Trong chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống tuần qua đã phản ánh tình trạng sống ảo bất chấp của không ít người trong xã hội hiện nay.
Dù thất nghiệp, nhưng chị T.N.Đ vẫn cố gắng thể hiện mình có thu nhập cao, hằng ngày chị tìm mọi cách để có hình ảnh về những bữa tiệc sang trọng, các mẫu quần áo thời thượng để đăng lên mạng xã hội. Để rồi ở đời thực, chị phải chật vật với những khoản nợ. “Ban đầu đăng lên thấy bạn bè họ khen nhiều khiến tôi rất thích, để rồi càng về sau tôi nhận ra mình không đọng lại được gì ngoài số tiền nợ”, chị nói.
Ths Trần Hải Nguyên (Chuyên gia tâm lý) phân tích, một người bước chân vào thế giới ảo, liền cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn nhiều so với những bộn bề lo toan ngoài đời thực. Những lời tán dương chính là chất xúc tác khiến họ thích trải nghiệm cảm xúc hơn việc chấp nhận thực tại. Giá trị ảo là một giá trị không có thực, những cảm xúc vui vẻ chỉ tồn tại trong phút chốc rồi lại nhanh chóng tan biến đi. Rất nhiều người đã từ bỏ gia đình, chọn cách trốn chạy sau khi theo đuổi những giá trị ảo để rồi nhận lại những hậu quả đau đớn.
Chuyên gia khuyên mọi người đang chạy theo những giá trị ảo, nhanh chóng trở về với cuộc sống thực tại. Tập trung sắp xếp công việc, các mối quan hệ và cân đối thời gian cho thế giới thực tại và thế giới ảo.
Tiêu chí đánh giá mỗi người là ở nhân phẩm, trí tuệ, học vấn chứ không phải những giá trị không có thực. Các bạn trẻ cần phải tỉnh táo để sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, tránh sa đà vào thế giới ảo.
Link tập 69: Đừng chạy theo những giá trị ảo
Công khai tài chính với bạn đời
Từ nhiều năm nay, anh Minh Trung và chị Kim Dung luôn dành một khoảng thời gian nhất định vào mỗi cuối tháng, để công khai về tài chính và thảo luận về mọi khoản chi tiêu, thu nhập và tiết kiệm của gia đình. Đối với cả hai, việc xây dựng thói quen này đã trở thành một phần quan trọng của cuộc sống hôn nhân. “Mỗi tháng vợ chồng tôi đều công khai thu nhập với nhau, sau đó mỗi người trích ra một khoản tiền để chi tiêu cho những công việc chung của gia đình, phần còn lại mỗi người chúng tôi tự do quản lý, việc rõ ràng như vậy khiến vợ chồng chúng tôi rất ít xảy ra cãi nhau về vấn đề tài chính”, chị Dung chia sẻ.
TS Nguyễn Thị Vân (Chuyên gia tâm lý) cho biết: “Việc công khai tài chính giúp vợ chồng có kế hoạch để xây dựng cuộc sống hôn nhân, chẳng hạn như việc dành mỗi phần tiền để chi tiêu cho giáo dục con trẻ, chi phí thường ngày của gia đình và những mối quan hệ với bạn bè xung quanh, như vậy sẽ giúp cho vợ chồng thấu hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn”.
Theo các chuyên gia, việc công khai tài chính giữa vợ chồng còn được xem như một cơ chế giám sát chéo, từ đó tránh được rủi ro liên quan đến các khoản chi như vay mượn, đầu tư mạo hiểm, hạn chế việc mua những món đồ quá xa xỉ, hay những ‘quỹ đen’ dành cho những mục đích không minh bạch.
Thực tế trong mối quan hệ gia đình, tranh cãi về tài chính cũng đi kèm nhiều cảm xúc, từ đố kỵ, sợ hãi đến xấu hổ. Hậu quả từ những xích mích có thể khiến một số người nảy sinh những hành động không minh bạch, thậm chí ly hôn.
Chuyên gia tài chính Tạ Thanh Hùng khuyến khích sự cởi mở, trung thực về tài chính giữa các cặp vợ chồng, điều này ngoài giúp ích cho vấn đề xây dựng kế hoạch tài chính cho hôn nhân còn thể hiện sự tôn trọng đối với bạn đời của mình. Ngoài ra vợ chồng cần có nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt về thu nhập, đồng thời phải chịu trách nhiệm cùng nhau trước những vấn đề của cuộc sống hôn nhân.
Link tập 70: Công khai tài chính với bạn đời
Giáo dục tài chính cho trẻ
Lê Hoàng Minh, một bạn trẻ ngụ tại TP.HCM thừa nhận việc thường xuyên gặp phải tình trạng chi nhiều hơn số tiền mà mình đang có, phần lớn là cho thói quen mua sắm. Tương tự với trường hợp của sinh viên Lê Bảo Phương, dù biết những món đồ mình sắp chi tiền mua không đem lại nhiều giá trị cho cuộc sống, nhưng vẫn không thể ngừng việc mua sắm vô tội vạ, thói quen này đại diện cho nhiều bạn trẻ hiện nay thường lâm vào cảnh thiếu hụt kinh tế, thậm chí là cả vay nợ để phục vụ cho sở thích mua sắm của mình.
TS Huỳnh Thanh Điền (Chuyên gia kinh tế) khuyến khích các bậc phụ huynh đầu tư vào giáo dục tài chính con trẻ càng sớm càng tốt, từ đó tạo kiến thức nền tảng giúp con vững vàng cho cuộc sống sau này. Bắt nguồn từ việc kiếm tiền thông qua việc tạo ra giá trị có ích cho xã hội, tiếp theo là sử dụng tiền để giúp ích cho sức khỏe, và tương lai của con trẻ, cuối cùng là giúp con nhận ra và tôn trọng giá trị sức lao động.
Hiện nay, việc giáo dục tài chính cho trẻ đã được nhiều trung tâm phối hợp với công tác trường để tạo ra những buổi sinh hoạt giúp các em sớm có được thói quen tiết kiệm và không lãng phí tiền bạc. Song song với đó, ba mẹ cũng cần chọn lọc kiến thức giáo dục tài chính, để thiết lập lộ trình hợp lý với mức độ phù hợp với khả năng tiếp thu của trẻ. Khi trẻ từ 5 – 6 tuổi, ba mẹ có thể dạy những bài học đơn giản để nhận dạng các tờ tiền và công dụng. Trẻ từ 7 tuổi trở lên bắt đầu có sự phát triển rõ nét về tư duy, lúc này, ba mẹ dạy cho trẻ kiến thức về tài chính gắn liền với việc giúp trẻ nhận thức đúng về giá trị của đồng tiền. Điều này không chỉ giúp trẻ có khả năng tự lập trong suy nghĩ, mà còn khơi gợi cho con hiểu rằng, muốn thực hiện mong ước, hãy dựa vào chính mình.
Link tập 71: Giáo dục tài chính cho trẻ
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.