Hiện nay, trên mạng xã hội không khó để bắt gặp những nội dung chứa nhiều từ ngữ văng tục và chửi bậy. Những video hay audio này thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và thu hút sự quan tâm và bình luận tích cực của nhiều người. Một số người cho rằng việc này giúp giảm stress và thư giãn khi thảo luận với ngôn từ thô tục.

Trong chương trình Câu chuyện Cuộc sống vừa qua, chị Nghiêm Thị Phương Vy (TP.HCM) cho biết: “Trên mạng xã hội, có rất nhiều video chứa những từ ngữ văng tục và chửi bậy, ảnh hưởng đến sự trong sáng của ngôn từ tiếng Việt và tạo thói quen cho người xem. Những từ ngữ này có thể trở thành một phần trong suy nghĩ hàng ngày của mọi người”.

ThS Lê Thị Minh Hoa, chuyên gia tâm lý cũng cho biết, hiện nay những người sáng tạo nội dung thường có xu hướng tạo nên những điều mới mẻ và hấp dẫn để thu hút người xem.

“Tâm lý của chúng ta thường có sự tò mò, và mặc dù ban đầu có thể không muốn xem vì nó thô tục, nhưng tò mò thúc đẩy chúng ta xem và khám phá. Dần dần, chúng ta bị thu hút và ảnh hưởng bởi nó, vì việc tiếp xúc liên tục với nó có thể tạo ra thói quen tiêu cực”, cô chia sẻ.

chửi bậy trên mạng xã hội

Vì vậy, cần tạo ra một môi trường mạng xã hội lành mạnh, nơi cập nhật những nội dung sáng tạo và tích cực, sử dụng ngôn từ phù hợp để giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống. Mỗi người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo, lựa chọn nội dung và hiểu rõ hậu quả, tác động tiêu cực từ việc tiếp xúc với những nội dung có thể gây hại.

ThS Trần Hương Thảo, chuyên gia tâm lý, cho biết những ngôn từ, nội dung độc hại trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng đến người xem, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ: “Ngôn từ của người lớn sẽ ảnh hưởng đến trẻ em. Trẻ em thường bắt chước hành vi và ngôn từ của người lớn, do đó người lớn cần làm mẫu, không sử dụng ngôn từ thô tục để trẻ không bị ảnh hưởng tiêu cực”.

Vì thế, với trẻ em nên hạn chế cho tiếp xúc với mạng xã hội sớm. Tuy nhiên, với việc phát triển công nghệ, việc học tập của con trẻ cũng cần sử dụng máy tính, điện thoại di động để trao đổi với giáo viên, lấy bài tập và làm bài trên máy tính. Trước tình hình đó, ba mẹ có thể ngăn chặn những nội dung xấu bằng cách chặn truy cập vào mạng xã hội như Youtube, Tiktok, Facebook hoặc chặn nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Bao gồm những nội dung người lớn, độc hại hay chửi bậy…

Chúng ta không thể lý giải việc sử dụng ngôn từ thô tục, chửi bậy để giải tỏa căng thẳng và chấp nhận hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội. Từ gia đình đến nhà trường, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và giữ gìn sự trong sáng của ngôn từ tiếng Việt trong cuộc sống hàng ngày và trên mạng xã hội.

Clip Văng tục, chửi thề – Xu hướng độc hại trên mạng xã hội

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.