Những cập nhật trên watchOS 11 giúp Apple Watch có thêm các tính năng về tập luyện và theo dõi sức khoẻ.
Apple vừa giới thiệu bản watchOS 11 mới, đáng chú ý là các tính năng: cường độ tập luyện, tính năng Vitals theo dõi sức khoẻ, thay đổi vòng hoạt động.
Cường độ tập luyện
Cường độ tập luyện cho người dùng biết được mức độ căng thẳng của cơ thể từ các bài tập trong 7 ngày so với 28 ngày gần nhất. Con số này giúp người dùng tuỳ chỉnh khối lượng và thời lượng tập luyện mỗi ngày, nhất là khi đang trong giai đoạn lên kế hoạch cho một giải đấu nào đó.
Đồng hồ sẽ đưa ra cường độ tập luyện sau mỗi bài tập dựa trên mức độ gắng sức của người dùng. Con số này sẽ có mức từ 1 đến 10 theo mức độ căng thẳng tăng dần của cơ thể.
Để đưa ra con số này, Apple dựa trên các dữ liệu thu thập và thông tin cung cấp từ người dùng. Đối với các bài tập tim mạch phổ biến thì Apple dùng các nguồn dữ liệu như tuổi tác, chiều cao, cân nặng, cộng với dữ liệu bài tập như GPS, nhịp tim, độ cao. Người dùng cũng có thể tự điều chỉnh mức ước tính sau khi Apple đưa ra con số cường độ tập luyện.
Đối với các bài tập mà Apple không đưa ra mức ước tính cường độ tập luyện, người dùng có thể tự nhập vào con số này.
Dựa trên các con số cường độ tập luyện nói trên cộng với thời lượng bài tập, Apple Watch thiết lập cường độ tập luyện trong 28 ngày. Tiếp đến, thiết bị này sẽ đánh giá cường độ tập luyện trong 7 ngày gần nhất so với 28 ngày nói trên để đưa ra con số thể hiện cường độ tập luyện hiện tại. Các mức này gồm: rất thấp, thấp, ổn định, cao, rất cao. Dựa vào đánh giá này, người dùng sẽ biết được mức độ căng thẳng của cơ thể hiện tại, từ đó điều chỉnh tăng hay giảm bài tập cho phù hợp với mục tiêu của họ.
Cường độ tập luyện này có thể kết hợp với tình trạng sức khoẻ hàng ngày (Vitals) để người dùng có bức tranh tổng quát hơn trong việc đưa ra kế hoạch tập luyện tiếp theo.
Vitals – theo dõi chỉ số sức khoẻ quan trọng trên một ứng dụng duy nhất
Apple Watch hiện nay đang đo các chỉ số quan trọng của người dùng khi ngủ, gồm: nhịp tim, nhịp thở, SpO2, nhiệt độ cổ tay, thời gian ngủ.
Các chỉ số quan trọng nói trên sẽ được đưa vào một ứng dụng mới có tên là Vitals. Từ ứng dụng này người dùng có thể theo dõi các thông tin sức khoẻ quan trọng trong một ứng dụng duy nhất.
Nếu có hai chỉ số nằm ngoài vùng trung bình, đồng hồ sẽ cảnh báo để người dùng lưu ý.
Điều chỉnh vòng hoạt động Activity Ring
Vòng hoạt động trên Apple Watch giúp người dùng hoàn thành 3 mục tiêu trong ngày: di chuyển, tập luyện, đứng. Đồng hồ sẽ liên tục nhắc nhở để người dùng hoàn thành được các mục tiêu. Trên watchOS 11 mới, chúng ta có thể tắt tính năng vòng tập luyện.
Như mình rất hay dùng 3 vòng hoạt động của Apple Watch để làm động lực tập luyện mỗi ngày. Trên watchOS 11 mới, bạn có thể tạm ngưng các vòng hoạt động mà không bị ảnh hưởng đến chuỗi thành tích hay giải thưởng (có vẻ giống tính năng Freeze trên Duolingo). Tính năng này hay ho khi người dùng trải qua một kỳ tập luyện và thi đấu gắng sức hoặc chấn thương muốn nghỉ ngơi.
Ngoài các tính năng nói trên, có một số tính năng mới khác trên watchOS 11: thêm một số bài tập mới (bao gồm bóng đá, bóng bầu dục Mỹ và Úc, khúc côn cầu ngoài trời, bóng vợt, trượt tuyết, chạy băng đồng, trượt ván, golf, và chèo thuyền), tính năng dịch thuật ngay trên đồng hồ, theo dõi thai kỳ, mặt đồng hồ mới.
Bản beta cho nhà phát triển đã có trên web Apple. Bản beta cho người dùng sẽ có vào tháng sau. Phần mềm chính thức sẽ ra mắt vào cuối năm nay, trên Apple Watch Series 6 trở lên, ghép đôi với iPhone Xs chạy iOS 18.
VNG thông qua công ty con đầu tư vào hạ tầng đám mây hỗ trợ trí tuệ nhân tạo để cung cấp giải pháp cho khách hàng nội địa lẫn quốc tế.
GreenNode, đơn vị chuyên cung cấp nền tảng AI Cloud và phát triển ứng dụng Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI), vừa chính thức công bố quan hệ hợp tác chiến lược với Nvidia và các đối tác quốc tế, để cung cấp nền tảng AI Cloud đến khách hàng toàn cầu.
GreenNode là công ty thành viên trực thuộc VNG Digital Business, mảng kinh doanh chủ chốt của VNG cung cấp giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp thông qua các sản phẩm công nghệ, dịch vụ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và an toàn thông tin.
Là một trong số ít đối tác chính thức về dịch vụ đám mây của Nvidia (NCP – Nvidia Cloud Partner) từ cuối năm 2023, GreenNode được ưu tiên tiếp cận với nhà máy mô hình AI (AI Factory)và các thế hệ chip AI (GPU) hàng đầu của Nvidia. Tại Việt nam, VNG là một trong những đơn vị đầu tiên sở hữu nhiều máy chủ Nvidia DGX H100 đặt tại trung tâm dữ liệu tại Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 4/2024, trung tâm dữ liệu của GreenNode tại Thái Lan, hợp tác với ST Telemedia Global Data Centres Thailand (STT GDC – doanh nghiệp đang vận hành hơn 95 trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới), đã được trang bị hàng nghìn con chip Nvidia H100 GPU cùng hạ tầng mạng InfiniBand thế hệ mới với băng thông giữa các máy chủ lên tới 3,2Tbps, sẵn sàng cung cấp cho khách hàng quốc tế nền tảng AI và hạ tầng GPU đáp ứng nhu cầu huấn luyện các mô hình AI tạo sinh (GenAI) lớn như mô hình ngôn ngữ (LLM) hay các mô hình tạo sinh hình ảnh, video.
Ông Nguyễn Lê Thành – Tổng Giám Đốc VNG Digital Business nhận định ứng dụng GenAI trong doanh nghiệp ngày càng gia tăng nhưng rất ít doanh nghiệp có đủ điều kiện tiếp cận các nguồn tài nguyên thích hợp để huấn luyện mô hình AI lớn do chi phí đầu tư đắt đỏ và sự khan hiếm nguồn cung chip AI (GPU) trên toàn cầu. Vì thế, GreenNode triển khai GenAI để giúp các doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ AI dễ hơn.
GreenNode cũng công bố hợp tác với VAST Data cùng xây dựng giải pháp công nghệ giúp phân luồng khối lượng công việc của AI và hỗ trợ khách hàng dễ dàng co giãn (scale) luồng dữ liệu phục vụ cho việc huấn luyện các mô hình AI theo nhu cầu thực tế.
“Bằng việc kết hợp hạ tầng GPU từ GreenNode và công nghệ được thiết kế để xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ của VAST Data, chúng tôi cung cấp dịch vụ AI giúp khách hàng xây dựng và triển khai công cụ trong thời gian ngắn với chi phí tiết kiệm”, ông Sunil Chavan – Phó Chủ tịch VAST Data khu vực Châu Á – TBD và Nhật Bản nói thêm.
Bên cạnh dịch vụ AI Cloud, GreenNode cũng nghiên cứu và phát triển nhiều công nghệ AI, nổi bật là mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt 34 tỷ tham số (GreenNode-34B LLM) và nền tảng Chat bot No code- được tích hợp vào dịch vụ chăm sóc khách hàng nhằm giúp doanh nghiệp tương tác với khách hàng 24/7.
GreenNode cũng đồng hành cùng VNGGames ra mắt chính thức nền tảng Artian dựa trên mô hình tạo sinh hình ảnh Stable Diffusion để nâng cao hiệu suất thiết kế và sản xuất các nhân vật game, các nội dung đa phương tiện, thông qua sử dụng hạ tầng của GreenNode. Artian đang được tích hợp để xử lý hơn 150 nhân vật game và tạo dựng hơn 100.000 nội dung đa phương tiện, giúp các studio của VNGGames tiết kiệm được 50-70% thời gian và chi phí sản xuất, một số công đoạn có thể tăng hiệu suất làm việc gấp 3 lần so với thông thường.
Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương đang là khu vực rất sôi động của các sáng kiến AI. Ứng dụng của AI trải dài từ ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cho đến ngành sản xuất, vận tải, thương mại điện tử, viễn thông, y học,…
Theo Market Data Forecast (đơn vị cung cấp báo cáo thị trường trụ sở tại Ấn Độ), thị trường AI tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng trưởng hàng năm 39,93% trong giai đoạn 2024 – 2029, từ 66,38 tỉ USD năm 2024 lên 356,13 tỉ USD năm 2029. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong khu vực đang gặp phải thách thức trong việc tiếp cận cơ sở hạ tầng và chuyên môn cần thiết để khai thác các dự án AI một cách hiệu quả.
Với công nghệ thu gom và lọc nước mưa tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu, Gravity Water đang cung cấp nguồn nước sạch cho hơn 38.000 học sinh tại tỉnh Hòa Bình.
Một trong những nơi đang được hưởng nguồn nước sạch từ hệ thống của Gravity Water chính là Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình.
Học sinh của trường lẫn người dân chung quanh sử dụng nguồn nước từ Hồ Hoà Bình và nguồn nước mưa. Tuy nhiên nguồn nước ở đây có thể không bảo đảm an toàn, và thiếu nước vào mùa hạn hán.
Nếu không được lọc đúng cách, nước ngầm lấy từ các giếng bị hư hỏng sẽ nhiễm canxi và các kim loại khác, trong khi các dòng suối chảy từ trên núi bị chuyển hướng hoặc bị ô nhiễm bởi hoạt động nông nghiệp hàng ngày – như tưới ruộng lúa và chăn nuôi gia súc – trước khi tiếp tục chảy xuống núi. Và vào mùa khô, dòng suối có thể chảy chậm lại đến mức chỉ còn nhỏ giọt.
Tại ngôi trường nói trên, tổ chức nước sạch toàn cầu Gravity Water đã lắp đặt hệ thống thu gom nước mưa tiên tiến để cung cấp một nguồn nước sạch thích ứng với biến đổi khí hậu cho giáo viên và học sinh. Nguồn nước cũng phục vụ cho ký túc xá của giáo viên.
Năm 2023, Apple đã trao cho Gravity Water một khoản tài trợ để mang nước sạch, an toàn đến 131 trường học ở khu vực phía Bắc. Sự hợp tác này là một phần trong chiến lược nước của Apple nhằm giải quyết vấn đề nguồn nước sẵn có, chất lượng nước và khả năng tiếp cận nước trong chuỗi cung ứng của Apple trên toàn thế giới. Việc áp dụng các công nghệ đã được kiểm chứng để nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân ở các khu vực như tỉnh Hòa Bình phản ánh quy mô của những nỗ lực này.
Ông Phan Việt Dũng, Quản lý Chương trình của Gravity Water ở Hòa Bình, nơi anh lớn lên, cho biết: “Chúng tôi lắp đặt năm hệ thống hàng tuần và cảm thấy rất phấn khởi vì được đến từng điểm trường khác nhau”. “Giao thông, khoảng cách giữa các trường và điều kiện cơ sở hạ tầng đều rất khác nhau. Một số trường thiếu dụng cụ, một số trường khác thì nguồn cung cấp nước không ổn định. Chúng tôi phải đảm bảo rằng bất kể nguồn nước ổn định hay không, trường học phải luôn có sẵn nước sạch.”
Bằng cách kết nối một bể chứa nước lớn chịu được mọi thời tiết với một loạt máy đo thông minh để theo dõi mức sử dụng nước ngầm và lượng nước mưa thu được, Gravity Water đảm bảo các trường học sẽ có nguồn nước đáng tin cậy quanh năm. Hệ thống này hoàn toàn tự động, dựa vào cảm biến mực nước để xác định thời điểm cung cấp nước và nguồn nước đến nhà bếp, phòng tắm và ký túc xá của trường, nơi học sinh tắm và giặt quần áo.
Bà Hà Thị Dự, Phó Hiệu trưởng trường Vầy Nưa cho biết: “Chúng tôi có rất nhiều buổi dạy trẻ em ở đây cách sử dụng nước hợp lý. Bởi vì sống ở đây nên các em biết rằng để có được nước sạch phải mất nhiều thời gian và công sức.”
Bàn Thiên Anh, học sinh lớp bảy trường Vầy Nưa nói: “Đây là mùa khô và chúng em không có đủ nước từ các con suối. Chúng em chỉ lấy nước khi khát và phải uống hết. Chúng em không được lãng phí nước vào những mục đích sai.”
Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Hiền Lương nằm bên bờ Hồ Hòa Bình cũng mới được lắp đặt thêm hệ thống Gravity Water.
Hòa Bình có hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số có thu nhập dưới 100 nghìn đồng mỗi ngày và không đủ tiền mua nước đóng chai hoặc hệ thống lọc nước cho hộ gia đình. Thu gom nước mưa trong mùa mưa lớn là một cách tiết kiệm chi phí.
Ngoài Hòa Bình, Gravity Water còn có các dự án ở Nepal, Đài Loan, Malaysia, Mexico,… Đến năm 2030, họ dự kiến mang lại nước sạch, an toàn cho 1 triệu công trình thông qua nhiều dự án và quan hệ đối tác tại trường học, cơ sở hạ tầng công cộng và thậm chí cả các hộ gia đình.
Mời đọc bài chi tiết hơn trên trang web của Apple tại đây.
Hôm nay, Apple đã công bố một bộ tính năng trợ năng mới sẽ ra mắt “vào cuối năm nay” cho iPhone và iPad của mình, vì vậy có lẽ đây sẽ là một phần của iOS 18 và iPadOS 18, sẽ được ra mắt chính thức vào tháng tới.
Cho đến nay, tính năng thú vị nhất của nhóm này là tính năng theo dõi bằng mắt, tính năng này sẽ được hỗ trợ trên cả iPhone và iPad và sẽ cho phép bạn điều khiển thiết bị bằng mắt, giống như tên gọi của nó.
Điều này nhằm vào người dùng khuyết tật về thể chất, nhưng mọi người đều có thể sử dụng nó. Tính năng theo dõi bằng mắt sẽ được hỗ trợ bởi AI (vì mọi thứ phải có ngay bây giờ). Ban đầu, bạn sẽ trải qua giai đoạn hiệu chỉnh kéo dài vài giây, quá trình này sẽ diễn ra thông qua camera phía trước và sau đó bạn sẽ sẵn sàng. Tất cả dữ liệu được sử dụng cho việc này sẽ không bao giờ rời khỏi thiết bị của bạn vì dữ liệu này được hỗ trợ bởi công nghệ máy học trên thiết bị.
Bạn sẽ không cần bất kỳ phần cứng hoặc phụ kiện bổ sung nào và tính năng Theo dõi mắt sẽ hoạt động với mọi ứng dụng. Nó sẽ cho phép bạn điều hướng qua các thành phần của ứng dụng bằng mắt và sử dụng Kiểm soát lâu để kích hoạt từng thành phần bằng cách nhìn lâu vào thành phần đó.
Tiếp theo, công cụ Taptic trong iPhone của bạn sẽ phát các thao tác chạm, họa tiết và rung tinh chỉnh, tất cả đều được điều chỉnh theo nhạc bạn đang nghe và điều này khiến chúng ta nhớ đến tính năng tương tự của Sony đã ra mắt cách đây nhiều năm, ngoại trừ Music Haptics của Apple. ban đầu chỉ hoạt động với Apple Music. Tuy nhiên, nó sẽ có sẵn dưới dạng API dành cho các nhà phát triển để làm cho âm nhạc trở nên hấp dẫn hơn trong ứng dụng của riêng họ nếu họ muốn.
Điều thú vị nhất là Apple cũng đã công bố Vehicle Motion Cues, một tính năng được cho là giúp giảm tình trạng say tàu xe cho hành khách đang di chuyển trên các phương tiện và đang sử dụng iPhone hoặc iPad của họ.
Điều này sẽ đặt một số chấm hoạt hình trên các cạnh của màn hình, thể hiện những thay đổi trong chuyển động của xe và điều này bằng cách nào đó sẽ giúp giảm bớt chứng say tàu xe, mặc dù nó không được giải thích chính xác như thế nào, nhưng chúng tôi mong muốn tìm hiểu thêm về tính năng này.
CarPlay cũng có tính năng Điều khiển bằng giọng nói, thực hiện đúng như tên gọi, cho phép bạn điều hướng CarPlay và điều khiển các ứng dụng chỉ bằng giọng nói của mình, Nhận dạng âm thanh để những người khiếm thính hoặc khiếm thính được thông báo về còi xe và còi báo động cũng như Bộ lọc màu dành cho người mù màu.
Apple Watch có thể tính toán thời gian trẻ em dành thời gian ở ngoài trời, trong khi iPhone và iPad sẽ nhắc nhở trẻ em mỗi khi chúng dí quá sát mắt vào màn hình.
Thông tin dưới đây lấy từ bài viết trên Review of Mopya Management của Tiến sĩ Alan Landers và các nguồn khác, cho thấy trẻ em dành thời gian ở ngoài trời càng nhiều, và giữ khoảng cách an toàn với thiết bị điện tử, sẽ góp phần ngăn chặn tật cận thị phát triển.
Nếu dùng iPhone, iPad hay Apple Watch, bố mẹ có thể tận dụng các tính năng của thiết bị để theo dõi thời gian con ở ngoài trời và nhắc nhở con cái giữ khoảng cách giữa mắt với màn hình.
Áp dụng hướng dẫn của WHO cho trẻ dưới 5 tuổi
Vào năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra các hướng dẫn cho trẻ dưới 5 tuổi về hoạt động thể chất và nghỉ ngơi. Áp dụng các khuyến nghị trong hướng dẫn của WHO trong năm năm đầu đời có thể làm giảm tỷ lệ cận thị ở trẻ em, góp phần vào sự phát triển nhận thức và vận động của trẻ, cũng như sức khỏe sau này của các bé.
Các hướng dẫn được chia cho các độ tuổi khác nhau: trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, trẻ em từ 1 đến 2 tuổi và trẻ em từ 3 đến 4 tuổi. WHO khuyến cáo rằng trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình các thiết bị điện tử, trong khi trẻ em từ 2 đến 4 tuổi không nên dùng thiết bị điện tử quá một giờ mỗi ngày.
Hướng dẫn cũng khuyến khích trẻ em duy trì hoạt động thể chất, vui chơi, và có số lượng giờ ngủ phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, cha mẹ được khuyến khích theo dõi thị lực và sức khỏe mắt của con cái bằng các bài kiểm tra mắt toàn diện hàng năm.
Tóm tắt, WHO khuyên trẻ em nên tăng hoạt động thể chất, bớt thời gian ngồi một chỗ, và ngủ nhiều hơn.
Dành thời gian ngoài trời nhiều hơn, bớt xem TV hay điện thoại
Rất nhiều nghiên cứu về cận thị cho thấy dành thời gian ngoài trời nhiều hơn, bớt dùng thiết bị điện tử có thể làm giảm sự tiến triển tật cận thị.
Một bài báo dựa trên Sách trắng năm 2021 của Viện Cận thị Quốc tế (IMI) chỉ ra rằng, những đứa trẻ dành ít nhất 13 giờ mỗi tuần ở ngoài trời có nhiều khả năng phát triển cận thị hơn những đứa trẻ dành hơn 22,5 giờ mỗi tuần ở ngoài trời. Nếu tăng thời gian ở ngoài trời của trẻ lên 76 phút mỗi ngày có thể làm giảm một nửa nguy cơ cận thị.
Còn theo Viện Cận thị Quốc tế, trẻ em dành ít nhất 80-120 phút mỗi ngày ở ngoài trời có thể giúp giảm nguy cơ cận thị.
Một thiết bị đeo tay như Apple Watch có thể đo thời gian trẻ em (hoặc người đeo) dành bao nhiêu thời gian ngoài trời, bằng cách sử dụng cảm biến ánh sáng xung quanh đồng hồ. Bố mẹ có thể xem thời gian này ngay trong ứng dụng Sức khỏe/Health.
Quy tắc 20-20-2
Càng dành nhiều thời gian cho thiết bị điện tử hoặc sách vở – ví dụ đọc sách, làm bài tập, lướt mạng xã hội – đều có thể gây hại cho mắt.
Để giúp mắt bớt căng thẳng, Giáo sư Caroline Klaver và Nhóm Nghiên cứu Cận thị của Đại học Erasmus khuyến nghị tuân theo Quy tắc 20-20-2. Sau 20 phút mắt tập trung cho những việc kể trên, trẻ em nên dành 20 giây quan sát cố định vào một vật nào đó ở xa hơn, và dành thời gian cho các hoạt động ngoài trời ít nhất hai giờ mỗi ngày. Điều này được xây dựng dựa trên hướng dẫn trước đó – Quy tắc 20-20-20, khuyến khích trẻ em nghỉ ngơi 20 giây sau mỗi 20 phút đọc sách/học tập bằng cách nhìn vào thứ gì đó cách đó 20 feet (6 mét).
Hạn chế quan sát quá gần
Các chuyên gia khuyên rằng trẻ em nên chỉ dành tối đa 3 tiếng mỗi ngày cho các hoạt động quan sát quá gần (đọc sách, học, dùng thiết bị điện tử,…) bên cạnh thời gian ở trường. Ngoài ra, nên giữ sách hoặc thiết bị cách mắt ít nhất 12 inch (khoảng 30 cm).
Một nghiên cứu trên Tạp chí Nhãn khoa Anh cho thấy trẻ giữ sách hoặc thiết bị điện tử cách mắt 30 cm thì có khả năng bảo vệ mắt lớn hơn.
Nếu trẻ dùng iPhone hoặc iPad, bố mẹ có thể bật tính năng Screen Distance để điện thoại cảnh báo mỗi khi trẻ đưa quá sát thiết bị đến gần mắt.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Những nghiên cứu gần đây cho thấy các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của cận thị ở trẻ em – tiền sử gia đình, tuổi tác, v.v. Thêm vào đó, việc phòng ngừa bệnh vẫn đóng vai trò quan trọng, bảo đảm trẻ em vận động nhiều hơn, dành thời gian ngoài trời và kiểm soát thời gian đọc sách, dùng thiết bị điện tử,…
Sophos tung nghiên cứu cho thấy hầu hết chuyên gia an ninh mạng gặp căng thẳng, đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Sophos, công ty trong lĩnh vực đổi mới và cung cấp dịch vụ an ninh mạng, công bố kết quả báo cáo “Tương lai của an ninh mạng tại Châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản” lần thứ tư, được thực hiện với sự cộng tác của Tech Research Asia (TRA). Báo cáo cho thấy 90% chuyên gia CNTT và an ninh mạng tham gia khảo sát đều đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng và mệt mỏi.
Nghiên cứu chỉ ra rằng căng thẳng được thể hiện trên nhiều khía cạnh của hoạt động an ninh mạng. Trong số những người tham gia khảo sát, 30% bày tỏ rằng họ cảm nhận mức độ căng thẳng tăng “đáng kể” trong vòng 12 tháng qua và 41% cho biết tình trạng căng thẳng đã làm họ “ít cẩn thận” hơn trong công việc.
Đáng chú ý, 17% tin rằng căng thẳng và mệt mỏi đã góp phần vào các vi phạm về an ninh mạng. Ngoài ra, 17% công ty được khảo sát cũng báo cáo rằng thời gian phản hồi của họ đối với các sự cố an ninh mạng chậm hơn so với mức trung bình.
5 nguyên nhân gây ra căng thẳng và mệt mỏi trong lĩnh vực an ninh mạng:
Thiếu nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động an ninh mạng.
Những nhiệm vụ hàng ngày trong vai trò chuyên gia có thể gây ra cảm giác nhàm chán
Áp lực gia tăng từ ban giám đốc hoặc quản lý cấp cao
Cảnh báo liên tục từ các công cụ và hệ thống dẫn đến tình trạng quá tải
Các hoạt động đe dọa gia tăng cùng với việc triển khai các công nghệ mới đang tạo ra môi trường khó khăn hơn
Tác động của căng thẳng và mệt mỏi đối với các nhân viên an ninh mạng
Theo nghiên cứu, việc căng thẳng và mệt mỏi ở nhân viên an ninh mạng có thể gây ra những vấn đề sau:
41% cảm thấy họ không đủ siêng năng trong công việc.
34% cảm thấy trạng thái lo lắng tăng cao khi đối mặt với các vi phạm hoặc tấn công.
31% có cảm giác thiếu trách nhiệm đối với các hoạt động an ninh mạng.
30% cho biết họ muốn từ chức hoặc thay đổi nghề nghiệp (23% những người được khảo sát đã từ chức).
10% cảm thấy có lỗi vì không thể đóng góp nhiều hơn trong vai trò của họ để hỗ trợ các hoạt động an ninh mạng.
Aaron Bugal, Giám đốc Công nghệ (Chief Technology Officer) tại Sophos, nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay, khi các công ty đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt kỹ năng an ninh mạng và môi trường tấn công mạng ngày càng phức tạp, sự ổn định và hiệu suất của nhân viên là rất quan trọng nhằm cung cấp khả năng phòng thủ vững chắc cho doanh nghiệp. Sự căng thẳng và mệt mỏi đang ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh mạng, các công ty cần tăng cường hỗ trợ cho nhân viên, đặc biệt khi 17% số người được hỏi xác định rằng sự căng thẳng hoặc mệt mỏi đã góp phần vào các vi phạm an ninh mạng”.
“Báo cáo của Sophos và TRA cung cấp cái nhìn sâu sắc và kịp thời về tình hình căng thẳng an ninh mạng mạng tại các doanh nghiệp và chứng minh rằng thay đổi là điều cần thiết. Mặc dù không có giải pháp đơn giản nhưng việc điều chỉnh thái độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển một doanh nghiệp có khả năng phục hồi mạng. Ban giám đốc và các lãnh đạo doanh nghiệp cần thúc đẩy sự thay đổi và yêu cầu trách nhiệm cao từ những người được ủy quyền, nhằm quản lý tốt hơn các phương pháp tiếp cận mạng. Tuy nhiên, họ cũng cần thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong việc phát triển và duy trì kế hoạch, vì an ninh mạng là một cuộc chiến liên tục, cần có đội ngũ cung cấp sự phủ sóng xuyên suốt cả ngày lẫn đêm.”
Tác động của căng thẳng trong lĩnh vực an ninh mạng đến hoạt động kinh doanh
Căng thẳng trong lĩnh vực an ninh mạng có tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh qua 4 yếu tố chính:
Đóng góp trực tiếp vào các vi phạm: 17% số người được hỏi xác định sự căng thẳng hoặc mệt mỏi trong lĩnh vực an ninh mạng đã góp phần không nhỏ vào các vi phạm.
Thời gian phản hồi đối với các sự cố an ninh mạng chậm hơn: 17% công ty cho biết thời gian phản hồi của họ đối với các sự cố an ninh mạng chậm hơn mức trung bình.
Mất năng suất: các doanh nghiệp đang bị mất năng suất 4,1 giờ mỗi tuần đối với các chuyên gia CNTT và an ninh mạng, trong đó các công ty ở Philippines (4,6 giờ/tuần) và Singapore (4,2 giờ/tuần) bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi Ấn Độ và Nhật Bản (3,6 giờ/tuần) ít bị ảnh hưởng hơn.
Từ chức và thôi việc: căng thẳng và mệt mỏi được xem là nguyên nhân trực tiếp khiến 23% chuyên gia CNTT và an ninh mạng từ chức tại các công ty. Singapore chiếm tỷ lệ cao nhất với 38% số người từ chức, trong khi Ấn Độ đạt 31%. Các doanh nghiệp cũng báo cáo rằng khoảng 11% trong số họ đã “rời bỏ” vị trí nhân viên an ninh mạng hoặc CNTT do cá nhân bị ảnh hưởng bởi căng thẳng hoặc mệt mỏi. Theo đó, Malaysia có tỷ lệ 28% và Singapore 15%.
Sophos đã ủy thác Tech Research Asia (TRA) tiến hành nghiên cứu về tình hình an ninh mạng tại châu Á-Thái Bình Dương và Nhật Bản, với tổng số 919 phản hồi được thu thập từ Australia (204 công ty), Ấn Độ (202), Nhật Bản (204), Malaysia (104), Philippines (103) và Singapore (102).
Apple Watch tôi đeo mỗi ngày đang cung cấp những thông tin sức khoẻ rất đáng giá, nhưng tôi vừa phát hiện ra những tính năng cũng tuyệt vời không kém trên iPhone giúp theo dõi sức khoẻ bản thân lẫn cả gia đình.
Khi tôi và vợ cùng đọc được thông tin một cô gái ở Hà Nội tử vong trong căn hộ chung cư suốt gần hai năm trời nhưng không ai phát hiện ra, hai vợ chồng đã bàn về việc này khá lâu.
Việc một thi thể tồn tại giữa cộng đồng dân cư văn minh như vậy ở Việt Nam gần như chưa có tiền lệ. Song chúng tôi hiểu rằng những việc như vậy sẽ không còn bất thường khi xã hội ngày càng tôn trọng tự do cá nhân nhiều hơn. Người dân thành thị đã dần ý thức được mỗi cá nhân được quyền sống theo cách họ muốn, trong đó có quyền lựa chọn cuộc sống độc thân và hạn chế tiếp xúc với các mối quan hệ xã hội không cần thiết.
Sự việc trên gây ra nỗi đau khôn xiết cho gia đình nạn nhân và sự thắc mắc của một bộ phận xã hội, nhất là trong một đất nước nặng về cộng đồng như Việt Nam và châu Á nói chung. Tuy nhiên mặt tích cực của nó là con người ta, cả già lẫn trẻ, đang được nhiều quyền hơn trong việc lựa chọn đời sống cá nhân mà ít lo ngại đến phán xét của cộng đồng.
Hai vợ chồng tôi nằm trong số ủng hộ tôn trọng tự do cá nhân. Chúng tôi có những hoạt động rất riêng dù chúng tôi đã chọn về sống chung một nhà (mà có thời điểm chúng tôi còn không sống chung một nhà để mỗi người được thoải mái sống cuộc sống độc thân dù đã có gia đình). Dù vậy, chúng tôi chưa từng bao giờ mất kết nối.
Như tôi thi thoảng vẫn hay có những chuyến đi xa hay leo núi kéo dài 1-2 ngày để tránh xa phố xá ồn ào. Dù “ở trong rừng an toàn hơn ở trên mạng”, nhưng tôi vẫn trang bị đầy đủ những vật dụng cần thiết nhất cho chuyến đi mạo hiểm. Trong số đó, một điều không thể thiếu là báo cho gia đình biết chính xác thời gian, địa điểm tôi đi leo núi. Tôi sẽ nhắn cho vợ tôi ngày khởi hành, ngày dự kiến trở về, địa điểm tôi dự định leo núi, để trong trường hợp tệ nhất, gia đình tôi vẫn có thể tìm kiếm sự trợ giúp cho tôi từ bên ngoài.
Sau khi đọc được tin buồn của cô gái xấu số, chúng tôi quyết định nâng cấp mức độ sẻ chia giữa hai chúng tôi lên một mức độ cao hơn, tiến tới tạo sợi dây gắn kết các thành viên khác trong gia đình.
Đầu tiên, tôi và vợ đồng ý cùng nhau chia sẻ các dữ liệu sức khoẻ với nhau thông qua chiếc điện thoại thông minh, để cả hai người đều nắm được những thông tin chính yếu nhất về sức khoẻ của người kia theo thời gian thực.
Tôi đeo Apple Watch gần như 24/24 nên các thông số sức khoẻ từ đơn giản đến chuyên sâu nhất đều có sẵn. Do đó tôi quyết định chia sẻ một số chỉ số thiết yếu cho vợ của tôi. Tôi không chia sẻ toàn bộ dữ liệu vì vẫn muốn giữ lại chút riêng tư cá nhân, và việc chọn lọc thông tin để chia sẻ sẽ giúp vợ tôi không bị ngộp giữa rừng thông tin không liên quan lắm đến cô ấy. Một số thông tin tôi chọn để chia sẻ gồm có: cảnh báo nhịp tim bất thường, nhịp tim cao, nhịp tim thấp, độ ổn định của bước chân,… Ngược lại, bà xã tôi cũng chia sẻ những thông tin tương tự.
Để bắt đầu chia sẻ dữ liệu sức khoẻ cho vợ, tôi vào ứng dụng Sức khoẻ/Health trên iPhone, sau đó chọn vào tab Chia sẻ/Sharing, rồi chọn chia sẻ với vợ tôi (đã được lưu tên trong danh bạ). Tôi có thể xem lại những dữ liệu đã chia sẻ bằng cách chọn vào Preview.
Tất nhiên những thông tin sức khoẻ như thế này tôi có thể chia sẻ cho bất kỳ ai có liên quan, bao gồm bố mẹ hay bác sĩ.
90% trẻ em có nguy cơ cận thị, cách nào để con tôi lọt vào nhóm 10% còn lại?
Mới đây tôi đưa iPhone của tôi cho con gái để hai bố con lập danh sách những món cần mua trước khi cùng đi siêu thị. Khi bé sử dụng điện thoại được vài phút, tôi bất chợt bắt gặp ánh mắt như có lỗi của con gái khi bé cầm chiếc iPhone trên tay. Tôi lập tức hỏi xem chuyện gì xảy ra, hoá ra con bé hơi dí sát mặt vào màn hình, và chiếc điện thoại cảnh báo: “iPhone maybe too close”. Chỉ khi con tôi đưa điện thoại ra xa ở một khoảng cách thích hợp thì điện thoại mới trở lại trạng thái sử dụng được.
Đây là tính năng rất hay, đã cảnh báo tôi rất nhiều lần khi tôi đưa điện thoại quá gần mắt của mình.
Tính năng Screen Distance trên iPhone sẽ dùng cảm biến để phát hiện mắt của người dùng quá gần với điện thoại để phát ra cảnh báo. Việc giữ cho mắt ở khoảng cách an toàn với điện thoại giúp hạn chế tật khúc xạ này phát triển tệ hơn.
Không chỉ giúp mắt giữ khoảng cách với màn hình điện thoại, tôi xem cảnh báo Screen Distance như một lời nhắc nhở để giữ cho mắt khoẻ hơn. Chẳng hạn, mỗi khi nhận được cảnh báo, tôi có thể dừng sử dụng điện thoại một khoảng thời gian, nếu siêng sẽ đứng dậy vận động một chút hay làm một số động tác thể dục cho mắt (các bạn có thể tìm trên mạng) để mắt được nghỉ ngơi.
Từ sau khi phát hiện ra con gái tôi cũng đôi lúc vô tình sử dụng điện thoại quá gần với mắt, tôi và vợ quyết định đưa chiếc iPhone 13 cho con gái sử dụng ở nhà. Những khi cần học Duolingo hay chơi game, con gái tôi sẽ sử dụng iPhone đã bật sẵn tính năng cảnh báo giữ khoảng cách với màn hình. Khi bé đi học, iPhone sẽ để ở nhà, bé mang theo chiếc điện thoại chỉ có tính năng liên lạc với bố mẹ khi cần thiết.
Theo thống kê, số lượng người mắc tật khúc xạ ngày một gia tăng, nhất là sau đại dịch. Tại Việt Nam, số liệu năm 2022 cho thấy có khoảng 15-40% người bị tật cận thị, tương đương 14-36 triệu người. Đặc biệt, tới năm 2050, 90% trẻ em có nguy cơ mắc bệnh này. Những con số thống kê này có thể như lời cảnh tỉnh để chúng ta quan tâm đến sức khoẻ thị lực của con cái hơn, một trong những cách phổ biến là giữ khoảng cách tối ưu giữa mắt với màn hình hoặc khi đọc sách.
Chúng tôi tìm ra cách để theo dõi sức khoẻ bố mẹ từ xa
Sau một số điều chỉnh trong gia đình nhỏ của mình, tôi bắt đầu lên kế hoạch để theo dõi sức khoẻ cho bố mẹ hai bên. Chúng tôi sẽ tận dụng tính năng chia sẻ thông tin về sức khoẻ giữa điện thoại của ông bà với điện thoại của chúng tôi. Bên cạnh những chỉ số như tôi và vợ đã chia sẻ với nhau, chúng tôi sẽ cần thêm thông tin liên quan đến sức khoẻ vận động của ông bà.
Hoá ra có một số tính năng được “giấu” trong iPhone mà tôi chưa từng khám phá ra. Những con số này sẽ giúp người dùng nắm được sơ bộ tình trạng sức khoẻ vận động của họ. Và tôi có thể theo dõi các chỉ số này để biết xu hướng sức khoẻ của bố mẹ hai bên.
Trong mục Mobility, iPhone cung cấp khá nhiều chỉ số có ích. Trong đó có các chỉ số về hiệu suất đi bộ, gồm có tốc độ đi bộ, độ dài bước chân, thời gian hai chân chạm đất và đi bộ không đối xứng. Ngoài ra còn có các thông tin đánh giá về khoảng cách bước chân khi lên xuống cầu thang,… Các con số này có thể được dùng để đánh giá tình trạng sức khỏe của một người, theo dõi quá trình phục hồi sau khi bị chấn thương và phẫu thuật hoặc theo dõi sự thay đổi do tình trạng lão hóa.
Chẳng hạn phép đo về đi bộ không đối xứng cho phép theo dõi tình trạng chấn thương, sự thoái hoá thần kinh do lão hoá hoặc khi bị bệnh. Con số này thể hiện phần trăm thời gian mà một chân đi nhanh hơn hoặc chậm hơn chân kia. Người khoẻ mạnh thì hai chân bước đi đều nhau, mức độ chênh lệch giữa hai chân không đáng kể. Tuy nhiên nếu một chân bị chậm hơn chân còn lại, thể hiện qua chỉ số phần trăm cao lên, tức là cơ thể có các dấu hiệu cần được theo dõi. Có thể một chân bị đau nên chân còn lại được dùng nhiều hơn. Giả sử tình trạng đau chân được cải thiện, con số về phép đi bộ không đối xứng sẽ giảm dần.
Tương tự là các chỉ số về tốc độ đi bộ, chiều dài sải chân, thời gian hai chân chạm đất cũng liên quan đến sức khoẻ. Chẳng hạn một người khoẻ mạnh thì thời gian bước đi của họ chủ yếu trên một chân. Nếu hai chân cùng chạm đất trong một thời gian cao hơn mức trung bình chứng tỏ sức khoẻ cần được xem xét.
Các con số này đều được thống kê theo ngày, tuần, tháng. Người dùng có thể vào xem bất kỳ lúc nào. Có thể vào ứng dụng Sức khoẻ/Health để nhìn thấy các thông tin mặc định trên màn hình chính, hoặc bấm vào Browse để tìm kiếm. Khi muốn chỉ số nào hiển thị ra màn hình chính thì bấm vào nút có biểu tượng ngôi sao (favorite) kế bên tính năng đó.
Ứng dụng Health không chỉ có những tính năng nói trong bài này, mà còn báo cáo nhiều chỉ số khác liên quan đến sức khoẻ tinh thần và nhiều ứng dụng của bên thứ ba khác mà bạn có thể tìm hiểu. Tôi cũng sẽ sẵn lòng chia sẻ thêm trong một dịp khác.
Nhìn chung, sau khi tự động hoá quá trình theo dõi sức khoẻ các thành viên trong gia đình, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn hẳn. Hai vợ chồng có thể tiếp tục tận hưởng một chút đời sống độc thân trong hôn nhân và vẫn theo dõi được những yếu tố quan trọng liên quan đến những người thân yêu của chúng tôi.
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Có nên sử dụng chung thiết bị công nghệ với trẻ, dạy trẻ cảm ơn khi nhận quà.
Có nên sử dụng chung thiết bị công nghệ với trẻ?
Vì lo ngại những ảnh hưởng nhất định của thiết bị điện tử đến với trẻ, nhưng cũng không thể cấm trẻ tiếp xúc với công nghệ, vì một số hoạt động học tập giải trí, cần sự kết nối của điện thoại, máy tính và mạng xã hội, nên các bậc cha mẹ quyết định sử dụng điện thoại chung với con. Tuy nhiên điều này đã tạo nên cảm giác kiểm soát quá mức khiến cho trẻ bị áp lực, tạo nên một số ảnh hưởng không tốt. Vậy thì đâu là cách giải quyết hợp lý vấn đề này trong cuộc sống hàng ngày.
Chị Tạ Như Sương (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Bé nhà tôi học lớp 6, thường các hoạt động bài tập của bé làm trên điện thoại và thông qua mạng xã hội, nhưng tôi cũng không yên tâm để bé có điện thoại riêng, nên tôi vẫn cho bé sử dụng điện thoại chung với cha mẹ”.
Anh Hà Văn Duy (Quận 3, TP.HCM) cho biết: “Độ tuổi hiện tại của các con tiếp xúc với điện thoại là quá sớm, tôi lo lắng cho các con sao nhãng việc học, bởi vậy tôi cho các con sử dụng chung điện thoại với mình, để tôi có thể kiểm tra thời gian hiệu quả hơn”.
Nỗi lo của cha mẹ là đúng, khi con cái chưa có khả năng nhận diện những nguy hiểm trên không gian mạng, và việc con cái tạm thời dùng chung máy tính, điện thoại với ba mẹ cũng được khuyến khích ở trẻ dưới cấp 2. Tuy nhiên ở những độ tuổi lớn hơn, khi bắt đầu có những sở thích riêng, những mối quan hệ bạn bè riêng, cần không gian riêng tư và muốn tự do khám phá, nếu mà phải dùng chung các thiết bị công nghệ và chịu sự giám sát của cha mẹ có thể khiến trẻ có cảm giác bị kiểm soát quá mức, áp lực, có thể khiến trẻ có những phản ứng tiêu cực.
ThS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, chuyên gia Tâm lý cho biết: “Thường thì con trẻ khi bị kiểm soát từ phía bamẹ hoặc biết bamẹ đang dõi mình, thì con trẻ sẽ tìm cách giấu diếm, hoặc tìm cách ngăn chặn hành vi theo dõi của ba mẹ, thì bỗng nhiên ngay lập tức mối quan hệ giữa chamẹ và con cái trở nên xa cách và con trẻ cũng không muốn chia sẻ cảm xúc và sự quan tâm của mình đối với bamẹ nữa. Điều đầu tiên là mình phải hướng dẫn con trẻ hiểu được những nguy hiểm, cũng như những lợi ích của thế giới công nghệ và mạng xã hội mang lại, một khi con trẻ có đầy đủ sự nhận biết như vậy thì chúng ta dễ dàng tự tin cho con trẻ và chủ động được sử dụng những thiết bị”.
Và trong bối cảnh về tội phạm công nghệ gia tăng, thì một khía cạnh khác trong câu chuyện này cũng cần được quan tâm. Đó là làm sao đảm bảo an toàn khi sử dụng các thiết bị công nghệ. Bởi vì, thực tế vẫn có vấn đề rủi ro về an ninh mạng xảy ra, kể cả khi ba mẹ dùng chung hay dùng riêng thiết bị công nghệ với con trẻ.
Tiến sĩ Phạm Văn Khoa, Trưởng ngành máy tính viễn thông, Trường Đại học sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Khi trẻ em tương tác trên thiết bị di động của người lớn, thì sẽ vô tình cung cấp cho đối tượng xấu những thông tin nhạy cảm và quan trọng”.
Lòng biết ơn là một phẩm chất thái độ sống cao đẹp, việc hình thành và nuôi dưỡng lòng biết ơn cho trẻ là một cách để giúp trẻ thêm yêu và trân quý những điều trong cuộc sống quanh mình, đặc biệt là dạy trẻ lòng biết ơn và đáp lại bằng sự tôn trọng khi nhận quà, không chỉ là một phản ứng tự nhiên mà còn là một bài học quan trọng về đạo đức và thể hiện giá trị nhân văn.
Em Võ Cát Thùy Anh (TP.HCM), cho biết: “Khi mọi người tặng quà cho con thì con rất là thích và con sẽ nhận quà bằng hai tay và cảm ơn, con rất là trân trọng và quý món đồ đó”.
Chị Lâm Hoài Thu (TP.HCM), cho biết: “Khi trẻ nhận được món quà thì mình dạy cho con là phải nhận bằng hai tay và mình nhận với thái độ là trân trọng món đồ đó, vì khi người ta tặng cho mình món quà đó thì người ta cũng nghĩ đến mình và người nhận phải có lòng biết ơn với món quà đó”.
Tuy nhiên có một số trường hợp trẻ có thái độ chưa đúng khi nhận quà , chẳng hạn như tỏ vẻ không thích, chê bai, thậm chí là đòi hỏi và đặt yêu cầu về một món quà khác theo sở thích của mình.
Chị Phạm Hồng Đào (Long An), cho biết: “Nên giáo dục con trẻ biết ơn để sau này biết quý trọng món quà, các đồ dùng khác, của người khác tặng”.
ThS Võ Minh Thành, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Cha mẹ phải giáo dục trẻ hiểu được ý nghĩa của món quà không chỉ là về mặt vật chất, mà còn giá trị tinh thần, quan trọng là mình đón nhận tấm lòng, sự chia sẻ của bạn bè đối với mình. Lúc được nhận mình phải tỏ thái độ cảm ơn, thể hiện ra bằng cảm xúc, gương mặt, cử chỉ, điệu bộ trân trọng. Giáo dục trẻ biết ơn những người xung quanh, từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè, anh chị em trong gia đình”.
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,… Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.
Cụ thể, người Việt đang dành gần 50% thời gian sử dụng điện thoại cho những ứng dụng như Facebook, TikTok, Zalo.
Đây là kết quả khảo sát được báo cáo trong “Vietnam mobile app popularity 2024” (Mức độ phổ biến của ứng dụng di động Việt Nam 2024) mới đây của Q&Me (một trong những nhà cung cấp dịch vụ nghiên cứu trực tuyến lớn nhất). Trước đó, năm 2023, thời gian sử dụng các ứng dụng trên điện thoại di động của người Việt đã giảm xuống trung bình khoảng 4,1 giờ/ngày, giảm 2,4 giờ so với năm 2022. Tuy nhiên con số này đã tăng 1,4 giờ trong năm nay, lên 5,5 giờ/ngày.
FACEBOOK LÀ MẠNG XÃ HỘI CHIẾM NHIỀU THỜI GIAN SỬ DỤNG NHẤT TRONG NGÀY
Theo báo cáo này, mạng xã hội được người dùng dành nhiều thời gian nhất để sử dụng (47%), khoảng 2,6 giờ/ngày, tăng gấp đôi thời gian sử dụng so với năm ngoái (28%). Vì vậy, thời gian dành cho việc sử dụng các ứng dụng như nhắn tin/gọi điện, chơi game, chụp ảnh/chỉnh sửa,v.v của người Việt trung bình đều đã giảm khoảng 4,4% (giảm khoảng 15 phút sử dụng mỗi ngày).
Năm nền tảng mạng xã hội được người Việt dành nhiều thời gian sử dụng nhất lần lượt là: Facebook (33%), TikTok (18%), Zalo (15%), Messenger (7%), Youtube (6%). Theo đó, chỉ 5 nền tảng này đã chiếm đến 3/4 thời lượng sử dụng ứng dụng di động của người Việt. Tuy nhiên, khi xét trên tiêu chí tần suất mở ứng dụng trong một tuần, 98% những người được hỏi cho biết họ mở Zalo nhiều nhất vì đây cũng là ứng dụng được người Việt sử dụng để giao tiếp hàng ngày.
Trái với dự đoán của nhiều người, TikTok không phải là mạng xã hội được người Việt ưa chuộng nhất trong năm 2024. Tuy nhiên, theo nhận định của Q&Me, mức độ phổ biến của nền tảng này cũng ngày càng cao hơn vào năm 2024 do nhu cầu sử dụng tính năng mua sắm (TikTok shop) của người dùng ngày càng tăng.
CÁC ỨNG DỤNG TÀI CHÍNH THÂM NHẬP THÓI QUEN SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI CỦA NGƯỜI VIỆT
Thông qua khảo sát, Q&Me cho biết 88% số người được hỏi đang thường xuyên sử dụng thanh toán di động hoặc ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Điều này cho thấy mức độ thâm nhập của các ứng dụng tài chính ngày càng tăng trong cuộc sống của người Việt Nam trong những năm gần đây.
Trong đó, theo Q&Me, tương tự năm ngoái, Techcombank tiếp tục là ngân hàng được người Việt sử dụng nhiều nhất, xếp thứ hai là MB Bank. Bên cạnh đó, Momo cũng tiếp tục là ví điện tử được người Việt ưa chuộng khi giữ vị trí số 2 trong bảng xếp hạng ứng dụng tài chính.
Sau đại dịch, thị trường ứng dụng tài chính ngày càng sôi động cả ở phía người dùng và doanh nghiệp, cho thấy thị trường số hoá còn rất tiềm năng khai thác. Dự đoán các công ty fintech sẽ cạnh tranh ngày một gay gắt và điều này có thể đem lại nhiều hơn lợi ích và giá trị hơn cho người dùng.
Trong xếp hạng ứng dụng vận chuyển (bao gồm cả gọi xe và giao đồ ăn), Grab giữ vị trí đầu bảng với tỷ lệ sử dụng là 32% số, xếp ngay sau đó là tân binh Xanh SM với 12%. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của Xanh SM như thời điểm hiện tại, ứng dụng này được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ lập lại trật tự thị phần gọi xe công nghệ tại thị trường Việt Nam.
Về hạng mục phát video trực tuyến, YouTube hiện giữ vị trí số 1 với 78% người tham gia khảo sát sử dụng mỗi ngày với thời gian sử dụng trung bình khoảng 20 phút/ngày. Youtube đã vượt qua hàng loạt các đối thủ như Netflix, VieON, FPT Play,…
Ngoài ra, với hạng mục trò chơi, Liên Quân Mobile liên tiếp 3 năm dẫn đầu hạng mục game trong báo cáo về mức độ phổ biến các ứng dụng tại thị trường Việt Nam của Q&Me. Theo báo cáo này, Liên Quân Mobile chiếm 0,6% thời gian người Việt sử dụng các ứng dụng di động mỗi ngày.
Chia sẻ từ Yandex Games sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho các nhà phát triển ứng dụng Việt trong việc tăng tỷ lệ tương tác của người dùng và doanh thu từ việc kiếm tiền từ trò chơi.
Yandex Games – nhà phát hành game đến từ Nga với hơn 10.000 trò chơi thuộc nhiều thể loại khác nhau và hơn 11 triệu game thủ mỗi tháng, đã thành công trong việc gia tăng tương tác người dùng lên 10,5% và khuếch đại doanh thu chỉ trong 7 ngày.
Trước đó, Yandex Games đã gặp phải thách thức trong vấn đề tối ưu hóa người dùng, đặc biệt là trong việc xác định phân nhóm người dùng tạo ra nhiều lợi nhuận nhất. Do không có căn cứ về mặt dữ liệu, việc xác định nhóm người dùng rất mơ hồ và kém chính xác. Do vậy, dù Yandex Games đã đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực cho các chiến dịch thu hút và giữ chân người dùng nhưng hiệu quả vẫn thấp.
Để cởi bỏ nút thắt này, Yandex Games đã tận dụng cập nhật mô hình Dự đoán Giá trị vòng đời (LTV) và Dự đoán Tỷ lệ rời bỏ (Churn) của AppMetrica để dự đoán giá trị doanh thu tiềm năng người dùng tạo ra, và dự đoán những người dùng có khả năng bỏ ứng dụng cao nhất, từ đó, giúp họ xác định phân khúc người dùng tiềm năng để đưa ra quyết định tối ưu hóa một cách chiến lược.
Thông qua dữ liệu hành vi của người dùng sau cài đặt, dự đoán LTV trả kết quả chỉ trong vòng 24 giờ, đưa ra phân nhóm người dùng thành các nhóm người dùng có LTV từ cao tới thấp (top 5%, 20%, 50%) và dự đoán doanh thu ứng dụng có thể thu từ họ trong những tháng tiếp theo. Nguồn dữ liệu được mô hình sử dụng đều là dữ liệu ẩn danh. Điều này cho phép chủ sở hữu ứng dụng điều chỉnh chiến lược quảng cáo và kiếm tiền một cách hiệu quả thông qua việc nhắm vào đối tượng người dùng tiềm năng, tối đa hóa mức độ tương tác và tiềm năng doanh thu. Việc ứng dụng dự đoán LTV giúp tối ưu thời gian sử dụng ứng dụng của người dùng một cách vô cùng ấn tượng, lên tới 10,5%.
Mô hình dự đoán đã giúp Yandex Games bằng cách nào?
Mô hình dự đoán của AppMetrica sử dụng AI để phân tích dữ liệu người dùng dựa trên cơ sở dữ liệu của Yandex Direct, đảm bảo tính chính xác cao của dự đoán. Trong trường hợp của Yandex Games, mô hình dự đoán LTV đã đề xuất quyết định tối ưu nhắm vào nhóm 20% người dùng có LTV cao nhất.
Để chắc chắn hơn, Yandex Games vẫn thực hiện xác minh thực nghiệm thông qua thử nghiệm A/B. Yandex Games đã so sánh tính hiệu quả giữa đề xuất của LTV và phương pháp tối ưu hóa truyền thống mà Yandex Games hay sử dụng trước đó, đó là tập trung vào nhóm người dùng sử dụng ứng dụng ít nhất 10 phút.
Dữ liệu của Yandex Games cho thấy rằng phương pháp tối ưu hóa từ dự đoán của mô hình đã giúp đã thu hút thu hút tương tác của người dùng nhiều hơn, gia tăng doanh thu đáng kể chỉ sau 7 ngày mà không gây phát sinh thêm chi phí.
Bằng cách thấu hiểu người dùng từ dữ liệu về hoạt động của họ trong nhiều ứng dụng khác, mô hình có thể đưa ra dự đoán chính xác với tỷ lệ trên 99% và cho ra các đề xuất ngay sau ngày đầu tiên người dùng cài đặt ứng dụng.
Chính những điều này đã giúp Yandex Games có được những hiểu biết rõ ràng về người dùng với cơ sở vững chắc, để có thể đưa ra chiến lược tối ưu hóa một cách có mục tiêu và trọng tâm hơn, từ đó tiết kiệm thời gian và tài nguyên, thay vì lãng phí cho các chiến dịch mơ hồ, không rõ mục tiêu cụ thể. Nhờ đó, Yandex Games đã giải được hai bài toán khó: Vừa gia tăng trải nghiệm và sự gắn bó của người dùng với ứng dụng, lại vừa cải thiện được khả năng kiếm tiền từ ứng dụng một cách hiệu quả và bền vững.