Xe ô tô đang dần được tích hợp phần mềm tiên tiến và tương lai loại phương tiện này sẽ được cập nhật mới thông qua phần mềm chứ không phải phần cứng.
Bosch, hãng công nghệ và dịch vụ của Đức, dự báo lạc quan về tương lai xe hơi với khả năng được trang bị phần mềm hiện đại. Công ty này cũng dự định thu về doanh thu 1 tỷ USD trong mảng phần mềm đến cuối năm 2030.
Trong ngành công nghiệp ô tô, có xu hướng mới với tên gọi: software-defined vehicle, nhằm chỉ những chiếc xe có khả năng được cập nhật thông qua phần mềm thay vì nâng cấp phần cứng. Phần mềm nhanh chóng trở thành điểm khởi đầu cho việc thiết kế và phát triển các mẫu xe mới.
Theo nghiên cứu gần đây của McKinsey, thị trường toàn cầu dành cho phần mềm và điện tử ô tô sẽ đạt 462 tỷ USD vào năm 2030. Từ năm 2023, tỷ trọng phần mềm trong xe sẽ tăng gấp ba lần. Bosch mong muốn tham gia vào thị trường tăng trưởng này và duy trì vị thế đối tác của các nhà sản xuất ô tô trên toàn thế giới.
Hiện nay Bosch có các giải pháp phần mềm và dịch vụ như Vehicle Health được Bosch phát triển để giám sát tình trạng kỹ thuật của xe cộ, giải pháp sẽ giúp phát hiện các vấn đề tiềm ẩn và cảnh báo người dùng trước khi chúng dẫn đến hỏng hóc. Đối với các công ty logistics, nền tảng kỹ thuật số Bosch L.OS sẽ hỗ trợ số hóa và đơn giản hóa toàn bộ chuỗi hoạt động logistics của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bosch đã phát triển một phần mềm đặc biệt cho phép xe được phanh lại một cách êm ái, không rung giật . Với chức năng “eBrake to Zero” (Phanh Điện tử) của Bosch, không chỉ việc phanh xe trong tình trạng kẹt xe trở nên dễ chịu và thoải mái hơn, mà nguy cơ say xe cho người ngồi trên xe cũng có thể giảm thiểu.
Xe cộ được tích hợp phần mềm cũng sẽ đi kèm với sự thay đổi về kiến trúc xe phù hợp: hiện tại, có khoảng một trăm bộ điều khiển từ các nhà sản xuất khác nhau hoạt động trong một chiếc xe, khiến thiết kế xe trở nên phức tạp, tốn kém và khó bảo trì, trong tương lai, kiến trúc xe sẽ chuyển từ các bộ điều khiển điện tử riêng biệt từng mảng hệ thống sang kiến trúc điều khiển trung tâm trên nhiều mảng hệ thống, chỉ với một số ít bộ điều khiển và cảm biến có khả năng xử lý mạnh mẽ.
Trong bối cảnh này, đầu năm nay, Bosch và Qualcomm đã cùng nhau giới thiệu một bộ điểu khiển xe mới. Đây là lần đầu tiên bộ điều khiển kết hợp hệ thống thông tin giải trí và các chức năng hỗ trợ người lái. Điều này không chỉ giúp các nhà sản xuất ô tô giảm thiểu không gian lắp đặt, dây cáp và trọng lượng xe, mà quan trọng hơn là giảm chi phí.
Chỉ riêng việc hợp nhất hệ thống thông tin giải trí và chức năng hỗ trợ người lái, tiết kiệm chi phí cho các bộ điều khiển lên tới 30%.
Tuy nhiên, dù có hàng trăm hay chỉ một vài thiết bị, các bộ máy và các thiết bị trong một chiếc xe đều cần phải được kết nối mạng với nhau để chúng có thể làm việc cùng nhau dù cho chúng đến từ các hãng khác nhau.
ETAS, công ty con của Bosch, cung cấp phần mềm trung gian cho phép các máy tính và phần mềm khác nhau trong xe hiểu được ngôn ngữ của nhau và trao đổi thông tin, ngay cả khi chúng được sản xuất bởi các nhà cung cấp khác nhau. Giống như hiện nay hầu hết các phương tiện đều có sự hiện diện linh kiện của Bosch, thì trong tương lai, phần mềm điều khiển xe (với các dòng mã của Bosch) cũng sẽ trở nên thiết yếu.
Bosch đặt mục tiêu doanh thu tỷ USD từ phần mềm
Bosch đang mở rộng hoạt động kinh doanh với mảng phần mềm và dịch vụ, đặt mục tiêu tỷ USD doanh thu cuối năm 2030.
“Bosch từ lâu đã không chỉ là một công ty sản xuất mà còn là một công ty phát triển về phần mềm,” ông Stefan Hartung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bosch, cho biết tại sự kiện Bosch Tech Day 2024 diễn ra tại Renningen.
Phần mềm Bosch đã có mặt trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp lớn, xưởng sửa chữa ô tô đến trang thiết bị y tế. Các phần mềm được thiết kế với nhiều chức năng khác nhau, ví dụ cảnh báo tài xế về xe đi ngược chiều, bảo vệ tài sản có giá trị, điều khiển hệ thống kỹ thuật tòa nhà, và thậm chí hoạt động trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Tổng cộng, 48.000 nhân viên của Bosch đang làm việc với vai trò lập trình viên phần mềm, trong đó có 42.000 người chỉ tính riêng lĩnh vực Giải pháp Di động (Mobility).
“Sự lên ngôi của công nghệ phần mềm sẽ cách mạng hóa hoàn toàn ngành công nghiệp ô tô hiện tại,” ông Hartung khẳng định. “Trong tương lai, ô tô sẽ trở thành một phần của thế giới kỹ thuật số. Điều này có nghĩa xe hơi trong tương lai sẽ không chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển cố định mà còn có khả năng cập nhật và cải tiến liên tục.”
Theo ông Markus Heyn, thành viên hội đồng quản trị Bosch và Chủ tịch lĩnh vực Giải pháp Di động (Mobility), xe hơi sẽ được trang bị các chức năng mới không phải thông qua việc đến xưởng sửa chữa mà thông qua việc cập nhật phần mềm từ xa qua mạng không dây (over-the-air).
“Công nghệ của Bosch sẽ đồng nghĩa với việc giúp xe hơi “lão hóa” chậm hơn,” ông Markus Heyn nhấn mạnh. Và không chỉ ô tô, xe tải, xe máy và xe đạp điện cũng sẽ nhận được các chức năng an toàn và tiện lợi mới thông qua bản cập nhật. Kể từ khi ra mắt hệ thống thông minh cho xe đạp điện vào cuối năm 2021, Bosch đã triển khai khoảng 70 tính năng và cải tiến mới thông qua ứng dụng eBike Flow – từ tính năng báo động và theo dõi đến các chế độ lái mới.
Phía Bosch đang ủng hộ nền tảng phần mềm mã nguồn mở, với mục đích để nhiều bên tham gia phát triển hệ sinh thái.