Việc tăng lượt thích, theo dõi hay tương tác trên mạng xã hội đã trở thành một xu hướng phổ biến trong những năm gần đây.

Không ít người, đặc biệt là những cá nhân kinh doanh online, sẵn sàng chi số tiền lớn để “chạy tương tác” nhằm tăng độ uy tín và tạo dấu ấn cá nhân trên mạng xã hội. Tuy nhiên, hành động này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bảo mật, trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ xấu trục lợi và lừa đảo, để lại nhiều hệ lụy cho người sử dụng.

Mất tiền vì muốn tăng tương tác

Trong chương trình Lời Cảnh Báo mới đây, chị N.T, một người kinh doanh online tại TP.HCM, đã chia sẻ câu chuyện của mình. Vì mong muốn trang Facebook cá nhân có lượt tương tác cao để hỗ trợ công việc, chị đã tìm đến một dịch vụ quảng cáo chạy tương tác với giá rẻ.

Tuy nhiên, kết quả nhận được chỉ là sự thất vọng. “Họ bảo có kinh nghiệm trên 10 năm, cam kết tăng 1 triệu follow chỉ với giá 5 triệu đồng và có cả tích xanh. Tôi cảm thấy giá rất rẻ nên tin tưởng. Nhưng sau khi chuyển tiền, họ nói tài khoản của tôi gặp vấn đề và yêu cầu thêm 5 triệu đồng để xử lý. Sau khi tôi chuyển thêm, họ lập tức cắt đứt liên lạc,” chị N.T bức xúc kể lại.

Không chỉ riêng chị N.T, anh L.Đ, một người kinh doanh ở Lâm Đồng, cũng đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này. Anh Đ. cho biết: “Tôi kinh doanh online nhưng lượng tương tác trên website và mạng xã hội rất ít, vì vậy tôi đã tìm đến một số dịch vụ quảng cáo. Sau khi thanh toán, tôi nhận ra không có hiệu quả và khi liên hệ lại, họ đã biến mất.”

Thực tế cho thấy, các đối tượng lừa đảo thường tự nhận mình là đối tác của các mạng xã hội để tạo lòng tin. Tuy nhiên, điều này không chỉ vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng mà còn gây nguy hiểm cho tài khoản của người dùng. Khi cung cấp thông tin đăng nhập cho bên thứ ba, người dùng vô tình trao quyền kiểm soát tài khoản của mình, dễ dàng bị lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân hoặc tài khoản bị khóa vĩnh viễn. Ngoài ra, việc mua danh tiếng ảo trên mạng còn làm mất niềm tin từ khách hàng và bạn bè khi những tương tác giả mạo này có thể biến mất bất cứ lúc nào.

Thạc sĩ Lê Tấn Phước, Nguyên Trưởng khoa CNTT Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TP.HCM, khuyến nghị: “Khi chúng ta thực hiện hack like hay tương tác chéo, rất có thể sẽ truy cập vào các trang web có mã độc hại hoặc bị kiểm soát bởi các đối tượng xấu. Những tài khoản này thường là tài khoản trắng, tạo tương tác ảo, không đem lại giá trị thực cho người dùng.”

Để tránh trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội, người dùng nên xây dựng trang cá nhân một cách minh bạch và chính đáng. Hãy cẩn trọng khi giao dịch, tuyệt đối không chuyển tiền cho những đối tượng không rõ thông tin và không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu hay mã OTP cho người lạ. Việc xây dựng danh tiếng trên mạng xã hội đòi hỏi sự kiên nhẫn và đầu tư nghiêm túc, không nên dựa vào các thủ đoạn gian lận dễ dẫn đến những thiệt hại không đáng có.

Lời khuyên:

  • Tập trung xây dựng nội dung chất lượng, bền vững.
  • Luôn cảnh giác và tránh các dịch vụ quảng cáo, tương tác giá rẻ không rõ nguồn gốc.
  • Không cung cấp thông tin tài khoản cho bất kỳ ai, dù dưới bất kỳ hình thức nào.

Việc tạo dựng uy tín trên mạng xã hội nên bắt đầu từ giá trị thật chứ không phải từ con số ảo.

Xem clip tại đây

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội..

Xem thêm: