Trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền kêu gọi người dân làm căn cước công dân gắn chíp và tài khoản định danh điện tử nằm trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Lợi dụng điều này không ít đối tượng xấu đã giả mạo lực lượng chức năng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Giả lực lượng chức năng yêu cầu kích hoạt tài khoản định danh
Mới đây công an thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã nhận được tin báo từ người dân địa phương, về việc có đối tượng lừa đảo kích hoạt tài khoản định danh. Qua điều tra xác minh, các cán bộ xác định các đối tượng sử dụng thủ đoạn gửi đường link lạ và yêu cầu nạn nhân truy cập vào để tải ứng dụng giả mạo có logo của cơ quan chức năng.
Sau khi cài đặt ứng dụng có chứa mã độc này sẽ thu thập thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng và dễ dàng thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân đến tài khoản của đối tượng. Tinh vi hơn, một số vụ việc khi nhìn thấy nạn nhân có dấu hiệu nghi ngờ, các đối tượng này còn sử dụng công nghệ Deepfake để giả dạng hình ảnh, giọng nói người thân bạn bè. Thực hiện các cuộc gọi video lừa đảo, các đối tượng còn sử dụng trang phục giả mạo của lực lượng chức năng được lập trình khung cảnh ngồi tại phòng làm việc có đầy đủ bản tên phù hiệu.
Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, đối với các hành vi giả danh lực lượng công an để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị xử lý về tội hình sự với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật. “Hiện nay mức xử phạt hình sự đối với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ đối diện với mức phạt tù nghiêm khắc và nặng nhất là chung thân. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng”, luật sư chia sẻ.
Người dân cần tìm hiểu về các quy định của pháp luật về các thủ tục liên quan đến định danh tài khoản điện tử để thực hiện đúng. Đồng thời bình tĩnh, chia sẻ tham khảo ý kiến đối với người thân để giải quyết sự việc. Ngoài ra, để tránh thành nạn nhân của những thủ đoạn này người dân cần giữ bí mật các thông tin nhạy cảm. Số CCCD, tài khoản ngân hàng mã xác thực OTP không nên cung cấp những thông tin này qua tin nhắn hay email, nếu không xác nhận được nguồn gốc đáng tin cậy. Nếu nhận được cuộc gọi hay tin nhắn tự xưng là công an, yêu cầu cung cấp thông tin hãy xác minh đúng nguồn gốc của người liên hệ. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào hãy liên hệ trực tiếp với cơ quan công an để xác minh thông tin.
Lừa tiền từ việc đào tạo MC nhí
Việc tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp cho con trẻ là điều nhiều bậc phụ huynh vô cùng quan tâm. Trong đó việc tham gia ứng tuyển người mẫu nhí hay đào tạo MC nhí trên mạng xã hội, được xem là một trong những cách để con có cơ hội được cọ xát với thực tế. Nắm bắt được nhu cầu của các bậc phụ huynh, nhiều nhóm đối tượng xấu đã lợi dụng và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản lên đến vài trăm triệu đồng từ các nạn nhân.
Theo đó, các đối tượng xấu đã dùng những mánh khóe để mạo danh, mời gọi các nạn nhân đăng ký lớp đào tạo MC nhí cho con. Sau đó dụ dỗ các nạn nhân mua máy ảnh, máy quay từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Với kịch bản tinh vi khiến nạn nhân tin tưởng, chuyển khoản với các gói đào tạo giá ưu đãi từ đó chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Luật sư Bùi Trọng Hiển – Giám đốc Công ty luật Bùi Trọng Hiển cho biết, các tổ chức do những nhóm đối tượng xấu thành lập thường không có trụ sở rõ ràng. “Khi thực hiện các hoạt động giao dịch với các trung tâm, phải có hợp đồng rõ ràng về điều kiện các quyền, nghĩa vụ các bên và số tiền cần thanh toán theo từng đợt, tổng giá trị của gói đào tạo là bao nhiêu. Trong trường hợp có tranh chấp hợp đồng còn có cơ sở pháp lý để tòa án có thể giải quyết tranh chấp đó đối với việc đào tạo và giảng dạy của trung tâm đó”, luật sư chia sẻ.
Không những đưa ra lời giới thiệu đơn thuần mà các đối tượng xấu còn lợi dụng, giả danh nhiều thương hiệu lớn có tên tuổi, để tăng độ tin cậy từ đó thực hiện hành vi lừa đảo một cách dễ dàng hơn. Chính vì thể, trước khi đăng ký khóa học nào cho con, phụ huynh cần xác minh kỹ, để tránh việc đưa bản thân và con trẻ trở thành nạn nhân của kẻ xấu. Cần tỉnh táo trước những lời mời chào trên mạng xã hội, khi gặp vụ việc có dấu hiệu lừa đảo người dân cần liên hệ trình báo cơ quan công an để được giải quyết.
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội…
Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.