Chia sẻ những khoảnh khắc trong cuộc sống lên mạng xã hội từ lâu đã trở thành thói quen của khá nhiều người. Tuy nhiên, trong chương trình Câu chuyện Cuộc sống tuần này lại đưa ra một vấn đề khiến nhiều người quan tâm. Đó là những ảnh hưởng khi chia sẻ cuộc sống hạnh phúc của mình trên mạng xã hội.

Cân nhắc khi chia sẻ cuộc sống hạnh phúc lên mạng xã hội

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, việc chia sẻ những suy nghĩ cá nhân nỗi niềm tâm sự, hay những khoảnh khắc hạnh phúc hằng ngày đã trở nên đơn giản và phổ biến hơn bao giờ hết. Có thể đối với người khác, khi họ đang có cuộc sống hạnh phúc tình cảm gia đình, vợ chồng viên mãn họ thường khoe những khoảnh khắc hạnh phúc lên mạng xã hội. Nhưng với ai đó, có thể lúc này họ không được may mắn, hôn nhân, cuộc sống đời tư đang gặp nhiều biến cố, họ sẽ xu hướng suy nghĩ tiêu cực và không thích những chia sẻ hạnh phúc của người khác. Không chỉ thế, trong các mối quan hệ trên mạng xã hội, sẽ có nhiều người đang gặp vấn đề kinh tế, việc làm, cuộc sống đang khó khăn. Nhưng khi lên mạng xã hội, họ lại thường xuyên cảm thấy những dòng chia sẻ trạng thái hạnh phúc của người khác sẽ khiến họ cảm thấy áp lực hơn.

chia sẻ cuộc sống lên mạng xã hội

Khi ai đó nảy sinh những cảm xúc tiêu cực, đố kị về những người thường khoe cảm xúc hạnh phúc, mối quan hệ giữa họ và chúng ta trở nên rạn nứt bằng mặt nhưng không bằng lòng. Tất nhiên trong cuộc sống, chúng ta không thể biết được hết người nào đang đau khổ để tránh chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc. Điều quan trọng chúng ta cần hết sức cân nhắc trước khi chia sẻ lên mạng xã hội.

Việc đăng tải chia sẻ hình ảnh hạnh phúc cá nhân lên mạng xã hội là quyền của mỗi người. Nhưng chúng ta cũng nên cân nhắc nếu điều đó khiến người khác khó chịu. Vì có thể sự ganh ghét của mọi người cũng ảnh hưởng không tốt đến chính bản thân người chia sẻ câu chuyện đó.

Clip Cân nhắc khi chia sẻ cuộc sống hạnh phúc lên mạng xã hội:

Khi cách giáo dục con của cha mẹ có sự khác nhau

Cuộc sống ngày càng hiện đại, quan điểm nuôi dạy con cái so với trước đây dần có sự khác biệt. Cũng chính vì điều này một số gia đình, việc chăm sóc các con có không ít ý kiến trái chiều, thậm chí là mâu thuẫn. Theo chuyên gia, khi những mâu thuẫn diễn ra trong thời gian dài mà không có hướng giải quyết thỏa đáng, cha mẹ sẽ dần mất bình tĩnh và sự kiềm chế của bản thân, thậm chí cãi nhau ngay trước mặt con và điều này gây ra rất nhiều hệ lụy.

Thực tế sự thiếu thống nhất trong quá trình nuôi dạy con cũng có thể tạo ra môi trường căng thẳng trong gia đình, ảnh hưởng đến tình cảm giữa các thành viên và sự phát triển của con cái. Khi trẻ nhận thức được sự khác biệt trong cách dạy của cha mẹ, trẻ có thể bối rối và không chắc chắn về những quy tắc nào trẻ nên học theo. Điều này có thể gây ra sự rối loạn về tâm lý, hành vi và tinh thần trong quá trình hình thành nhân cách của con.

Trong cách dạy con, theo các chuyên gia, vợ chồng cần thể hiện sự tôn trọng và kiềm chế, tránh cãi trước mặt con. Dù dạy trẻ theo phương pháp nào, các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình thành người tài giỏi và hạnh phúc. Chính vì thế sự khác biệt trong việc giáo dục con cái hoàn toàn có thể giải quyết được, vì cha mẹ nào cũng mong những điều tốt nhất cho con.

Clip Khi cách giáo dục con của cha mẹ có sự khác nhau

Dạy con chữ “tín”

Lời hứa của cha mẹ luôn được trẻ ghi nhớ và mong mỏi thực hiện, không ít trẻ còn xem đó là động lực để phấn đấu và nỗ lực đạt được. Khi cha mẹ giữ lời hứa, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và tin tưởng, ngược lại khi cha mẹ thất hứa nhiều lần trẻ có thể đánh mất niềm tin dành cho cha mẹ. Đối với một số trẻ yếu đuối hay trầm tính, việc thất hứa của cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy tổn thương và khó xoa dịu, trẻ có thể thấy bản thân không được quan trọng, hoặc một số trẻ có cá tính mạnh mẽ sẽ có phản ứng tiêu cực. 

Ngoài ra khi thấy con trẻ xuất hiện hành vi nói dối, mất chữ tín với mọi người xung quanh, cha mẹ phải kịp thời giáo dục và uốn nắn con, nói cho con biết tầm quan trọng của việc nói thật và những hậu quả có thể xảy ra: Mất lòng tin của bạn bè, làm tổn thương người khác, khó xây dựng quan hệ bền chặt với mọi người xung quanh. Trẻ con luôn có thói quen nhìn vào hành vi, cách cư xử của cha mẹ để học theo, do vậy hơn ai hết mỗi phụ huynh cần là tấm gương sáng cho trẻ noi theo từ những việc làm nhỏ nhặt.

 Giữ chữ tín là cơ sở hình thành sự tin tưởng cho các mối quan hệ giúp trẻ nhận được sự tín nhiệm và tôn trọng từ mọi người xung quanh. Cha mẹ cần hình thành cho trẻ một nguyên tắc, nếu vì bất kỳ lý do nào đó không thực hiện được lời hứa cần nói lời xin lỗi chân thành một cách sớm nhất. Thông qua đó còn truyền tải cho trẻ một thông điệp quan trọng về việc đối diện với sai lầm, đối xử với người khác bằng sự tôn trọng và sống có trách nhiệm. 

Clip Dạy con chữ “tín”

Thoát khỏi tâm lý ngại ở rể

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ở rể sau khi cưới, trong đó dễ thấy nhất là gia đình vợ chỉ có một cô con gái duy nhất hoặc sức khỏe ba mẹ kém cần người chăm sóc, hay bên nhà vợ có điều kiện tốt hơn để phát triển công việc. Nhưng dù là nguyên nhân gì, đa phần người đàn ông sẽ có một nỗi niềm đó là vượt qua mọi định kiến của xã hội về vấn đề ở rể. Bởi xưa nay nhiều người vẫn có suy nghĩ nam giới cần chủ động trong cuộc sống và là trụ cột gia đình. Vì vậy phải sống độc lập và không nên dựa dẫm vào gia đình vợ.

Từ những định kiến khi ở rể, tâm lý người đàn ông bị ảnh hưởng, họ có thể sống không đúng với tính cách mong muốn của mình. Điều này tạo ra áp lực  cho những người đàn ông sống nhà vợ, họ luôn căng thẳng, sợ dư luận phán xét. Từ những áp lực cộng thêm rào cản khoảng cách giữa các thế hệ khiến không ít người cảm thấy khó hòa nhập với khi ở nhà vợ, từ đó dẫn đến xảy ra mâu thuẫn giữa ba mẹ vợ hay với vợ, thậm chí có những trường hợp đổ vỡ trong hôn nhân.

Trong xã hội hiện nay, nhiều gia đình vẫn có quan điểm rất cởi mở trong hôn nhân. Khá nhiều con rể với tính cách vui vẻ, chừng mực và biết quan tâm sống hòa đồng luôn được mọi người quý mến. Trong đó người vợ chính là sợi dây gắn kết giữa cha mẹ ruột và chồng mình. Đồng thời giải thích cho chồng hiểu về mọi thứ trong gia đình, và phía gia đình vợ cũng cần biết chia sẻ và tạo điều kiện tốt nhất để con rể tự tin hòa nhập với gia đình.

Clip Thoát khỏi tâm lý ngại ở rể

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. 

Tuần này, chương trình Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây như: Không nên lạm dụng ứng dụng giải bài tập, nguy hại từ những nhóm xúi giục trên mạng xã hội.

Không nên lạm dụng ứng dụng giải bài tập

Trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, những ứng dụng giải bài tập cho học sinh ra đời và trở thành công cụ tiện lợi, hỗ trợ quá trình học tập.

Với thao tác đơn giản từ app giải bài tập, học sinh chỉ cần đưa điện thoại chụp lại đề bài rồi chờ vài giây đáp án sẽ hiện ra, không chỉ một mà còn nhiều cách giải khác nhau xuất hiện. Lời giải của các ứng dụng giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về nội dung học bằng cách cung cấp giải đáp cho những thắc mắc và vấn đề khó khăn mà học sinh gặp phải. Tuy nhiên trước khi xem đáp án trên ứng dụng, học sinh nên tự giải quyết bài tập, việc này không chỉ giúp phát triển kỹ năng tự học, rèn luyện thói quen tự giác và sự kiên nhẫn.

sử dụng ứng dụng giải bài tập

Mặc dù ứng dụng giải bài tập giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về nội dung bài học, tăng cường kiến thức và kỹ năng. Nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi học sinh lạm dụng. Thay vì tự mình suy nghĩ và tìm kiếm giải pháp, nhiều học sinh dựa vào ứng dụng để có đáp án được nhanh chóng làm suy giảm sự cố gắng và khả năng tư duy. Sự phụ thuộc vào các ứng dụng giải bài tập từ nhỏ có thể khiến hình thành thói quen, dựa dẫm ỷ lại, đánh mất khả năng sáng tạo, chủ động và  trung thực trong học tập và trong cuộc sống. Việc dùng ứng dụng giải bài tập nên như một công cụ để thảo luận hoặc chia sẻ kiến thức với bạn bè, giáo viên thông qua đó giúp học sinh hiểu rõ và nhớ lâu hơn.

Đồng thời giáo viên cũng có vai trò rất quan trọng việc giám sát và định hình cách học tập của học sinh để đảm bảo rằng ứng dụng giải bài tập được sử dụng một cách có trách nhiệm và hiệu quả.

Clip Không nên lạm dụng ứng dụng giải bài tập

Nguy hại từ những nhóm xúi giục trên mạng xã hội

Không khó để bắt gặp trên mạng xã hội nhiều hội nhóm xúi giục làm điều xấu với nội dung tiêu cực như: “Những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu muốn tự tử”, “Hội những người vỡ nợ thích làm liều”, “Hội ngoại tình vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc”…

Hầu hết những nội dung đăng tải đều mang nội dung tiêu cực hướng người tham gia đến điều sai trái thậm chí xúi giục nhau tìm cách tự tử. Đa số tâm lý người tham gia những hội nhóm này đều mong muốn tìm người có cùng hoàn cảnh với mình để tìm sự đồng cảm chia sẻ. Song các hội nhóm độc hại dễ dàng trở thành diễn đàn giữa những người tham gia và những kẻ có mục đích xấu. Khi tinh thần bất ổn người tham gia dễ dàng tin lời xúi giục dẫn đến những hành vi nguy hiểm.

Luật sư Bùi Trọng Hiển – Giám đốc công ty luật Bùi Trọng Hiển cho biết: “Theo quy định của pháp luật, hành vi xúi giục kích động bạo lực tệ nạn xã hội, cung cấp chia sẻ thông tin gây hoang mang nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Đồng thời, người có hành vi xúi giục dụ dỗ người khác tự sát có thể nhận mức án cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp nếu làm cho 2 người tự sát trở lên sẽ nhận mức phạt tù từ 2 đến 7 năm”.

Trước sự nguy hiểm của hội nhóm trên, mỗi người tham gia mạng xã hội cần có sự chọn lọc thông tin và thái độ lên án, phê phán đối với những hội nhóm độc hại này. Đôi khi chỉ vì một phút không kiềm chế cảm xúc của bản thân, người tham gia vô tình hoặc cố ý truyền đi những thông tin nguy hại hoặc ảnh hưởng đến người khác. Do vậy khi thấy bản thân hay người thân có dấu hiệu về tâm lý cần lắng nghe chia sẻ, tùy vào mức độ hãy nhanh chóng tìm đến những người có chuyên môn để tìm biện pháp điều trị phù hợp, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Nguy hại từ những nhóm “xúi giục” trên mạng xã hội

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội…Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.

Đánh vào tâm lý thương người khó khăn của nhiều người dân, nhiều đối tượng đã tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện, dựng nên các câu chuyện thương tâm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền lừa đảo có khi lên đến hàng chục tỷ đồng, đây là thủ đoạn phạm tội rất đáng lên án, người dân cần nâng cao cảnh giác.

Sức lan tỏa của mạng xã hội là rất lớn, vì thế các hoạt động kêu gọi quyên góp từ thiện trên không gian mạng trở nên khó kiểm soát. Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải – Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: “Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu toàn bộ số tiền đã kêu gọi. Hành vi chiếm đoạt tài sản có đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Mức phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí là tù chung thân”.

Để tránh bị lừa đảo khi làm từ thiện, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng tìm hiểu và xác minh, kiểm chứng thông tin, liên hệ đến chính quyền địa phương với các tổ chức đoàn thể liên quan. Trường hợp nghi ngờ về hoạt động chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời. Từ thiện sai cách, không đúng người đúng chỗ sẽ vô tình tiếp tay cho các đối tượng xấu, làm giảm niềm tin của người dân về công tác từ thiện.

Clip Lừa đảo từ thiện qua mạng xã hội:

Sập bẫy nhận quà qua mạng xã hội

Lợi dụng sự uy tín thương hiệu từ các doanh nghiệp nổi tiếng trên thị trường, nhiều đối tượng xấu đã tổ chức mô hình chăm sóc khách hàng, gửi quà tặng tri ân đến người tiêu dùng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt với công nghệ phát triển hiện nay, chiêu trò ngày một tinh vi hơn nhắm đến các đối tượng như: người cao tuổi, mẹ bỉm sữa, sinh viên.

Mới đây phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao công an tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận vụ việc. Giả mạo thương hiệu, sàn thương mại điện tử lớn để lừa đảo với số tiền thiệt hại lên đến 6 tỷ đồng. Nhiều nhãn hàng bị mạo danh trên các bài viết với tiêu đề: tri ân khách hàng, tặng quà miễn phí, trải nghiệm đánh giá sản phẩm miễn phí xuất hiện nhiều trên các nền tảng xã hội. Không ít người không thể cưỡng lại và trở thành nạn nhân của bẫy lừa tinh vi này.

Luật sư Lê Bá Thường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Văn hóa Doanh nghiệp cho biết: “Khi không may mắc phải chiêu lừa tinh vi này, người dân cần giữ lại chứng cứ, bằng tin nhắn và hình ảnh khi giao tiếp với các đối tượng lừa đảo. Sau đó tiến hành làm đơn trình báo đến các cơ quan pháp luật để được hỗ trợ điều tra tìm ra tội phạm, lấy lại được tài sản cho người dân bị thiệt hại. Đồng thời để tránh bị lừa đảo thông qua mạng xã hội, người dân nên hạn chế tiết lộ thông tin cá nhân của mình, sàng lọc kỹ thông tin trước khi tiếp nhận. Tuyệt đối không chuyển tiền với những người không quen biết qua mạng xã hội”.

Clip Sập bẫy nhận quà qua mạng xã hội:

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự, được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Bên cạnh những lợi ích mạng xã hội mang lại thì đây cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều người thể hiện cái tôi, hay nói khác đi là có văn hóa ứng xử chưa phù hợp. Điều này tưởng chừng như vô hại nhưng nó lại rất quan trọng, bởi mỗi hành vi ứng xử trên không gian mạng đều có sức lan tỏa rộng rãi, và tác động đến bản thân và mọi người xung quanh.

Anh Lê Thành Nhơn đang sinh sống tại Quận 8, TP.HCM cho biết, anh thường bị thu hút bởi các tin tức trên mạng, anh cảm thấy được sự đồng điệu với những người có cùng quan điểm với mình. “Khi cuộc sống tôi có nhiều áp lực, tôi thường xem và để lại những dòng bình luận trên các bài viết bóc phốt, để giải tỏa căng thẳng cho bản thân tôi”anh tiết lộ.

Thạc sĩ Bùi Vĩnh Nghi – Chuyên gia Xã hội học cho biết: Mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, giúp kết nối giao lưu và chia sẻ với mạng xã hội. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận sự công kích nếu chúng ta có cách ứng xử không tốt, đây là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý của giới trẻ và tất cả người dùng tham gia mạng xã hội”.

Mạng xã hội tràn ngập những thông tin, vì thế chúng ta cần chọn lọc, tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng không đúng sự thật hoặc ác ý. Cũng giống như cuộc sống thường ngày, việc ứng xử trên mạng xã hội luôn cần có thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm lắng nghe chia sẻ và thông cảm. “Người bị tấn công và công kích bởi mạng xã hội, dẫn đến việc họ dễ dàng cảm thấy bị tổn thương, thu mình lại không muốn tiếp xúc với xã hội thực bên ngoài. Hoặc tự làm tổn thương bản thân mình để giải tỏa đi những áp lực mà mạng xã hội mang đến. Đó là những hậu quả và hệ lụy mà mạng xã hội mang đến nếu chúng ta cư xử không đúng, không tích cực”chuyên gia nhấn mạnh.

Mạng xã hội là một kênh giao tiếp hiện đại nhằm làm cho cuộc sống con người trở nên sinh động, đa dạng và phong phú hơn. Vì thế chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn nguồn tài nguồn này phục vụ con người tốt hơn, đồng thời tạo nên văn hóa ứng xử văn minh và lan tỏa đến cộng đồng.

Trong chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống tuần qua đã có phóng sự chi tiết về vấn đề trên, để hiểu thêm về vấn đề này, xem thêm tại đây

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,… Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

Trong chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống tuần qua đã phản ánh tình trạng sống ảo bất chấp của không ít người trong xã hội hiện nay.

Dù thất nghiệp, nhưng chị T.N.Đ vẫn cố gắng thể hiện mình có thu nhập cao, hằng ngày chị tìm mọi cách để có hình ảnh về những bữa tiệc sang trọng, các mẫu quần áo thời thượng để đăng lên mạng xã hội. Để rồi ở đời thực, chị phải chật vật với những khoản nợ. “Ban đầu đăng lên thấy bạn bè họ khen nhiều khiến tôi rất thích, để rồi càng về sau tôi nhận ra mình không đọng lại được gì ngoài số tiền nợ”, chị nói.


Ths Trần Hải Nguyên (Chuyên gia tâm lý) phân tích, một người bước chân vào thế giới ảo, liền cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn nhiều so với những bộn bề lo toan ngoài đời thực. Những lời tán dương chính là chất xúc tác khiến họ thích trải nghiệm cảm xúc hơn việc chấp nhận thực tại. Giá trị ảo là một giá trị không có thực, những cảm xúc vui vẻ chỉ tồn tại trong phút chốc rồi lại nhanh chóng tan biến đi. Rất nhiều người đã từ bỏ gia đình, chọn cách trốn chạy sau khi theo đuổi những giá trị ảo để rồi nhận lại những hậu quả đau đớn.
Chuyên gia khuyên mọi người đang chạy theo những giá trị ảo, nhanh chóng trở về với cuộc sống thực tại. Tập trung sắp xếp công việc, các mối quan hệ và cân đối thời gian cho thế giới thực tại và thế giới ảo.


Tiêu chí đánh giá mỗi người là ở nhân phẩm, trí tuệ, học vấn chứ không phải những giá trị không có thực. Các bạn trẻ cần phải tỉnh táo để sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, tránh sa đà vào thế giới ảo.


Link tập 69: Đừng chạy theo những giá trị ảo

Công khai tài chính với bạn đời
Từ nhiều năm nay, anh Minh Trung và chị Kim Dung luôn dành một khoảng thời gian nhất định vào mỗi cuối tháng, để công khai về tài chính và thảo luận về mọi khoản chi tiêu, thu nhập và tiết kiệm của gia đình. Đối với cả hai, việc xây dựng thói quen này đã trở thành một phần quan trọng của cuộc sống hôn nhân. “Mỗi tháng vợ chồng tôi đều công khai thu nhập với nhau, sau đó mỗi người trích ra một khoản tiền để chi tiêu cho những công việc chung của gia đình, phần còn lại mỗi người chúng tôi tự do quản lý, việc rõ ràng như vậy khiến vợ chồng chúng tôi rất ít xảy ra cãi nhau về vấn đề tài chính”, chị Dung chia sẻ.


TS Nguyễn Thị Vân (Chuyên gia tâm lý) cho biết: “Việc công khai tài chính giúp vợ chồng có kế hoạch để xây dựng cuộc sống hôn nhân, chẳng hạn như việc dành mỗi phần tiền để chi tiêu cho giáo dục con trẻ, chi phí thường ngày của gia đình và những mối quan hệ với bạn bè xung quanh, như vậy sẽ giúp cho vợ chồng thấu hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn”.
Theo các chuyên gia, việc công khai tài chính giữa vợ chồng còn được xem như một cơ chế giám sát chéo, từ đó tránh được rủi ro liên quan đến các khoản chi như vay mượn, đầu tư mạo hiểm, hạn chế việc mua những món đồ quá xa xỉ, hay những ‘quỹ đen’ dành cho những mục đích không minh bạch.


Thực tế trong mối quan hệ gia đình, tranh cãi về tài chính cũng đi kèm nhiều cảm xúc, từ đố kỵ, sợ hãi đến xấu hổ. Hậu quả từ những xích mích có thể khiến một số người nảy sinh những hành động không minh bạch, thậm chí ly hôn.
Chuyên gia tài chính Tạ Thanh Hùng khuyến khích sự cởi mở, trung thực về tài chính giữa các cặp vợ chồng, điều này ngoài giúp ích cho vấn đề xây dựng kế hoạch tài chính cho hôn nhân còn thể hiện sự tôn trọng đối với bạn đời của mình. Ngoài ra vợ chồng cần có nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt về thu nhập, đồng thời phải chịu trách nhiệm cùng nhau trước những vấn đề của cuộc sống hôn nhân.

Link tập 70: Công khai tài chính với bạn đời

Giáo dục tài chính cho trẻ
Lê Hoàng Minh, một bạn trẻ ngụ tại TP.HCM thừa nhận việc thường xuyên gặp phải tình trạng chi nhiều hơn số tiền mà mình đang có, phần lớn là cho thói quen mua sắm. Tương tự với trường hợp của sinh viên Lê Bảo Phương, dù biết những món đồ mình sắp chi tiền mua không đem lại nhiều giá trị cho cuộc sống, nhưng vẫn không thể ngừng việc mua sắm vô tội vạ, thói quen này đại diện cho nhiều bạn trẻ hiện nay thường lâm vào cảnh thiếu hụt kinh tế, thậm chí là cả vay nợ để phục vụ cho sở thích mua sắm của mình.


TS Huỳnh Thanh Điền (Chuyên gia kinh tế) khuyến khích các bậc phụ huynh đầu tư vào giáo dục tài chính con trẻ càng sớm càng tốt, từ đó tạo kiến thức nền tảng giúp con vững vàng cho cuộc sống sau này. Bắt nguồn từ việc kiếm tiền thông qua việc tạo ra giá trị có ích cho xã hội, tiếp theo là sử dụng tiền để giúp ích cho sức khỏe, và tương lai của con trẻ, cuối cùng là giúp con nhận ra và tôn trọng giá trị sức lao động.


Hiện nay, việc giáo dục tài chính cho trẻ đã được nhiều trung tâm phối hợp với công tác trường để tạo ra những buổi sinh hoạt giúp các em sớm có được thói quen tiết kiệm và không lãng phí tiền bạc. Song song với đó, ba mẹ cũng cần chọn lọc kiến thức giáo dục tài chính, để thiết lập lộ trình hợp lý với mức độ phù hợp với khả năng tiếp thu của trẻ. Khi trẻ từ 5 – 6 tuổi, ba mẹ có thể dạy những bài học đơn giản để nhận dạng các tờ tiền và công dụng. Trẻ từ 7 tuổi trở lên bắt đầu có sự phát triển rõ nét về tư duy, lúc này, ba mẹ dạy cho trẻ kiến thức về tài chính gắn liền với việc giúp trẻ nhận thức đúng về giá trị của đồng tiền. Điều này không chỉ giúp trẻ có khả năng tự lập trong suy nghĩ, mà còn khơi gợi cho con hiểu rằng, muốn thực hiện mong ước, hãy dựa vào chính mình.


Link tập 71: Giáo dục tài chính cho trẻ

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

Trong chương trình Lời Cảnh Báo phát trên THVL tuần qua, một người phụ nữ đã thất lạc người quen nhiều ngày chia sẻ: sau quá trình tìm kiếm gần như không có tung tích, chị quyết định đăng bài lên mạng xã hội hình ảnh và đặc điểm của người thân. Thế nhưng, cũng vì thế gia đình chị lại trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội.

“Họ chủ động liên lạc và yêu cầu tôi chuyển vào tài khoản của một người đàn ông 7 triệu đồng, hứa rằng chỉ cần vài ngày sau sẽ đưa người nhà của tôi trở về. Lúc đầu tôi băn khoăn, nhưng sau khi họ miêu tả chính xác đặc điểm của người thân của tôi và cả hoàn cảnh gia đình tôi, nên tôi liền chuyển tiền. Đến ngày hẹn thì tôi không thể liên lạc được với họ, lúc này mới biết mình đã bị lừa”, nạn nhân kể lại.

Đánh vào tâm lý lo lắng của các gia đình có người thân thất lạc, mất tích, nhiều đối tượng đã tìm cách liên lạc với những gia đình này, khai thác những thông tin mà người nhà đăng tải công khai lên mạng xã hội, biến họ trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo.


Theo Luật sư Phạm Thị Thanh Thúy (Giám đốc Cty Danh Trí Phát) cho biết, hành vi trên có thể căn cứ theo quy định pháp luật để xử phạt vi phạm hành chính từ 2 – 3 triệu đồng và tịch thu các tang vật phạm tội. Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến chung thân, tùy theo số tiền chiếm đoạt.


Việc chia sẻ thông tin để tìm kiếm thân nhân mất tích thông qua mạng xã hội là một cách làm hiệu quả, nhưng để thực hiện chúng một cách an toàn, hiệu quả, người dân cần hết sức cẩn trọng và đề phòng những kẻ xấu có thể giăng bẫy bất cứ lúc nào.


Tiến sĩ Đoàn Văn Báu (Chuyên gia Tâm lý tội phạm) cho lời khuyên: “Chúng ta chỉ nên đăng những thông tin cốt lõi nhất, có thể cung cấp thông tin rõ ràng nhưng cần hạn chế công khai toàn bộ thông tin cá nhân. Khi nhận được những cuộc gọi như trên và đặc biệt là các giao dịch chuyển tiền, cần phải xác minh, đối chiếu thật kỹ”.
Link tập 45: Lợi dụng tìm người thất lạc, mất tích qua mạng xã hội để lừa tiền
https://youtu.be/r9OR-anwQ_Y

Du lịch độc hành liệu có an toàn?
Mệt mỏi sau khi giải quyết khối lượng công việc dày đặc, chị Hoàng Hằng đang là nhân viên văn phòng tại TP.HCM, đã lựa chọn mô hình du lịch độc hành, chuyến đi không có lịch trình cụ thể, chỉ dành toàn bộ thời gian cho những sở thích bất chợt của bản thân để lựa chọn điểm đến cho mình.


Hiện nay, du lịch độc hành không còn là điều quá mới mẻ, khi các điều kiện đi lại đều rất thuận lợi để mỗi người dân có thể đi du lịch bất cứ lúc nào, người chọn mô hình này có thể chủ động về thời gian lẫn lịch trình do chính bản thân mình kiểm soát.


Ths Đỗ Hồng Quân (Trường ĐH mở TP.HCM) cho biết, du lịch độc hành mang lại những trải nghiệm vô cùng mới mẻ, những thuận lợi có thể kể đến như tiết kiệm chi phí, dễ dàng giao lưu với các nền văn hóa và mối quan hệ mới, điều này tạo ra sự cuốn hút, thích thú đối với nhóm người thích mô hình này, đặc biệt là các bạn trẻ.


Tồn tại song song với những thuận tiện của du lịch độc hành, vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro. Mới đây, anh B.L.X.H khi đi du lịch một mình không may trượt ngã trên đèo Hải Vân. Thời điểm gặp nạn, anh H đã nhanh chóng gửi định vị về cho gia đình để cầu cứu. Sau khi nhận được cứu hộ từ Bộ chỉ huy – Bộ đội biên phòng TP. Đà Nẵng, anh đã được giải cứu thành công sau 7 ngày đêm bị mắc kẹt dưới vực sâu.


Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân khuyên mọi người trước khi tham gia hoạt động du lịch độc hành cần trang bị đủ kiến thức về văn hóa, địa lý, khí hậu nơi mà chúng ta sắp đặt chân đến. Thường xuyên chia sẻ, cập nhật thông tin lộ trình di chuyến đến người thân và bạn bè, tự chuẩn bị những trang thiết bị bảo hộ phù hợp với địa điểm mà chúng ta chọn trước, cuối cùng, có thể mua những gói bảo hiểm để có những bảo trợ tốt nhất phòng trường hợp rủi ro xảy ra.
Link tập 46: Du lịch độc hành liệu có an toàn?
https://www.youtube.com/watch?v=m8MK2SD8rQI

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, tỷ lệ trẻ em từ 10 – 12 tuổi sử dụng các ứng dụng mạng xã hội ngày càng gia tăng, nhiều bậc ba mẹ lo lắng con mình không biết cách chọn lọc những nội dung an toàn, lành mạnh trên mạng xã hội và dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu. Một số người lo ngại việc con mình chia sẻ những thông tin riêng tư mà không nhìn nhận ra những cạm bẫy trên mạng.

Chị N.B.T nhận thấy con gái đến tuổi dậy thì, tâm tính ngày càng thay đổi nên đã vào một trang mạng xã hội để kết bạn với con gái, không những chị bị con gái từ chối lời mời kết bạn mà còn bị chặn luôn tài khoản mạng xã hội, chị phải lập một tài khoản ảo và bí mật theo dõi con.

Anh Trần Quốc Dũng ngụ TP.HCM cũng chia sẻ câu chuyện kết bạn với con trên mạng xã hội. Anh muốn quan tâm hơn về cuộc sống của con mình trên mạng xã hội, tuy nhiên anh chỉ theo dõi trong âm thầm, không để lại bất cứ bình luận nào vì sợ con ngại.

Thực tế, việc ba mẹ sử dụng mạng xã hội để kết nối, theo dõi nội dung của con chia sẻ cũng cần được thực hiện một cách cân nhắc, bởi nếu bất cứ hành động nào trên không gian mạng của con đều bị theo dõi và nhắc nhở, thì con sẽ không còn cảm thấy được tự do và riêng tư nữa.


Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui (Chuyên gia tâm lý) cho biết, ba mẹ khi gửi lời mời kết bạn với con thì phải cho con quyền được đồng ý hay không, thứ hai là khi nhìn thấy những điều mà ba mẹ không đồng ý về con, ba mẹ cũng nên tránh những bình luận tiêu cực, xúc phạm con trên mạng xã hội. Mọi giải quyết cần phải có sự tương tác và trao đổi hướng giải quyết với con ở cuộc sống đời thực.

Xem đầy đủ clip Khi ba mẹ kết bạn với con trên mạng xã hội

Dạy trẻ cạnh tranh lành mạnh
Trong cuộc sống, sự cạnh tranh diễn ra ở khắp mọi nơi, đặt biệt là với trẻ em, ngay từ nhỏ nếu dạy trẻ cách đối diện với cạnh tranh bằng thái độ đúng đắn, đó là một trong những điều quan trọng giúp ích cho việc hình thành nhân cách ngay từ khi còn nhỏ, đồng thời tác động đến sự phát triển lâu dài của trẻ.

Chị Lê Phi Anh, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM hoàn toàn ủng hộ sự cạnh tranh của các trẻ từ khi còn nhỏ, việc này rất tốt cho quá trình trưởng thành của các em, song song với đó, chị cũng không quên việc theo sát, khuyên răn và nhắc nhở để các em có sự cạnh tranh lành mạnh và đúng đắn nhất.

Theo Thạc sĩ Huỳnh Trần Hoài Đức (Chuyên gia tâm lý), trẻ em sau cuộc khủng hoảng tuổi lên 3 đã bắt đầu có ý thức về bản thân của mình nhiều hơn, dấu hiệu dễ nhận thấy là trẻ thích chơi những trò chơi và muốn giành chiến thắng để thể hiện khả năng của mình. Thường thì ngay từ nhỏ chúng ta đã có tâm lý thích được thể hiện sự cạnh tranh, phấn đấu để đạt được một mục tiêu gì đó.

 Xét về mặt tích cực, cạnh tranh sẽ giúp trẻ phát triển những kỹ năng quan trọng cũng như nghị lực, ý chí kiên trì và sự đồng cảm. Tuy nhiên trong nhiều gia đình hiện nay, ba mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng về thành tích hay điểm số cho trẻ, khả năng của trẻ sẽ được ghi nhận và tán dương nếu trẻ đạt được thành tích cao. Ngược lại, nếu có thành tích chưa tốt thì ba mẹ trách phạt hay so sánh với bạn bè. Đôi lúc chúng ta lại đề cao thành tích một cách quá mức khiến cho trẻ phải luôn nỗ lực và chạy theo chúng. Thậm chí trẻ sẽ cạnh tranh, hơn thua với bạn bè một cách thiếu lành mạnh, với mục đích làm sao để đạt được kết quả cao nhất và khó có thể chấp nhận được sự thất bại. Như vậy ba mẹ đã vô tình đẩy trẻ vào những cuộc đua mà chúng không hề mong muốn, trẻ không còn thời gian để xây dựng ưu điểm cho bản thân.

Nếu trẻ bị áp lực, cố tình hơn thua, điều này không chỉ ảnh hưởng đến niềm say mê học tập của trẻ mà còn khiến động lực học của em trở nên lệch lạc. Nếu trẻ thấy rằng, dù có cố gắng đến thế nào cũng không thể đáp ứng được kỳ vọng của ba mẹ và không vượt qua được các bạn cùng lớp, trẻ sẽ cảm thấy áp lực, căng thẳng và thậm chí là tuyệt vọng. Khi đứa trẻ phải chịu sự cạnh tranh ở trường và về nhà phải chịu áp lực từ ba mẹ, sẽ cảm thấy luôn bị phán xét cho dù có thể hiện tốt thế nào đi chăng nữa.

Để giải đáp vấn đề trên, chuyên gia tâm lý Huỳnh Trần Hoài Đức khuyên: “Ba mẹ cần phải định hướng cho con ngay từ ban đầu, rằng việc cạnh tranh trong các cuộc thi là cơ hội để giúp con hiểu bản thân mình hơn, hoặc là ba mẹ cũng cần điều chỉnh kỳ vọng của mình, những điều đó sẽ làm cho con hình dung rằng mình đang phấn đấu để bản thân tốt hơn mỗi ngày, điều này đẹp hơn rất nhiều với suy nghĩ nhất quyết phải hơn người khác, cuối cùng là giúp con hiểu thất bại không phải điều xấu, vì thất bại sẽ khiến con rút ra nhiều bài học quý giá”.

Cạnh tranh giúp trẻ học được rằng, không phải là người giỏi nhất hay thông minh nhất mới là người thành công. Ba mẹ hãy giúp con hiểu rằng chiến thắng không phải là tất cả, mà đó là mục tiêu để con làm hết sức mình. Đối với những trẻ hiếu thắng, hãy sử dụng những trò chơi để trẻ chấp nhận thắng thua một cách văn minh, tìm đến các hoạt động xây dựng kỹ năng sống.

Xem full clip tại đây

Mạng xã hội (MXH) với nhiều vai trò trong cuộc sống hiện đại đã giúp con người kết nối với nhau dễ dàng hơn, cũng như phục vụ nhu cầu giải trí nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, việc lạm dụng MXH, dành quá nhiều thời gian trên không gian mạng đã khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, giảm sút chất lượng cuộc sống.

Để sử dụng mạng xã hội với mục đích ý nghĩa hơn, nhiều bạn trẻ đã thực hiện thanh lọc hội nhóm.
Chị Quỳnh từng là người dành nhiều thời gian cho MXH, thế nhưng sau khi nhận được những bình luận, những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, chị bắt đầu nhận ra cần giảm bớt thời gian trên thế giới ảo và thêm thời gian cho cuộc sống thật.


“Tôi tự hỏi tại sao mình phải chịu đựng những thứ tiêu cực này trên MXH, nếu tôi không dùng nó thì những thứ đó sẽ không đến với tôi nữa, thế nên tôi tiết kiệm được nhiều thời gian hơn và tham gia các lớp học để phát triển bản thân”, chị Quỳnh nói.


Thực tế cho thấy, mạng xã hội cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của con người, việc tiếp cận với các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội dễ dẫn đến rối loạn lo âu khiến cho một số người trở nên lo lắng về những vấn đề trong cuộc sống. Ngoài ra, không ít người rơi vào trầm cảm do bị vu khống hay gặp phải những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội không lành mạnh còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý, tâm thần như hội chứng mặc cảm ngoại hình, hội chứng tự ngược đãi bản thân.


Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Chuyên gia Xã hội học) cho biết: “Chúng ta đang thiếu một sự sàng lọc các thông tin đăng tải trên mạng xã hội, khi các con cập nhật thì không thể nhận định được đúng sai. Vì thế nên các thông tin đó sẽ làm ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ của các con”.


Theo Thạc sĩ Phan Thị Mai Quyên (Chuyên gia tâm lý), việc thanh lọc mạng xã hội sẽ giúp cho chúng ta có nhiều điều kiện để gần hơn với cuộc sống thực tại, từ đó tạo ra những hoạt động có giá trị về mặt giải trí, phát triển bản thân và gắn kết với mọi người xung quanh. Thanh lọc không có nghĩa là bỏ hết, mà là chọn lựa lại những nền tảng mà chúng ta tiếp nhận, bỏ đi những nội dung không có giá trị thúc đẩy và giữ lại những thứ giúp ích để phát triển bản thân.


Không thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội đem lại, điều quan trọng là chúng ta sử dụng mạng xã hội như thế nào để không bị sa đà vào thế giới ảo, vừa mất thời gian lại tổn hại đến sức khỏe, tinh thần, mỗi người hãy sử dụng mạng xã hội một cách phù hợp, hiệu quả, ứng xử đúng mực, có văn hóa khi giao tiếp trên mạng xã hội.

Xem chương trình tại đây

Chương trình Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây như hệ lụy khi dùng mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn và cẩn trọng khi để trẻ ở nhà một mình.

Hệ lụy khi dùng mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn
Mới đây, tại khu vực thành phố Hà Nội, một nhóm thanh niên do mâu thuẫn cá nhân, đã chửi bới, thách thức nhau qua mạng xã hội. Nhóm này đã giải quyết vấn đề trên bằng cách đuổi đánh nhau với hung khí là dao và tuýp sắt, hậu quả là một trong số đó bị thương tích vùng đầu, xây xước chân tay và xe bị đập phá.


Từ mâu thuẫn bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm đến những hiểu lầm, rạn nứt trong chuyện tình cảm lứa đôi, chuyện riêng tư lại biến thành chuyện chung khi công khai trên mạng và để cho cộng đồng mạng phán xét khi chưa rõ thực hư, đúng sai. Thậm chí, nhiều người trước đó chưa hề quen biết, nhưng chỉ vì không hài lòng phát ngôn của đối phương trên mạng, liền đáp trả qua lại gay gắt. Đáng nói, không ít vụ việc bị đẩy lên cao trào, mất kiểm soát, thậm chí có thể đi đến xung đột trực tiếp.


Một cô gái vừa rơi vào trạng thái trầm cảm khi bị người khác đăng bài trên mạng xã hội để vu khống việc quỵt tiền nợ, mặc dù đã cung cấp những bằng chứng minh oan cho mình, nhưng nhiều người dù không hiểu thực hư, đúng sai đã lao vào chửi bởi thậm tệ. “Tôi cảm thấy ức chế vì mình bị vu oan trên mạng xã hội, nhiều người không hiểu rõ câu chuyện vẫn tranh nhau phán xét, tôi bị khủng hoảng tinh thần vì liên tục bị đám đông nhắn tin chửi bới”, cô gái nói.


Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trương Văn Vỹ (Chuyên gia Xã hội học) cho biết, mạng xã hội là một mạng công cộng, cho nên hiệu ứng đám đông rất mạnh, không cần biết thực hư, cứ nghe nói một người nào đó lừa đảo hay là người xấu thì họ ngay lập tức ùa vào chửi bới, lăng mạ người bị đưa tin lên. Người sử dụng mạng xã hội trước khi đưa tin lên mạng xã hội để giải quyết vấn đề, cần phải thật bình tĩnh để suy xét xem liệu là có giải quyết được vấn đề hay không, hay chỉ làm nó trở nên trầm trọng hơn.


Theo Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng, hành vi lợi dụng mạng xã hội để chửi bới, xúc phạm hoặc đưa những thông tin bịa đặt, không đúng sự thật, sự việc gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức sẽ có hai hình thức xử phạt lần lượt là phạt 7 triệu đồng nếu vi phạm hành chính và mức tù từ 5 – 7 năm đối với hành vi bị truy xét trách nhiệm hình sự.
Link tập 38: Hệ lụy khi dùng mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn
https://youtu.be/WGHu626Lfds

Cẩn trọng khi để trẻ ở nhà một mình
Vừa qua, một số thị xã thuộc thành phố Biên Hòa, thuộc tỉnh Đồng Nai xuất hiện tình trạng một người phụ nữ hoặc một nam, một nữ đi xe máy đến nhiều gia đình, tiếp cận trẻ em nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Với thủ đoạn yêu cầu các em lấy hàng hay đóng tiền hộ người thân, các đối tượng này đã chiếm đoạt hàng chục triệu đồng. Tương tự tại địa bàn thành phố Huế, xuất hiện đối tượng lạ lợi dụng trẻ em ở nhà một mình, nên đã dùng lời ngon tiếng ngọt để dụ các cháu đưa tiền cho chúng.


Chị N.T.L, một nạn nhân của thủ đoạn trên cho biết, công việc bận đột xuất khiến chị phải để con ở nhà một mình, vừa rời khỏi nhà không lâu, liền có một người lạ mặt đóng giả là nhân viên giao hàng và yêu cầu con chị nhận hàng và thanh toán số tiền 2,5 triệu. Cho đến khi về đến nhà, chị phát hiện con mình đã bị lừa vì thời gian qua chị không hề mua hàng online trên mạng, số hàng mà kẻ gian giao cho chỉ là vài gói mì.


Bên cạnh nguy cơ bị lừa đảo, bắt cóc, xâm hại khi trẻ ở nhà một mình còn có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, điện giật, va đập gây thương tích cho các em ngay trong ngôi nhà của mình. Bên cạnh đó, những sự cố ngoài ý muốn về sức khỏe không lường trước cũng có thể dẫn đến những tình huống bất ngờ, không kịp xử lý. Những bậc phụ huynh cần đề cao cảnh giác, giáo dục con em mình tuyệt đối không được tin tưởng những người lạ mặt có nhiều biểu hiện nghi vấn. Đối với những gia đình xảy ra sự việc tương tự, cần phải khẩn trương trình báo với cơ quan chức năng để có phương án xử lý kịp thời.


Đối với những lưu ý khi trường hợp bất khả kháng phải để con ở nhà một mình, thạc sĩ Nguyễn Trần Trung Hải (Chuyên gia Xã hội học) cho biết: “Phụ huynh cần hướng dẫn cho con trẻ tránh xa những nguồn gây nguy hiểm có thể dẫn đến tai nạn, thương tích cho con trẻ như ổ điện, bếp gas, dao kéo… Phụ huynh cần nhắc nhở hướng dẫn cách xử lý cho con em cách xử lý tình huống khi có người đến liên hệ, dù cho là người quen hay người lạ”.
Link tập 40: Cẩn trọng khi để trẻ ở nhà một mìnhhttps://youtu.be/jRs1SQQAQsM

Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Vừa qua, chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống tiếp tục chia sẻ cách xây dựng lòng biết ơn cho con, dạy con cách hành xử văn minh trên mạng, cũng như góp phần gắp kết gia đình thông qua những tính năng hữu ích của mạng xã hội.

Góp phần gắn kết gia đình từ mạng xã hội

Sau những bữa cơm gia đình hay những ngày nghỉ rảnh rỗi, hình ảnh các thành viên trong gia đình sum họp, vui chơi hay cùng chia sẻ với nhau câu chuyện hàng ngày lại rất quen thuộc, đặc biệt khi mạng xã hội (MXH) ngày càng phố biến, nếu biết cách sử dụng hợp lý thì sẽ góp phần giúp gắn kết gia đình nhiều hơn.

Các thành viên sống xa nhau nhưng vẫn có sự kết nối, thấy mặt và tâm sự với nhau. Với chức năng chia sẻ và gắn thẻ, các thành viên có thể chia sẻ những địa điểm yêu thích, chụp hình lưu giữ những kỷ niệm vui vẻ, yêu thương trong gia đình, nhờ vậy các thành viên trong gia đình hiểu được nhau hơn.

Chị Ngọc Hoa (TP.HCM) cho biết, chị rời quê đi làm ăn xa, nhờ có mạng xã hội, chị có thể xem lại những hình ảnh vui vẻ bên gia đình, đôi khi có những vui buồn vướng mắc trong cuộc sống, chị thường kết nối với gia đình qua các cuộc gọi video, tin nhắn trên các ứng dụng MXH. “Nhờ MXH mình có thể biết được gia đình mình ổn không, để động viên nhau, chúc mừng nhau, chia sẻ với nhau những vấn đề trong cuộc sống”, chị nói.

Chị Ngọc Ánh (TP.HCM) coi đây là một cuốn sổ lưu niệm điện tử, ghi lại những khoảnh khắc chị cùng con lớn lên như thế nào. Chị hay tạo ra những tình huống mà chị và con tương tác với nhau, nhờ đó giúp chị và con gái có thời gian chất lượng bên nhau.

Lợi ích của mạng xã hội trong việc gắn kết gia đình là không thể phủ nhận, song không ít gia đình lại bị MXH chi phối. Các thành viên vẫn quây quần bên nhau sau một ngày làm việc nhưng thay vì giao tiếp, chuyện trò, tâm sự để hiểu và đồng cảm với nhau, thì mỗi người lại chăm chú lướt MXH. Sự lạm dụng, sa đà vào thế giới ảo đã vô tình làm mất đi sự kết nối bền chặt trong mỗi gia đình, khiến các thành viên không xa mặt nhưng cách lòng.

Anh Nguyễn Trần Trung Hải (Nhà nghiên cứu xã hội học) chia sẻ: “MXH sinh ra để phục vụ đời sống con người nhưng sử dụng một cách thông minh là do bản thân chúng ta”.

Đầu tiên chúng ta có thể sử dụng MXH để ghi lại khoảnh khắc cùng gia đình, ví dụ những bức ảnh, video sinh hoạt cùng gia đình, các chuyến du lịch ăn uống cùng những người thân yêu. Điều này không chỉ tạo không khí vui vẻ, mà còn giúp lưu giữ kỷ niệm gia đình. Việc quan tâm trò chuyện cùng nhau bằng các cuộc gọi nhóm, các tin nhắn động viên, chúc mừng hay đơn giản là sự tương tác bình luận vui vẻ trên MXH cũng khiến cho mọi người cảm thấy mình vẫn nhận được quan tâm, dõi theo của gia đình. Và chính sự tương tác chia sẻ cùng nhau không chỉ giúp gắn kết gia đình mà còn giúp lan tỏa những điều tích cực trong cuộc sống.

Clip: Góp phần gắn kết gia đình từ mạng xã hội

https://www.youtube.com/watch?v=Vxpg6M1h1dQ

Dạy con cách hành xử văn minh trên mạng

Với tốc độ phát triển của cuộc sống hiện nay, trẻ em sớm được tiếp cận với công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội (MXH). Tuy nhiên việc để trẻ tiếp xúc quá sớm với MXH mà không có sự hướng dẫn hay giám sát phù hợp đã mang đến nhiều hệ lụy, một trong số đó là một số trẻ hành xử kém văn minh trên không gian mạng.

Vô tình nhìn thấy bài đăng trên MXH của con với những lời lẽ không hay về một người bạn cùng lớp, chị N.T.Y (TP.HCM) cảm thấy sốc và thất vọng, bởi con chị vốn rất ngoan và nghe lời. Bên dưới bài đăng, rất nhiều bạn bè cùng tuổi con cũng có những phát ngôn khó nghe, thậm chí dung tục. Tức giận và lo lắng cho con, chị tự trách mình đã không quan tâm, giám sát con trên môi trường mạng.

Thực tế có rất nhiều phụ huynh gặp chuyện tương tự nhưng không phải ai cũng đủ bình tĩnh để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Khi biết con có những hành động tiêu cực, những lời lẽ chê bai bình phẩm hay nói xấu lẫn nhau trên mạng, phụ huynh có tâm lý lo lắng muốn can thiệp ngay, tuy nhiên càng phản ứng gay gắt càng khiến vấn đề trầm trọng hơn, trẻ càng thêm chống đối và không nhận ra cái sai của mình.

Hiện nay trẻ được dùng điện thoại và có tài khoản trên MXH ngày càng sớm. MXH trở thành nơi trẻ bày tỏ suy nghĩ của bản thân, thích thể hiện nhưng lại chưa đủ nhận thức khiến trẻ sa vào những hành động, lời lẽ không hay. Hành xử kém văn minh trên mạng cho thấy sự bất ổn của đời sống thực, đòi hỏi cha mẹ phải nắm bắt được tâm tư khó khăn của trẻ để tìm ra giải pháp chứ không phải phán xét hay trách phạt trẻ một cách tiêu cực.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy – Chuyên gia tâm lý: “Nó liên quan đến tâm trạng nổi loạn của con mà không có nơi, bối cảnh, cơ hội bộc lộ tích cực, nên con thường có xu hướng thể hiện bản thân ở những điều tiêu cực. Trẻ có tâm lý học theo bạn bè, ở tuổi này nếu trẻ chơi với bạn tốt thì học được điều tốt, nếu tham gia vào nhóm bạn xấu, tâm lý nhóm ảnh hưởng mạnh đến các con, vì thế cha mẹ buộc phải quan tâm nhóm bạn trong lớp. Một nguyên nhân nữa là xung đột tuổi dậy thì, các con không có kênh chia sẻ thì các con bộc lộ bằng những status hoặc tham gia nhóm antifan trên mạng”.

Nữ tiến sĩ khuyên các bậc phụ huynh cần trò chuyện với trẻ càng sớm càng tốt, xem trẻ có xung đột với ai hay có vấn đề gì. Đừng vội phê phán, ngăn chặn, đừng bắt trẻ xóa hay làm gì đó. Điều đầu tiên là ngồi xuống tìm hiểu tâm tư tình cảm, lý do có hành động, lời nói đó. Khi chúng ta hiểu rồi mới bắt đầu gỡ tâm lý rối loạn của trẻ, lựa lời phân tích cho trẻ đăng như vậy gây hậu quả gì cho con và cho người khác.

Clip Dạy con cách hành xử văn minh trên mạng

https://www.youtube.com/watch?v=tFDj2saqzQs

Xây dựng lòng biết ơn cho con

Lòng biết ơn là một phẩm chất quan trọng trong quá trình hình thành phẩm cách con trẻ. Lòng biết ơn không chỉ giúp con thể hiện sự ghi nhận đối với những ai đã giúp đỡ, dạy dỗ, hỗ trợ mình, mà còn giúp con nhận được tình cảm sự yêu mến tôn trọng từ những người xung quanh, đó là môi trường, chất xúc tác giúp trẻ tự tin phát triển và dễ thành công hơn trong cuộc sống.

Anh Vũ Thượng Hiền (TP.HCM) bảy tỏ: “Khi dạy con cám ơn khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác, tôi cảm thấy hạnh phúc, cảm giác con mình sau này sẽ là người tốt giúp ích cho xã hội”.

Chị Nguyễn Ngọc Hoàng Dung (TP.HCM) cho biết: “Đành rằng cha mẹ thương con vô điều kiện nhưng con cái phải biết ơn cha mẹ, mình không cần gì nhiều, con biết chăm ngoan là thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ rồi”.

Việc thiếu lòng biết ơn có thể dẫn đến sự không hài lòng với cuộc sống, tập trung vào những điều không tốt và những điều trẻ không có, điều này gây căng thẳng tinh thần và sự không ổn định trong tâm trạng của trẻ.

Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh (Chuyên viên giáo dục) cho rằng: “Lòng biết ơn không chỉ một chiều từ người ở dưới biết ơn người trên, con cái biết ơn bố mẹ, mà là mối quan hệ hai chiều. Hiện nay nhiều bạn trẻ có tư duy bố mẹ phải có trách nhiệm và chúng không cần biết ơn. Cha mẹ phải biết cách giáo dục cho con ngay từ những chuyện nhỏ nhất, ví dụ như con cái cám ơn bố mẹ cho mình bữa ăn ngon, bố mẹ cám ơn khi con hỗ trợ giúp đỡ công việc gì đó, dù là công việc nhà. Điều đó sẽ tạo ra niềm vui cho cả gia đình”.

Lòng biết ơn tạo ra tâm lý mạnh mẽ, trẻ có lòng biết ơn đối mặt tốt hơn với khó khăn, tạo ra sự kết nối tốt với người khác. Lòng biết ơn thể hiện sự tôn trọng và đánh giá cao những người xung quanh tạo nên môi trường xã hội tích cực, khuyến khích hành động tốt và lương tâm trong xã hội. Những người biết ơn thường có xu hướng tham gia vào các hoạt động từ thiện và cống hiến cho cộng đồng. Khi mọi người trong xã hội hiểu và thực hành lòng biết ơn, những giá trị tích cực được lan tỏa tạo ra một môi trường xã hội tốt đẹp hơn.

Clip Xây dựng lòng biết ơn cho con:

https://www.youtube.com/watch?v=nw1aLn8oP3I

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.