Chương trình “Lời Cảnh Báo” tiếp tục cập nhật những vấn đề nóng hổi đang được quan tâm trong tuần này. Hai vấn đề nổi bật bao gồm trào lưu nguy hiểm “bắt pen” đang lan truyền trên mạng xã hội và bẫy lừa từ các nhóm kín “tư vấn sức khỏe”.

Nguy Cơ Tử Vong Từ Trào Lưu ‘Bắt Pen’ Trên Mạng Xã Hội

Trào lưu “bắt pen” đang nổi lên mạnh mẽ, thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ trên mạng xã hội. Theo trào lưu này, một người sẽ dùng tay ấn mạnh vào hai bên cổ của người khác nhằm tạo cảm giác “thư giãn”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, hành động này tiềm ẩn nguy cơ gây thiếu máu não, đột quỵ, thậm chí tử vong, do chèn ép động mạch cảnh ở cổ.

Trong các video lan truyền, nạn nhân của trò này thường rơi vào trạng thái mất ý thức, ngất xỉu và cần được cấp cứu. Một số người tham gia cho rằng đây là một cách “giải tỏa stress”, nhưng thực tế lại vô cùng nguy hiểm.

Anh N.T (TP.HCM) là một trong những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trào lưu này. Anh chia sẻ: “Lúc bạn bè rủ thử, mình không ngờ rằng nó lại nguy hiểm đến vậy. Cảm giác ban đầu tê tê, sau đó mình cảm thấy khó thở và không thể kiểm soát cơ thể. May mắn là mình hồi tỉnh lại, nhưng từ đó mình vẫn thấy lo sợ và mệt mỏi.”

bắt pen

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc chèn ép động mạch cảnh có thể dẫn đến tắc nghẽn lưu thông máu, gây ra thiếu oxy lên não và dẫn đến tử vong trong những trường hợp nặng.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Thống Nhất, khẳng định: “Vùng cổ chứa nhiều xoang nhạy cảm, đặc biệt là xoang cảnh, nơi cung cấp máu cho não. Việc ép mạnh vào khu vực này có thể làm chậm nhịp tim, ngưng mạch và gây tử vong. Điều này cần phải do các chuyên gia y tế thực hiện trong điều kiện giám sát kỹ lưỡng. Đùa nghịch với khu vực này có thể gây đột quỵ, thậm chí là vỡ mạch máu.”

Bẫy Lừa Từ Các Nhóm Kín ‘Tư Vấn Sức Khỏe’

Bên cạnh trào lưu “bắt pen”, các nhóm kín “tư vấn sức khỏe” trên mạng xã hội đang trở thành nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo, không chỉ ảnh hưởng tài chính mà còn gây hại cho sức khỏe người tham gia.

Bà D.N.L (55 tuổi, TP.HCM) là nạn nhân của hình thức lừa đảo này. Bà cho biết: “Tôi mắc bệnh khớp lâu năm, thấy nhóm kín tư vấn thuốc đông y cam kết hiệu quả, tôi đã chuyển khoản mua thử. Sau khi nhận thuốc, tôi đưa cho bác sĩ kiểm tra thì được biết thuốc này hoàn toàn không có tác dụng trị bệnh khớp.”

Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng chiêu thức quảng cáo thuốc với công dụng thần kỳ, sử dụng hình ảnh bác sĩ và bệnh nhân đã chữa khỏi bệnh để tăng tính thuyết phục. Họ dụ dỗ người bệnh tham gia vào các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, cam kết hoàn trả tiền thuốc nếu không hiệu quả, nhưng thực tế lại cung cấp các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

ThS.BS Nguyễn Trương Minh Thế, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, khuyến cáo: “Những sản phẩm được quảng cáo trong các nhóm kín thường không đảm bảo chất lượng, thành phần không rõ ràng, giá trị thực tế thấp nhưng lại được đẩy giá lên cao. Người dân không có chuyên môn sẽ dễ bị lừa và có thể gặp phải những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe.”

Thực tế, nhiều người do e ngại việc đến bệnh viện hoặc muốn tiết kiệm chi phí nên đã tìm đến các nhóm kín để tự chữa trị. Tuy nhiên, kết quả thường là “tiền mất tật mang”, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trước tình hình phức tạp này, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, chỉ nên tìm kiếm sự tư vấn từ các cơ sở y tế uy tín và thận trọng khi tham gia các trào lưu mới trên mạng xã hội. Những hành động như “bắt pen” và việc mua thuốc không rõ nguồn gốc đều có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường trước.

Lời Cảnh Báo là một chương trình thời sự phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm và cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội.. Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. 

Telegram là một ứng dụng nhắn tin, gọi điện và chia sẻ tệp miễn phí, hiện đang nằm trong số những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sự phổ biến này cũng khiến Telegram trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo, đặc biệt là trong việc lấy cắp mã OTP (One-Time Password) của người dùng.

Thủ Đoạn Lừa Đảo Trên Telegram

Gần đây, một số người dùng đã phản ánh về việc nhận được các tin nhắn giả mạo, thường có nội dung cảnh báo tài khoản của họ bị báo lạm dụng và sẽ bị xóa sau 24 giờ nếu không đăng nhập vào một liên kết cụ thể. Những tin nhắn này giả danh Telegram và kẻ lừa đảo thường tạo ra các tình huống khẩn cấp để gây áp lực tâm lý, khiến nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các thao tác theo yêu cầu của chúng.

Một ví dụ điển hình là các thông báo giả mạo từ tài khoản Telegram giả danh cơ quan chính phủ, tổ chức tài chính, hoặc một cá nhân có uy tín, yêu cầu nạn nhân chụp hình để xác minh tài khoản. Trong quá trình này, kẻ lừa đảo đã sử dụng số điện thoại của nạn nhân để yêu cầu Telegram gửi mã OTP. Khi nạn nhân chụp ảnh màn hình để gửi, mã OTP sẽ bị lộ và kẻ gian có thể sử dụng mã này để chiếm đoạt tài khoản của nạn nhân.

Chị Đ.T.N, một nạn nhân, chia sẻ: “Họ nói rằng có một tài khoản Telegram giả mạo tôi, nên yêu cầu tôi chụp ảnh màn hình và gửi để họ xác minh. Tôi chỉ làm theo mà không ngờ họ đã có thông tin ngân hàng của tôi và chiếm hết số tiền trong tài khoản.”

Lời Khuyên Từ Chuyên Gia

Ông Trương Phạm Hoài Phương, giảng viên tại Trường Cao đẳng An ninh mạng iSPACE TP.HCM, cho biết rằng kẻ lừa đảo thường tạo tài khoản Telegram giả mạo và xây dựng trang cá nhân để lôi kéo người dùng tham gia. Sau khi người dùng đã bị lôi kéo, kẻ gian sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, và sau đó sử dụng các thông tin này để tấn công tài khoản.

Ông Phương cũng nhấn mạnh rằng người dùng cần phải hết sức cảnh giác khi có ai đó liên hệ qua Telegram yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm. “Khi có người liên hệ từ Telegram, hãy xác nhận thông tin của họ và yêu cầu chuyển sang một kênh liên lạc khác. Không nên chia sẻ bất kỳ thông tin nào qua Telegram nếu bạn không chắc chắn về danh tính của người liên hệ,” ông nói.

Cách Phòng Tránh Lừa Đảo Trên Telegram

Để tránh bị lừa đảo qua Telegram, người dùng nên:

  1. Cảnh giác với các chiêu trò phổ biến mà kẻ lừa đảo thường sử dụng.
  2. Xác minh danh tính người liên hệ bằng cách yêu cầu cung cấp thông tin địa chỉ, số điện thoại hoặc liên lạc lại qua một kênh tin cậy khác.
  3. Không chia sẻ thông tin nhạy cảm như mã OTP, mật khẩu hoặc thông tin tài khoản với bất kỳ ai, trừ khi bạn chắc chắn về lý do và độ tin cậy của người yêu cầu.
  4. Báo cáo ngay lập tức cho các cơ quan chức năng nếu phát hiện hành vi lừa đảo để giúp ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Clip Lừa đảo lấy cắp Telegram

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Trong bối cảnh lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi, việc triển khai xác thực sinh trắc học từ các ngân hàng là giải pháp an toàn, góp phần ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này. Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu xác thực sinh trắc học, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng liên hệ với người dân để hỗ trợ xác thực, sau đó chiếm đoạt tiền và thông tin cá nhân.

Trong chương trình Lời Cảnh Báo, chị Lý Thị Thu Uyên, chia sẻ: “Hằng ngày tôi có những giao dịch trên 10 triệu, nên việc đăng ký sinh trắc học rất quan trọng. Tôi cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng sinh trắc học vì bảo mật hơn so với vân tay hoặc Face ID.” Việc sử dụng sinh trắc học đang được rất nhiều người dân hưởng ứng, xem đây là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu rủi ro.

Trung tá Trần Ngọc Thành, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Xác thực bằng sinh trắc học giúp các ngân hàng xác định giao dịch chính chủ khi đối chiếu dữ liệu. Điều này hỗ trợ các cơ quan chức năng truy vết, làm rõ hành vi lừa đảo và thu hồi tiền cho người bị hại.”

Lợi dụng hình thức xác thực này, các đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng liên hệ với khách hàng qua điện thoại, tin nhắn hoặc mạng xã hội, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt, giọng nói và cử chỉ. Nhiều người dân đã gặp phải các thủ đoạn này.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, khuyến cáo: “Người dân phải cảnh giác khi nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn tự xưng là nhân viên ngân hàng. Nên tạm hoãn và gọi lại để xác thực thông tin.”

Anh Nguyễn Trọng Đại, thành viên Dự án Chống lừa đảo, đề xuất: “Không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại hoặc tin nhắn. Kiểm tra thông tin người liên hệ bằng cách gọi trực tiếp số hotline chính thức của ngân hàng. Nếu nghi ngờ bị lừa đảo, hãy liên hệ ngay với ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời.”

Ngoài việc đề nghị cung cấp thông tin nhạy cảm, các đối tượng còn yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng hỗ trợ xác thực sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi thu thập được thông tin, các đối tượng có thể chiếm đoạt tiền trong tài khoản và sử dụng thông tin vào mục đích xấu. Truy cập vào các đường link lạ có thể khiến thiết bị nhiễm phần mềm độc hại, dẫn đến mất kiểm soát thông tin ngân hàng.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân có thể tự thực hiện xác thực sinh trắc học hoặc đến trực tiếp các ngân hàng. Đồng thời, cần tỉnh táo trước những cuộc gọi tự xưng là nhân viên ngân hàng để tránh nguy cơ bị lừa đảo.

Clip Lừa đảo hỗ trợ xác thực sinh trắc học

Nhằm hạn chế việc bị lừa đảo lấy thông tin sinh trắc học, bạn cần phải:

  1. Xác minh nguồn gốc thông tin liên hệ: Khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn hoặc email tự xưng là từ ngân hàng, hãy kiểm tra lại thông tin bằng cách gọi trực tiếp đến số hotline chính thức của ngân hàng để xác minh.
  2. Không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại hoặc tin nhắn: Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hay bất kỳ thông tin nhạy cảm nào qua điện thoại, tin nhắn, hoặc mạng xã hội.
  3. Tránh truy cập các liên kết lạ: Không nhấp vào các liên kết từ email, tin nhắn hoặc trang web không rõ nguồn gốc. Những liên kết này có thể chứa phần mềm độc hại có thể lấy cắp thông tin của bạn.
  4. Cài đặt và sử dụng phần mềm bảo mật: Sử dụng các phần mềm bảo mật, phần mềm chống virus và phần mềm quản lý mật khẩu đáng tin cậy để bảo vệ thiết bị và thông tin cá nhân.
  5. Cảnh giác với các ứng dụng không rõ nguồn gốc: Tránh cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc không được cung cấp bởi ngân hàng chính thức. Các ứng dụng này có thể chứa mã độc hoặc phần mềm gián điệp.
  6. Luôn cập nhật thông tin bảo mật từ ngân hàng: Theo dõi các thông báo và cập nhật bảo mật từ ngân hàng để nắm bắt các biện pháp an toàn mới nhất.
  7. Giữ kín thông tin sinh trắc học: Thông tin sinh trắc học như dấu vân tay, hình ảnh khuôn mặt, giọng nói cần được bảo vệ cẩn thận. Tránh chia sẻ thông tin này một cách công khai hoặc lưu trữ ở những nơi không an toàn.

Lợi dụng dịch vụ giao hàng tận nhà đang là xu thế hiện nay, nhiều đối tượng xấu sử dụng chiêu trò gửi bưu phẩm kèm mã QR trúng thưởng cho nhiều người. Khi quét mã, người nhận sẽ bị mã độc tấn công hoặc bị dẫn dụ truy cập đường link trên mã QR và cung cấp thông tin cá nhân để làm thủ tục. Khi làm theo hướng dẫn, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển các thiết bị đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản.

 Thận trọng với mã QR trúng thưởng trên bưu phẩm

Trong chương trình Lời Cảnh Báo tuần qua đã giới thiệu một hình thức lừa đảo mới qua mã QR. Theo đó, các đối tượng xấu sẽ gửi bưu phẩm tới nhà người dân thông qua shipper, các đối tượng này sẽ đánh vào lòng tham của nạn nhân khi gửi món đồ giá trị thấp với danh nghĩa tri ân khách hàng, bên trong bưu phẩm kèm theo thông báo trúng thưởng chứa mã QR để đánh lừa nạn nhân làm theo yêu cầu.

Khi nhận được bưu phẩm lạ, tuy không biết người gửi là ai nhưng do đúng về các thông tin cá nhân nên sau khi đắn đo một lúc nạn nhân đã mở ra xem. Bên trong bưu phẩm có mã QR và các đối tượng này đã yêu cầu quét mã thì sẽ nhận được những phần quà lên đến hàng chục triệu đồng. Do không cảnh giác nên nạn nhân đã làm theo, nhập các thông tin và tài khoản mạng xã hội, chỉ trong tích tắc số tiền trong tài khoản, tài khoản cá nhân của nạn nhân đều bị mất hết.

lừa đảo qua mã QR

ThS. Lê Tấn Phước (Nguyên Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin, Trường CĐ Công nghệ Thông tin TP.HCM) cho biết mã QR code có thể làm được rất nhiều tác vụ. Ở các chương trình trúng thưởng thì các đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng QR code để mã hóa đường link trang web. Khi quét mã thì sẽ dẫn đến một trang web giả mạo để đánh cắp thông tin, tài khoản người dùng. Chúng ta cần phải cẩn thận kiểm tra link trước khi chính thức đăng nhập và khai báo các thông tin.  

Các hình thức lừa đảo luôn có sự thay đổi đan xen mới và cũ, thường xuyên xuất hiện nhiều chiêu trò tinh vi hơn. Việc cập nhật  các thông tin, kiến thức để nhận diện được các hình thức lừa đảo giúp mỗi người biết tự cách bảo vệ bản thân.

Thủ đoạn đầu tư vàng trên mạng để lừa đảo

Khi giá vàng liên tục tăng, đã có rất nhiều người dân nhận được những lời mời, lôi kéo tham gia các hội nhóm đầu tư vàng online với tỷ suất sinh lời cực cao. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cảnh báo đây đa phần là chiêu thức lừa đảo. Không ít trường hợp là nạn nhân khi tham gia các ứng dụng, các sàn đầu tư vàng online.

Các hội nhóm đầu tư online xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội và thu hút rất nhiều thành viên tham gia. Các bài viết được đăng tải với nội dung phân tích, đánh giá thị trường vàng cũng như đăng tải các lợi nhuận khủng mà họ mang về. Để nhà đầu tư yên tâm, những đối tượng này sẽ mời nạn nhân vào các nhóm chat chung, nhưng thực chất trong nhóm này có rất nhiều kẻ lừa đảo núp bóng nhà đầu tư và đưa ra những thông tin ảo nhằm thu hút các nhà đầu tư. Các đối tượng xấu còn sử dụng chiêu thức tung tin là vàng sẽ được rao bán rẻ hơn so với giá vàng niêm yết với các hình thức giao dịch như trả góp, mua chung hay trao đổi bằng loại vàng khác nhau. Và sau đó lập ra những tài khoản ảo, trên đó có các hoạt động tương tác, PR cho hình ảnh của họ.

Một nạn nhân chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu một nhóm đầu tư vàng và bấm bình luận thì có người liên hệ mời tôi tham gia và hướng dẫn mở app tài khoản cá nhân để đặt lệnh mua bán vàng và nói là sẽ được nhận lợi nhuận rất cao. Sau một thời gian tôi bỏ một số tiền khá lớn để đầu tư nhưng đến khi muốn rút tiền gốc ra thì không được”.

Thông thường các đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra ba cái bẫy để lừa người đầu tư như kêu gọi góp vốn mua vàng chung, kêu gọi mua vàng có giá thấp hơn so với giá thị trường và trao đổi các loại vàng.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền – Chuyên gia kinh tế nói hiện nay ở Việt Nam chưa cho phép loại hình này, tất cả đều phi chính thức và chưa có sự bảo vệ của pháp luật nếu chúng ta đầu tư vào thì rất rủi ro.

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Các hành vi lừa đảo này nếu giá trị chiếm đoạt tài sản dưới 2 triệu thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. Nếu số tiền chiếm đoạt của các bị hại hơn 2 triệu đồng hoặc đủ cơ sở khởi tố vụ án hình sự có thể bị khởi tố tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Việc đầu tư vàng trên không gian mạng tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Khi có nhu cầu chúng ta có thể hoàn toàn chọn một đơn vị cung cấp lớn để mua vàng đầu tư, thay vì đưa tiền cho một đối tượng không quen biết trên không gian mạng và nhờ họ đầu tư hộ, hoặc mua qua một sàn vàng ảo mà chúng ta không biết được sàn đó có được cấp phép hay chưa, do đó người dân hãy luôn cảnh giác.

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Trong chương trình Lời Cảnh Báo tuần qua đã phản ảnh về hành vi mua bán tài khoản ngân hàng không chính chủ thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Theo đó, trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia cảnh báo rằng hiện nay có những đối tượng xấu đang sử dụng mạng xã hội để săn lùng các tài khoản ngân hàng không chính chủ, thậm chí mua bán thông tin này để thực hiện các hành vi lừa đảo và phạm tội. Đây là một vũ khí nguy hiểm mà các kẻ lừa đảo sử dụng để che giấu những hoạt động phạm pháp của họ, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng khi tài khoản ngân hàng bị lạm dụng cho các mục đích không đúng.

Một đường dây mua bán thông tin tài khoản ngân hàng vừa bị lực lượng An ninh mạng và Công an thành phố Đà Nẵng triệt phá. Theo thông tin từ lực lượng này, đã bắt giữ được đối tượng đã thu thập và trao đổi thông tin cá nhân của 2012 tài khoản ngân hàng. Đối tượng Hoàng Đức Nhu, một trong những nghi phạm, thừa nhận rằng, thông qua việc tham gia các nhóm mạng xã hội, anh ta đã tiếp cận và tham gia vào việc mua bán thông tin cá nhân của các khách hàng ngân hàng.

Ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia, cảnh báo rằng: “Những người dùng mở tài khoản ngân hàng mà không có nhu cầu thực tế sử dụng đang trở thành đối tượng dễ bị lợi dụng. Họ có nguy cơ trở thành công cụ để các đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản của họ cho các hoạt động vi phạm pháp luật như giao dịch tiền ảo hoặc truy cập vào Internet Banking để thực hiện các hành vi phạm tội”.

Trong bối cảnh phức tạp của lừa đảo trên không gian mạng, người dân cần cẩn trọng hơn bao giờ hết trong việc bảo vệ thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của mình. Việc hợp tác, cho thuê tài khoản ngân hàng có thể khiến họ bị xem như đồng phạm với các hoạt động bất hợp pháp và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Do đó, cộng đồng cần thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh những hệ lụy nghiêm trọng do việc lạm dụng tài khoản ngân hàng, đồng thời cảnh giác với những hoạt động đáng ngờ trên mạng xã hội và trong không gian mạng để ngăn chặn các đối tượng xấu.

Clip Chiêu trò thuê, mua tài khoản ngân hàng không chính chủ

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự, phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Hiện nay, nhiều dịch vụ làm hộ chiếu nhanh qua mạng xã hội với những lời mời chào như “không cần đi xa, không xếp hàng, không chờ đợi, dịch vụ chi phí thấp” đang thu hút sự quan tâm của người dân. Tuy nhiên, các đối tượng này thường lập các trang web mập mờ, dễ gây nhầm lẫn với các trang web của cơ quan nhà nước.

Trong chương trinh Lời Cảnh Báo tuần vừa qua, chị N.L.T (TP.HCM), chia sẻ: “Khi tôi nhắn tin hỏi, họ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin như căn cước công dân hai mặt, ảnh thẻ chính chủ, số điện thoại và địa chỉ chính xác. Họ còn yêu cầu thêm thông tin của chồng tôi.

Chị cho biết ban đầu cũng cảm thấy lo lắng, nhưng người nhắn tin giải thích cặn kẽ, hợp lý như cần thông tin chính xác để đăng ký trên trang dịch vụ công. Vì thế, dù còn nghi ngờ nhưng chị vẫn cung cấp thông tin cho phía bên kia.

Tuy nhiên, đây chính là một cái bẫy nhằm lấy thông tin cá nhân của người dùng.

Luật sư Bùi Trọng Hiển, Giám đốc Công ty Luật, cho biết: “Hiện nay có một số cá nhân trên mạng lợi dụng thu thập thông tin để kinh doanh. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nếu chưa đến mức nghiêm trọng, có thể bị xử phạt hành chính theo điều 84 của Nghị định 15 năm 2020 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, với mức phạt từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Nếu hành vi này có dấu hiệu hình sự, có thể bị xử lý theo điều 288 Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, với hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, trong trường hợp nặng hơn, mức phạt tù lên đến 7 năm”.

Để tránh rủi ro khi có nhu cầu cấp hộ chiếu, người dân nên tự đăng ký hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, không cung cấp thông tin căn cước công dân, không đăng tải hay chia sẻ hình ảnh căn cước công dân cho những dịch vụ trên mạng xã hội không đảm bảo an toàn thông tin cá nhân.

Nên cảnh giác với những lời quảng cáo của các đối tượng hoạt động cò mồi dịch vụ. Trong trường hợp không thành thạo công nghệ, người dân có thể nhờ người thân, người quen uy tín hoặc lực lượng chức năng hướng dẫn làm thủ tục cấp hộ chiếu trực tuyến.

Việc để lộ thông tin cá nhân trên mạng là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật khác. Mỗi cá nhân cần ý thức bảo mật thông tin cá nhân để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Để an toàn, bạn có thể tự làm hộ chiếu online. Các bước như sau:

Bước 1: Truy cập Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an tại địa chỉ https://dichvucong.bocongan.gov.vn/bocongan/bothutuc?malv=QL_XUAT_NHAP_CANH hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bước 2: đăng nhập vào hệ thống theo tài khoản đã thành công.

Bước 3: tìm kiếm và lựa chọn dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử, chọn mục nộp trực tuyến.

Bước 4: Điền đầy đủ các thông tin đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu, bao gồm cả địa chỉ email và upload ảnh chân dung (để in trên hộ chiếu).

Bước này đòi hỏi người dân cần chuẩn bị trước việc chụp ảnh chân dung và ảnh CCCD và lưu sẵn trong máy tính/điện thoại để tiện tải lên nhanh chóng. Ảnh chụp phải rõ nét, định dạng file jpeg 2000, kích thước nhỏ hơn 4MB.

Bước 5: Lựa chọn nơi nộp hồ sơ tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở nơi thuận lợi.

Bước 6: Lựa chọn hình thức nhận hộ chiếu trực tiếp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc qua đường bưu điện.

Bước 7: Chọn mục đồng ý và tiếp tục, kiểm tra lại thông tin hồ sơ đã khai báo, nhập mã xác nhận và chọn mục nộp hồ sơ. Công dân sẽ nhận tin nhắn của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Trường hợp hồ sơ được chấp nhận, công dân tiến hành thanh toán lệ phí theo hướng dẫn trong tin nhắn hoặc thư điện tử.

Thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến là 5 ngày làm việc đối với hồ sơ nộp tại cấp trung ương và 8 ngày làm việc với hồ sơ nộp tại cấp tỉnh.

Clip Cẩn trọng khi làm hộ chiếu qua mạng xã hội:

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. 

Tuần này, chương trình Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề được phản ánh trong thời gian gần đây như lừa bán điện thoại giá rẻ.

Chị T.T.T.V (TP.HCM) mua điện thoại di động để làm công việc kinh doanh trực tuyến. Khi xem trên Facebook, một trang fanpage bán điện thoại có thương hiệu trên thị trường với giá “xả kho” đến 60%. Chị điền thông tin mua hàng sau khi đọc những thông tin về sản phẩm và cam kết được kiểm máy khi nhận hàng.

Chị T.T.T.V chia sẻ: “Khi tôi nhận điện thoại, tôi kiểm tra seal và tem rất kỹ, nhìn bên ngoài rất giống điện thoại chính hãng nên tôi rất tin tưởng và tôi trả tiền. Thanh toán xong tôi mở hàng ra thì thấy nó không nặng như điện thoại chính hãng và tôi bắt đầu nghi ngờ. Mở điện thoại lên, tôi thấy điện thoại không đẹp, màn hình bị sọc và tôi lướt bị lag nên tôi gọi điện cho số điện thoại tôi đặt hàng nhưng không ai bắt máy thì tôi biết tôi đã bị lừa”.

lừa đảo mua điện thoại giá rẻ

T.S Đoàn Văn Báu (Chuyên gia Tội phạm học) chia sẻ: “Đánh vào nhu cầu của khách hàng muốn mua được mặt hàng tốt giá rẻ, các đối tượng sẽ giật tít “sale sập sàn”, “điện thoại giá rẻ”,… khiến chúng ta bị lôi cuốn. Đối với các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hình thức livestream bán hàng có rất nhiều thủ thuật, vì thế khách hàng dễ bị lừa đảo”.

Các đối tượng xây dựng hệ thống bán hàng có quy trình giống như các sàn thương mại điện tử, bán những dòng điện thoại cao cấp với giá 4,5 triệu đồng với lời mời gọi hấp dẫn. Những lời giới thiệu còn đánh trúng tâm lý thích mua hàng xịn giá rẻ. Các đối tượng lập các tài khoản ảo để bình luận đánh giá tích cực khiến người xem thích thú.

Luật sư Trần Minh Cường cho biết, theo Quy định Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017, người có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản người khác với giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo với mức phạt cao nhất là tù chung thân.

T.S Đoàn Văn Báu (Chuyên gia Tội phạm học) cho biết, giá thành mua bán thiết bị điện tử trên thị trường hiện nay cũng dao động tương ứng nhau, nhưng khi người khác cung cấp mặt hàng giá quá rẻ thì chúng ta nên xem xét, đặc biệt là mua hàng online. Cần kiểm tra thông tin xem cửa hàng đó có thật không và tránh trường hợp đặt cọc đầy đủ tiền.

Clip Lừa bán điện thoại giá rẻ

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. 

Với hơn 500 triệu người sử dụng, WINRAR là một trong những công cụ phổ biến và tiện lợi nhất để nén và giải nén các tập tin. Chính vì thế, đây cũng là một trong những công cụ được nhiều tin tặc nhắm đến. Tuy nhiên, nhiều người chưa quan tâm đến vấn đề này, dẫn đến nhiều rủi ro về bảo mật dữ liệu, an ninh mạng. Thực tế đã có nhiều đơn vị tổ chức bị tấn công, chiếm quyền kiểm soát.

Mới đây các chuyên gia phát hiện một lỗ hổng nghiêm trọng của ứng dụng này. Lỗ hổng này cho phép tin tặc có thể thực thi mã tùy ý trên hệ thống máy tính người dùng sau khi họ mở một tập tin nén được chế tạo đặc biệt theo ý đồ của kẻ tấn công. Lỗ hổng này xuất hiện trong quá trình xử lý khối lượng khôi phục một công đoạn trong quy trình giải nén của phần mềm này. Kẻ tấn công có thể lừa người dùng mở một tệp tin nén được chế tạo đặc biệt theo ý đồ của hacker, sau đó lợi dụng lỗ hổng mới phát hiện trên WINRAR để thực thi mã tùy ý trên hệ thống của nạn nhân.

ứng dụng giải nén

Thạc sĩ Phan Thanh Toán – Học viện Bưu chính Viễn thông TP.HCM cho biết: Các phần mềm giải nén phổ biến là có WinZip và WinRAR. WinRAR cho phép mình nén nhiều đuôi phổ biến thường thấy. Tuy nhiên, thời gian gần đây phần mềm WinRAR vừa xuất hiện lỗ hổng là CVE-2023-40477 rất nghiêm trọng. Hacker có thể thực hiện các mã độc từ xa, kiểm soát máy tính của người dùng và làm mọi thứ trên máy tính đó”. 

Mặt khác, nguy cơ ấy ngày càng lớn hơn khi nhiều người dùng còn thiếu cẩn trọng trong việc kiểm tra nguồn gốc các file cần giải nén được gửi đến, trong khi chỉ cần một tệp tin thiết bị của người dùng có thể bị nhiễm mã độc. Mã này có khả năng đánh cắp Cookie trình duyệt và gửi về cho hacker, từ đó chúng có thể sao chép trạng thái đăng nhập để truy cập vào tài khoản online của nạn nhân như email, mạng xã hội.

Chị Nguyễn Ngọc Nhi (TP.HCM) do bất cẩn trong việc kiểm tra nguồn gốc file cần giải nén, chị đã mất quyền kiểm soát máy tính, sau đó lần lượt mất các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng. “Một tài khoản gửi yêu cầu, có đuôi tệp RAR cho tôi, lúc đó tôi nghĩ là đối tác gửi báo giá cho mình, tôi không suy nghĩ nhiều, mở ngay liền. Sau đó, tôi cảm thấy các tài khoản của tôi bị xâm nhập và mất hết mật khẩu tài khoản trên mạng xã hội và kể cả các tài khoản ngân hàng của mình. Lúc đó mới phát hiện ra là tài khoản ngân hàng của mình đã mất gần hơn 10 triệu”chị chia sẻ.

Người dùng cá nhân và tổ chức cần chủ động cập nhật giải nén lên phiên bản mới nhất. Người dùng cần để ý không mở các tệp tin được gửi chia sẻ từ người lạ hoặc vào những tập tin không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, cần sử dụng các tính năng xác minh tính chính xác nghiêm ngặt để đảm bảo tính bảo mật trên máy tính

Trong chương trình Lời Cảnh Báo, Thạc sĩ Phan Thanh Toán chia sẻ: Sau sự cố và lỗ hổng được phát hiện vào tháng 6 năm 2023, WinRAR đã cập nhật phiên bản mới nhất là phiên bản 6.24. Khi sử dụng WinRAR, cần chú ý những điều sau: Nắm rõ nguồn gốc của các file nén, cập nhật phiên bản chống virus thường xuyên để đối phó với các mã độc và virus mới xuất hiện, tránh mở các file không rõ nguồn gốc, kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các trang tài khoản mạng xã hội để tránh những rủi ro không đáng có”.

Clip Cẩn trọng với ứng dụng nén và giải nén trên máy tính:

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Nhờ tính tiện lợi, mã QR đang dần trở thành phương thức thanh toán chính của nhiều người dân từ các quán tạp hóa, cửa hàng dịch vụ đến nhà hàng, quán ăn đều dán mã QR thông tin tài khoản ngân hàng để tiện cho khách hàng thanh toán. Thế nhưng, sự tiện lợi này cũng đang phải đối mặt với rủi ro lừa đảo. Trong thời gian gần đây, nhiều cửa hàng dịch vụ đã bị tráo đổi mã QR để chiếm đoạt tiền.

Thường xuyên được khách hàng yêu cầu chuyển khoản thanh toán, chị TTN, chủ một cơ sở kinh doanh nước uống ở TP.HCM đã tìm hiểu và in mã QR tài khoản ngân hàng của mình để tiện cho việc thanh toán. Tuy nhiên, mã QR của chị đã bị kẻ gian tráo đổi. Khách hàng liên tục thanh toán bằng hình thức quét mã QR mà tiền chẳng thấy đâu. “Tôi không nhớ được mã QR cũ màu sắc như thế nào. Mã mới chỉ khác số tài khoản, còn tên của quán, cơ sở kinh doanh thì cũng y hệt như tên mình, làm tôi không thể phân biệt được”, chị T.T.N cho biết.

Cảnh giác lừa đảo tráo đổi mã QR

Tiến sĩ Phạm Văn Khoa – Trưởng ngành Máy tính – Viễn thông, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Bằng mắt thường chúng ta không thể nào phân biệt được đâu là mã QR thật và giả. Mã QR code có những dấu chấm đen, dấu chấm trắng, bằng mắt thường thì không thể nào phân biệt được”.

Một người phụ nữ là chủ cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội cho biết, kẻ gian đã thay thế mã QR dán bên ngoài cửa hàng bằng một mã QR khác mà bà không hay biết. Đã có nhiều người mua hàng chuyển từ 5 triệu, 1 triệu tới vài trăm nghìn đồng, nhưng đều vào tài khoản khác.

Như một cửa hàng dịch vụ sửa chữa, chăm sóc xe ô tô ở phường Khánh Hòa Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cũng bị thay thế mã QR thanh toán tương tự. Anh T.N.N.K chia sẻ: “Có một điều kỳ lạ là rất nhiều khách hàng chuyển khoản, nhưng không nhận được thông báo. Khi kiểm tra thì mã QR cũng bị thay đổi”.

Luật sư Phan Hòa Nhựt – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Người có hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, trong trường hợp nặng hơn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội chiếm giữ tài sản trái phép của người khác. Chiếm giữ số tiền từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc là các tài sản đặc trưng khác, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ từ 6 tháng đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Đối với việc chiếm giữ tài sản trên 200 triệu đồng mà không trả lại, có thể bị phạt tù lên đến 5 năm”.

Thanh toán bằng mã QR là một trong những phương pháp thanh toán hiện đại được rất nhiều người ưa chuộng vì mang lại tính tiện lợi cao. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, rất dễ bị các đối tượng xấu dùng thủ đoạn để lừa đảo.

Tiến sĩ Phạm Văn Khoa – Trưởng ngành Máy tính – Viễn thông, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đưa ra lời khuyên: “Đối với khách hàng, khi thanh toán chỉ nên quét mã QR chắc chắn rằng mã đó được nhân viên bán hàng cung cấp. Hạn chế ở mức độ không quét mã QR được công khai ở những nơi công cộng. Nếu quét ở nơi công cộng, phải xác nhận với nhân viên bán hàng. Khi quét mã QR thành công, nhân viên bán hàng phải xác nhận đơn vị đó chính là nơi nhận tiền. Nếu họ xác nhận đúng, thì có thể thanh toán, còn không, thì giao dịch đó chưa hoàn tất. Đồng thời với góc độ nhân viên bán hàng, trong trường hợp công khai mã thanh toán ở nơi công cộng, phải luôn kiểm tra mã đó là của đơn vị mìnhđể tránh những trường hợp đáng tiếc cho thể xảy ra”.

Hiện nay, dù mã QR đã trở thành công cụ thanh khoản nhiều người dân ưa chuộng, nhưng không nên lơ là trong các giao dịch chuyển khoản thanh toán. Ngoài việc lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua thay đổi thông tin, các đối tượng xấu còn đánh cắp thông tin cá nhân thông qua các loại mã công nghệ cao.

Clip Cảnh giác lừa đảo tráo đổi mã QR

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Nhiều bậc phụ huynh liên tục nhận được những đường link lạ mạo danh trường học của con mình. Khi nạn nhân nhấn chuột vào đường link trên, toàn bộ thông tin cá nhân bị đối tượng xấu đánh cắp, rồi chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội.

Gần đây, chị NTN nhận được tin nhắn có kèm đường link lạ mạo danh trường mà con chị đang theo học. Nội dung tin nhắn yêu cầu chị N vào link của trường để đăng ký thông tin cho con. Vì lý do này, chị đã không ngần ngại nhấn vào link nhập thông tin. Tuy nhiên, sau khi nhập xong, chị phát hiện các tài khoản mạng xã hội của mình đã bị chiếm quyền kiểm soát. “Tôi nhận được một đường link lạ từ trường con mình đang học, yêu cầu nhập thông tin cập nhật cho bé. Mặc dù ban đầu cảm thấy lạ, nhưng vì môi trường online đang phổ biến, tôi cũng đã nhập thông tin mà không nghĩ tới hậu quả. Sau một thời gian, tôi phát hiện tài khoản của mình đã bị chiếm đoạt. Tôi đã rất khó khăn, phải nhờ đến các anh chị bên IT để lấy lại toàn bộ các tài khoản mạng xã hội. Tôi cũng đã liên hệ đến trường và biết được phía bên trường học không hề có yêu cầu nhập thông tin vào đường link đó”chị NTN cho biết.  

Mục đích chính của các đối tượng là lôi kéo người nhận tin nhắn, truy cập vào các đường link mà họ tạo ra để cài mã độc và đánh cắp thông tin. Nếu người dùng đăng nhập vào các đường link này và làm theo hướng dẫn, tin tặc có thể khai thác thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng và thông tin cá nhân để lợi dụng hoặc đánh cắp tiền. Nguy hiểm hơn các đối tượng xấu đã sử dụng một phần mềm Trí Tuệ Nhân Tạo để nhận biết thói quen của người sử dụng mạng xã hội và tự động gửi tin nhắn chứa mã độc.

Nhiều phụ huynh bị mất thông tin, quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội khi click vào đường link lạ
Nhiều phụ huynh bị mất thông tin, quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội khi click vào đường link lạ

ThS Lê Tấn Phước – Nguyên Trưởng Khoa CNTT, Trường CĐ Công nghệ Thông tin TP.HCM cho biết: “Thay vì sử dụng các chữ cái bình thường, chúng sử dụng các kỹ thuật thay đổi như chữ m thay thế bằng chữ r, chữ n, và các ký tự khác để lừa đảo người nhận tin nhắn. Chúng ta có thể bị dẫn dắt vào các đường link lạ xảy ra hai tình huống nguy hiểm: bị lừa đăng nhập và bị khai thác thông tin, hoặc bị cài đặt virus vào thiết bị của mình”.

Các đối tượng thường tận dụng chiêu bài đánh vào điểm yếu của các phụ huynh, nhất là các vấn đề liên quan đến việc học hành của con. Vì thế, các phụ huynh rất dễ rơi vào bẫy. Do đó, quý phụ huynh nên cực kỳ cảnh giác và không đăng nhập vào các đường link không rõ nguồn gốc hoặc không được xác thực. Khi nhận được tin nhắn yêu cầu truy cập vào bất kỳ đường link nào, người dùng cần bình tĩnh kiểm tra lại xem liệu đó có phải là đường link giả mạo hay không. Vì thực tế, đường link này thường chứa rất nhiều ký tự khác biệt so với đường link chính thức của các cơ quan tổ chức.

Để tránh rủi ro, thông thường khi nhận link, người dùng nên kiểm tra kỹ lưỡng trước khi nhấp vào. “Để tránh trường hợp này, thông thường khi nhận link, chúng ta cần phải kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc của nó. Hiện nay, các đối tượng tội phạm thường sử dụng dịch vụ Brandname để mạo danh tên các tổ chức, làm cho các đường link giả mạo trở nên khó phân biệt. Dấu hiệu này thường khó nhận biết, nhưng các phụ huynh nên xem xét kỹ lưỡng đường link cụ thể để xác định liệu đó có phải là link của trường hay không”, ThS Lê Tấn Phước TP.HCM khuyến cáo.

Luật sư Bùi Trọng Hiển – Giám đốc Công ty Luật Bùi Trọng Hiển cho biết: “Hành vi chiếm quyền sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc thiết bị điện tử của người khác là hành vi vi phạm pháp luậtCác hình phạt cho hành vi này có thể từ phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, trong trường hợp nặng hơn có thể nhận án phạt lên đến 12 năm tù giam”.

Hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng ngày càng phổ biến và tinh vi hơn. Đặc biệt, các thủ đoạn lừa đảo luôn được các đối tượng liên tục cập nhật để dễ dàng qua mặt người dùng. Người dân cần phải cảnh giác và tỉnh táo để tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu.

Clip Gửi đường dẫn lạ cho phụ huynh để lừa đảo:

Nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội

Nhờ có mạng xã hội mà chúng ta dễ dàng kết nối với nhau, cung cấp cho chúng ta rất nhiều mặt lợi ích khác. Một người trẻ có thể sở hữu nhiều tài khoản mạng xã hội để phục vụ sở thích, nhu cầu giải trí, cá nhân và dành rất nhiều thời gian cho chúng.

Em Nguyễn Lan Vy – Quận Tân Bình, TP.HCM cho biết, thời gian sử dụng mạng xã hội một ngày dao động từ 3 đến 4 tiếng với nhu cầu giải trí. Em Trần Thảo Anh – Quận Tân Bình, TP. HCM chia sẻ: “Một ngày em sử dụng mạng xã hội khá nhiều để em cập nhật thông tin từ mạng xã hội, từ 4 đến 6 tiếng”. 

Theo các nghiên cứu, khi dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, có thể gây ra các chứng rối loạn lo âu, tâm thần. Trong đó, trầm cảm do lạm dụng mạng xã hội đang là một trong những bệnh lý mà nhiều người trẻ gặp phải hiện nay. Em Trần Tiến Long ngụ tại TP.Thủ Đức chia sẻ: “Nguy cơ trầm cảm này có thể xuất phát từ những thông tin sai lệch, bạo lực, ngôn từ cũng có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý người dùng”.

Thạc sĩ Trần Nam – Chuyên gia Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM cho biết: “Khi tập trung quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, có thể ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe thể chất và thời gian của mình trong một ngày, đặc biệt là ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội vốn đòi hỏi phải có sự tương tác trực tiếp, khiến cho đầu óc của họ sẽ bị mệt mỏi và họ có thể bị căng thẳng, stress, nếu như chỉ tập trung vào mạng xã hội để có thể tiếp nhận thông tin. Bên cạnh đó, tâm lý sẵn sàng giao tiếp với người khác ở môi trường thực tế, nó có thể bị ảnh hưởng”.

Trầm cảm do mạng xã hội cũng có các triệu chứng tương tự như các vấn đề trầm cảm thông thường. Tuy nhiên, người bệnh có xu hướng chìm đắm trong thế giới ảo, mang trong mình những cảm xúc tuyệt vọng, những tâm lý bất ổn của người bệnh, dù có thể dễ dàng nhận thấy, nhưng ít được chú ý đến.

Người bệnh có xu hướng chìm đắm trong thế giới ảo, mang trong mình những cảm xúc tuyệt vọng, những tâm lý bất ổn, dù có thể dễ dàng nhận thấy nhưng ít được chú ý. Trong một buổi cơm hay trong các sinh hoạt gia đình, chúng ta cần phải quan sát người thân, nhận biết các dấu hiệu và động viên họ chia sẻ những vấn đề họ đang gặp phải”bác sĩ CKII Trần Minh Khuyên chia sẻ.

Mạng xã hội phát triển giúp có sự kết nối cùng nhau, nhưng người dùng cần sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, biết chọn lọc thông tin hữu ích để tiếp nhận. Không nên quá lạm dụng và dành thời gian cho các hoạt động ý nghĩa bên ngoài. Kết nối với những người thân yêu trong gia đình và các mối quan hệ xã hội chất lượng, để tránh được nguy cơ trầm cảm xảy ra do lạm dụng mạng xã hội.

Clip Nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội:

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.