Tuần trước, chương trình Vitamin Hạnh Phúc đã có nhiều tiểu phẩm cung cấp những thông tin bổ ích về những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay như: livestream nói xấu công ty, xóa dữ liệu công việc  sau khi nghỉ việc có cấu thành nên tội. Hay nặng hơn là việc tiết lộ bí mật kinh doanh sẽ bị xử lý như thế nào?

Chương trình Vitamin Hạnh Phúc do đài THVL và Jet Studio là một chương trình thường thức gia đình thể hiện bằng các tiểu phẩm hài kịch tình huống. Mỗi tập phát sóng là mỗi chủ đề phong phú, cung cấp những kiến thức bổ ích về sức khỏe, giáo dục gia đình và những vấn đề thường gặp trong xã hội.

livestream nói xấu công ty, xóa dữ liệu

Chương trình có sự tham gia của các diễn viên Bích Trâm, Tuyền Mập, Lê Trang, Huyền Trâm, Tuấn Kiệt, Ngọc Xuyên, Thanh Phong, Di Dương, Phương Trâm, Kiều Ngân… và các chuyên gia nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực như: BS.CKII Nguyễn Tôn Ngọc Huỳnh, Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An, Luật sư Dương Ánh Nga – Đoàn Luật sư TP.HCM.

Tiết lộ bí mật kinh doanh

Huyền Trâm nổi giận vì chỉ trong một đêm dữ liệu của công ty đều bị đánh cắp, Lê Trang cho rằng việc mất thông tin và dữ liệu của khách hàng không phải do hacker mà là do người trong công ty làm.

Tuấn Kiệt và Kiều Ngân liền chối bỏ khi bị nghi ngờ. Huyền Trâm hứa sẽ giải quyết mọi chuyện, kiện đến cùng người tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty. Cô yêu cầu sục soát điện thoại của các nhân viên, Tuấn Kiệt chột dạ liền xóa hết mọi thông tin dữ liệu trong điện thoại.

Luật sư Dương Ánh Nga – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, bí mật kinh doanh là các thông tin, dữ liệu về trí tuệ, tài chính có được trong quá trình kinh doanh chưa được bộc lộ và sử dụng trong kinh doanh. Theo Luật Cạnh tranh 2018, hành vi cố tình tiếp cận những dữ liệu bí mật kinh doanh, tiết lộ bí mật kinh doanh ra bên ngoài đều là vi phạm bí mật kinh doanh. 

Theo Bộ luật Lao động năm 2019, chế tài cho các hành vi này là kỷ luật sa thải, yêu cầu phạt tiền từ 100-150 triệu đồng. Các hành vi nghiêm trọng như chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu có mức phạt đến 5 năm tù. Các công ty khi ký hợp đồng lao động cần đưa ra thỏa thuận giữ bí mật kinh doanh trong hợp đồng để có căn cứ xử phạt.

Xóa dữ liệu công ty

Tuấn Kiệt khi bị phát hiện vì tội tiết lộ bí mật của công ty, anh xóa hết mọi dữ liệu của công ty trên máy tính cá nhân. Anh cho rằng tất cả các dữ liệu đó do anh làm ra nên khi nghỉ việc anh có quyền xóa. Kiều Ngân và Huyền Trâm cảnh báo và đe dọa sẽ kiện Tuấn Kiệt vì vi phạm pháp luật.

Luật sư Dương Ánh Nga – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Hành vi xóa hết mọi dữ liệu trong thời gian còn làm việc tại công ty đang đi trái lại với những thỏa thuận của các bên. Việc xóa dữ liệu là hoàn toàn không đúng, họ đang làm việc cho công ty và những công việc trong phạm vi đó là thuộc về tài sản của công ty. Chính vì thế hành vi xóa dữ liệu của công ty được xem là trái với quy định của pháp luật. Tội mua bán, chiếm đoạt, tiêu hủy con dấu, thông tin của tổ chức cá nhân có mức phạt 5 năm tù hoặc phạt tiền từ 20-30 triệu đồng”.

Livestream nói xấu công ty

Sau khi nghỉ việc, Tuấn Kiệt không giấu nổi sự ấm ức, anh livestream nói xấu công ty trên mạng xã hội. Huyền Trâm cảnh cáo Tuấn Kiệt và quyết kiện anh ta ra tòa. Tuấn Kiệt lên tiếng thách thức vì anh cho rằng mình không nêu tên đích danh công ty. Tuy nhiên, Huyền Trâm cho rằng việc nói tắt tên công ty cùng những lời lẽ mang hàm ý ám chỉ công ty là đủ điều kiện để khởi kiện.

Luật sư Dương Ánh Nga – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, những cá nhân đăng tải hình ảnh, tiết lộ thông tin của cá nhân, tổ chức lên mạng xã hội có thể bị xử phạt từ 10 – 30 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, nhân viên “bốc phốt” công ty (bao gồm thông qua hình thức livestream trên mạng xã hội) có thể vi phạm quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của cá nhân, tổ chức, có thể nhận mức án phạt 7 năm tù giam.

Trong trường hợp các cá nhân đưa ra thông tin ảnh hưởng xấu đến hình ảnh công ty, giảm uy tín của công ty hay ảnh hưởng đến doanh thu cũng như lợi nhuận của công ty sẽ quy vào tội làm nhục người khác theo quy định của luật hình sự, có thể nhận mức phạt cao nhất lên đến 5 năm tù.

Hành vi đưa thông tin trùng hoặc tương tự làm cho người nghe hiểu rằng đang ám chỉ công ty đó, làm giảm uy tín của công ty sẽ cấu thành tội lạm dụng quyền tự do dân chủ, làm nhục người khác vẫn có căn cứ vi phạm pháp luật.

Thảo luận không tranh cãi

Thanh Phong phàn nàn vì tính cách nóng nảy của Di Dương khiến mối quan hệ đồng nghiệp trong các buổi họp trở nên căng thẳng, anh biến buổi họp công ty thành một cuộc tranh cãi, đôi co. Khi được đồng nghiệp nhắc nhở, Di Dương vẫn giữ vững lập trường và quan điểm của mình, không lắng nghe đồng nghiệp.

Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết, nguyên nhân dẫn đến các cuộc tranh cãi khi thảo luận phần lớn do chúng ta quá chú trọng vào quan điểm cá nhân của mình, đồng thời không lắng nghe suy nghĩ và quan điểm của người khác, chỉ chăm chăm trình bày quan điểm và ý kiến của mình. Chúng ta thiếu kỹ năng lắng nghe và trình bày chính kiến. Sẽ không ai khó chịu khi chúng ta thừa nhận những điều đúng của người khác, sau đó bổ sung quan điểm của mình.

 Bệnh sợ trách nhiệm

Khi trưởng phòng Thanh Phong đi vắng, hai nhân viên Di Dương và Phương Trâm được giao nhiệm vụ đem áo xuống xưởng cho thợ ra rập nhưng cả hai không ai làm vì sợ phải chịu trách nhiệm khi làm sai.

Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng, nguyên nhân của bệnh sợ trách nhiệm có thể xuất phát từ sự thiếu quyết đoán trong công việc, thiếu năng lực giải quyết tình huống phát sinh, thiếu nguồn lực đảm bảo yếu tố hiệu quả, đồng thời chúng ta sợ và e ngại điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mình. “Để hạn chế điều này, mỗi người cần nhận ra vị trí, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của mình rõ ràng, từ đó mới thúc đẩy sự mạnh dạn, tự tin, quyết đoán. Trước khi ra quyết định, chúng ta cần thảo luận thống nhất một phương án, một mục tiêu, cho dù thất bại cũng chịu trách nhiệm một cách dũng cảm”, chuyên gia Tâm lý cho biết.

 Vị trí người quản lý

Thấy cấp dưới Phương Trâm thường xuyên thân thiết với tổ may trong công ty, Thanh Phong khuyên cô nên giữ khoảng cách có chừng mực để tránh gặp những chuyện không mong muốn. Phương Trâm không để tâm vì cho rằng mối quan hệ thân thiết giữa nhân viên và quản lý là chuyện bình thường. Vài hôm sau, Phương Trâm xảy ra mâu thuẫn với tổ may vì họ thực hiện mẫu thời trang không đúng với mẫu thiết kế.

Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An nhận xét, thực tế trong công việc, nếu người sếp quá thân thiết với nhân viên của mình làm mất đi uy nghiêm và vị thế của người lãnh đạo. Lãnh đạo là đầu tàu cần đối mặt và chấp nhận cảm giác cô đơn vì có những điều cấp dưới không bao giờ thấu hiểu được. “Trong từng hoàn cảnh cụ thể người sếp có thể lựa chọn phong cách của mình. Khi cùng nhân viên tham gia các hoạt động vui chơi chúng ta có thể hòa đồng, nhưng khi bắt tay vào công việc chúng ta cần phải kỷ luật, nghiêm minh và công bằng với các thành viên khác. Giữ khoảng cách nhưng không lạnh lùng, gần gũi nhưng không dễ dãi. Nghệ thuật  lãnh đạo phải rèn luyện, không ngừng hoàn thiện nâng cấp bản thân, xứng đáng là đầu tàu, là người truyền cảm hứng cho những người xung quanh”, tiến sĩ nói…

Ngoài ra, chương trình còn có nhiều tiểu phẩm hài hấp dẫn về các tình huống trong cuộc sống. Chương trình Vitamin Hạnh Phúc phát sóng vào lúc 19 giờ 40 phút, từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần trên kênh THVL1.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *