Năng lượng sạch đang là xu hướng mới trên thế giới, là một trong những nền tảng quan trọng giúp Việt Nam phát triển bền vững.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới Sáng tạo năm 2024 (Innovation Summit Vietnam 2024) do Schneider Electric tổ chức, các chuyên gia hãng này bày tỏ lạc quan với tốc độ phát triển của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của năng lượng sạch đối với phát triển bền vững.
Bà Chris Leong – Phó Chủ tịch Tập đoàn, Phụ trách Marketing Toàn cầu của Schneider Electric, đánh giá Việt Nam đang phát triển rất tốt cơ sở hạ tầng. Mỗi dịp quay lại Việt Nam, bà Chris đều chứng kiến những thay đổi tích cực về đường sá, sân bay, nhà cửa.
Không những vậy, ở lĩnh vực AI và nền kinh tế số, Việt Nam cũng đang tham gia tích cực vào thị trường toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong khu vực nói chung và thế giới nói riêng.
Đặc biệt, Việt Nam cũng có tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo rất tốt. Vài năm trước, khái niệm này còn rất mới mẻ tại Việt Nam nhưng hiện nay, các tài liệu cho thấy năng lượng tái tạo đang góp phần khoảng 6% trong tổng năng lượng tiêu thụ, thể hiện tốc độ phát triển rất tích cực.
Cùng với tốc độ phát triển hạ tầng, ông XingJian Pang, Tổng Giám đốc điều hành Schneider Electric khu vực Đông Á, cho rằng Việt Nam cũng cần chú trọng đến phát triển bền vững từ những thứ rất thiết thực như năng lượng sạch, nguồn nước sạch. Cả hai yếu tố năng góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế bền vững và nâng cao đời sống người dân.
Mặc dù phát triển bền vững vẫn còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam, song ông Đồng Mai Lâm – Tổng Giám đốc Schneider Electric Vietnam & Campuchia – đánh giá xu hướng này đang dần được coi trọng hơn ở thị trường trong nước. Ông Lâm cho hay Schneider Electric từng góp phần trong quá trình xây dựng đường dây 500 kV từ 30 năm trước, và cho biết sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số năng lượng lẫn phát triển bền vững.
Schneider Electric giới thiệu các giải pháp AI, quản lý năng lượng
Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới Sáng tạo năm 2024 (Innovation Summit Vietnam 2024) hôm 2/8 đánh dấu 30 năm Schneider Electric hiện diện tại Việt Nam, với mục tiêu thúc đẩy quá trình khử các-bon, cách mạng hóa cơ sở hạ tầng AI và chuyển đổi hệ thống quản lý năng lượng.
Hội nghị có sự tham gia của nhiều đại diện cấp cao từ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương, Hiệp hội Các Doanh Nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu. Schneider Electric đã công bố các giải pháp mới về tự động hóa, số hóa và điện hóa, giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược, số hóa và giảm phát thải các-bon, đồng thời đẩy nhanh cam kết về tính bền vững.
Một trong những giải pháp đáng chú ý là CONNECT, nền tảng trí tuệ công nghiệp hợp nhất toàn bộ hệ sinh thái doanh nghiệp, tích hợp phần mềm, ứng dụng và số liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Thiết bị đóng cắt MasterPacT MTZ Active cũng được giới thiệu, giúp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải các-bon. Schneider Electric còn mang đến các giải pháp tiêu biểu trong các ngành công nghiệp và năng lượng như EcoStruxure Machine Expert Twin, giảm chi phí kiểm định và rút ngắn quá trình vận hành thử, Lexium Cobot, robot cộng tác với thiết kế nhỏ gọn và độ chính xác cao, và EcoStruxure Automation Expert, nền tảng tự động hóa mở đạt hiệu quả kỹ thuật và vận hành cao.
Trong lĩnh vực năng lượng, Schneider Electric giới thiệu gói dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật EcoCare, tích hợp trí tuệ nhân tạo để giảm chi phí và thời gian ngừng hoạt động. Hệ thống quản lý vận hành nguồn năng lượng phân tán EcoStruxure DERMS cũng được trình làng, tối ưu hóa kết nối với năng lượng tái tạo và xe điện. Nền tảng bản sao số cho hệ thống điện ETAP Design, cho phép mô phỏng chuỗi năng lượng hoàn chỉnh, cũng là một trong những điểm nhấn của sự kiện.
Schneider Electric còn giới thiệu các giải pháp quản lý năng lượng gia đình như hệ thống sạc xe điện EV Prolink DC, AC và cầu dao chống quá tải Easy9 Slim RCBO, với thiết kế nhỏ gọn và hiệu quả cao.
Schneider Electric phát triển các giải pháp dựa trên năm xu hướng lớn: cân bằng toàn cầu mới, dịch chuyển về sự thịnh vượng, biến đổi khí hậu, số hóa và AI, và chuyển dịch năng lượng. Các giải pháp này nhằm nâng cao khả năng phục hồi, tối ưu hóa quy trình và giảm phát thải CO2 trong chuỗi mắt xích năng lượng.