Tuần này, Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây như: ‘Ma trận’ lừa quét mã QR,

Mất tiền oan từ ‘ma trận’ lừa quét mã QR

Hiện nay, nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng sự hiếu kỳ của người dân, đã tạo ra một chiêu thức lừa đảo mới hết sức tinh vi, khi người dân thực hiện theo hướng dẫn và quét mã QR, có thể khiến điện thoại bị xâm nhập, chiếm quyền điều khiển. Từ đó, các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Mới đây, tại TP.HCM xuất hiện các thẻ lạ màu vàng, có ghi số ở cả mặt trước và  mặt sau, ghi thông tin mệnh giá thẻ có thể thông qua bằng cách quét mã QR để nhận. Quét mã QR để liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng, sau đó cung cấp tài khoản mật khẩu của thẻ để nhận được số tiền tương ứng. Khi liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng, phải chụp lại ảnh số tiền trên thẻ và tài khoản mật khẩu để nhận được số tiền của thẻ trị giá 50.000 đồng. 

Chị D.H – Q.Bình Tân, TP.HCM cho biết: “Tôi từng thử quét mã QR, vô tình dẫn đến đường link giống tên của một ngân hàng, may tôi đã không làm theo sự hướng dẫn của đường link đó”. 

Hình thức lừa đảo theo chiêu thức quét QR xuất hiện khá nhiều, dưới những cách thức khác nhau. Việc quét QR để thanh toán ngày càng phổ biến tại Việt Nam, các đối tượng lừa đảo đã dùng cách dán đè mã QR lên các mã được chủ các cửa hàng kinh doanh dán sẵn hay còn gọi là đánh tráo mã QR. Khi khách đến mua hàng thanh toán, tưởng chuyển tiền cho chủ quán nhưng thực chất chuyển đến tài khoản của kẻ lừa đảo. Chủ quán và khách hàng không cẩn thận kiểm tra có thể dễ dàng sập bẫy. 

Theo ông Võ Đỗ Thắng (Giám đốc Trung tâm tư vấn và Đào tạo An ninh mạng ATHENA) cảnh báo: “Vì  sự tiện lợi của mã QR, kẻ lừa đảo lợi dụng công nghệ biến đổi những đường link thành những mã QR đặt ở nhiều nơi, thậm chí họ in ra thành những poster dán các nơi công cộng hoặc những địa điểm ngụy trang thành chương trình khuyến mãi, yêu cầu quét mã QR để lấy những thông tin ưu đãi, rất nhiều người bị sụp bẫy”.

Theo các chuyên gia, mã QR là hình thức mã hóa cho các thông tin khác như đường link, số tài khoản hay một dạng dữ liệu định dạng theo yêu cầu. Hành động quét QR không làm cho điện thoại lập tức nhiễm mã độc hay khiến người dùng bị mất tiền trong tài khoản. Tuy nhiên, nếu quét và truy cập đường link làm theo hướng dẫn, cài phần mềm lạ, điện thoại của người dùng có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển. Đây đều là phần mềm độc hại không được cấp phép. Vì vậy kẻ gian phải dùng chiêu này để lừa cài đặt, điều khiển thiết bị từ xa, theo dõi đánh cắp dữ liệu cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, do tâm lý chủ quan tò mò, hiếu kỳ cũng như muốn nhận quà tặng, tiền thưởng nên không ít người trở thành nạn nhân của các đối tượng này. 

Ông Võ Đỗ Thắng khuyên người dân: “Phải có ý thức về các giao dịch và đề cao cảnh giác. Nên giao dịch ở những nơi chính thống, không có những đường link độc, hoặc ở những cơ quan, công ty có địa chỉ, thông tin giao dịch rõ ràng. Đối với mã trôi nổi bên ngoài thì không nên quét vì rất là nguy hiểm”. 

Để tránh bị lừa đảo, người dân cần xác định kiểm tra kỹ càng thông tin tài khoản, người trao đổi mã QR. Kiểm tra kỹ nội dung trang website mà mã QR đưa tới, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và phải xác thực hai yếu tố, sử dụng các phương thức bảo vệ khác cho tài khoản đang sử dụng. Nếu lỡ click vào đường link lạ hoặc tải phần mềm lạ do mã QR đưa tới, người dùng cần ngay lập tức ngắt kết nối Internet, sau đó sao lưu dữ liệu của điện thoại bằng máy tính, cài đặt lại thiết bị về cài đặt gốc, cuối cùng cần thiết lập lại thông tin và đổi mật khẩu toàn bộ các tài khoản ngân hàng, mạng xã hội. Bên cạnh đó, người dân cần thông báo cho người thân, bạn bè biết để phòng ngừa khi thấy đối tượng treo, dán các thẻ lạ, cần báo cho lực lượng chức năng để điều tra xử lý. 

Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Xem thêm:

Lợi dụng dịch vụ giao hàng tận nhà đang là xu thế hiện nay, nhiều đối tượng xấu sử dụng chiêu trò gửi bưu phẩm kèm mã QR trúng thưởng cho nhiều người. Khi quét mã, người nhận sẽ bị mã độc tấn công hoặc bị dẫn dụ truy cập đường link trên mã QR và cung cấp thông tin cá nhân để làm thủ tục. Khi làm theo hướng dẫn, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển các thiết bị đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản.

 Thận trọng với mã QR trúng thưởng trên bưu phẩm

Trong chương trình Lời Cảnh Báo tuần qua đã giới thiệu một hình thức lừa đảo mới qua mã QR. Theo đó, các đối tượng xấu sẽ gửi bưu phẩm tới nhà người dân thông qua shipper, các đối tượng này sẽ đánh vào lòng tham của nạn nhân khi gửi món đồ giá trị thấp với danh nghĩa tri ân khách hàng, bên trong bưu phẩm kèm theo thông báo trúng thưởng chứa mã QR để đánh lừa nạn nhân làm theo yêu cầu.

Khi nhận được bưu phẩm lạ, tuy không biết người gửi là ai nhưng do đúng về các thông tin cá nhân nên sau khi đắn đo một lúc nạn nhân đã mở ra xem. Bên trong bưu phẩm có mã QR và các đối tượng này đã yêu cầu quét mã thì sẽ nhận được những phần quà lên đến hàng chục triệu đồng. Do không cảnh giác nên nạn nhân đã làm theo, nhập các thông tin và tài khoản mạng xã hội, chỉ trong tích tắc số tiền trong tài khoản, tài khoản cá nhân của nạn nhân đều bị mất hết.

lừa đảo qua mã QR

ThS. Lê Tấn Phước (Nguyên Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin, Trường CĐ Công nghệ Thông tin TP.HCM) cho biết mã QR code có thể làm được rất nhiều tác vụ. Ở các chương trình trúng thưởng thì các đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng QR code để mã hóa đường link trang web. Khi quét mã thì sẽ dẫn đến một trang web giả mạo để đánh cắp thông tin, tài khoản người dùng. Chúng ta cần phải cẩn thận kiểm tra link trước khi chính thức đăng nhập và khai báo các thông tin.  

Các hình thức lừa đảo luôn có sự thay đổi đan xen mới và cũ, thường xuyên xuất hiện nhiều chiêu trò tinh vi hơn. Việc cập nhật  các thông tin, kiến thức để nhận diện được các hình thức lừa đảo giúp mỗi người biết tự cách bảo vệ bản thân.

Thủ đoạn đầu tư vàng trên mạng để lừa đảo

Khi giá vàng liên tục tăng, đã có rất nhiều người dân nhận được những lời mời, lôi kéo tham gia các hội nhóm đầu tư vàng online với tỷ suất sinh lời cực cao. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cảnh báo đây đa phần là chiêu thức lừa đảo. Không ít trường hợp là nạn nhân khi tham gia các ứng dụng, các sàn đầu tư vàng online.

Các hội nhóm đầu tư online xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội và thu hút rất nhiều thành viên tham gia. Các bài viết được đăng tải với nội dung phân tích, đánh giá thị trường vàng cũng như đăng tải các lợi nhuận khủng mà họ mang về. Để nhà đầu tư yên tâm, những đối tượng này sẽ mời nạn nhân vào các nhóm chat chung, nhưng thực chất trong nhóm này có rất nhiều kẻ lừa đảo núp bóng nhà đầu tư và đưa ra những thông tin ảo nhằm thu hút các nhà đầu tư. Các đối tượng xấu còn sử dụng chiêu thức tung tin là vàng sẽ được rao bán rẻ hơn so với giá vàng niêm yết với các hình thức giao dịch như trả góp, mua chung hay trao đổi bằng loại vàng khác nhau. Và sau đó lập ra những tài khoản ảo, trên đó có các hoạt động tương tác, PR cho hình ảnh của họ.

Một nạn nhân chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu một nhóm đầu tư vàng và bấm bình luận thì có người liên hệ mời tôi tham gia và hướng dẫn mở app tài khoản cá nhân để đặt lệnh mua bán vàng và nói là sẽ được nhận lợi nhuận rất cao. Sau một thời gian tôi bỏ một số tiền khá lớn để đầu tư nhưng đến khi muốn rút tiền gốc ra thì không được”.

Thông thường các đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra ba cái bẫy để lừa người đầu tư như kêu gọi góp vốn mua vàng chung, kêu gọi mua vàng có giá thấp hơn so với giá thị trường và trao đổi các loại vàng.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền – Chuyên gia kinh tế nói hiện nay ở Việt Nam chưa cho phép loại hình này, tất cả đều phi chính thức và chưa có sự bảo vệ của pháp luật nếu chúng ta đầu tư vào thì rất rủi ro.

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Các hành vi lừa đảo này nếu giá trị chiếm đoạt tài sản dưới 2 triệu thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. Nếu số tiền chiếm đoạt của các bị hại hơn 2 triệu đồng hoặc đủ cơ sở khởi tố vụ án hình sự có thể bị khởi tố tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Việc đầu tư vàng trên không gian mạng tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Khi có nhu cầu chúng ta có thể hoàn toàn chọn một đơn vị cung cấp lớn để mua vàng đầu tư, thay vì đưa tiền cho một đối tượng không quen biết trên không gian mạng và nhờ họ đầu tư hộ, hoặc mua qua một sàn vàng ảo mà chúng ta không biết được sàn đó có được cấp phép hay chưa, do đó người dân hãy luôn cảnh giác.

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Nhờ tính tiện lợi, mã QR đang dần trở thành phương thức thanh toán chính của nhiều người dân từ các quán tạp hóa, cửa hàng dịch vụ đến nhà hàng, quán ăn đều dán mã QR thông tin tài khoản ngân hàng để tiện cho khách hàng thanh toán. Thế nhưng, sự tiện lợi này cũng đang phải đối mặt với rủi ro lừa đảo. Trong thời gian gần đây, nhiều cửa hàng dịch vụ đã bị tráo đổi mã QR để chiếm đoạt tiền.

Thường xuyên được khách hàng yêu cầu chuyển khoản thanh toán, chị TTN, chủ một cơ sở kinh doanh nước uống ở TP.HCM đã tìm hiểu và in mã QR tài khoản ngân hàng của mình để tiện cho việc thanh toán. Tuy nhiên, mã QR của chị đã bị kẻ gian tráo đổi. Khách hàng liên tục thanh toán bằng hình thức quét mã QR mà tiền chẳng thấy đâu. “Tôi không nhớ được mã QR cũ màu sắc như thế nào. Mã mới chỉ khác số tài khoản, còn tên của quán, cơ sở kinh doanh thì cũng y hệt như tên mình, làm tôi không thể phân biệt được”, chị T.T.N cho biết.

Cảnh giác lừa đảo tráo đổi mã QR

Tiến sĩ Phạm Văn Khoa – Trưởng ngành Máy tính – Viễn thông, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Bằng mắt thường chúng ta không thể nào phân biệt được đâu là mã QR thật và giả. Mã QR code có những dấu chấm đen, dấu chấm trắng, bằng mắt thường thì không thể nào phân biệt được”.

Một người phụ nữ là chủ cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội cho biết, kẻ gian đã thay thế mã QR dán bên ngoài cửa hàng bằng một mã QR khác mà bà không hay biết. Đã có nhiều người mua hàng chuyển từ 5 triệu, 1 triệu tới vài trăm nghìn đồng, nhưng đều vào tài khoản khác.

Như một cửa hàng dịch vụ sửa chữa, chăm sóc xe ô tô ở phường Khánh Hòa Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cũng bị thay thế mã QR thanh toán tương tự. Anh T.N.N.K chia sẻ: “Có một điều kỳ lạ là rất nhiều khách hàng chuyển khoản, nhưng không nhận được thông báo. Khi kiểm tra thì mã QR cũng bị thay đổi”.

Luật sư Phan Hòa Nhựt – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Người có hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, trong trường hợp nặng hơn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội chiếm giữ tài sản trái phép của người khác. Chiếm giữ số tiền từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc là các tài sản đặc trưng khác, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ từ 6 tháng đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Đối với việc chiếm giữ tài sản trên 200 triệu đồng mà không trả lại, có thể bị phạt tù lên đến 5 năm”.

Thanh toán bằng mã QR là một trong những phương pháp thanh toán hiện đại được rất nhiều người ưa chuộng vì mang lại tính tiện lợi cao. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, rất dễ bị các đối tượng xấu dùng thủ đoạn để lừa đảo.

Tiến sĩ Phạm Văn Khoa – Trưởng ngành Máy tính – Viễn thông, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đưa ra lời khuyên: “Đối với khách hàng, khi thanh toán chỉ nên quét mã QR chắc chắn rằng mã đó được nhân viên bán hàng cung cấp. Hạn chế ở mức độ không quét mã QR được công khai ở những nơi công cộng. Nếu quét ở nơi công cộng, phải xác nhận với nhân viên bán hàng. Khi quét mã QR thành công, nhân viên bán hàng phải xác nhận đơn vị đó chính là nơi nhận tiền. Nếu họ xác nhận đúng, thì có thể thanh toán, còn không, thì giao dịch đó chưa hoàn tất. Đồng thời với góc độ nhân viên bán hàng, trong trường hợp công khai mã thanh toán ở nơi công cộng, phải luôn kiểm tra mã đó là của đơn vị mìnhđể tránh những trường hợp đáng tiếc cho thể xảy ra”.

Hiện nay, dù mã QR đã trở thành công cụ thanh khoản nhiều người dân ưa chuộng, nhưng không nên lơ là trong các giao dịch chuyển khoản thanh toán. Ngoài việc lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua thay đổi thông tin, các đối tượng xấu còn đánh cắp thông tin cá nhân thông qua các loại mã công nghệ cao.

Clip Cảnh giác lừa đảo tráo đổi mã QR

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Mã QR của MoMo hiện nay có thể nhận tiền từ nhiều ứng dụng ngân hàng và các ứng dụng ví điện tử hơn trước.

Mã nhận tiền cải tiến mới, được MoMo gọi là QR nhận tiền đa năng, có thể nhận tiền từ đa nguồn, bao gồm từ MoMo, các ứng dụng ngân hàng và các ví điện tử khác.

Một ưu điểm nữa của mã QR nhận tiền đa năng là người nhận tiền có thể thêm thông tin số tiền vào mã QR để sử dụng cho các mục đích như nhận tiền lì xì năm mới theo con số yêu thích, nhận tiền đóng quỹ trong nhóm bạn bè, nhận tiền trả hóa đơn ăn uống,…

Các thông tin của người nhận sẽ được bảo mật, mã QR chỉ hiển thị 3 số cuối trong số điện thoại của người nhận, vừa đủ phục vụ cho mục đích đối chiếu thông tin chuyển tiền.

Để thêm tính tiện lợi, tại biểu tượng ‘Nhận tiền’ ở màn hình chính của MoMo, người dùng có thể lấy mã QR Nhận tiền hoặc tải xuống, lưu về điện thoại, in ra khi cần.

Ngoài ra, nếu có nhu cầu sử dụng thường xuyên, người dùng có thể cài đặt trên màn hình chính của điện thoại (widget) mã QR này để sử dụng khi cần mà không cần truy cập vào MoMo.

Với các giao dịch trực tuyến, người dùng cũng có thể gửi mã trực tiếp từ ứng dụng MoMo đến các ứng dụng nhắn tin cho người gửi. Khi nhận được mã qua ứng dụng nhắn tin, người gửi bấm chuyển tiền trực tiếp mà không phải tải mã về thiết bị.

Trong tháng 1/2024, MoMo cho biết sẽ ra mắt tính năng chia sẻ link nhận tiền, để việc chia sẻ mã QR và chuyển/nhận tiền thuận tiện hơn.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập MoMo, nhận định việc cải tiến mã QR nhận tiền giúp lược bỏ các thao tác như gửi số điện thoại, số tài khoản, lược bỏ việc phải loay hoay chọn ứng dụng phù hợp với thói quen chuyển khoản của người gửi. Ngoài ra, mã QR này có thể được dùng như một phương thức mừng tuổi, lì xì cho nhau một cách văn minh, tiện lợi, góp phần giảm tải nhu cầu rút tiền mặt tại ATM dịp Tết.

Trong vài năm gần đây hình thức thanh toán qua mã QR dần trở nên phổ biến, cũng vì sự tiện ích và sự phổ biến ngày càng rộng rãi mà các nhóm tội phạm mạng đã lợi dụng tạo ra mã QR độc hại để lừa lấy thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của người tiêu dùng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Thạc sĩ Phạm Văn Khoa – Trưởng ngành Máy tính – Viễn thông, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết hiện nay các đối tượng lừa đảo khi có được những thông tin cơ bản của đối tượng họ nhắm đến, chúng mồi chào nạn nhân bằng cách hình thức rút thẻ tín dụng bằng tiền mặt hoặc nâng hạn mức thẻ tín dụng, cũng như yêu cầu cung cấp thông tin cho ngân hàng để hoàn thành các thao tác chuyển đổi giúp các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi.

Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải (Trường Đại học Luật TP.HCM) chia sẻ, đối với các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào các trường hợp cụ thể có thể bị phạt hành chính lên đến 5 triệu đồng. Ngoài ra các hành vi mạo danh người khác chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng thuộc trường hợp pháp luật quy định có thể bị xử lý về tội chiếm đoạt tài sản. Và theo đó mức xử phạt trách nhiệm hình sự thấp nhất của tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, nặng hơn có thể phạt tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 5 trăm triệu đồng trở lên.

Để phòng tránh việc lừa đảo qua mạng, người dùng cần cẩn trọng khi tiếp nhận và xử lý thông tin ngay cả khi đã bị lừa. Cảnh giác với các yêu cầu quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ, các ngân hàng tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ, 3 số bảo mật mặt sau thẻ hoặc bất kỳ thông tin bảo mật cá nhân nào khác của khách hàng qua mạng xã hội hoặc số điện thoại không định danh.

Xem full chương trình tại đây

Cảnh giác thủ đoạn dùng thuốc hướng thần để thôi miên, cướp tài sản

Vừa qua công an thành phố Vũng Tàu đã tiếp nhận về tin báo 4 vụ cướp tài sản trên địa bàn. Các nạn nhân cho biết thời điểm diễn ra vụ việc bản thân rơi vào tình trạng mất kiểm soát không thể tự chủ. Nhìn thấy các vụ án xảy ra có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nghi vấn tội phạm sử dụng thuốc có chất kích thích gây ảnh hưởng tính mạng sức khỏe nạn nhân, công an thành phố Vũng Tàu đã vào cuộc điều tra bắt giữ nhóm đối tượng gây ra các vụ việc trên.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thư Thanh Trâm (Bộ môn Thần kinh – Tâm thần, Khoa Y, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cho biết, các loại thuốc hướng thần có tác dụng thôi miên thuộc nhóm có tác dụng ức chế hệ thần kinh hoặc gây ảo giác. Sau khi tiếp xúc trong khoảng thời gian 2 đến 3 phút, người bị hại rơi vào trạng thái lú lẫn, suy giảm ý thức, từ đó làm tiền đề để các đối tượng xấu thực hiện hành vi phạm tội.

Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải (Trường Đại học Luật TP.HCM) cho biết, với cách thức gây án này, người phạm tội đưa nạn nhân rơi vào tình trạng không còn khả năng quản lý tài sản, và các đối tượng sẽ phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản và mức xử phạt có thể lên đến án tù chung thân.

Để cảnh giác, chủ động bảo vệ an toàn cho bản thân và người thân trong gia đình, chúng ta cần cảnh giác với những người lạ mặt, không nói chuyện hoặc đứng ngồi quá gần; thông báo cho người thân hoặc bạn bè khi chúng ta có kế hoạch đi ra ngoài hay tham gia bất kì hoạt động nào.

Xem full chương trình tại đây

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.