Gần đây, các hình thức lừa đảo trực tuyến trở nên ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Những kẻ gian lợi dụng sự lo lắng và bất an của các nạn nhân sau khi bị mất tiền, lôi kéo họ tham gia vào các nhóm hỗ trợ “thu hồi tiền lừa đảo”. Đáng nói, chúng còn đóng vai nạn nhân để tiếp tục chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ.
Mất tiền lần 2 vì bị lừa sử dụng dịch vụ “thu hồi tiền lừa đảo”
Trên mạng xã hội Facebook, đã xuất hiện nhiều tài khoản giả mạo Học viện An ninh Nhân dân, tự nhận là đơn vị hỗ trợ những người từng bị lừa đảo qua mạng. Nhắm vào tâm lý mong muốn lấy lại số tiền đã mất của các nạn nhân, những kẻ này lợi dụng hình ảnh của các cơ quan uy tín để tạo niềm tin. Thay vì đến cơ quan công an trình báo, nhiều người bị lừa đã chọn cách liên hệ với các nhóm này, hy vọng sẽ thu hồi tiền lừa đảo lại được.
Đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã giả danh luật sư, các cơ quan chức năng để hỗ trợ thu hồi. Các đối tượng sau đó sẽ giả vờ kết nối với bên an ninh mạng và thông báo với nạn nhân phải đóng phí để thu hồi tiền lừa đảo.
Chị T.T.Q.T (một nạn nhân) chia sẻ: “Tài khoản của tôi bị treo hơn 10 triệu đồng, tôi rất hoảng loạn và muốn nhanh chóng lấy lại số tiền đó. Khi tìm trên Facebook, tôi thấy một trang giả mạo có đầy đủ thông tin giống thật, nên đã liên hệ. Tôi chuyển cho họ 2 triệu đồng phí lưu hồ sơ và phí xử lý nhanh, nhưng sau đó họ chặn liên lạc với tôi.”
Những bài viết lừa đảo thường mang nội dung như: “Cảnh báo lừa đảo qua mạng Internet”, “Cách lấy lại tiền bị treo trên các sàn, app, web, game online”, “Hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo”… Các tài khoản giả mạo liên tục bình luận, dẫn dụ nạn nhân tham gia vào nhóm hỗ trợ thu hồi tiền với cam kết chỉ thu phí sau khi lấy lại được tiền. Tuy nhiên, đây là chiêu thức để tiếp tục chiếm đoạt tài sản của nạn nhân lần thứ hai.
Giả dạng nạn nhân bị lừa đảo tiền qua mạng
Ngoài việc giả danh cơ quan chức năng, những kẻ lừa đảo còn tự tạo ra những câu chuyện thương tâm, đóng vai nạn nhân để khơi gợi lòng thương cảm, lừa người khác chuyển tiền “hỗ trợ”.
Luật sư Lê Trung Đạt (Đoàn Luật sư TP.HCM) khuyến nghị: “Người dân nên trình báo với cơ quan công an tại nơi mình cư trú khi có đầy đủ thông tin về vụ việc, để cơ quan chức năng kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.”
Lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng biến hóa với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường. Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với những chiêu trò đánh vào lòng tin và sự đồng cảm, nhằm chiếm đoạt tài sản.
Clip “Bẫy lừa” lấy lại tiền và giả làm nạn nhân:
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội…