Vừa qua, chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống tiếp tục chia sẻ cách xây dựng lòng biết ơn cho con, dạy con cách hành xử văn minh trên mạng, cũng như góp phần gắp kết gia đình thông qua những tính năng hữu ích của mạng xã hội.
Góp phần gắn kết gia đình từ mạng xã hội
Sau những bữa cơm gia đình hay những ngày nghỉ rảnh rỗi, hình ảnh các thành viên trong gia đình sum họp, vui chơi hay cùng chia sẻ với nhau câu chuyện hàng ngày lại rất quen thuộc, đặc biệt khi mạng xã hội (MXH) ngày càng phố biến, nếu biết cách sử dụng hợp lý thì sẽ góp phần giúp gắn kết gia đình nhiều hơn.
Các thành viên sống xa nhau nhưng vẫn có sự kết nối, thấy mặt và tâm sự với nhau. Với chức năng chia sẻ và gắn thẻ, các thành viên có thể chia sẻ những địa điểm yêu thích, chụp hình lưu giữ những kỷ niệm vui vẻ, yêu thương trong gia đình, nhờ vậy các thành viên trong gia đình hiểu được nhau hơn.
Chị Ngọc Hoa (TP.HCM) cho biết, chị rời quê đi làm ăn xa, nhờ có mạng xã hội, chị có thể xem lại những hình ảnh vui vẻ bên gia đình, đôi khi có những vui buồn vướng mắc trong cuộc sống, chị thường kết nối với gia đình qua các cuộc gọi video, tin nhắn trên các ứng dụng MXH. “Nhờ MXH mình có thể biết được gia đình mình ổn không, để động viên nhau, chúc mừng nhau, chia sẻ với nhau những vấn đề trong cuộc sống”, chị nói.
Chị Ngọc Ánh (TP.HCM) coi đây là một cuốn sổ lưu niệm điện tử, ghi lại những khoảnh khắc chị cùng con lớn lên như thế nào. Chị hay tạo ra những tình huống mà chị và con tương tác với nhau, nhờ đó giúp chị và con gái có thời gian chất lượng bên nhau.
Lợi ích của mạng xã hội trong việc gắn kết gia đình là không thể phủ nhận, song không ít gia đình lại bị MXH chi phối. Các thành viên vẫn quây quần bên nhau sau một ngày làm việc nhưng thay vì giao tiếp, chuyện trò, tâm sự để hiểu và đồng cảm với nhau, thì mỗi người lại chăm chú lướt MXH. Sự lạm dụng, sa đà vào thế giới ảo đã vô tình làm mất đi sự kết nối bền chặt trong mỗi gia đình, khiến các thành viên không xa mặt nhưng cách lòng.
Anh Nguyễn Trần Trung Hải (Nhà nghiên cứu xã hội học) chia sẻ: “MXH sinh ra để phục vụ đời sống con người nhưng sử dụng một cách thông minh là do bản thân chúng ta”.
Đầu tiên chúng ta có thể sử dụng MXH để ghi lại khoảnh khắc cùng gia đình, ví dụ những bức ảnh, video sinh hoạt cùng gia đình, các chuyến du lịch ăn uống cùng những người thân yêu. Điều này không chỉ tạo không khí vui vẻ, mà còn giúp lưu giữ kỷ niệm gia đình. Việc quan tâm trò chuyện cùng nhau bằng các cuộc gọi nhóm, các tin nhắn động viên, chúc mừng hay đơn giản là sự tương tác bình luận vui vẻ trên MXH cũng khiến cho mọi người cảm thấy mình vẫn nhận được quan tâm, dõi theo của gia đình. Và chính sự tương tác chia sẻ cùng nhau không chỉ giúp gắn kết gia đình mà còn giúp lan tỏa những điều tích cực trong cuộc sống.
Clip: Góp phần gắn kết gia đình từ mạng xã hội
https://www.youtube.com/watch?v=Vxpg6M1h1dQ
Dạy con cách hành xử văn minh trên mạng
Với tốc độ phát triển của cuộc sống hiện nay, trẻ em sớm được tiếp cận với công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội (MXH). Tuy nhiên việc để trẻ tiếp xúc quá sớm với MXH mà không có sự hướng dẫn hay giám sát phù hợp đã mang đến nhiều hệ lụy, một trong số đó là một số trẻ hành xử kém văn minh trên không gian mạng.
Vô tình nhìn thấy bài đăng trên MXH của con với những lời lẽ không hay về một người bạn cùng lớp, chị N.T.Y (TP.HCM) cảm thấy sốc và thất vọng, bởi con chị vốn rất ngoan và nghe lời. Bên dưới bài đăng, rất nhiều bạn bè cùng tuổi con cũng có những phát ngôn khó nghe, thậm chí dung tục. Tức giận và lo lắng cho con, chị tự trách mình đã không quan tâm, giám sát con trên môi trường mạng.
Thực tế có rất nhiều phụ huynh gặp chuyện tương tự nhưng không phải ai cũng đủ bình tĩnh để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Khi biết con có những hành động tiêu cực, những lời lẽ chê bai bình phẩm hay nói xấu lẫn nhau trên mạng, phụ huynh có tâm lý lo lắng muốn can thiệp ngay, tuy nhiên càng phản ứng gay gắt càng khiến vấn đề trầm trọng hơn, trẻ càng thêm chống đối và không nhận ra cái sai của mình.
Hiện nay trẻ được dùng điện thoại và có tài khoản trên MXH ngày càng sớm. MXH trở thành nơi trẻ bày tỏ suy nghĩ của bản thân, thích thể hiện nhưng lại chưa đủ nhận thức khiến trẻ sa vào những hành động, lời lẽ không hay. Hành xử kém văn minh trên mạng cho thấy sự bất ổn của đời sống thực, đòi hỏi cha mẹ phải nắm bắt được tâm tư khó khăn của trẻ để tìm ra giải pháp chứ không phải phán xét hay trách phạt trẻ một cách tiêu cực.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy – Chuyên gia tâm lý: “Nó liên quan đến tâm trạng nổi loạn của con mà không có nơi, bối cảnh, cơ hội bộc lộ tích cực, nên con thường có xu hướng thể hiện bản thân ở những điều tiêu cực. Trẻ có tâm lý học theo bạn bè, ở tuổi này nếu trẻ chơi với bạn tốt thì học được điều tốt, nếu tham gia vào nhóm bạn xấu, tâm lý nhóm ảnh hưởng mạnh đến các con, vì thế cha mẹ buộc phải quan tâm nhóm bạn trong lớp. Một nguyên nhân nữa là xung đột tuổi dậy thì, các con không có kênh chia sẻ thì các con bộc lộ bằng những status hoặc tham gia nhóm antifan trên mạng”.
Nữ tiến sĩ khuyên các bậc phụ huynh cần trò chuyện với trẻ càng sớm càng tốt, xem trẻ có xung đột với ai hay có vấn đề gì. Đừng vội phê phán, ngăn chặn, đừng bắt trẻ xóa hay làm gì đó. Điều đầu tiên là ngồi xuống tìm hiểu tâm tư tình cảm, lý do có hành động, lời nói đó. Khi chúng ta hiểu rồi mới bắt đầu gỡ tâm lý rối loạn của trẻ, lựa lời phân tích cho trẻ đăng như vậy gây hậu quả gì cho con và cho người khác.
Clip Dạy con cách hành xử văn minh trên mạng
https://www.youtube.com/watch?v=tFDj2saqzQs
Xây dựng lòng biết ơn cho con
Lòng biết ơn là một phẩm chất quan trọng trong quá trình hình thành phẩm cách con trẻ. Lòng biết ơn không chỉ giúp con thể hiện sự ghi nhận đối với những ai đã giúp đỡ, dạy dỗ, hỗ trợ mình, mà còn giúp con nhận được tình cảm sự yêu mến tôn trọng từ những người xung quanh, đó là môi trường, chất xúc tác giúp trẻ tự tin phát triển và dễ thành công hơn trong cuộc sống.
Anh Vũ Thượng Hiền (TP.HCM) bảy tỏ: “Khi dạy con cám ơn khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác, tôi cảm thấy hạnh phúc, cảm giác con mình sau này sẽ là người tốt giúp ích cho xã hội”.
Chị Nguyễn Ngọc Hoàng Dung (TP.HCM) cho biết: “Đành rằng cha mẹ thương con vô điều kiện nhưng con cái phải biết ơn cha mẹ, mình không cần gì nhiều, con biết chăm ngoan là thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ rồi”.
Việc thiếu lòng biết ơn có thể dẫn đến sự không hài lòng với cuộc sống, tập trung vào những điều không tốt và những điều trẻ không có, điều này gây căng thẳng tinh thần và sự không ổn định trong tâm trạng của trẻ.
Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh (Chuyên viên giáo dục) cho rằng: “Lòng biết ơn không chỉ một chiều từ người ở dưới biết ơn người trên, con cái biết ơn bố mẹ, mà là mối quan hệ hai chiều. Hiện nay nhiều bạn trẻ có tư duy bố mẹ phải có trách nhiệm và chúng không cần biết ơn. Cha mẹ phải biết cách giáo dục cho con ngay từ những chuyện nhỏ nhất, ví dụ như con cái cám ơn bố mẹ cho mình bữa ăn ngon, bố mẹ cám ơn khi con hỗ trợ giúp đỡ công việc gì đó, dù là công việc nhà. Điều đó sẽ tạo ra niềm vui cho cả gia đình”.
Lòng biết ơn tạo ra tâm lý mạnh mẽ, trẻ có lòng biết ơn đối mặt tốt hơn với khó khăn, tạo ra sự kết nối tốt với người khác. Lòng biết ơn thể hiện sự tôn trọng và đánh giá cao những người xung quanh tạo nên môi trường xã hội tích cực, khuyến khích hành động tốt và lương tâm trong xã hội. Những người biết ơn thường có xu hướng tham gia vào các hoạt động từ thiện và cống hiến cho cộng đồng. Khi mọi người trong xã hội hiểu và thực hành lòng biết ơn, những giá trị tích cực được lan tỏa tạo ra một môi trường xã hội tốt đẹp hơn.
Clip Xây dựng lòng biết ơn cho con:
https://www.youtube.com/watch?v=nw1aLn8oP3I
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.