Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội để định hướng nghề nghiệp đang đặt ra nhiều thách thức và tranh luận.

Mạng xã hội giúp các bạn trẻ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn

Mạng xã hội mang đến nguồn thông tin khổng lồ, đa dạng về các ngành nghề, cơ hội việc làm và xu hướng thị trường. Điều này giúp các bạn trẻ tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng và có cái nhìn tổng quan về các lựa chọn nghề nghiệp.

Trong chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống tuần qua có nói về vấn đề này. Trong đó, em Hoàng Thùy Linh (TP.HCM) chia sẻ: “Em tìm hiểu trên mạng xã hội và thấy ngành này đang rất cần nhân lực, có nhiều cơ hội phát triển trong thời đại 4.0 nên em quyết định theo đuổi.”

chọn nghề nghiệp trên mạng xã hội

ThS Nguyễn Tiến Lập (Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Hoa Sen) nhận định: “Mạng xã hội cung cấp thông tin đa dạng, kịp thời từ nhiều chuyên gia, lĩnh vực khác nhau.”

Cần tỉnh táo, tìm hiểu thông tin trước khi quyết định nghề nghiệp

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thông tin trên mạng có thể không được kiểm chứng, thiếu chính xác hoặc mang tính chủ quan. Điều này có thể dẫn đến việc định hướng sai lệch, lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp với năng lực và sở thích cá nhân.

ThS Nguyễn Tiến Lập cảnh báo: “Khuyết điểm của thông tin mạng là chưa được kiểm chứng, có nhiều thông tin không chính xác, nó làm cho định hướng của giới trẻ bị sai lệch hơn”.

Anh Nguyễn Quang Huy (Phó Tổng Giám đốc Hệ sinh thái Khởi nghiệp Thực tế Dgroup Holdings) nhấn mạnh: “Các bạn trẻ nên trang bị tính đa chiều. Thông tin trên mạng chỉ là quan điểm riêng, chưa chắc đúng với tất cả mọi người.”

Lời khuyên cho các bạn trẻ

Việc lựa chọn nghề nghiệp là một quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai của mỗi người. Do đó, các bạn trẻ cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ lưỡng và tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nhau trước khi đưa ra quyết định.

  • Đa dạng hóa nguồn thông tin: Không nên chỉ dựa vào mạng xã hội, mà cần tìm hiểu thêm từ sách báo, chuyên gia, người thân và bạn bè.
  • Kiểm chứng thông tin: Cần xem xét tính xác thực, độ tin cậy của thông tin trên mạng xã hội.
  • Tự đánh giá bản thân: Hiểu rõ năng lực, sở thích và giá trị của bản thân để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
  • Tham gia các hoạt động trải nghiệm: Tham gia các buổi hướng nghiệp, thực tập, tình nguyện để có cái nhìn thực tế về các ngành nghề.

Mạng xã hội là một công cụ hữu ích, nhưng cần sử dụng một cách thông minh và có trách nhiệm. Hãy biến mạng xã hội thành người bạn đồng hành, thay vì để nó chi phối cuộc đời bạn.

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.

Trong thời gian gần đây, nhiều người dân truyền tai nhau mua thuốc trên mạng, hay các phương pháp chữa bệnh không cần dùng thuốc, thậm chí từ bỏ điều trị y khoa để áp dụng các bài thuốc dân gian.

Lạm dụng bài thuốc dân gian: Hiểm họa khôn lường

Một công thức đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội với cam kết có thể chữa suy thận mà không cần chạy thận hay dùng thuốc lâu dài. Chỉ gồm nước chanh, nước mía, sả, gừng và muối biển, công thức này thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, chia sẻ. Đáng lo ngại, không ít bệnh nhân đã từ bỏ phác đồ điều trị chính thống để đặt hy vọng vào phương pháp chưa được kiểm chứng này.

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, việc tin vào những phương pháp dân gian thiếu cơ sở khoa học có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Trương Minh Thế (Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cảnh báo: “Loại nước này có thể cung cấp một số chất cho cơ thể, nhưng đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, việc sử dụng mà không có sự giám sát của bác sĩ là vô cùng nguy hiểm. Người bệnh có nguy cơ rối loạn điện giải, tăng kali máu, thậm chí suy tim hoặc tử vong”.

Mua thuốc trên mạng: Mất tiền, rước họa

Bên cạnh xu hướng tin vào các phương pháp dân gian, tình trạng mua thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội cũng đang diễn ra phổ biến. Không cần kê đơn, không cần gặp dược sĩ hay bác sĩ, nhiều người sẵn sàng mua thuốc chỉ dựa trên những quảng cáo hấp dẫn.

mua thuốc trên mạng

Chị T.T.K (Bình Dương) là một trong những nạn nhân của chiêu trò này. Khi thấy quảng cáo thuốc trị mất ngủ trên mạng, chị đặt mua với hy vọng cải thiện tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, khi nhận hàng, chị phát hiện đó chỉ là thuốc cảm cúm thông thường. Khi liên hệ với người bán, chị không nhận được bất kỳ phản hồi nào.

Theo Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Trương Minh Thế, trên mạng xã hội, nhiều loại thuốc được rao bán như thuốc trị đau nhức xương khớp, huyết áp, tiểu đường, tim mạch. Đây đều là những bệnh lý cần điều trị lâu dài với thuốc đạt tiêu chuẩn y tế. “Nhiều loại thuốc giả có thể chứa thành phần nguy hiểm, thậm chí một số thuốc trị đau nhức còn bị trộn corticoid để tạo cảm giác giảm đau nhanh. Nếu dùng kéo dài, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ nghiêm trọng như suy tuyến thượng thận, loét dạ dày, loãng xương, giữ nước, tăng cân, tăng huyết áp, tiểu đường”, bác sĩ Thế nhấn mạnh.

Lời khuyên từ chuyên gia

Trước tình trạng trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân:

  • Chỉ mua thuốc tại các cơ sở được cấp phép, có nguồn gốc rõ ràng.
  • Tuyệt đối không tự ý mua thuốc trên mạng xã hội khi chưa có sự kiểm chứng.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
  • Không từ bỏ phác đồ điều trị chính thống để theo đuổi các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng.

Người bệnh cần cảnh giác trước những lời quảng cáo hấp dẫn trên mạng, tránh rơi vào bẫy “tiền mất, tật mang”, đồng thời bảo vệ sức khỏe bằng cách lựa chọn những phương pháp điều trị an toàn và có cơ sở khoa học.

Thông tin chi tiết xem trong chương trình Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Với chiêu trò ngày càng tinh vi, tội phạm công nghệ cao đang khai thác sơ hở trên không gian mạng để thực hiện các chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dùng. Một trong những phương thức đó là gắn thẻ, tag tài khoản cá nhân, mạng xã hội vào các bài đăng với nội dung giật gân thu hút sự tò mò của người dùng, từ đó nhiều người bị chiếm đoạt tài sản.

Trong chương trình Lời Cảnh Báo vừa qua, chị NAT chia sẻ: Tài khoản của chị và một người khác được gắn thẻ trên một bài đăng của một ca sĩ nổi tiếng, xem đầy đủ bài viết chỉ cần nhấp link trong phần bình luận. Tuy nhiên, ngay sau khi nhấn vào link, điện thoại chị hiện lên giao diện giống của Facebook, sau khi nhập tài khoản vào và ấn đăng nhập người dùng phát hiện tài khoản mình đã mất quyền truy cập. Đến khi bạn bè gọi điện báo mới cho chị vay 20 triệu đồng thì mới tá hỏa.

Ngoài chị NAT, anh ĐNA ngụ tại TP.HCM cũng trở thành nạn nhân của chiêu thức lừa đảo này: “Hôm đó, tôi thấy thông báo tài khoản của tôi được gắn thẻ vào bài viết với nội dung thông báo có người mất kèm theo một đường link, vì tò mò nên tôi ấn vào xem và không hiện thông tin gì ngoài giao diện Facebook bắt xác minh tài khoản, ngay sau đó tôi không thể đăng nhập vào tài khoản của mình và tôi biết tôi đã bị đánh cắp. Kẻ gian đã sử dụng tài khoản để vay tiền và xin nạp điện thoại. Ngay lập tức tôi đã điện cho người thân bạn bè thông báo tài khoản đã bị chiếm đoạt”.

Gắn thẻ người dùng để lừa đảo có thể bị xử phạt hình sự

Thạc sĩ Phạm Đình Thắng (Trưởng bộ môn An ninh mạng, Trường ĐH Tin học Ngoại ngữ TP.HCM) cho biết: “Thông thường họ sẽ đánh vào tâm lý người dùng, đưa ra câu chuyện cảm động khơi dậy lòng trắc ẩnthứ hai đánh vào sự hiếu kì cái mới, cái hay hoặc lợi ích quà, trúng thưởng. Sau đó, yêu cầu người dùng thao tác một việc gì đó như nhấn link,.. thì chiêu trò mới thành công”.

Hành vi này thực chất là biến tướng của chiêu trò phát tán tin nhắn, mục đích dẫn dụ người nhẹ dạ cả tin bấm vào đường link chứa mã độc, khiến người dùng mất quyền kiểm soát điện thoại di động và đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Phạm Văn Hiệp giải thích rằng việc gắn thẻ người khác trên mạng xã hội không vi phạm pháp luật nếu chỉ đơn thuần là hành động thông thường. Tuy nhiên, nếu hành vi này nhằm phát tán nội dung lừa đảo, thì sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo nhiều mức độ khác nhau:

  • Xử lý hành chính: Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 35 đến 50 triệu đồng. Nếu là tổ chức thực hiện hành vi, mức phạt sẽ tăng lên từ 70 đến 100 triệu đồng.
  • Xử lý hình sự:
    • Hành vi phát tán thông tin lừa đảo trên mạng có thể phạm vào tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng viễn thông (theo Điều 288 Bộ luật Hình sự). Hình phạt tối đa là phạt tiền 1 tỷ đồng, cải tạo không giam giữ tối đa 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
    • Nếu hành vi này nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua mạng máy tính, mạng viễn thông (theo Điều 290 Bộ luật Hình sự), người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, tùy theo mức độ nghiêm trọng.

Như vậy, tùy thuộc vào mục đích và cách thức thực hiện, hành vi gắn thẻ lừa đảo có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

Nếu không cảnh giác với chiêu lừa này, tài khoản bị chiếm đoạt có thể liên kết với các website, fanpage được sử dụng để kinh doanh, thương mại. Các đối tượng cũng có thể bịa chuyện bôi nhọ, hạ thấp nhân phẩm hoặc sử dụng thông tin cá nhân để tống tiền, chiếm đoạt tài sản. 

Thạc sĩ Phạm Đình Thắng chia sẻ: “Chúng ta có thể phòng tránh bằng cách dùng chức năng mạng xã hội cung cấp ví dụ như chặn gắn thẻ trên Facebook, chúng ta phải có một tâm thế cảnh giác khi cảnh giác thì mới đề phòng được các hành động tiếp theo”.

Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dùng nên hạn chế bấm vào các link không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các link yêu cầu đăng nhập mật khẩu. Cần thực hiện các biện pháp xác thực mạnh như xác thực 2 yếu tố hoặc bằng cả số điện thoại và địa chỉ email. Người dùng nên tải ứng dụng từ các nguồn chính thống tránh bị trục lợi cá nhân. Nếu không may rơi vào trường hợp trên phải nhanh chóng thông báo cho những người xung quanh để đề phòng.

Việc tăng lượt thích, theo dõi hay tương tác trên mạng xã hội đã trở thành một xu hướng phổ biến trong những năm gần đây.

Không ít người, đặc biệt là những cá nhân kinh doanh online, sẵn sàng chi số tiền lớn để “chạy tương tác” nhằm tăng độ uy tín và tạo dấu ấn cá nhân trên mạng xã hội. Tuy nhiên, hành động này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bảo mật, trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ xấu trục lợi và lừa đảo, để lại nhiều hệ lụy cho người sử dụng.

Mất tiền vì muốn tăng tương tác

Trong chương trình Lời Cảnh Báo mới đây, chị N.T, một người kinh doanh online tại TP.HCM, đã chia sẻ câu chuyện của mình. Vì mong muốn trang Facebook cá nhân có lượt tương tác cao để hỗ trợ công việc, chị đã tìm đến một dịch vụ quảng cáo chạy tương tác với giá rẻ.

Tuy nhiên, kết quả nhận được chỉ là sự thất vọng. “Họ bảo có kinh nghiệm trên 10 năm, cam kết tăng 1 triệu follow chỉ với giá 5 triệu đồng và có cả tích xanh. Tôi cảm thấy giá rất rẻ nên tin tưởng. Nhưng sau khi chuyển tiền, họ nói tài khoản của tôi gặp vấn đề và yêu cầu thêm 5 triệu đồng để xử lý. Sau khi tôi chuyển thêm, họ lập tức cắt đứt liên lạc,” chị N.T bức xúc kể lại.

Không chỉ riêng chị N.T, anh L.Đ, một người kinh doanh ở Lâm Đồng, cũng đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này. Anh Đ. cho biết: “Tôi kinh doanh online nhưng lượng tương tác trên website và mạng xã hội rất ít, vì vậy tôi đã tìm đến một số dịch vụ quảng cáo. Sau khi thanh toán, tôi nhận ra không có hiệu quả và khi liên hệ lại, họ đã biến mất.”

Thực tế cho thấy, các đối tượng lừa đảo thường tự nhận mình là đối tác của các mạng xã hội để tạo lòng tin. Tuy nhiên, điều này không chỉ vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng mà còn gây nguy hiểm cho tài khoản của người dùng. Khi cung cấp thông tin đăng nhập cho bên thứ ba, người dùng vô tình trao quyền kiểm soát tài khoản của mình, dễ dàng bị lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân hoặc tài khoản bị khóa vĩnh viễn. Ngoài ra, việc mua danh tiếng ảo trên mạng còn làm mất niềm tin từ khách hàng và bạn bè khi những tương tác giả mạo này có thể biến mất bất cứ lúc nào.

Thạc sĩ Lê Tấn Phước, Nguyên Trưởng khoa CNTT Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TP.HCM, khuyến nghị: “Khi chúng ta thực hiện hack like hay tương tác chéo, rất có thể sẽ truy cập vào các trang web có mã độc hại hoặc bị kiểm soát bởi các đối tượng xấu. Những tài khoản này thường là tài khoản trắng, tạo tương tác ảo, không đem lại giá trị thực cho người dùng.”

Để tránh trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội, người dùng nên xây dựng trang cá nhân một cách minh bạch và chính đáng. Hãy cẩn trọng khi giao dịch, tuyệt đối không chuyển tiền cho những đối tượng không rõ thông tin và không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu hay mã OTP cho người lạ. Việc xây dựng danh tiếng trên mạng xã hội đòi hỏi sự kiên nhẫn và đầu tư nghiêm túc, không nên dựa vào các thủ đoạn gian lận dễ dẫn đến những thiệt hại không đáng có.

Lời khuyên:

  • Tập trung xây dựng nội dung chất lượng, bền vững.
  • Luôn cảnh giác và tránh các dịch vụ quảng cáo, tương tác giá rẻ không rõ nguồn gốc.
  • Không cung cấp thông tin tài khoản cho bất kỳ ai, dù dưới bất kỳ hình thức nào.

Việc tạo dựng uy tín trên mạng xã hội nên bắt đầu từ giá trị thật chứ không phải từ con số ảo.

Xem clip tại đây

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội..

Xem thêm:

Một nghiên cứu mới cho thấy việc ngừng sử dụng mạng xã hội trong một tuần có thể cải thiện sức khỏe tinh thần cũng như nhiều lợi ích khác.

Theo psychologytoday, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng mạng xã hội có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của giới trẻ, đặc biệt là các cô gái trẻ. Khi lướt qua các mạng xã hội của phụ nữ trẻ, bạn sẽ dễ dàng thấy hình ảnh của những người phụ nữ có “thân hình hoàn hảo”, làn da mịn màng, và mái tóc đẹp. Những hình ảnh này có thể khiến họ cảm thấy mình thua kém và không đạt được những tiêu chuẩn về ngoại hình. Cảm giác không đạt chuẩn này có thể dẫn đến sự không hài lòng về cơ thể, cảm giác xấu hổ, và thậm chí là những hành vi rối loạn ăn uống.

Nhiều phụ nữ trẻ nhận thức được rằng mạng xã hội có tác động tiêu cực đến hình ảnh cơ thể của họ và đã cố gắng hạn chế bằng cách “hủy theo dõi” những tài khoản tập trung vào ngoại hình. Dù đây là một bước tiến tốt, nhưng các thuật toán của mạng xã hội và dòng quảng cáo không ngừng có thể khiến việc kiểm soát nội dung trong trang cá nhân trở nên khó khăn.

ngừng sử dụng mạng xã hội có nhiều lợi ích

Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem liệu việc tạm ngừng sử dụng mạng xã hội trong một tuần có cải thiện hình ảnh cơ thể của phụ nữ trẻ hay không. Nghiên cứu này bao gồm 66 sinh viên nữ, tất cả đều là người sử dụng mạng xã hội hàng ngày và sẵn sàng thử thách việc tạm ngừng sử dụng.

Trong giai đoạn đầu của nghiên cứu, các phụ nữ gặp gỡ với nhà nghiên cứu và hoàn thành các bài kiểm tra liên quan đến hình ảnh cơ thể, sự tự tin, và mức độ chấp nhận các tiêu chuẩn văn hóa về sự gầy gò. Họ cũng được yêu cầu cài đặt một ứng dụng để theo dõi việc sử dụng mạng xã hội.

Sau đó, các phụ nữ được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: nhóm tạm ngừng sử dụng mạng xã hội và nhóm sử dụng như bình thường. Những người trong nhóm tạm ngừng sử dụng mạng xã hội được hướng dẫn chi tiết, bao gồm cả việc sử dụng ứng dụng chặn mạng xã hội và đăng xuất khỏi tất cả tài khoản.

Một tuần sau, các phụ nữ gặp lại nhà nghiên cứu và hoàn thành các bài kiểm tra giống như ban đầu. Họ cũng chia sẻ dữ liệu từ ứng dụng theo dõi để tính toán thời gian sử dụng mạng xã hội trong tuần. Những người trong nhóm tạm ngừng sử dụng mạng xã hội khoảng 1,5 giờ trong tuần, trong khi nhóm đối chứng sử dụng hơn 16 giờ.

Ngừng sử dụng mạng xã hội một tuần mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe tinh thần

Kết quả cho thấy việc ngừng sử dụng mạng xã hội mang lại những lợi ích thực tế. Những phụ nữ tạm ngừng sử dụng mạng xã hội đã cho thấy sự cải thiện về lòng tự trọng (không chỉ về ngoại hình mà còn ở nhiều lĩnh vực khác) và sự hài lòng về cơ thể. Đặc biệt, những phụ nữ càng dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mạng xã hội nhất lại là những người nhận được lợi ích lớn nhất từ việc tạm ngừng sử dụng.

Mặc dù kết quả này rất hứa hẹn, cần lưu ý rằng nghiên cứu có quy mô mẫu nhỏ và chỉ giới hạn ở nhóm phụ nữ sẵn sàng tạm ngừng sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, nó gợi ý rằng việc tạm ngừng sử dụng mạng xã hội có thể cải thiện sức khỏe tinh thần cho phụ nữ trẻ.

Khi gặp lại nhà nghiên cứu, hơn một nửa số phụ nữ trong nhóm tạm ngừng cho biết việc tránh xa mạng xã hội là khó khăn ban đầu, nhưng dễ dàng hơn sau vài ngày. Nhiều người trong nhóm này cũng đã thay thế thời gian dùng mạng xã hội bằng những hoạt động lành mạnh hơn như trò chuyện với bạn bè, đọc sách, tập thể dục, hoặc ngủ.

Nếu bạn đang gặp khó khăn với hình ảnh cơ thể, tại sao không thử tạm ngừng sử dụng mạng xã hội? Không giống như nhiều phương pháp can thiệp sức khỏe tinh thần khác, việc tạm dừng này hoàn toàn miễn phí! Hãy thử và cảm nhận sự khác biệt mà nó mang lại.

Những lợi ích bất ngờ từ việc ngừng sử dụng mạng xã hội

Giảm căng thẳng và lo âu

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc dành quá nhiều thời gian lướt mạng xã hội có thể làm gia tăng mức độ căng thẳng và lo âu. Khi chúng ta liên tục so sánh cuộc sống của mình với những hình ảnh lung linh, hoàn hảo trên mạng, cảm giác tự ti và áp lực có thể xuất hiện. Bằng cách tạm dừng sử dụng mạng xã hội, chúng ta có thể giảm bớt sự căng thẳng này và tìm lại sự bình yên trong tâm hồn.

Tăng cường kết nối với thực tế

Khi rời xa mạng xã hội, chúng ta có nhiều thời gian hơn để kết nối với những người thân yêu và tận hưởng những khoảnh khắc thực tế trong cuộc sống. Thay vì chăm chăm vào màn hình điện thoại, bạn có thể dành thời gian trò chuyện, đi dạo, hoặc tham gia các hoạt động mà bạn yêu thích. Điều này giúp cải thiện mối quan hệ cá nhân và mang lại cảm giác hạnh phúc thật sự.

Cải thiện giấc ngủ

Sử dụng mạng xã hội quá nhiều, đặc biệt là trước khi đi ngủ, có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại có thể gây rối loạn nhịp sinh học và làm giảm chất lượng giấc ngủ. Khi bạn quyết định tạm dừng sử dụng mạng xã hội, giấc ngủ của bạn có thể trở nên sâu và chất lượng hơn, giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng vào ngày hôm sau.

Klook Kreator là một phần trong chiến lược tăng cường hiện diện của Klook trên các nền tảng xã hội, nơi nhóm người dùng trẻ đang có mặt.

Chương trình Klook Kreator toàn cầu.
Chương trình Klook Kreator toàn cầu.

Klook đang tăng cường sự hiện diện trong lĩnh vực thương mại xã hội (social commerce) bằng việc mở rộng các hoạt động hỗ trợ cho các nhà sáng tạo nội dung. Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của thế hệ khách du lịch Gen Z và Millennial, Klook đã ra mắt nhiều sáng kiến mới nhằm khai thác tối đa tiềm năng của mạng xã hội.

Hợp tác với TikTok và mở rộng mạng lưới

Một trong những bước tiến đáng chú ý của Klook là sự hợp tác với TikTok, cho phép người dùng tại 7 thị trường Đông Nam Á và Nhật Bản có thể khám phá và đặt vé trực tiếp các hoạt động du lịch thông qua ứng dụng này. Đây là một phần trong chiến lược tiếp cận người dùng thông qua mạng xã hội, nơi mà Klook tin tưởng sẽ là kênh chủ đạo để truyền cảm hứng và thúc đẩy hành động du lịch.

Marcus Yong, Phó Tổng Giám đốc Bộ phận Marketing Toàn cầu tại Klook, cho biết: “Mạng xã hội đã trở thành kênh quan trọng cho du khách tìm kiếm cảm hứng về điểm đến và các hoạt động vui chơi. Klook hiện có thể kết nối trực tiếp những du khách này với các hoạt động mà họ khám phá trên các trang xã hội của mình.”

Phát triển chương trình Klook Kreator

Bên cạnh sự hợp tác với TikTok, Klook cũng đang mở rộng chương trình Klook Kreator, một cộng đồng gồm hơn 20.000 nhà sáng tạo nội dung tại 16 thị trường toàn cầu. Chương trình này, ra mắt vào năm 2023, hướng đến việc xây dựng cộng đồng du lịch xã hội lớn nhất thế giới, tập trung vào nội dung do người dùng tạo ra (UGC). Sự phát triển của Klook Kreator đã được ghi nhận tại các thị trường như Đài Loan, Úc và Mỹ, với việc mở rộng sang nhiều nền tảng như YouTube để khai thác thêm nhiều định dạng nội dung mới.

Chương trình Klook Kreator tại Việt Nam
Chương trình Klook Kreator tại Việt Nam.

Klook cũng đầu tư vào việc hỗ trợ và thúc đẩy các nhà sáng tạo thông qua các buổi workshop, tổ chức các cuộc thảo luận và hợp tác với các đối tác du lịch địa phương để mang đến cho họ cơ hội trải nghiệm thực tế.

Tháng 9 năm 2024, Klook sẽ tổ chức sự kiện lớn nhất dành cho các nhà sáng tạo nội dung tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Sự kiện này sẽ quy tụ hơn 130 nhà sáng tạo từ khắp nơi trên thế giới.

Trong chương trình Lời Cảnh Báo tuần qua đã phản ảnh về hành vi mua bán tài khoản ngân hàng không chính chủ thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Theo đó, trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia cảnh báo rằng hiện nay có những đối tượng xấu đang sử dụng mạng xã hội để săn lùng các tài khoản ngân hàng không chính chủ, thậm chí mua bán thông tin này để thực hiện các hành vi lừa đảo và phạm tội. Đây là một vũ khí nguy hiểm mà các kẻ lừa đảo sử dụng để che giấu những hoạt động phạm pháp của họ, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng khi tài khoản ngân hàng bị lạm dụng cho các mục đích không đúng.

Một đường dây mua bán thông tin tài khoản ngân hàng vừa bị lực lượng An ninh mạng và Công an thành phố Đà Nẵng triệt phá. Theo thông tin từ lực lượng này, đã bắt giữ được đối tượng đã thu thập và trao đổi thông tin cá nhân của 2012 tài khoản ngân hàng. Đối tượng Hoàng Đức Nhu, một trong những nghi phạm, thừa nhận rằng, thông qua việc tham gia các nhóm mạng xã hội, anh ta đã tiếp cận và tham gia vào việc mua bán thông tin cá nhân của các khách hàng ngân hàng.

Ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia, cảnh báo rằng: “Những người dùng mở tài khoản ngân hàng mà không có nhu cầu thực tế sử dụng đang trở thành đối tượng dễ bị lợi dụng. Họ có nguy cơ trở thành công cụ để các đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản của họ cho các hoạt động vi phạm pháp luật như giao dịch tiền ảo hoặc truy cập vào Internet Banking để thực hiện các hành vi phạm tội”.

Trong bối cảnh phức tạp của lừa đảo trên không gian mạng, người dân cần cẩn trọng hơn bao giờ hết trong việc bảo vệ thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của mình. Việc hợp tác, cho thuê tài khoản ngân hàng có thể khiến họ bị xem như đồng phạm với các hoạt động bất hợp pháp và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Do đó, cộng đồng cần thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh những hệ lụy nghiêm trọng do việc lạm dụng tài khoản ngân hàng, đồng thời cảnh giác với những hoạt động đáng ngờ trên mạng xã hội và trong không gian mạng để ngăn chặn các đối tượng xấu.

Clip Chiêu trò thuê, mua tài khoản ngân hàng không chính chủ

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự, phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Hiện nay, nhiều dịch vụ làm hộ chiếu nhanh qua mạng xã hội với những lời mời chào như “không cần đi xa, không xếp hàng, không chờ đợi, dịch vụ chi phí thấp” đang thu hút sự quan tâm của người dân. Tuy nhiên, các đối tượng này thường lập các trang web mập mờ, dễ gây nhầm lẫn với các trang web của cơ quan nhà nước.

Trong chương trinh Lời Cảnh Báo tuần vừa qua, chị N.L.T (TP.HCM), chia sẻ: “Khi tôi nhắn tin hỏi, họ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin như căn cước công dân hai mặt, ảnh thẻ chính chủ, số điện thoại và địa chỉ chính xác. Họ còn yêu cầu thêm thông tin của chồng tôi.

Chị cho biết ban đầu cũng cảm thấy lo lắng, nhưng người nhắn tin giải thích cặn kẽ, hợp lý như cần thông tin chính xác để đăng ký trên trang dịch vụ công. Vì thế, dù còn nghi ngờ nhưng chị vẫn cung cấp thông tin cho phía bên kia.

Tuy nhiên, đây chính là một cái bẫy nhằm lấy thông tin cá nhân của người dùng.

Luật sư Bùi Trọng Hiển, Giám đốc Công ty Luật, cho biết: “Hiện nay có một số cá nhân trên mạng lợi dụng thu thập thông tin để kinh doanh. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nếu chưa đến mức nghiêm trọng, có thể bị xử phạt hành chính theo điều 84 của Nghị định 15 năm 2020 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, với mức phạt từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Nếu hành vi này có dấu hiệu hình sự, có thể bị xử lý theo điều 288 Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, với hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, trong trường hợp nặng hơn, mức phạt tù lên đến 7 năm”.

Để tránh rủi ro khi có nhu cầu cấp hộ chiếu, người dân nên tự đăng ký hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, không cung cấp thông tin căn cước công dân, không đăng tải hay chia sẻ hình ảnh căn cước công dân cho những dịch vụ trên mạng xã hội không đảm bảo an toàn thông tin cá nhân.

Nên cảnh giác với những lời quảng cáo của các đối tượng hoạt động cò mồi dịch vụ. Trong trường hợp không thành thạo công nghệ, người dân có thể nhờ người thân, người quen uy tín hoặc lực lượng chức năng hướng dẫn làm thủ tục cấp hộ chiếu trực tuyến.

Việc để lộ thông tin cá nhân trên mạng là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật khác. Mỗi cá nhân cần ý thức bảo mật thông tin cá nhân để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Để an toàn, bạn có thể tự làm hộ chiếu online. Các bước như sau:

Bước 1: Truy cập Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an tại địa chỉ https://dichvucong.bocongan.gov.vn/bocongan/bothutuc?malv=QL_XUAT_NHAP_CANH hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bước 2: đăng nhập vào hệ thống theo tài khoản đã thành công.

Bước 3: tìm kiếm và lựa chọn dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử, chọn mục nộp trực tuyến.

Bước 4: Điền đầy đủ các thông tin đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu, bao gồm cả địa chỉ email và upload ảnh chân dung (để in trên hộ chiếu).

Bước này đòi hỏi người dân cần chuẩn bị trước việc chụp ảnh chân dung và ảnh CCCD và lưu sẵn trong máy tính/điện thoại để tiện tải lên nhanh chóng. Ảnh chụp phải rõ nét, định dạng file jpeg 2000, kích thước nhỏ hơn 4MB.

Bước 5: Lựa chọn nơi nộp hồ sơ tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở nơi thuận lợi.

Bước 6: Lựa chọn hình thức nhận hộ chiếu trực tiếp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc qua đường bưu điện.

Bước 7: Chọn mục đồng ý và tiếp tục, kiểm tra lại thông tin hồ sơ đã khai báo, nhập mã xác nhận và chọn mục nộp hồ sơ. Công dân sẽ nhận tin nhắn của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Trường hợp hồ sơ được chấp nhận, công dân tiến hành thanh toán lệ phí theo hướng dẫn trong tin nhắn hoặc thư điện tử.

Thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến là 5 ngày làm việc đối với hồ sơ nộp tại cấp trung ương và 8 ngày làm việc với hồ sơ nộp tại cấp tỉnh.

Clip Cẩn trọng khi làm hộ chiếu qua mạng xã hội:

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. 

Hiện nay, trên mạng xã hội không khó để bắt gặp những nội dung chứa nhiều từ ngữ văng tục và chửi bậy. Những video hay audio này thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và thu hút sự quan tâm và bình luận tích cực của nhiều người. Một số người cho rằng việc này giúp giảm stress và thư giãn khi thảo luận với ngôn từ thô tục.

Trong chương trình Câu chuyện Cuộc sống vừa qua, chị Nghiêm Thị Phương Vy (TP.HCM) cho biết: “Trên mạng xã hội, có rất nhiều video chứa những từ ngữ văng tục và chửi bậy, ảnh hưởng đến sự trong sáng của ngôn từ tiếng Việt và tạo thói quen cho người xem. Những từ ngữ này có thể trở thành một phần trong suy nghĩ hàng ngày của mọi người”.

ThS Lê Thị Minh Hoa, chuyên gia tâm lý cũng cho biết, hiện nay những người sáng tạo nội dung thường có xu hướng tạo nên những điều mới mẻ và hấp dẫn để thu hút người xem.

“Tâm lý của chúng ta thường có sự tò mò, và mặc dù ban đầu có thể không muốn xem vì nó thô tục, nhưng tò mò thúc đẩy chúng ta xem và khám phá. Dần dần, chúng ta bị thu hút và ảnh hưởng bởi nó, vì việc tiếp xúc liên tục với nó có thể tạo ra thói quen tiêu cực”, cô chia sẻ.

chửi bậy trên mạng xã hội

Vì vậy, cần tạo ra một môi trường mạng xã hội lành mạnh, nơi cập nhật những nội dung sáng tạo và tích cực, sử dụng ngôn từ phù hợp để giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống. Mỗi người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo, lựa chọn nội dung và hiểu rõ hậu quả, tác động tiêu cực từ việc tiếp xúc với những nội dung có thể gây hại.

ThS Trần Hương Thảo, chuyên gia tâm lý, cho biết những ngôn từ, nội dung độc hại trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng đến người xem, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ: “Ngôn từ của người lớn sẽ ảnh hưởng đến trẻ em. Trẻ em thường bắt chước hành vi và ngôn từ của người lớn, do đó người lớn cần làm mẫu, không sử dụng ngôn từ thô tục để trẻ không bị ảnh hưởng tiêu cực”.

Vì thế, với trẻ em nên hạn chế cho tiếp xúc với mạng xã hội sớm. Tuy nhiên, với việc phát triển công nghệ, việc học tập của con trẻ cũng cần sử dụng máy tính, điện thoại di động để trao đổi với giáo viên, lấy bài tập và làm bài trên máy tính. Trước tình hình đó, ba mẹ có thể ngăn chặn những nội dung xấu bằng cách chặn truy cập vào mạng xã hội như Youtube, Tiktok, Facebook hoặc chặn nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Bao gồm những nội dung người lớn, độc hại hay chửi bậy…

Chúng ta không thể lý giải việc sử dụng ngôn từ thô tục, chửi bậy để giải tỏa căng thẳng và chấp nhận hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội. Từ gia đình đến nhà trường, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và giữ gìn sự trong sáng của ngôn từ tiếng Việt trong cuộc sống hàng ngày và trên mạng xã hội.

Clip Văng tục, chửi thề – Xu hướng độc hại trên mạng xã hội

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.

Các gia đình trẻ, đặc biệt là những người mới kết hôn có con sớm phải đối mặt những thách thức từ cuộc sống, áp lực công việc và những vấn đề khác. Trong đó có sự phụ thuộc vào công nghệ, dịch vụ, vô tình tạo ra căn bệnh lười ở một số gia đình trẻ, lâu dài sẽ tạo ra những vấn đề không tốt, đặc biệt là sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

“Bệnh lười” và câu chuyện gắn kết ở gia đình trẻ

Trở về nhà sau một thời gian làm việc, nhiều gia đình không muốn làm thêm bất cứ công việc nào, sự mệt mỏi muốn nghỉ ngơi khiến cho họ không muốn làm các công việc nhà, kể cả việc nấu một bữa cơm.

Anh Trần Ngọc Hoàng (Quận 8, TP.HCM) cho biết: “Về tới nhà cũng tối rồi, ai cũng mệt và vợ chồng tôi thường rủ ra ngoài ăn, riết cũng trở thành thói quen, đến khi có thời gian cuối tuần thì vẫn lười, nên muốn có thời gian để nghỉ ngơi”.

Bệnh lười xuất hiện tác động đến nhiều gia đình trẻ bởi nhiều yếu tố khác như: áp lực công việc, các khoản nợ, chi phí hàng tháng…khiến họ phải dành rất nhiều thời gian và sức lực cho các hoạt động đó. Ngoài ra các dịch vụ hiện đại cũng là yếu tố góp phần tạo ra bệnh lười như giao đồ ăn nhanh, thuê người dọn dẹp, có thể giúp các công việc được thực hiện dễ dàng nhưng cũng đồng thời làm giảm đi sự cố gắng của các thành viên trong gia đình.

câu chuyện cuộc sống: bệnh lười

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, cho biết: “Về lâu dài sẽ biến thành nếp sống và gây ra hệ lụy rất lớn, thứ nhất bản thân của người lười biếng trong gia đình thì sẽ không tìm được cảm giác hạnh phúc, thứ hai khi quen với nếp sống lười biếng, họ cũng tự cho bản thân có quyền lợi là được vô trách nhiệm, tôi không cần có nghĩa vụ gì với gia đình, nhà chỉ là nơi để về”.

Hệ lụy của căn bệnh lười biếng khi một gia đình không sinh hoạt và tương tác cùng nhau thì những nét văn hóa riêng, đặc thù riêng trong gia đình sẽ không có cơ hội để phát triển, những trẻ em được sinh ra trong gia đình này sẽ không biết được các chuẩn mực, cách thức để tương tác và gây ra những vấn đề lớn cho trẻ sau này.

Để bệnh lười không còn xuất hiện trong gia đình, việc thiết lập kế hoạch là rất quan trọng. Mỗi gia đình cần đề ra các mục tiêu kế hoạch hàng ngày, hàng tuần, thậm chí là hàng tháng hoặc thực hiện các hoạt động gia đình vào cuối tuần sẽ tạo cơ hội để tăng cường và tương tác giữa các thành viên, không chỉ chống lại bệnh lười mà còn mang lại cảm giác ấm áp trong gia đình.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, cho biết: “Khi chúng ta dành quá nhiều thời gian cho các công việc trong tuần, thì chúng ta phải nghĩ là những ngày cuối tuần phải dành cho gia đình, đồng thời cũng là ngày phục vụ cho bản thân sức khỏe chúng ta”.

Bên cạnh đó chúng ta cần phải tạo ra một không gian thoải mái cho gia đình như các hoạt động cùng nhau xem phim, đọc sách, một cách tự nhiên có thể giúp làm giảm căng thẳng và tránh tác động từ những yếu tố khác.

Clip  “Bệnh lười” và câu chuyện gắn kết ở gia đình trẻ:

Ranh giới giữa “kém duyên” và “hài hước”

Hài hước có thể nói là một ưu điểm lớn trong cuộc sống, không phải ai cũng có được và một người hài hước sẽ luôn mang lại năng lượng tích cực cho những người xung quanh. Tuy nhiên để sự hài hước đi quá giới hạn và không biết cách kiểm soát, nhiều người biến hình ảnh bản thân mình trở nên kém duyên, và đâu là ranh giới giữa “kém duyên” và “hài hước”?, chúng ta cần làm gì để kiểm soát, điều chỉnh bản thân mình cho phù hợp?

Để tạo không khí vui vẻ và thoải mái, anh A.T ở TP.HCM, thường có thói quen và chọc giỡn với mọi người trong nhóm và luôn là tâm điểm làm cho mọi người vui và thoải mái, tuy nhiên có những lúc anh T khiến mọi người khó chịu với trò đùa quá trớn của mình.

Có một lần tôi đã lấy ngoại hình của một bạn trong nhóm ra đùa giỡn và bạn đó không nói gì hết, nhưng khi về nhà bạn ấy đã chặn hết tin nhắn của mọi người và không bao giờ liên lạc với tôi nữa, tôi cảm thấy rất có lỗi với bạn đó”, anh A.T cho biết.

TS Nguyễn Thị Vân, chuyên gia tâm lý chia sẻ: “Bối cảnh chúng ta tạo ra sự hài hước có phù hợp hay không, như một bầu không khí nghiêm trang mà tạo ra một yếu tố “hài hước” thì điều đó là “kém duyên”. Phải quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý của đối tượng để biết được sự hài hước của mình phù hợp hay kém duyên.”

Người hài hước, là người có thể tạo ra tiếng cười một cách tự nhiên và tích cực, bằng cách sử dụng lời nói hoặc hành động để làm cho bầu không xung quanh mọi người cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Mặt khác, một người trở nên kém duyên khi không nhận ra ranh giới của sự hài hước và đùa giỡn quá trớn, họ thiếu sự nhạy cảm và thường không chú ý đến cảm xúc của mọi người.

Chị Lưu Thị Thu Lan (TP.HCM) cho biết: “Mình từng bị giỡn kém duyên, người đó liên tục lấy chuyện tình cảm vừa mới đổ vỡ của mình ra đùa giỡn, mình không hiểu tại sao làm như vậy và dần dần mình không còn tiếp xúc nữa, mặc dù cả hai rất thân”.

Thực tế có những người lấy điểm yếu của người khác ra đùa giỡn, cho rằng mình đang tạo ra không khí vui vẻ. Tuy nhiên gây ra nhiều hệ lụy làm cho người khác khó chịu, bị xúc phạm và không được tôn trọng. Ngoài ra những trò đùa kém duyên sẽ khiển hình ảnh của bản thân bị xấu đi trong mắt người khác. Do đó việc nhận biết và tránh các trò đùa kém duyên là rất quan trọng để giúp không khí trở nên vui vẻ, mọi người gia tăng sự tự tin tích cực trong vấn đề nhắc đến thì chúng ta mới tạo nên một không khí hòa hợp với tất cả mọi người.

Clip ranh giới giữa “kém duyên” và “hài hước”:

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.