Sáng ngày 8/12, MoMo vừa chính thức được vinh danh là Sản phẩm số xuất sắc tại Lễ công bố và trao giải thưởng Make in Viet Nam

Nhờ những đóng góp trong công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam, MoMo đã “ẵm” về 2/4 hạng mục của giải thưởng, bao gồm giải Bạc hạng mục Chính phủ số và Top 10 sản phẩm công nghệ số xuất sắc hạng mục Kinh tế số.

Lễ công bố và vinh danh diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Việt Nam, trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022) với chủ đề “Hệ sinh thái công nghệ số Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”. Diễn đàn VFTE 2022 được chủ trì bởi Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và điều hành bởi Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long.

Trong lần đầu tiên tham dự diễn đàn, đại diện cho fintech Việt, lãnh đạo MoMo đã có phần tham luận với chủ đề Giải pháp số trong hệ sinh thái tài chính Việt Nam. Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập MoMo chia sẻ: “Chúng tôi thấy rằng việc chuyển đổi số của xã hội không chỉ phát triển ở thượng tầng mà phải “từ dưới đi lên”. Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 5 triệu doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, là các tiểu thương đang sử dụng khoảng 35 triệu lao động. Nếu chúng ta có thể chuyển đổi số được nhóm doanh nghiệp này thì sẽ tác động rất tích cực đến chuyển đổi số toàn bộ nền kinh tế, xã hội”.

Cùng với phiên thảo luận và triễn lãm các sản phẩm công nghệ Việt, Lễ công bố và vinh danh các doanh nghiệp đạt giải thưởng Make in Viet Nam là một trong 3 hoạt động chính tại Diễn đàn VFTE 2022. 

Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ số quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo và nhấn mạnh: “Theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020 – 2030, Chính phủ đặt mục tiêu 7%/năm, từ 2031 trung bình 6,5%-7%/năm. Công nghệ thông tin được nhìn nhận như một mũi nhọn để có thể đạt được các mục tiêu này. Nền kinh tế số có nhiều dư địa nhưng nhiều thách thức trong đó có nguồn lực, thể chế. Các nước đi đầu ứng dụng chuyển đổi số, với một quốc gia 10 triệu dân, mỗi năm đầu tư hàng trăm tỷ đô la, Việt Nam đầu tư chưa ăn thua gì. Tuy nhiên thị trường 100 triệu dân vẫn mênh mông và bằng chứng là nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang rất quan tâm thị trường Việt Nam. Với các sản phẩm, doanh nghiệp công nghệ trong nước, cần đặt ta bài toán rất cụ thể, làm đến cùng, không để người dùng bận tâm hay nghi ngờ”.

Trong nỗ lực thúc đẩy Chính phủ số, MoMo đã góp phần giải quyết 2 bài toán lớn đó là thúc đẩy thanh toán dịch vụ công trực tuyến và đồng hành cũng nhiều địa phương thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong các sinh hoạt thiết yếu như: điện, nước, học phí, viện phí,…

Từ tháng 12/2019, MoMo  trở thành 1 trong 4 đơn vị đầu tiên được Chính phủ lựa chọn làm kênh thanh toán chính thức tại Cổng Dịch vụ Công quốc gia tại thời điểm Cổng ra mắt.  

  • MoMo đã trở thành kênh thanh toán được lựa chọn nhiều nhất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong 8 tháng năm 2022, giao dịch thanh toán bằng MoMo chiếm hơn 33,73% tổng giao dịch thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính đến hiện tại, hơn 90% dịch vụ công cấp độ 3,4 đã có thể thanh toán bằng MoMo như bảo hiểm xã hội, thuế, thu phí phạt, phí và lệ phí của tất cả thủ tục hành chính,…
  • Tháng 8/2022, MoMo là một trong 15 kênh thanh toán lệ phí xét tuyển Đại học Cao đẳng 2022 trực tuyến và trở thành phương thức được lựa chọn nhiều nhất, chiếm hơn 50% tổng giá trị giao dịch, chỉ sau 3 tuần mở cổng thanh toán.
  • MoMo phối hợp với nhiều địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa,… triển khai hình thức thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực hành chính công của tỉnh, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân. Đơn cử tại Khánh Hòa, chỉ sau 10 tháng triển khai (từ 1/9/2019 – 30/6/2020), thanh toán dịch vụ hành chính công trực tuyến bằng MoMo chiếm đến 75% tổng số giao dịch trực tuyến của địa phương.
  • Bên cạnh cung cấp phương thức thanh toán dịch vụ điện, nước,… MoMo hiện đã trở thành phương thức thanh toán tại gần 1.600 trường học, Đại học – Cao Đẳng và bệnh viện, phòng khám trên khắp cả nước. 

Trong hoạt động thúc đẩy kinh tế số, MoMo góp phần giải hai bài toán lớn trong nền kinh tế số đó là thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ (SMEs/MSMEs), đồng thời tăng cường tài chính toàn diện cho người dân Việt thông qua cung cấp các giải pháp tài chính số mà ai cũng có thể tiếp cận.

Các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp bao gồm giải pháp bán lẻ dành cho tiểu thương, hộ kinh doanh (Merchant Solution), nền tảng MoMo Mini App, Thổ Địa MoMo cung cấp kênh tiếp cận khách hàng mới, thu hút thêm nhiều khách hàng thông qua các công cụ, giải pháp công nghệ xu hướng.

Thông qua kết nối với hơn 70 đối tác tài chính là ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm trong và ngoài nước, MoMo góp phần xóa bỏ rào cản thủ tục, điều kiện, rút ngắn thời gian và gia tăng cơ hội tiếp cận của người dùng tới các dịch vụ tài chính. Từ đó các dịch vụ tài chính có thể “chạm” đến nhiều tầng lớp trong xã hội, bao gồm cả các đối tượng người dùng có thu nhập trung bình thấp, giới trẻ và doanh nghiệp nhỏ/siêu nhỏ.

  • Hơn 50.000 đối tác trong và ngoài nước, từ thương hiệu hàng đầu đến các hộ kinh doanh, tiểu thương đã phát triển kinh doanh trên môi trường số một cách nhanh chóng, dễ dàng, tối ưu chi phí thông qua nền tảng MoMo
  • Sau 4 năm ra mắt nhóm dịch vụ Tài chính – Bảo hiểm, MoMo có hơn 10 triệu người dùng sử dụng các dịch vụ bao gồm tín dụng tiêu dùng, đầu tư tích lũy, bảo hiểm,… Với thủ tục đơn giản, nhóm dịch vụ này giải quyết được nhu cầu tài chính cho hàng chục triệu người dân.

MoMo cũng làm thay đổi thói quen thanh toán không tiền mặt của người dân trong mọi sinh hoạt thường nhật. Với hơn 50.000 đối tác, 140.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, hệ sinh thái Siêu ứng dụng MoMo hiện đã đáp ứng gần như mọi nhu cầu thanh toán của người dân từ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đi chợ, đổ xăng, ăn uống, mua sắm, xem phim, Du lịch – Đi lại, Tài chính – Bảo hiểm, quyên góp,…