19 ngàn tỷ đồng, giảm 15%; lãi ròng hơn 354 tỷ đồng, lao dốc 48%.
2 hoạt động chủ đạo chiếm đến 74% doanh thu là kinh doanh điện thoại và laptop, máy tính bảng giảm lần lượt 25% và 16%. Các mảng còn lại gồm thiết bị văn phòng, thiết bị gia dụng và tiêu dùng dù tăng trưởng nhưng mức độ tác động lên kết quả chung không đáng kể.
Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng 31%, lên 944 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí quảng cáo, khuyến mãi, hỗ trợ khách hàng tăng mạnh.
Về phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, HOSE: PET), dù có lãi gần 23 tỷ đồng trong quý cuối năm, thay vì lỗ hơn 24 tỷ đồng như cùng kỳ, nhưng sau những khó khăn đã tích lũy trong 9 tháng đầu năm, PET vẫn không thể kết thúc năm 2023 với sự tăng trưởng.
Quý 4/2023 cho thấy, PET hưởng lợi từ việc không còn lỗ đầu tư chứng khoán như kỳ trước, bên cạnh việc tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, trong khi hoạt động cốt lõi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với doanh thu và lãi gộp đều giảm. PET lý giải, do tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm điện tử sụt giảm.
PET gặp khó, Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (HNX: PSD) – công ty con do PET trực tiếp sở hữu 77% vốn – cũng phản ánh cục diện tương tự. Doanh thu quý 4/2023 giảm 18%, lãi gộp giảm 35%, các chi phí buộc phải tiết giảm để cứu lấy sự tăng trưởng của lợi nhuận ròng.
Tuy nhiên, kết quả cả năm của PSD vẫn đi lùi 45% lợi nhuận khi các quý trước đó chịu nhiều ảnh hưởng.
Vắng bóng doanh nghiệp “về đích”
Với kết quả không khả quan, cả 5 doanh nghiệp kinh doanh điện thoại, điện máy đều không hoàn thành kế hoạch năm 2023.
MWG hoàn thành 88% mục tiêu doanh thu nhưng chỉ đạt 4% lợi nhuận. Khoản lỗ khiến FRT ngậm ngùi chịu một năm dưới vạch đích lợi nhuận, dù doanh thu hoàn thành được 94%.
Nhóm bán buôn, DGW hiếm hoi tiệm cận với kế hoạch, hoàn thành lần lượt 95% doanh thu và 91% lợi nhuận. Nhưng phải lưu ý rằng, DGW đã đặt mục tiêu rất thận trọng với lợi nhuận chỉ bằng nửa kết quả năm trước.
PET chỉ cách vạch đích doanh thu khoảng 1%, nhưng lợi nhuận chỉ đi được hơn một nửa, do kế hoạch 2023 của PET tương đối tham vọng, cao hơn 40% kết quả năm trước. Còn với công ty con là PSD, kết thúc năm chỉ hoàn thành 66% doanh thu và 53% lợi nhuận.
Triển vọng nào cho năm 2024?
Sau một năm đầy trắc trở, các doanh nghiệp kinh doanh điện thoại, điện máy bước sang năm mới với mức nền cực thấp, đồng thời được kỳ vọng đạt kết quả khả quan hơn.
Theo quan điểm của SSI Research, trình bày trong báo cáo “Triển vọng Ngành Bán lẻ năm 2024”, doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ điện thoại, điện máy sẽ phục hồi 5% trên mức nền thấp của năm 2023; tuy nhiên tốc độ tăng sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2024.
SSI Research cũng đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô có thể còn nhiều khó khăn trong năm 2024, điển hình là lạm phát. Nhưng một số khó khăn sẽ giảm bớt so với năm 2023 như môi trường lãi suất thấp và triển vọng xuất khẩu tốt hơn, từ đó hỗ trợ phục hồi trong tiêu dùng không thiết yếu ở tốc độ chậm.
Biên lợi nhuận dự kiến sẽ tăng trong năm 2024, sau giai đoạn bị kéo tụt do hoạt động giảm hàng tồn kho bởi các nhà bán lẻ điện thoại, điện máy, sau đó dẫn đến cuộc chiến về giá.
Việc giảm hàng tồn kho các sản phẩm điện thoại, điện máy đã bắt đầu từ quý 4/2022 và diễn ra gay gắt nhất đối với sản phẩm iPhone 14. Do việc bàn giao iPhone 14 muộn (quý 1/2023 thay vì quý 4/2022 như dự kiến ban đầu), người tiêu dùng đã hủy đơn đặt hàng, các nhà bán lẻ phải giảm giá sâu để giải phóng hàng tồn trước khi Apple ra mắt mẫu sản phẩm mới, khiến cuộc chiến giá cả khốc liệt nhất xảy ra trong quý 2/2023. Theo đó, mức giảm giá iPhone 14 lên tới 25%. Trong khi , mức giảm giá iPhone 15 là từ 4 – 6% trong quý 3/2023. Như vậy, cuộc chiến giá cả đã hạ nhiệt trong quý 3/2023. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ điện thoại, điện máy có thể phải duy trì chiến lược giá cạnh tranh và biên lợi nhuận trong năm 2024 có thể không quay trở lại được mức như năm 2022.
Riêng với chuỗi BHX của MWG và Long Châu của FRT, dù không phải sản phẩm điện thoại, điện máy nhưng đang dần cho thấy những đóng góp quan trọng cho 2 “ông lớn” bán lẻ này. SSI Research dự đoán Long Châu sẽ duy trì tốc độ mở cửa mới tích cực, trong khi BHX sẽ đạt mức hòa vốn trong nửa đầu năm 2024, tạo điều kiện để mở mới từ nửa cuối năm 2024.
Xét về doanh thu, chuỗi BHX dự kiến tăng 20% so với cùng kỳ, hòa vốn trong nửa đầu năm 2024. Còn với Long Châu ước tăng 22%.
Theo Vietstock