Chợ Tốt, nền tảng trao đổi và mua bán đồ đã qua sử dụng, góp mặt tại GRECO 2024 – sự kiện về tăng trưởng xanh lần thứ hai của TP. Hồ Chí Minh. Tại sự kiện này, Chợ Tốt đã chia sẻ những nỗ lực trong việc khuyến khích lối sống bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường.
Tại sự kiện, Chợ Tốt giới thiệu mô hình kinh doanh với vai trò là một doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cung cấp nền tảng giúp người dùng trao đổi và mua bán các sản phẩm đã qua sử dụng. Điều này không chỉ thúc đẩy tiêu dùng bền vững mà còn giúp giảm thiểu rác thải, tiết kiệm tài nguyên và hạn chế phát thải khí carbon – đóng góp vào nỗ lực giảm biến đổi khí hậu.
Song song với việc giới thiệu mô hình kinh doanh, Chợ Tốt cũng nhấn mạnh về thành tựu đã đạt được trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tiêu dùng bền vững. Với 10 triệu người dùng mỗi tháng, nền tảng này đã giúp kéo dài vòng đời của hàng triệu món đồ như thời trang, thiết bị điện tử, đồ gia dụng và nội thất. Thống kê cho thấy, việc trao đổi và mua bán đồ đã qua sử dụng đã giúp tiết kiệm hàng ngàn tấn tài nguyên như thép, nhựa và nhôm, đồng thời giảm phát thải hàng trăm ngàn tấn khí thải mỗi năm.
Chợ Tốt muốn lan tỏa tầm quan trọng của tiêu dùng bền vững
Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc vận hành Chợ Tốt, khẳng định cam kết của công ty trong việc thúc đẩy lối sống xanh. Bà cho biết, thông qua GRECO 2024, Chợ Tốt mong muốn lan tỏa tầm quan trọng của tiêu dùng bền vững và khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm đã qua sử dụng. Đây là một phần trong nỗ lực của Chợ Tốt để góp phần vào Mục tiêu Phát triển Bền vững số 12 của Liên Hợp Quốc về tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm.
Theo báo cáo của RedSeer Strategy Consultants, thị trường trao đổi hàng hóa đã qua sử dụng ở Việt Nam được định giá 1,1 tỷ USD vào năm 2021 và có khả năng đạt 5,1 tỷ USD vào năm 2026. Một nghiên cứu khác của Carousell vào năm 2021 cũng cho thấy rằng 83% người tiêu dùng Việt đã từng mua đồ cũ và sẽ tiếp tục lựa chọn mua thêm trong tương lai. Điều này thể hiện rõ sự thay đổi trong thói quen mua sắm, đặc biệt là ở thế hệ Gen Z – những người ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Việc thúc đẩy lối sống bền vững đã được chính phủ Việt Nam ủng hộ thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030, tầm nhìn 2050”. TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực thi chiến lược này, và GRECO (Green Growth Show) là một phần của kế hoạch đó. Sự kiện GRECO 2024 kéo dài từ ngày 21/09 đến 25/09/2024, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân TP.HCM. GRECO khuyến khích các doanh nghiệp phát triển mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn nhằm bảo vệ môi trường.
Schneider Electric, tập đoàn toàn cầu về chuyển đổi số quản lý năng lượng và tự động hóa, chính thức công bố danh sách 5 đối tác chiến thắng tại Giải thưởng Tác động Tích cực đến Phát triển Bền vững 2023 (Sustainability Impact Awards). Các doanh nghiệp đạt giải nằm trong nhóm đơn vị có thành tựu nổi bật vượt trội trong việc triển khai nghiên cứu, đổi mới về giải pháp, sản phẩm số hóa để điện khí hóa hoạt động, tối ưu nguồn năng lượng tiêu thụ, tăng hiệu suất hoạt động và gia tăng tính tuần hoàn trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển bền vững của các ngành nghề, góp phần đẩy nhanh lộ trình đạt cam kết Net Zero của Việt Nam.
Trải qua hơn 5 tháng khảo sát và đánh giá, Schneider Electric đã lựa chọn các đối tác xuất sắc thắng giải mùa 2 với hai hạng mục, cụ thể:
Tác động Tích cực đến Phát triển Bền vững cho Khách hàng (Impact to my Customers): công nhận các đối tác thể hiện khả năng lãnh đạo về phát triển bền vững thông qua việc thúc đẩy khách hàng của mình đạt mục tiêu giảm thải carbon.
Tác động Tích cực đến Phát triển Bền vững cho Doanh nghiệp (Impact to my Enterprise): công nhận các khách hàng thể hiện khả năng lãnh đạo về phát triển bền vững khi giảm thải carbon trong vận hành của chính doanh nghiệp.
Ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám Đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia chia sẻ: “Điểm khác biệt ở mùa 2 là chúng tôi xem xét góc độ rộng hơn về nỗ lực tạo ra tương lai điện 4.0 của doanh nghiệp thông qua hành động chiến lược hóa, số hóa và phi carbon hóa. Mùa 2 của giải thưởng đã vinh danh 5 đối tác xuất sắc, bao gồm nhà thầu, nhà cung cấp giải pháp, nhà làm tủ bảng điện cùng các EcoXpert, đối tác được Schneider Electric chứng nhận về chuyên môn trong ứng dụng giải pháp EcoStruxure. Đây là các doanh nghiệp đạt được dấu ấn nổi bật trong việc giảm thải carbon không chỉ trong việc vận hành của chính công ty họ mà còn trong vận hành của khách hàng và đối tác của họ. Năm 2024, Schneider Electric sẽ tiếp tục kêu gọi mạnh mẽ hơn tất cả cộng đồng, khách hàng, đối tác, sinh viên… cùng hành động, trở thành GreenHeroes hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam Phát triển Bền vững”.
Danh sách đơn vị chiến thắng Giải thưởng Tác động Tích cực đến Phát triển Bền vững 2023 cụ thể như sau:
Hạng mục 1: Tác động Tích cực đến Phát triển Bền vững cho Khách hàng (Impact to my Customers)
Công ty TNHH Năng Lượng Môi Trường Biển Đông (East Sea Energy Environment): Doanh nghiệp tập trung vào tối ưu hóa sử dụng năng lượng, đồng thời kiểm soát tác động tới môi trường. East Sea Energy Environment đã sử dụng giải pháp Power Monitoring Expert từ Schneider Electric để theo dõi năng lượng sử dụng trong nhà máy khách hàng. Điều này không chỉ giúp quản lý hiệu quả năng lượng mà còn đề xuất kế hoạch giảm thải một cách chi tiết, góp phần quan trọng vào việc xây dựng một môi trường sản xuất bền vững hơn.
Công ty TNHH Đạt Vĩnh Tiến: Là doanh nghiệp với uy tín gần 20 năm trong ngành sản xuất tủ điện trung thế và hạ thế, Đạt Vĩnh Tiến đã cùng Schneider Electric tích hợp kiến trúc EcoStruxure trong việc ứng dụng vào các giải pháp quản lý và giám sát năng lượng giúp đánh giá chất lượng điện, tăng khả năng phục hồi và tính liên tục trong vận hành, mang lại giá trị tích cực cho khách hàng và cộng đồng.
Công ty Cổ phần OTECH (Otech Joint Stock Company): Doanh nghiệp tập trung vào cải tiến và đổi mới giải pháp đảm bảo sự vận hành ổn định của nguồn điện, đồng thời phát triển hệ thống truyền tải điện an toàn, hợp lí và hiệu quả cho các ngành nghề. Trong đó, có phần mềm EcoStruxure Asset Advisor của Schneider Electric, giúp giám sát, quản lý thiết bị hiệu quả, và có khả năng dự đoán chính xác sự cố lên đến 90%. Đây là bước quan trọng trong việc tối ưu hóa hoạt động và bảo dưỡng, đóng góp một phần quan trọng vào việc thúc đẩy và hỗ trợ khách hàng triển khai các giải pháp bền vững
Hạng mục 2: Tác động Tích cực đến Phát triển Bền vững cho doanh nghiệp (Impact to my Enterprise)
Công ty TNHH Phát triển Kỹ thuật Công nghệ FRA (FRA Technology Development Company Limited): Là nhà tích hợp hệ thống hàng đầu trong ngành, doanh nghiệp đã ứng dụng các giải pháp quản lý năng lượng vào vận hành của chính doanh nghiệp. Điều này nhằm mục tiêu giảm thải cho doanh nghiệp và khách hàng, đồng thời làm tăng hiệu suất và bền vững trong quá trình sản xuất.
Công ty Cổ phần Vietstar Meiden: Không chỉ sử dụng điện mặt trời và các giải pháp quản lý năng lượng trong nhà máy mà còn kết hợp với các kế hoạch giảm thải trong tương lai bằng cách áp dụng các công nghệ điện hóa, số hóa và tự động hóa. Công ty đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với một tương lai xanh sạch và bền vững.
Các doanh nghiệp chiến thắng tại Giải Thưởng Tác Động Tích Cực đến Phát Triển Bền Vững năm 2023 (mùa 2) sẽ nhận được những quyền lợi như sau:
Chứng nhận từ Schneider Electric công nhận là doanh nghiệp đầu ngành với những nỗ lực và đóng góp trong việc khử carbon năm 2023
Được đề cử trở thành đại diện Việt Nam tranh giải khu vực cho 2 hạng mục của giải thưởng Sustainability Impact Awards Khu vực và Toàn cầu
Cơ hội tham gia các chương trình huấn luyện từ Trung tâm Đào tạo về Phát triển Bền vững của Schneider Electric (Sustainability School), được thiết kế để nâng cao sự hiểu biết và kỹ năng của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy Tác động Tích cực đến Phát triển Bền vững. Điều này không chỉ giúp củng cố sự chuyên môn mà còn tạo ra một sân chơi để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan khác.
Cơ hội kết nối với các chuyên gia đầu ngành và lãnh đạo cấp cao từ các đối tác, khách hàng của Schneider Electric tại các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện toàn cầu trong năm 2024.
Ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám Đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia cho biết: “Đây là thời điểm quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu – đó là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Để đẩy nhanh các nỗ lực khử carbon và đạt được các mục tiêu Net Zero, chúng ta phải dựa vào hệ sinh thái hợp tác. Thông qua Giải thưởng Tác Động Tích Cực đến Phát Triển Bền Vững, chúng tôi ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của các đối tác tại Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung trong việc khử carbon. Chúng tôi đánh giá cao cơ hội học hỏi lẫn nhau và chúc mừng những người chiến thắng vì cam kết đặc biệt của họ trong việc tạo ra tác động tích cực. Schneider Electric hy vọng khi chia sẻ câu chuyện từ các đối tác thì đây sẽ là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp bắt tay vào hành trình khử carbon của mình”.
Giải thưởng Tác động Tích cực đến Phát triển Bền vững (Sustainability Impact Awards) là một trong những hoạt động trọng tâm của chiến dịch #GreenHeroesForLife do Schneider Electric toàn cầu khởi xướng. Đây là chiến dịch được triển khai tới các đối tác, khách hàng và cả nhân viên Schneider Electric nhằm thúc đẩy những cam kết và hành động dưới góc độ cá nhân và doanh nghiệp để giảm thiểu carbon và trở thành GreenHeroes.
Giải thưởng Sustainability Impact Awards lần đầu tiên tổ chức năm 2022 đã vinh dự tôn vinh 14 Green Heroes đồng hành cùng Schneider Electric và gần 100 khách hàng đăng ký trở thành #GreenHeroesForLife.
Bosch đang đẩy mạnh quá trình điện hóa công nghệ, giải pháp sử dụng năng lượng bền vững, cùng với đó, công nghệ hydrogen được xem là chìa khóa nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu cho cả lĩnh vực di chuyển và cả dân dụng mà không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Tại CES 2024 ở Las Vegas, Nevada, Bosch đã trình bày công nghệ và ứng dụng giúp cuộc sống dễ dàng, an toàn, thuận tiện, bền vững hơn – với nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ lợi ích của hành tinh. Tình hình tiêu thụ năng lượng toàn cầu đã tăng gấp đôi trong vòng 50 năm qua và tiếp tục tăng khoảng 2% mỗi năm. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 80% tiêu thụ năng lượng toàn cầu và được xem là một thách thức lớn.
“Nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong tương lai và sử dụng nguồn lực hiệu quả, Bosch đang tái định vị việc sử dụng năng lượng và tập trung vào hướng tiếp cận kép: điện hóa và hydrogen. Tập đoàn Bosch mong muốn giảm thiếu phát thải trong tương lai, tối ưu hóa sử dụng nguồn năng lượng truyền thống bằng cách đẩy mạnh điện hóa trong công nghệ di động, tòa nhà thương mại và dân dụng. Bosch đang tận dụng các nguồn năng lượng mới và hydrogen đóng vai trò trung tâm,” bà Tanja Rückert, Thành viên Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Robert Bosch GmbH chia sẻ tại CES 2024 ở Las Vegas.
Điện hóa hiệu quả hơn nhờ vào sáng tạo mới từ Bosch
Quá trình điện hóa đã và đang tiến triển nhanh, đặc biệt là trong giải pháp di động. Bosch hiện là nhà cung cấp hàng đầu trên toàn bộ chuỗi giá trị điện động học – từ vi xử lý, trục điện, động cơ điện đến công nghệ pin, trạm sạc và nhiều dịch vụ khác nhau.
“Dịch vụ sạc tự động valet” – một sáng tạo của Bosch trình bày tại CES đã được Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng (CTA) vinh danh. Trong một bãi đậu xe được trang bị hệ thống đỗ xe tự động valet (đỗ xe tự động valet), các ô tô điện được trang bị công nghệ mới này có thể tự lái đến một vị trí trống có sẵn bộ sạc. Chỉ cần nhấn một lệnh trên điện thoại thông minh, một robot sẽ sạc pin tự động mà không cần sự can thiệp của con người. Khi quá trình sạc hoàn tất, xe sẽ được lái tự động đến một chỗ đỗ xe khác để dành chỗ trống cho xe tiếp theo.
“Sự kết hợp duy nhất giữa sạc tự động và đỗ xe tự động valet khiến Bosch trở thành một người tiên phong trên thị trường,” bà Rückert cho biết thêm: “Mọi bước tiến trong công nghệ điện động học nhằm mang đến sự thuận tiện hơn sẽ góp phần tăng cường sức hấp dẫn và sự chấp nhận của các giải pháp mới này.”
Đây cũng là một trong những lý do mà Bosch tập trung vào đổi mới vật liệu bán dẫn silicon carbide (SiC), thành phần chính cho điện động học. Sự triển khai toàn cầu của điện động học đang dẫn đến nhu cầu lớn về công nghệ bán dẫn đặc biệt này.
Sử dụng các quy trình phức tạp do chính Bosch phát triển, chúng tôi đã sản xuất vi mạch (chip) SiC tại nhà máy sản xuất lát bán dẫn (wafer fab) tại Reutlingen (Đức) từ năm 2021 và hiện đang đầu tư hơn 1.5 tỷ đô la vào một nhà máy sản xuất lát bán dẫn khác tại Roseville, California. Bước tiến này sẽ củng cố mạng lưới sản xuất công nghệ bán dẫn của Bosch trên toàn cầu. Mục tiêu là bắt đầu sản xuất vi mạch SiC đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 2026 và tăng sản lượng lên gấp mười lần trong những năm tới.
Trong ô tô điện, vi mạch SiC giúp mở rộng tầm hoạt động lái xe và làm cho quá trình sạc pin hiệu quả hơn, vì mức tiêu thụ năng lượng của chúng thấp hơn đến 50%. Vi mạch SiC cũng cho phép ô tô đi xa hơn trên một lần sạc pin – trung bình, tầm hoạt động tăng lên đến 6% so với trước kia.
Bơm nhiệt tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng trong dân dụng
Công nghệ nổi bật khác của Bosch tại CES 2024 là giải pháp Bơm nhiệt Ultra IDS, được phát triển đặc biệt cho thị trường Bắc Mỹ.
Mô hình này cung cấp 100% công suất sưởi ấm khi nhiệt độ ngoại vi 5 độ F (âm 15 độ C), và nó hoạt động ở mức thấp nhất là âm 13 độ F (âm 25 độ C). Đây là một lựa chọn ưu việt cho người dân tại các khu vực có khí hậu lạnh như Hoa Kỳ hoặc Canada muốn chuyển từ hệ thống sưởi nhiên liệu hóa thạch sang các phương tiện điện hóa. Sự chuyển đổi này giúp tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu chi phí.
Bosch cũng thành công trong việc áp dụng công nghệ bơm nhiệt vào lĩnh vực khác: tại Las Vegas, Bosch đang trình bày máy nước nóng hiệu quả nhất đến nay, giải pháp kết hợp giữa máy nước nóng lưu trữ điện và bơm nhiệt, hiệu quả gấp 3-4 lần so với các máy nước nóng truyền thống. “Với những giải pháp này, chúng tôi đang mở đường cho một ngôi nhà điện hóa và giúp tiết kiệm chi phí và năng lượng,” Chủ tịch Bosch ở Bắc Mỹ, ông Mike Mansuetti chia sẻ.
Các tính năng mới trong các sản phẩm gia dụng Bosch như lò nướng, máy sấy và máy giặt cũng đang đóng một vai trò trong quá trình số hóa. Từ lâu, người dùng đã có thể đặt thời gian bắt đầu sử dụng bằng chức năng hẹn giờ.
Bosch đã và đang đi một bước xa hơn và trang bị thế hệ mới nhất của máy rửa bát của mình với chức năng “MySchedule”. Tính năng này có thể tự động lên lịch bắt đầu chu kỳ hoạt động trùng với các khoảng thời gian giá điện thấp nhất hoặc có sẵn điện xanh.
Một điểm sáng khác mà Bosch mang đến cho người dùng dụng cụ điện chuyên nghiệp tại CES 2024 là công bố thêm đối tác mới cho nền tảng pin cho công cụ điện AMPShare với hơn 30 đối tác toàn cầu đã tham gia. Bosch AMPShare là một hệ thống pin đa thương hiệu cho phép các chuyên gia thương mại và công nghiệp chuyển đổi linh hoạt giữa các thương hiệu công cụ chuyên nghiệp khác nhau mà không cần phải thay đổi pin.
Đẩy mạnh công nghệ hydrogen như một trụ cột của các giải pháp di động trong tương lai
Ngoài điện hóa, Hydrogen là một chìa khóa công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu một cách hiệu quả về nguồn lực. Là một chất lưu trữ, hydrogen có thể hỗ trợ việc sử dụng năng lượng được tạo ra từ nguồn năng lượng tái tạo một cách hiệu quả.
Bosch đang đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ dọc theo chuỗi giá trị hydrogen. Hiện tại, tập trung vào pin nhiên liệu di động, gần đây đã bắt đầu sản xuất hàng loạt tại Stuttgart. Công nghệ này nằm ở trung tâm của hệ thống truyền động cho các phương tiện hạng nặng. Bosch đã nhận được các đơn đặt hàng đầu tiên từ nhà sản xuất xe tải tại châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tập đoàn Bosch cũng đang đẩy mạnh các thành phần của động cơ hydrogen giúp chuyển đổi nhiên liệu trực tiếp thành năng lượng mà không cần chuyển đổi thành điện. Khi được nạp bằng hydrogen xanh, động cơ này gần như đảm bảo tính carbon trung hòa. Động cơ Hydrogen dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay.
Các quốc gia và nhiều ngành công nghiệp trên toàn thế giới đang đầu tư vào các công nghệ hydrogen. Chính phủ Hoa Kỳ là một ví dụ, họ đang phát triển cơ sở hạ tầng cho công nghệ hydrogen và đầu tư 7 tỷ đô la vào xây dựng các trung tâm hydrogen.
“Các trung tâm hydrogen là trụ cột quan trọng để thiết lập cơ sở hạ tầng hydrogen. Bosch hỗ trợ những giải pháp cần thiết và đang tìm hiểu để có thể tham gia vào các trung tâm này. Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế năng lượng sạch ở Bắc Mỹ. Đây là một lĩnh vực mà chúng tôi có thể đóng góp kiến thức chuyên sâu trong sản xuất và cung cấp hydrogen,” ông Mansuetti cho biết thêm.
Công nghệ phần mềm giúp tăng cường hiệu quả năng lượng và mang đến cuộc sống tiện lợi
Trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, Bosch đang tập trung vào việc sử dụng phần mềm và số hóa. Công ty hiện có hơn 44.000 cộng sự trong mảng phát triển phần mềm và là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu định hướng công nghệ di động dựa trên phần mềm.
Tại Las Vegas, Bosch đang trình bày các sản phẩm và giải pháp mới cùng với đối tác chiến lược Amazon Web Services. Các sản phẩm này bao gồm máy pha cà phê tự động hoàn toàn kết nối, giải pháp điều khiển từ ô tô sử dụng trợ giúp giọng nói như Alexa, và “trợ lý điểm đặc biệt” sử dụng camera nội thất trong xe để nhận diện nhà hàng hoặc quán cà phê mà người lái đang nhìn vào dựa trên chuyển động của mắt họ. Trợ giúp giọng nói sau đó thông báo cho người lái trong thời gian thực và hoàn toàn tự động xác định xem nhà hàng có đang mở cửa và có bàn trống không.
Bosch cũng đang trình bày hai dịch vụ mới trong triển lãm điện tử: Chứng chỉ Sử dụng Đi kèm (Usage Certificate To Go) và Dịch vụ Sức khỏe Cho Phương Tiện (Vehicle Health Service).
Dịch vụ đầu tiên là một bổ sung cho các dịch vụ Pin trong công nghệ Đám mây đã được Bosch thiết lập từ trước. Tính năng này giúp tối ưu hóa việc phân tích dữ liệu pin, xác định tình trạng pin và giúp kéo dài tuổi thọ pin lên đến 20%.
Dịch vụ thứ hai, dành cho các nhà quản lý phương tiện giao thông, cung cấp các tính năng được thiết kế chủ yếu để ngăn chặn các sự cố hoặc hư hỏng cho xe. Cả hai giải pháp đổi mới này nhằm mục tiêu kéo dài tuổi thọ của xe và bảo vệ tài nguyên.
Bosch đang tiếp cận tương tự trong lĩnh vực xây dựng: Công ty cung cấp các dịch vụ số để đạt được hiệu quả, như “Quản lý Năng lượng Nexospace” cho thị trường châu Âu giúp khách hàng phân tích nguồn cung, sử dụng năng lượng và phát triển biện pháp cụ thể để tối ưu hóa đồng thời giảm tiêu thụ điện năng. Giải pháp được áp dụng tại chuỗi siêu thị quốc tế REWE và có thể giảm tiêu thụ lên đến 20% trong hơn 2.000 cửa hàng nhờ công nghệ “Quản lý Năng lượng Nexospace”.
Trong khi đó, trong sản xuất, các dịch vụ của Bosch có thể giúp giảm phát thải CO2 bằng cách tăng cường hiệu quả hoạt đông. Những ggành công nghiệp giảm phát thải carbon (Decarbonize industries) – một dịch vụ dựa trên phần mềm được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo và được phát triển bởi Bosch và đối tác, giúp các công ty sản xuất giảm lượng khí CO2 và tối ưu hóa chi phí.