Thời gian gần đây, các mạng xã hội tràn ngập những quảng cáo về các khóa học miễn phí, từ kinh doanh, bổ trợ học tập, làm đẹp đến phát triển kỹ năng mềm.
Mặc dù có những khóa học thật sự mang lại giá trị cho người học, nhưng cũng không ít khóa học bị dựng lên với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Dưới danh nghĩa là “khóa học miễn phí”, nhưng nhiều người tham gia đã rơi vào tình cảnh mất tiền vì những thủ đoạn hết sức tinh vi của các đối tượng xấu.
Khóa học miễn phí nhưng yêu cầu học viên phải nộp lệ phí học
Lời chào mời hấp dẫn như: “Khóa học đào tạo kỹ năng chất lượng, một kèm một, học một biết mười, quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu, hoàn toàn miễn phí” đã khiến nhiều nạn nhân sa vào bẫy.
Trong chương trình Lời Cảnh Báo, chị N.T., một trong số những nạn nhân, chia sẻ về việc bị lừa tiền khi đăng ký một khóa học kỹ năng giao tiếp trên mạng. Dù khóa học được quảng cáo là miễn phí, chị lại phải nộp tiền vì bị thuyết phục rằng đó là “phí đảm bảo tham gia” và sẽ được hoàn trả sau khóa học. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản lần đầu, chị N.T. bị yêu cầu chuyển thêm tiền với lý do phát sinh “phí cọc”, và sau đó thì mất liên lạc hoàn toàn.
Các chiêu thức lừa đảo thường bắt đầu bằng việc yêu cầu nạn nhân nộp tiền học phí hoặc cọc để bảo mật thông tin cá nhân. Sau đó, kẻ lừa đảo tiếp tục thao túng tâm lý và yêu cầu nạn nhân cung cấp thêm các dữ liệu cá nhân quan trọng, thậm chí chiếm đoạt cả tiền lẫn thông tin. Một trong những thủ đoạn phổ biến là yêu cầu người tham gia mua sách, giáo trình hoặc nộp các loại phí khác nhau, sau đó cắt đứt mọi liên lạc khi đã nhận tiền.
Ngoài việc bị lừa đảo tiền bạc, tham gia các khóa học không rõ nguồn gốc còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khác như lộ thông tin cá nhân hay tiếp cận những nội dung tuyên truyền sai lệch.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, Trưởng Bộ môn Tội phạm học, Trường Đại học Luật TP.HCM, người dân cần thận trọng khi nhận được lời mời tham gia các khóa học miễn phí. Ông khuyến cáo: “Cần tìm hiểu kỹ về tổ chức đứng sau khóa học, xem họ có được cấp phép hoạt động hay không. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường, người tham gia nên ngừng ngay và không nộp bất kỳ khoản tiền nào. Đặc biệt, không cung cấp thông tin cá nhân hoặc truy cập vào các đường link mà các đối tượng đưa ra, vì nguy cơ bị đánh cắp tài sản là rất cao.”
Người dân khi có nhu cầu học tập, phát triển bản thân, cần lựa chọn các kênh đào tạo uy tín. Đừng để mình trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi trên mạng xã hội.
Bẫy lừa từ những lớp học kĩ năng miễn phí:
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội…