FPT Shop điện máy được mở đồng loạt tại nhiều tỉnh thành phía nam, như một phép thử ở mảng tuy mới đối với FPT Shop nhưng không xa lạ trên thị trường.

Sáng ngày 03/8/2024, FPT Shop đã khai trương 10 cửa hàng điện máy tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, đánh dấu một bước tiến mới trong chiến lược phát triển lĩnh vực điện máy và gia dụng.

Khách tham quan tại FPT Shop điện máy ở Bình Dương.
Khách tham quan tại FPT Shop điện máy ở Bình Dương.

Sau hơn 7 tháng tham gia thị trường điện máy từ đầu năm 2024, FPT Shop đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc khai trương 10 cửa hàng điện máy nằm trong chiến lược mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Sự kiện khai trương “FPT Shop Điện máy, 10 điểm đến tin cậy” diễn ra từ ngày 01/8 – 11/8/2024, với các trung tâm điện máy mới tại TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Kiên Giang, Đắk Lắk, Hải Phòng, Cao Bằng.

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Retail, phát biểu tại lễ khai trương.

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Retail, cho biết sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của FPT Shop, đồng thời đặt kỳ vọng nâng số cửa hàng điện máy lên 50 cửa hàng trong năm 2024.

Trò chuyện với Techtrend.vn, ông Việt Anh cho hay doanh thu mảng điện máy hiện chiếm khoảng 10% tổng doanh thu tại FPT Shop. Ngoài ra, mảng điện máy còn khá tiềm năng vì các cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài đang nắm khoản doanh thu 70% tổng thị trường, do đó miếng bánh vẫn còn khá lớn đối với các chuỗi.

Ở mạng điện máy, khó khăn chung của các chuỗi lớn là khó xây dựng đội ngũ lắp đặt. Các mặt hàng gia dụng như máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh,… hầu hết đều cần thợ lắp đặt nhưng để xây dựng đội ngũ này không hề dễ dàng.

Các cửa hàng điện máy FPT Shop có diện tích hơn 200m²/cửa hàng, với danh mục sản phẩm điện máy, gia dụng đa dạng từ hơn 30 thương hiệu uy tín như Samsung, LG, Casper, Toshiba, Xiaomi, Daikin, TCL, Aqua, Sharp, Midea, Hisense. FPT Shop cũng hợp tác chiến lược với các thương hiệu này nhằm đảm bảo sản phẩm chính hãng và chất lượng.

Nhân dịp khai trương, FPT Shop triển khai nhiều chương trình khuyến mãi từ ngày 01/8/2024 – 11/8/2024, bao gồm giảm giá đến 50%, phiếu mua hàng trị giá 300.000 đồng, chương trình mua gia dụng đồng giá 10.000 đồng, 100.000 đồng, 1.000.000 đồng. Ngoài ra, 100 phần quà sẽ được tặng cho 100 đơn hàng gia dụng đầu tiên (có giá trị trên 500.000 đồng) tại mỗi cửa hàng.

Danh sách các cửa hàng FPT Shop điện máy khai trương

  1. 439A Phú Lợi, Bình Dương
  2. 229 Nguyễn Thị Tú, TP. HCM
  3. 246 Đỗ Xuân Hợp, TP. HCM
  4. 279 Giải Phóng, Phước An, Đắk Lắk
  5. 466 Lê Duẩn, Long Thành, Đồng Nai
  6. 953 Trần Hưng Đạo, Ninh Bình
  7. 938 Đông Thái, Vĩnh Bảo, Hải Phòng
  8. 1 Kim Đồng, Cao Bằng
  9. 183 Ấp Bắc, Tiền Giang
  10. 159 Trần Phú, Kiên Giang

Xem thêm: FPT Shop được bán sản phẩm Apple trên TikTok Shop

FPT mở văn phòng mới tại Tokyo, cũng là văn phòng chính của FPT Nhật Bản, cùng khu vực với các tập đoàn lớn của đất nước mặt trời mọc.

FPT chính thức khai trương văn phòng mới tại quận Mita, khu Minatoku, Tokyo – một trong những khu vực cao cấp và đắt giá nhất Tokyo, nơi có nhiều tập đoàn lớn như NEC Global và KCCS. Đây cũng là trụ sở mới của FPT tại Nhật Bản, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng quy mô của công ty để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp và dịch vụ kỹ thuật số.

Trụ sở mới của FPT tại Nhật Bản nằm trên tầng 33 của Mita Garden Tower, với diện tích 3.000m² và có sức chứa hơn 500 nhân viên. Văn phòng này được thiết kế hiện đại, nhằm tạo ra môi trường làm việc tốt và đáp ứng nhu cầu công việc đa dạng của đội ngũ nhân viên.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu đánh giá cao những đóng góp của FPT cho ngành công nghệ thông tin Nhật Bản và bày tỏ ấn tượng với sự lớn mạnh của FPT trong hai thập kỷ qua. Đại sứ cũng nhận định việc khai trương văn phòng mới là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của FPT tại thị trường Nhật Bản.

Bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT FPT Software, nhấn mạnh Nhật Bản là thị trường cốt lõi của FPT suốt hơn hai thập kỷ qua. Thành công tại Nhật Bản đã trở thành nền tảng giúp FPT tự tin chinh phục các thị trường khác như Mỹ, châu Âu và toàn cầu. Văn phòng mới tại Tokyo không chỉ gia tăng sự hiện diện và nâng cao năng lực sản xuất của FPT mà còn thể hiện cam kết mang đến những giải pháp đẳng cấp và giá trị cao nhất cho khách hàng.

Ông Đỗ Văn Khắc, Phó Tổng giám đốc FPT Software kiêm Giám đốc điều hành FPT Japan, chia sẻ rằng mục tiêu của FPT Nhật Bản là không ngừng nâng cao năng lực công nghệ và thắt chặt mối quan hệ với khách hàng. Để đạt được mục tiêu này, FPT xác định nhân lực là tài sản quan trọng nhất và văn phòng mới này là minh chứng cho cam kết của công ty trong việc kiến tạo môi trường làm việc lý tưởng cho nhân viên.

FPT Nhật Bản đặt mục tiêu 5.000 nhân sự

Với 20 năm hoạt động tại Nhật Bản, FPT là một trong những công ty công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản. Hiện FPT Nhật Bản có hơn 3.500 nhân viên tại 17 văn phòng và trung tâm phát triển tại Nhật Bản, cùng gần 15.000 chuyên gia toàn cầu cung cấp dịch vụ và giải pháp kỹ thuật số cho hơn 450 khách hàng. FPT Nhật Bản đặt mục tiêu phát triển đội ngũ nhân sự lên 5.000 người vào cuối năm 2025 và đạt doanh thu tỷ USD đầu tiên vào năm 2027.

FPT Nhật Bản cũng là thành viên của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) và mới đây đã cùng với các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại Nhật Bản thành lập Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam – Nhật Bản (VADX Japan). Hiệp hội này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự hợp tác và phát triển giữa hai quốc gia trong lĩnh vực công nghệ số, đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội.

FPT hiện diện tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, có hơn 1.000 khách hàng toàn cầu, trong đó có gần 100 khách hàng thuộc danh sách Fortune Global 500. Năm 2023, FPT đã vượt cột mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài và đang hướng tới mục tiêu đạt 5 tỷ USD vào năm 2030, nâng cao vị thế trong nhóm doanh nghiệp CNTT tỷ đô trên toàn cầu.

Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện về thúc đẩy chuyển đổi xanh tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các công ty thành viên hợp tác cùng phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Đây cũng là mô hình hợp tác chuyển đổi xanh tiên phong giữa các doanh nghiệp hàng đầu trong nước nhằm chung tay hành động vì một Việt Nam xanh cho hiện tại và tương lai.

Theo thỏa thuận hợp tác, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FPT và các công ty thành viên dự kiến sẽ cùng nhau phát triển những dự án mới tiềm năng, mang lại lợi ích và giá trị lớn cho xã hội theo hướng xanh và bền vững.

Cụ thể, Vingroup sẽ ủng hộ và xem xét ưu tiên các sản phẩm và dịch vụ công nghệ của FPT phù hợp với nhu cầu của tập đoàn và các công ty thành viên, đồng thời hỗ trợ FPT mở rộng tệp khách hàng tới cán bộ nhân viên của các công ty thành viên Vingroup. Hãng xe điện thông minh VinFast – thành viên của Vingroup – sẽ xem xét ưu tiên sử dụng dịch vụ công nghệ phần mềm ô tô và dịch vụ cung cấp thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin của FPT.

FPT cũng ủng hộ chiến lược và chương trình Chuyển đổi xanh của Vingroup, đặc biệt là VinFast. FPT sẽ phối hợp truyền thông, quảng bá về xe điện VinFast và các sản phẩm xanh khác của Vingroup tới cán bộ nhân viên FPT và các công ty thành viên; tổ chức các chương trình lái thử để ngày càng nhiều người hiểu về những ưu điểm của xe điện so với xe xăng, qua đó đóng góp thiết thực vào công cuộc chuyển đổi xanh.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, ông Nguyễn Việt Quang – Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết: “Chuyển đổi xanh là một chủ trương lớn mà Việt Nam đang theo đuổi nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26 về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn FPT ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh tại Việt Nam, qua đó chung tay cùng Chính phủ và người dân kiến tạo một tương lai xanh bền vững hơn. Thỏa thuận này cũng giúp hai bên khai thác được tối đa tiềm lực của nhau, hỗ trợ nhau phát triển mạnh mẽ hơn trên thị trường quốc tế, góp phần xây dựng thành công những thương hiệu Việt Nam đẳng cấp về công nghiệp – công nghệ cao”.

Ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ: “FPT và Vingroup có chung tầm nhìn về phát triển xanh bền vững và khát vọng vươn tầm thế giới. Hơn 35 năm qua, FPT không ngừng nâng cao năng lực quản trị để đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững tiên tiến nhất. Năm 2023, FPT là cổ phiếu công nghệ duy nhất được xếp trong danh mục 20 cổ phiếu thành phần chỉ số VNSI (Chỉ số phát triển bền vững) do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đánh giá. FPT cam kết tiên phong ở Việt Nam trong các hoạt động nhằm giảm tác động phát thải khí nhà kính đạt Net Zero vào năm 2040 và có ảnh hưởng tích cực tới môi trường sống, làm việc và học tập của hơn 1 triệu người lao động đến năm 2035. Chúng tôi tin tưởng rằng, thỏa thuận hợp tác toàn diện này sẽ góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, thực chất trong công cuộc Chuyển đổi xanh tại Việt Nam, đồng thời cũng giúp cho cả hai bên có thêm nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn”.

Năm 2023, Tập đoàn Vingroup đã thành lập Quỹ Vì Tương Lai Xanh nhằm triển khai các hoạt động vì môi trường, với nguồn lực được trích từ chính các hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường của các công ty thành viên.

Đặc biệt, VinFast – thương hiệu ô tô điện thông minh của Tập đoàn đã sản xuất và đưa ra thị trường 6 dòng ô tô điện, 8 dòng xe máy điện, 1 mẫu xe buýt điện, tiến tới là xe đạp điện, xe mini-SUV và bán tải điện…, đáp ứng đa dạng nhu cầu di chuyển xanh cho thị trường Việt Nam và quốc tế. Hiện VinFast đang mở rộng mạnh mẽ mạng lưới kinh doanh rộng khắp tại Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi. Ngoài nhà máy tại Hải Phòng, VinFast cũng đang xúc tiến mở các nhà máy tại Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.

Về phía FPT, Tập đoàn cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm hướng tới mục tiêu Chuyển đổi xanh và đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 15,8% tổng lượng khí thải khí nhà kính. Đặc biệt, FPT đang là doanh nghiệp tư vấn và cung cấp giải pháp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hàng đầu cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Trong mảng chuyển đổi xanh, FPT đã phát triển giải pháp toàn diện liên quan tới ESG như dịch vụ tư vấn lộ trình triển khai ESG, giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZéro giúp các doanh nghiệp tự động hoá, số hóa toàn bộ quy trình thu thập dữ liệu, tính toán, quản lý, tạo báo cáo khí thải và theo dõi tiến trình thực hiện cam kết, đảm bảo các quy chuẩn quốc tế…

FPT cũng đang tập trung phát triển mảng công nghệ ô tô với đội ngũ 4.000 chuyên gia và nhiều đối tác, khách hàng là các thương hiệu uy tín toàn cầu. Năm 2023, FPT đã thành lập công ty FPT Automotive có trụ sở tại Texas, Mỹ nhằm chinh phục thị trường phần mềm ô tô quy mô hàng trăm tỷ USD trên toàn cầu.

Với vai trò là những doanh nghiệp tiên phong xây dựng các thương hiệu quốc gia uy tín trong lĩnh vực công nghiệp – công nghệ cao trên toàn cầu, thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Vingroup và FPT không chỉ giúp mở ra cơ hội cho cả hai bên mà còn là hình mẫu hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu trong việc chung tay vì mục tiêu chung của đất nước.

Trước bối cảnh thị trường điện thoại, điện máy dần trở nên bão hòa và sức mua yếu do tác động của nền kinh tế, các doanh nghiệp trong ngành bước vào cuộc đua giá rẻ, dẫn đến kết quả kinh doanh của 2 ông lớn bán lẻ Thế Giới Di Động (MWG) và FPT Shop (FRT) sụt giảm nghiêm trọng. Còn doanh nghiệp bán buôn khác cũng không khả quan.

Theo dữ liệu từ VietstockFinance, 5 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, liên quan đến sản phẩm điện thoại, điện máy, đều giảm lãi trong năm 2023, đặc biệt với MWG và FRT có lợi nhuận thấp nhất từ khi niêm yết, FRT thậm chí chuyển lỗ. Digiworld, Petrosetco cũng có mức lãi thấp.

Xét riêng quý 4/2023, nhóm doanh nghiệp có mối quan hệ mẹ – con là PET và PSD đi ngược xu hướng, tuy tăng trưởng lãi ròng nhưng lại không đến từ hoạt động cốt lõi.

kinh doanh 2023
Lãi ròng các nghiệp kinh doanh điện thoại, điện máy trong quý 4/2023

“Ông lớn” bán lẻ và những kỷ lục buồn

Thế giới Di động (HOSE: MWG) kết thúc năm 2023 với hơn 118 ngàn tỷ đồng doanh thu. Đóng góp chính vẫn là doanh thu từ chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ, bao gồm Topzone) và Điện máy Xanh (ĐMX), lần lượt hơn 28 ngàn tỷ đồng và 55 ngàn tỷ đồng, giảm 18% và 20%. Theo MWG, hầu hết ngành hàng đều suy giảm, ngoại trừ máy lạnh.

Sau chuỗi ngày khó khăn, sự kiện “ông lớn” bán lẻ này đóng cửa gần 200 cửa hàng TGDĐ và ĐMX không hiệu quả trong quý 4 đã đến như một lẽ tất yếu.

Riêng Bách hóa Xanh (BHX) có doanh thu tăng 17%, đạt gần 32 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động tài chính lại mang đến khoản lãi gần 611 tỷ đồng, thay vì lỗ gần 70 tỷ đồng như cùng kỳ.

Với vô vàn khó khăn, MWG khép lại năm 2023 với lãi ròng giảm đến 96%, còn gần 168 tỷ đồng. Kể từ thời điểm niêm yết năm 2014, đây là mức lãi ròng thấp nhất của MWG.

Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT) ghi nhận 4 quý đều thua lỗ trong năm 2023, bất chấp doanh thu đạt cột mốc mới.

Kết quả kinh doanh của MWG những năm gần đây

Năm 2023, FPT Retail mang về gần 32 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 6% với động lực chính từ chuỗi FPT Long Châu tăng đến 66%, đóng góp 50% cơ cấu doanh thu, đồng thời tiếp tục mở rộng thêm 560 cửa hàng, nâng tổng số lên 1,497 nhà thuốc. Ngược lại, chuỗi FPT Shop đi lùi 22%, giảm 31 cửa hàng, trong đó một số nơi chuyển mặt bằng sang chuỗi Long Châu.

Sau khi trừ chi phí, FRT lỗ ròng 346 tỷ đồng, đánh dấu năm đầu tiên lỗ kể từ khi lên sàn.

Kết quả kinh doanh của FRT những năm gần đây

Doanh nghiệp bán buôn cũng khó thoát cảnh ảm đạm

Không chỉ doanh nghiệp bán lẻ gặp khó trước thị trường chung khắc nghiệt, các doanh nghiệp bán buôn cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Với Thế Giới Số (Digiworld, HOSE: DGW), năm 2023, doanh thu đạt gần 19 ngàn tỷ đồng, giảm 15%; lãi ròng hơn 354 tỷ đồng, lao dốc 48%.

2 hoạt động chủ đạo chiếm đến 74% doanh thu là kinh doanh điện thoại và laptop, máy tính bảng giảm lần lượt 25% và 16%. Các mảng còn lại gồm thiết bị văn phòng, thiết bị gia dụng và tiêu dùng dù tăng trưởng nhưng mức độ tác động lên kết quả chung không đáng kể.

Lãi ròng DGW giảm đến 48% trong năm 2023

Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng 31%, lên 944 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí quảng cáo, khuyến mãi, hỗ trợ khách hàng tăng mạnh.

Về phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, HOSE: PET), dù có lãi gần 23 tỷ đồng trong quý cuối năm, thay vì lỗ hơn 24 tỷ đồng như cùng kỳ, nhưng sau những khó khăn đã tích lũy trong 9 tháng đầu năm, PET vẫn không thể kết thúc năm 2023 với sự tăng trưởng.

Kết quả kinh doanh của PET sụt giảm trước áp lục từ nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm điện tử giảm

Quý 4/2023 cho thấy, PET hưởng lợi từ việc không còn lỗ đầu tư chứng khoán như kỳ trước, bên cạnh việc tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, trong khi hoạt động cốt lõi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với doanh thu và lãi gộp đều giảm. PET lý giải, do tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm điện tử sụt giảm.

PET gặp khó, Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (HNX: PSD) – công ty con do PET trực tiếp sở hữu 77% vốn – cũng phản ánh cục diện tương tự. Doanh thu quý 4/2023 giảm 18%, lãi gộp giảm 35%, các chi phí buộc phải tiết giảm để cứu lấy sự tăng trưởng của lợi nhuận ròng.

Tuy nhiên, kết quả cả năm của PSD vẫn đi lùi 45% lợi nhuận khi các quý trước đó chịu nhiều ảnh hưởng.

Kết quả kinh doanh của PSD mang nhiều nét tương đồng với PET

Vắng bóng doanh nghiệp “về đích”

Với kết quả không khả quan, cả 5 doanh nghiệp kinh doanh điện thoại, điện máy đều không hoàn thành kế hoạch năm 2023.

MWG hoàn thành 88% mục tiêu doanh thu nhưng chỉ đạt 4% lợi nhuận. Khoản lỗ khiến FRT ngậm ngùi chịu một năm dưới vạch đích lợi nhuận, dù doanh thu hoàn thành được 94%.

Nhóm bán buôn, DGW hiếm hoi tiệm cận với kế hoạch, hoàn thành lần lượt 95% doanh thu và 91% lợi nhuận. Nhưng phải lưu ý rằng, DGW đã đặt mục tiêu rất thận trọng với lợi nhuận chỉ bằng nửa kết quả năm trước.

PET chỉ cách vạch đích doanh thu khoảng 1%, nhưng lợi nhuận chỉ đi được hơn một nửa, do kế hoạch 2023 của PET tương đối tham vọng, cao hơn 40% kết quả năm trước. Còn với công ty con là PSD, kết thúc năm chỉ hoàn thành 66% doanh thu và 53% lợi nhuận.

Tình hình thực hiện kế hoạch của các doanh nghiệp kinh doanh điện thoại, điện máy năm 2023

Triển vọng nào cho năm 2024?

Sau một năm đầy trắc trở, các doanh nghiệp kinh doanh điện thoại, điện máy bước sang năm mới với mức nền cực thấp, đồng thời được kỳ vọng đạt kết quả khả quan hơn.

Theo quan điểm của SSI Research, trình bày trong báo cáo “Triển vọng Ngành Bán lẻ năm 2024”, doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ điện thoại, điện máy sẽ phục hồi 5% trên mức nền thấp của năm 2023; tuy nhiên tốc độ tăng sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2024.

SSI Research cũng đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô có thể còn nhiều khó khăn trong năm 2024, điển hình là lạm phát. Nhưng một số khó khăn sẽ giảm bớt so với năm 2023 như môi trường lãi suất thấp và triển vọng xuất khẩu tốt hơn, từ đó hỗ trợ phục hồi trong tiêu dùng không thiết yếu ở tốc độ chậm.

Biên lợi nhuận dự kiến sẽ tăng trong năm 2024, sau giai đoạn bị kéo tụt do hoạt động giảm hàng tồn kho bởi các nhà bán lẻ điện thoại, điện máy, sau đó dẫn đến cuộc chiến về giá.

Việc giảm hàng tồn kho các sản phẩm điện thoại, điện máy đã bắt đầu từ quý 4/2022 và diễn ra gay gắt nhất đối với sản phẩm iPhone 14. Do việc bàn giao iPhone 14 muộn (quý 1/2023 thay vì quý 4/2022 như dự kiến ban đầu), người tiêu dùng đã hủy đơn đặt hàng, các nhà bán lẻ phải giảm giá sâu để giải phóng hàng tồn trước khi Apple ra mắt mẫu sản phẩm mới, khiến cuộc chiến giá cả khốc liệt nhất xảy ra trong quý 2/2023. Theo đó, mức giảm giá iPhone 14 lên tới 25%. Trong khi , mức giảm giá iPhone 15 là từ 4 – 6% trong quý 3/2023. Như vậy, cuộc chiến giá cả đã hạ nhiệt trong quý 3/2023. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ điện thoại, điện máy có thể phải duy trì chiến lược giá cạnh tranh và biên lợi nhuận trong năm 2024 có thể không quay trở lại được mức như năm 2022.

Riêng với chuỗi BHX của MWG và Long Châu của FRT, dù không phải sản phẩm điện thoại, điện máy nhưng đang dần cho thấy những đóng góp quan trọng cho 2 “ông lớn” bán lẻ này. SSI Research dự đoán Long Châu sẽ duy trì tốc độ mở cửa mới tích cực, trong khi BHX sẽ đạt mức hòa vốn trong nửa đầu năm 2024, tạo điều kiện để mở mới từ nửa cuối năm 2024.

Xét về doanh thu, chuỗi BHX dự kiến tăng 20% so với cùng kỳ, hòa vốn trong nửa đầu năm 2024. Còn với Long Châu ước tăng 22%.

Theo Vietstock

Tập đoàn FPT (mã cổ phiếu FPT) vừa cho biết đã hoàn thành 94,4% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay chỉ sau 11 tháng. Trong đó, mảng dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài là “đầu tàu” tăng trưởng.

Công ty Cổ phần FPT (Tập đoàn FPT, mã cổ phiếu FPT – sàn HoSE) vừa cho biết tổng doanh thu và lãi trước thuế trong 11 tháng năm 2023 lần lượt ước đạt 47.201 tỷ đồng và 8.545 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,3% và 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tính riêng trong tháng 11/2023, tập đoàn công nghệ này đã ghi nhận doanh thu ước đạt hơn 4.700 đồng và lãi trước thuế gần 860 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh đề ra, Tập đoàn FPT hiện đã hoàn thành 90,3% mục tiêu doanh thu và 94,4% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023.

Tập đoàn FPT

Cơ cấu doanh thu và lãi trước thuế (tỷ đồng) trong 11 tháng năm 2023 của Tập đoàn FPT. (Nguồn: Tập đoàn FPT)

Xét về cơ cấu các lĩnh vực kinh doanh, khối Công nghệ (bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong và ngoài nước) đóng vai trò chủ lực, chiếm 59% tổng doanh thu và 46% tổng lãi trước thuế của Tập đoàn FPT.

Tính chung 11 tháng vừa qua, khối Công nghệ ghi nhận doanh thu 27.980 tỷ đồng và lãi trước thuế 3.956 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 21% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, mảng dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài ghi nhận doanh thu lên tới 22.075 tỷ đồng và lãi trước thuế 3.655 tỷ đồng, tăng khoảng 29% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Nhật Bản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 46% trong 11 tháng vừa qua.

Tập đoàn FPT

Tăng trưởng doanh thu và lãi trước thuế mảng dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài của Tập đoàn FPT trong 11 tháng năm 2023. (Nguồn: Tập đoàn FPT)

Đại diện Tập đoàn FPT cho biết, tính doanh thu theo đồng Yên Nhật thì thị trường Nhật Bản ghi nhận tăng trưởng lên tới 54% trong bối cảnh các doanh nghiệp tại đây đang có nhu cầu cao cho các dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt là chuyển đổi số.

Khối Dịch vụ Viễn thông của Tập đoàn FPT ghi nhận doanh thu 11 tháng năm 2023 đạt 14.379 tỷ đồng và lãi trước thuế 2.854 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với khối Giáo dục, đầu tư, và khác, ghi nhận doanh thu 11 tháng năm 2023 đạt 4.842 tỷ đồng và lãi trước thuế .735 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cổ phiếu FPT Tập đoàn FPT

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trong một diễn biến có liên quan, Tập đoàn FPT vừa thành lập công ty FPT Automotive có trụ sở tại tiểu bang Texas, Mỹ. FPT Automotive chuyên cung cấp dịch vụ và sản phẩm phần mềm cho ngành công nghiệp ô tô với mục tiêu doanh thu đạt 1 tỷ USD vào năm 2030.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2023, Tập đoàn FPT công bố việc mua lại 80% cổ phần của công ty tư vấn công nghệ AOSIS tại Pháp. Với sự gia nhập của AOSIS, Tập đoàn FPT sẽ mở rộng tập khách hàng và nâng cao năng lực trong các mảng SAP, Dữ liệu, Cloud và các giải pháp thông minh dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và vận tải. Đây là những động thái mới nhất cho thấy Tập đoàn FPT đang dồn sức mở rộng mảng dịch vụ công nghệ thông tin ra thị trường thế giới.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 15/12, thị giá cổ phiếu FPT đạt 96.200 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 47% so với hồi đầu năm nay.