Đặt đơn nhóm trên GrabFood cho phép nhiều người cùng nhau đặt một đơn hàng, và nay bổ sung thêm tính năng mới.

Grab Việt Nam vừa cải tiến tính năng Đặt đơn nhóm trong GrabFood, nhằm giúp việc chia tiền giữa các thành viên trong nhóm dễ dàng hơn.

Cải tiến này tập trung vào công cụ chia hóa đơn, cho phép tất cả người dùng tham gia đặt đơn nhóm thanh toán trực tiếp trên hóa đơn đã được chia bằng các hình thức thanh toán không tiền mặt hiện có Grab.

Trước đây, khi đặt đơn nhóm, người dùng có thể biết được số tiền mỗi thành viên tham gia đơn hàng cần thanh toán thông qua hai hình thức: chia đều cho từng người theo tổng giá trị đơn hàng hoặc chia theo món ăn từng người đã đặt. Tuy nhiên, việc thanh toán sẽ được thu xếp sau đó giữa các thành viên với nhau. Như vậy hiện nay mỗi thành viên trong nhóm có thể tự trả phần tiền của mình theo thoả thuận ngay trên ứng dụng.

Tính năng Đặt đơn nhóm của GrabFood được giới thiệu lần đầu tiên tại Singapore vào năm 2020 và đã ra mắt người dùng ở các thị trường Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Tính năng này cho phép nhiều người dùng cùng thêm các món ăn vào một giỏ hàng chung, thuận tiện trong việc đặt đơn cho một nhóm người, hoặc để chia sẻ chi phí giao hàng trên cùng một đơn,…

Theo công bố của Grab, số đơn hàng có sử dụng tính năng Đặt đơn nhóm trong quý 1/2024 đã tăng 54% so với quý 4/2023, cho thấy sự ưa chuộng ngày càng tăng của người dùng đối với tính năng này.

Bên cạnh cải tiến mới nhất đối với công cụ chia hóa đơn, tính năng Đặt đơn nhóm của GrabFood hiện đang cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ người dùng trong suốt quá trình đặt đơn.

Các tính năng hỗ trợ Đặt đơn nhóm:

  • Mời bằng mã QR: Cho phép bạn bè và đồng nghiệp dễ dàng quét mã để tham gia đặt đơn nhóm.
  • Thời hạn cho đơn nhóm: Cho phép người dùng cài đặt hạn chót cho đơn nhóm để hạn chế việc thêm món trễ. Người tạo đơn cũng có thể theo dõi các cập nhật theo thời gian thực khi mọi người tham gia đơn nhóm và thêm các món ăn vào giỏ hàng chung.
  • Theo dõi đơn hàng: Giúp tất cả thành viên nhận được thông báo về tình trạng đơn hàng từ ứng dụng Grab của họ mà không phải phụ thuộc vào người tạo đơn.

Ông Mã Tuấn Trọng, Giám đốc Thương mại, Grab Việt Nam, cho biết: “Nhân viên văn phòng tại các thành phố lớn có xu hướng thích ăn uống cùng nhau. Việc tạo điều kiện để họ có thể cùng nhau đặt chung đơn hàng không những giúp đáp ứng nhu cầu thực tế của người dùng mà còn giúp họ tiết kiệm chi phí.”

Grab vừa phát hành Báo cáo về Xu hướng đặt món ăn và đi chợ online tại Đông Nam Á năm 2023, chỉ ra những xu hướng và sự thay đổi trong cách người tiêu dùng trải nghiệm các dịch vụ đặt món ăn và đi chợ online trong thời kỳ hậu Covid-19.

Tại Việt Nam, 9 trên 10 (91%) người dùng được khảo sát cho biết họ đang sử dụng ứng dụng Grab để biết thêm các nhà hàng và cửa hàng mới mà họ chưa từng thử qua trước đây. Các ứng dụng giao đồ ăn hiện cũng là cách phổ biến nhất để người dùng tại ĐNA khám phá các hàng quán mới, vượt qua cả các blog ẩm thực, sự giới thiệu từ gia đình, bạn bè, hay các nền tảng mạng xã hội.

Dựa trên kết quả báo cáo kết hợp với dữ liệu từ nền tảng Grab cho thấy người dùng đang dần kết hợp giữa trải nghiệm trực tuyến và ngoại tuyến khi muốn thưởng thức đồ ăn. Hơn 90% người dùng cho biết họ thường đọc các đánh giá trực tuyến, hơn 60% người dùng đã mua voucher trả trước qua các kênh trực tuyến, và hơn 70% đã đặt món trực tuyến ngay khi đang ngồi tại nhà hàng. 9 trên 10 người tiêu dùng được khảo sát trong khu vực cho biết họ ưa chuộng các thương hiệu ẩm thực và mua sắm có trải nghiệm tích hợp hình thức trực tuyến và ngoại tuyến.

Một số nét chính khác trong báo cáo của Grab

  • Tại Việt Nam, cứ mỗi 5 người chi tiêu nhiều nhất trên Grab thì có 1 người là hội viên GrabUnlimited – gói hội viên trả trước để sử dụng các dịch vụ Grab.
  • Đặt đơn nhóm là tính năng trên GrabFood cho phép nhiều người cùng đặt chung một đơn hàng và chia đều phí giao hàng. Tính năng này được dùng phổ biến nhất vào giờ ăn trưa và cho các đơn hàng giao đến văn phòng công ty.
  • Bữa trưa có thể là thời điểm đặt đồ ăn phổ biến nhất, nhưng các đơn hàng trong bữa xế, trong khoảng từ 3 đến 6 giờ, khi người dùng đặt đồ ăn nhẹ theo nhóm, lại có giá trị đơn hàng cao nhất. Trên thực tế, 93% người dùng tại Việt Nam cho biết họ có xu hướng ăn nhẹ trong khoảng thời gian này.
  • Ý thức bảo vệ môi trường của người dùng ngày càng nâng cao: 47% người dùng tại Việt Nam cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu thân thiện với môi trường, và 93% người dùng có xu hướng ủng hộ các thương hiệu có các hoạt động bền vững. Tại Việt Nam, số lượng các cuốc xe, đơn đặt hàng được người dùng lựa chọn Khoản đóng góp trung hòa các-bon đã tăng gấp 12 lần từ năm 2022 đến năm 2023.
  • Theo dữ liệu của nền tảng Grab, tại Việt Nam, các món ăn xuất hiện thường xuyên nhất trong các đơn đặt hàng GrabFood năm nay là Bún đậu mắm tômCà phê muối. Bên cạnh đó, Trà sữaCơm tấm đứng đầu trong danh sách tìm kiếm trên GrabFood

Grab hiện cung cấp các dịch vụ giao nhận, di chuyển và các dịch vụ  tài chính kỹ thuật số tại hơn 500 thành phố thuộc 8 quốc gia khu vực Đông Nam Á, bao gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Hàng triệu người dùng Grab hàng ngày để đặt thức ăn, đi chợ hộ, gửi hàng hóa, đặt xe ô tô hoặc xe taxi, thanh toán trực tuyến hoặc tiếp cận với các dịch vụ cho vay, bảo hiểm.

Grab đang thử nghiệm bán voucher ăn tại nhà hàng, song song với tính năng giao đồ ăn tận nơi như hiện nay.

Grab đang thử nghiệm tại TP.HCM tính năng “ăn tại nhà hàng”, cho phép người dùng mua voucher với giá ưu đãi để ăn tại nhà hàng. Tuy nhiên chưa thấy tính năng đặt bàn trên ứng dụng này.

Hiện có hơn 100 nhà hàng trên GrabFood triển khai bán voucher trên ứng dụng. Khách mua phiếu này và dùng để thanh toán tại nhà hàng. Để tận dụng hệ sinh thái, hiện nay Grab đang tặng hoặc giảm giá gói di chuyển đến và rời khỏi nhà hàng có bán voucher.

Hiện nay tính năng “ăn tại nhà hàng” mới chỉ bán voucher, chưa cho khách đặt bàn trước thông qua ứng dụng – một tính năng có lẽ sẽ hoàn thiện hơn quá trình người dùng muốn ăn tại một nhà hàng nào đó.

Theo quan sát, có một số nhà hàng Michelin Guide cũng bán voucher trên GrabFood.

Để dùng tính năng này, mọi người vào GrabFood > chọn Ăn tại nhà hàng > Mua voucher.

Ứng dụng gọi đồ ăn Baemin sẽ ngưng hoạt động tại Việt Nam kể từ ngày 8/12.

Baemin vừa gửi tin nhắn đến người dùng về việc sẽ ngưng hoạt động tại Việt Nam kể từ ngày 8/12.

Trong thông báo gửi người dùng, Baemin khuyên người dùng sử dụng hết các khuyến mại của hãng cho đến ngày 7/12/2023.

Trên fanpage của công ty, một số người dùng tỏ ý tiếc nuối khi bình luận trong một số bài viết của trang này.

Báo VnExpress dẫn thông báo của Baemin cho biết: “Quyết định rời khỏi Việt Nam của Baemin được thúc đẩy bởi tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như thực trạng cạnh tranh khốc liệt của thị trường nước sở tại”.

Baemin có mặt tại Việt Nam 4 năm trước, chỉ tham gia ở mảng giao đồ ăn. Các công ty tương tự như Grab, Gojek, be đều có thêm dịch vụ giao hàng, chở khách và các dịch vụ khác.