Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra sức mạnh để phát triển nền kinh tế số, góp phần hoàn thiện quá trình chuyển đổi số của quốc gia – theo Huawei.
Ông Li Hai – Giám đốc An ninh bảo mật, Quan hệ Chính phủ và Truyền thông của Huawei Châu Á – Thái Bình Dương đã chia sẻ về cách Trí tuệ nhân tạo (AI) giải phóng giá trị của dữ liệu đáng tin cậy, cũng như đưa ra 06 khuyến nghị về chính sách quản trị, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn bảo mật cho AI và Dữ liệu tại Security Day 2023.
Hội thảo & Triển lãm “Ngày An toàn thông tin Việt Nam” lần thứ 16 (Security Day 2023) là diễn đàn quan trọng cấp quốc gia, do Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ và tổ chức. Với chủ đề “An toàn dữ liệu trong thời đại Điện toán đám mây và Trí tuệ nhân tạo”, sự kiện năm nay thu hút hơn 3.000 chuyên gia tham dự. Cùng với hơn 40 diễn giả, chương trình hội thảo đã tổ chức 01 phiên toàn thể và 03 phiên chuyên đề trao đổi về các chính sách và giải pháp công nghệ về an toàn thông tin mạng hiện nay.
Trong phiên chuyên đề, ông Li Hai – Giám đốc An ninh bảo mật, Quan hệ Chính phủ và Truyền thông Huawei Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đã có bài trình bày về chủ đề mở rộng của dữ liệu đang được quan tâm hàng đầu hiện nay: “Đổi mới và phát triển – An toàn và tin cậy với Trí tuệ nhân tạo”.
Trí tuệ nhân tạo tạo ra sức mạnh thúc đẩy nền kinh tế số quốc gia
Ông Li Hai cho biết, AI đang là công cụ quan trọng cho phép các ngành công nghiệp nâng cao hiệu quả và năng suất ở quy mô lớn hơn thông qua “Tri thức + Dữ liệu + Thuật toán + Sức mạnh điện toán”. Cụ thể, dữ liệu là thành phần, thuật toán là động lực, sức mạnh điện toán là cơ sở hạ tầng… của AI.
Huawei dự đoán thế giới thông minh 2030 sẽ phát triển từ “Kết nối + Điện toán” hiện nay trở thành “AI + Dữ liệu + Xanh” với sự bùng nổ của thương mại kỹ thuật số, băng thông rộng gigabit, vũ trụ ảo metaverse, trí tuệ lan tỏa, hệ thống tự trị, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin xanh… Với GenAI (Generative AI – AI Tạo sinh), thế giới đang ở thời điểm bước ngoặt của kỷ nguyên số. GenAI dân chủ hóa việc sử dụng AI, trao quyền sử dụng cho mọi lực lượng lao động, tạo điều kiện đổi mới và trao cơ hội kinh doanh mới cho khu vực công lẫn tư. Có thể nói, GenAI là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” có tác động lớn đến nền kinh tế và xã hội, thúc đẩy năng suất và sản lượng tăng trên 18%.
Ông Li Hai khẳng định, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế số của mỗi quốc gia phụ thuộc vào sức mạnh điện toán bình quân đầu người và ngược lại, cơ sở hạ tầng sức mạnh điện toán cũng trở thành động cơ mới của mỗi nền kinh tế số. Dự đoán, AI có thể làm tăng sức mạnh điện toán lên gấp 500 lần. Do đó, hơn 50 nước đã đưa mục tiêu thúc đẩy hợp tác và đổi mới, xây dựng chính sách và tiêu chuẩn về AI vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Để các nhà hoạch định chính sách đánh giá tiến độ nền kinh tế số mỗi quốc gia, Huawei đã hợp tác nghiên cứu với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDC giới thiệu chỉ số DFE (Digital First Economy Index), nhằm đo lường liên tục mức độ sẵn sàng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Theo điểm DFE, Việt Nam và hầu hết quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương chỉ mới ở giai đoạn đầu và chưa nước nào đạt được mức độ chuẩn bị sẵn sàng cao nhất cho nền kinh tế số. Cải thiện chỉ số DFE sẽ tạo ra tác động cấp số nhân đối với tăng trưởng GDP: Tăng 1 điểm DFE tương quan với mức tăng trưởng 3% GDP.
Huawei khuyến nghị cách xây dựng hệ thống tiêu chuẩn bảo mật cho trí tuệ nhân tạo
Tại sự kiện, ông Li Hai đã đưa ra 06 khuyến nghị về chính sách quản trị, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn bảo mật đáng tin cậy cho AI và Dữ liệu đang được các Chính phủ trên thế giới triển khai.
Thứ nhất, chính phủ đi đầu trong việc xây dựng các chiến lược an ninh mạng quốc gia, quy định về nơi lưu trữ dữ liệu và bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia. Cụ thể trong 4 hoạt động:Thiết lập các chính sách, bộ luật, quy định phù hợp với kỷ nguyên số; Ươm mầm nhân tài thích ứng với kỷ nguyên số; Thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp thịnh vượng; Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Thứ hai, nền tảng đám mây chủ quyền quốc gia. Chính phủ cần tăng cường tích hợp và hợp tác để tạo ra nền tảng cơ sở hạ tầng điện toán đám mây chung, nền tảng trao đổi và chia sẻ dữ liệu hợp nhất, nền tảng dịch vụ hợp nhất. Đặc biệt, đảm bảo Đám mây an ninh quốc gia đạt mức độ bảo mật cao nhất.
Thứ ba, chính phủ đẩy nhanh quá trình đám mây hóa và số hóa của các bộ ngành, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn trong các ngành khác nhau. Các bộ ngành đẩy nhanh đám mây hóa và số hóa sẽ giúp khơi thông và tinh gọn các dịch vụ xã hội như dịch vụ công, bảo hiểm xã hội, giao thông, thuế quan, giáo dục, y tế…
Thứ tư, chính phủ đi đầu trong việc thiết lập cơ chế quản lý và thu phí để tạo ra giá trị thông qua dịch vụ dữ liệu và tăng thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số. Các nền tảng trao đổi dữ liệu quy mô lớn sẽ thúc đẩy chủ sở hữu dữ liệu, nhà cung cấp dữ liệu và người dùng dữ liệu mua bán với nhau.
Thứ năm, chính phủ chủ trì thiết lập cơ chế quản lý, tiêu chuẩn kiểm toán, bảo mật và hệ thống chứng nhận. Việc thiết lập môi trường mạng an toàn cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân có vai trò quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Do đó, Chính phủ cần sửa đổi và hoàn thiện Luật an ninh mạng quốc gia, Quy định về quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân, Tiêu chuẩn an ninh mạng theo luật định quốc gia,… dựa theo các khung tham chiếu toàn cầu.
Thứ sáu, chính phủ đi đầu trong việc xây dựng mô hình quản trị hợp tác đa bên phù hợp với nền kinh tế số phát triển nhanh chóng, điều tiết và thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường bảo mật dữ liệu cơ bản cho đến bảo mật toàn bộ vòng đời dữ liệu.
“Để giải phóng những giá trị dữ liệu, AI là một công cụ đáng tin cậy nhờ có các nỗ lực chung. Mục đích cuối cùng của AI cùng các chính sách và tiêu chuẩn dữ liệu là tạo ra giá trị kinh doanh thông qua việc xử lý dữ liệu bảo mật và đáng tin cậy. Chúng tôi luôn ủng hộ Chính phủ đề ra các chính sách và tiêu chuẩn nhằm khuyến khích đổi mới phát triển AI và Dữ liệu xuyên ngành, xuyên quốc gia và xuyên khu vực. Huawei cũng đề xuất cải thiện các chính sách quản trị, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn bảo mật đáng tin cậy cho AI và Dữ liệu, dựa trên mô hình hợp tác đa bên trong các kịch bản ứng dụng ngành cụ thể. Chỉ có không hợp tác và phát triển mới là mối đe dọa và rủi ro an ninh lớn nhất”,ông Li Hai nhấn mạnh.