Con người và bọn thú khác nhau thế nào? Con người có lựa chọn, bọn thú thì không. Nhưng bản thân con người cũng đâu có nhiều lựa chọn? Thực ra con người cũng đáng được thương cảm không kém gì bọn thú.
Trên đây là tóm tắt đoạn trao đổi giữa một trung niên lớn lên ở một nước Đông Nam Á nghèo khó với một cô gái Thuỵ Sĩ ngay từ nhỏ đã từ chối đi sở thú vì thương cảm cho loài vật bị giam cầm.
Mình không chờ đợi những mẫu chuyện mang tính triết lý như vậy khi bắt đầu đọc quyển “Có gì sau phía chân trời” của anh Nguyễn Trí Thông, từng là cây bút trong nhóm Vòm Me Xanh thời Mực Tím, lớn lên làm việc ở các tập đoàn lớn cũng liên quan khá nhiều đến viết lách.
Quan sát bìa sách cho đến tựa sách và mục lục, mình nghĩ tác giả sẽ nói nhiều về trải nghiệm du lịch từ những vùng đất anh đã đi qua, nhưng hoá ra anh còn mang đến nhiều hơn thế ở phía sau chân trời ấy. Anh đem đến những triết lý gần gũi, những mẩu đối thoại nhẹ nhàng nhưng sâu sắc gắn với những vùng đất anh đặt chân đến. Không chỉ những mẩu ghi chép về du lịch, anh còn đan xen vào đó những kinh nghiệm sống và kiến thức uyên bác của người từng trải.
Quyển sách dày quá nên mình chưa đọc hết, và khả năng sẽ không đọc hết. Tuy nhiên mình có đọc qua những đoạn ở châu Âu và Đài Loan. Hai nơi này mình từng đi qua nên đọc xem anh Thông viết gì, để xem câu chuyện của anh có khơi gợi kỷ niệm nào cho mình hay không.
Thú thật mình không thích thể loại ghi chép miêu tả cảnh quan ở các vùng đất mới, nhưng thật may tác giả đã chen vào đó những câu chuyện, những mẩu đối thoại và các kinh nghiệm của anh. Điều này khiến những ghi chép của anh không đơn thuần như các bài review trên tripadvisor mà chúng trở thành những câu chuyện có chiều sâu từ một người từng trải có óc quan sát.
Mình có chút đồng cảm với anh trong câu chuyện ở Đài Loan và Pháp. Mình cũng từng thuê dorm ở Đài Loan và rất thích, vì dù ở chung giường tầng với nhiều người nhưng dorm ở Đài Bắc rất yên tĩnh, văn minh. Thế nhưng khi qua Paris thì trải nghiệm khác hẳn, mọi người ồn ào và không khí trong phòng rất khó thở. Có lẽ vì vậy mà tác giả đã ngay lập tức chuyển ra ở khách sạn chỉ sau một đêm thử ở dorm tại Paris.
Câu chuyện hai vợ chồng anh muốn ra ghế đá công viên để tìm đến đúng chiếc ghế 9 năm trước gia đình đã ngồi đó để chụp lại tấm ảnh gửi về cho con trai cũng rất thú vị. Anh và vợ đến đúng nơi nhưng chiếc ghế đá đang có một nhóm thiếu niên người Pháp đang ngồi. Cách hai vợ chồng anh xử lý tình huống sau đó khiến câu chuyện càng đáng nhớ hơn. Câu chuyện cũng nhắc mình nhớ đến chiếc ghế sắt lạnh căm nơi mình ngồi gặm bánh mì và ngắm kinh đô ánh sáng. (ngồi đọc lại đoạn này thì nhớ ra anh Thông chính là người góp sức cho chuyến đi châu Âu của mình năm ấy, cám ơn anh!)
Xen kẽ giữa những chuyến đi của anh Thông là các câu chuyện của anh với bà xã, những điều anh rút ra khi đi qua 23 quốc gia 4 châu lục,… thế nên ngoài việc biết được “đi đâu, ăn gì, ở đâu” qua những trang sách của anh, người đọc còn được dừng lại, chiêm nghiệm những thứ thú vị mà tác giả kể lại phía sau chân trời của anh.
Một quyển sách du lịch, trải nghiệm, ghi chép của một người đã ở tuổi chín chắn, thi thoảng chen vào đó những câu chuyện lãng mạn thi vị với người vợ đã đồng hành cùng anh từ thời đi học (và cách anh chị chuyển sang plan B khi kế hoạch thay đổi). Cách kể chuyện vẫn bay bổng từ một tay viết từng có một thời mộng mơ nhưng ẩn sâu trong đó là sự chín chắn, thực tế của một người kinh qua nhiều vị trí quản lý ở các tập đoàn lớn trong nước lẫn toàn cầu. Một quyển sách thú vị cho ai thích tìm hiểu những vùng đất mới và lắng nghe những góc nhìn của một người trưởng thành khi anh vén màn chân trời của anh.