Apple Watch tôi đeo mỗi ngày đang cung cấp những thông tin sức khoẻ rất đáng giá, nhưng tôi vừa phát hiện ra những tính năng cũng tuyệt vời không kém trên iPhone giúp theo dõi sức khoẻ bản thân lẫn cả gia đình.

Khi tôi và vợ cùng đọc được thông tin một cô gái ở Hà Nội tử vong trong căn hộ chung cư suốt gần hai năm trời nhưng không ai phát hiện ra, hai vợ chồng đã bàn về việc này khá lâu. 

Việc một thi thể tồn tại giữa cộng đồng dân cư văn minh như vậy ở Việt Nam gần như chưa có tiền lệ. Song chúng tôi hiểu rằng những việc như vậy sẽ không còn bất thường khi xã hội ngày càng tôn trọng tự do cá nhân nhiều hơn. Người dân thành thị đã dần ý thức được mỗi cá nhân được quyền sống theo cách họ muốn, trong đó có quyền lựa chọn cuộc sống độc thân và hạn chế tiếp xúc với các mối quan hệ xã hội không cần thiết. 

Sự việc trên gây ra nỗi đau khôn xiết cho gia đình nạn nhân và sự thắc mắc của một bộ phận xã hội, nhất là trong một đất nước nặng về cộng đồng như Việt Nam và châu Á nói chung. Tuy nhiên mặt tích cực của nó là con người ta, cả già lẫn trẻ, đang được nhiều quyền hơn trong việc lựa chọn đời sống cá nhân mà ít lo ngại đến phán xét của cộng đồng. 

Hai vợ chồng tôi nằm trong số ủng hộ tôn trọng tự do cá nhân. Chúng tôi có những hoạt động rất riêng dù chúng tôi đã chọn về sống chung một nhà (mà có thời điểm chúng tôi còn không sống chung một nhà để mỗi người được thoải mái sống cuộc sống độc thân dù đã có gia đình). Dù vậy, chúng tôi chưa từng bao giờ mất kết nối.

Như tôi thi thoảng vẫn hay có những chuyến đi xa hay leo núi kéo dài 1-2 ngày để tránh xa phố xá ồn ào. Dù “ở trong rừng an toàn hơn ở trên mạng”, nhưng tôi vẫn trang bị đầy đủ những vật dụng cần thiết nhất cho chuyến đi mạo hiểm. Trong số đó, một điều không thể thiếu là báo cho gia đình biết chính xác thời gian, địa điểm tôi đi leo núi. Tôi sẽ nhắn cho vợ tôi ngày khởi hành, ngày dự kiến trở về, địa điểm tôi dự định leo núi, để trong trường hợp tệ nhất, gia đình tôi vẫn có thể tìm kiếm sự trợ giúp cho tôi từ bên ngoài.

Sau khi đọc được tin buồn của cô gái xấu số, chúng tôi quyết định nâng cấp mức độ sẻ chia giữa hai chúng tôi lên một mức độ cao hơn, tiến tới tạo sợi dây gắn kết các thành viên khác trong gia đình.

Đầu tiên, tôi và vợ đồng ý cùng nhau chia sẻ các dữ liệu sức khoẻ với nhau thông qua chiếc điện thoại thông minh, để cả hai người đều nắm được những thông tin chính yếu nhất về sức khoẻ của người kia theo thời gian thực. 

Tôi đeo Apple Watch gần như 24/24 nên các thông số sức khoẻ từ đơn giản đến chuyên sâu nhất đều có sẵn. Do đó tôi quyết định chia sẻ một số chỉ số thiết yếu cho vợ của tôi. Tôi không chia sẻ toàn bộ dữ liệu vì vẫn muốn giữ lại chút riêng tư cá nhân, và việc chọn lọc thông tin để chia sẻ sẽ giúp vợ tôi không bị ngộp giữa rừng thông tin không liên quan lắm đến cô ấy. Một số thông tin tôi chọn để chia sẻ gồm có: cảnh báo nhịp tim bất thường, nhịp tim cao, nhịp tim thấp, độ ổn định của bước chân,… Ngược lại, bà xã tôi cũng chia sẻ những thông tin tương tự.

Tôi bắt đầu chia sẻ những thông tin sức khoẻ cơ bản cho vợ mình.

Để bắt đầu chia sẻ dữ liệu sức khoẻ cho vợ, tôi vào ứng dụng Sức khoẻ/Health trên iPhone, sau đó chọn vào tab Chia sẻ/Sharing, rồi chọn chia sẻ với vợ tôi (đã được lưu tên trong danh bạ). Tôi có thể xem lại những dữ liệu đã chia sẻ bằng cách chọn vào Preview. 

Tất nhiên những thông tin sức khoẻ như thế này tôi có thể chia sẻ cho bất kỳ ai có liên quan, bao gồm bố mẹ hay bác sĩ.

90% trẻ em có nguy cơ cận thị, cách nào để con tôi lọt vào nhóm 10% còn lại?

Mới đây tôi đưa iPhone của tôi cho con gái để hai bố con lập danh sách những món cần mua trước khi cùng đi siêu thị. Khi bé sử dụng điện thoại được vài phút, tôi bất chợt bắt gặp ánh mắt như có lỗi của con gái khi bé cầm chiếc iPhone trên tay. Tôi lập tức hỏi xem chuyện gì xảy ra, hoá ra con bé hơi dí sát mặt vào màn hình, và chiếc điện thoại cảnh báo: “iPhone maybe too close”. Chỉ khi con tôi đưa điện thoại ra xa ở một khoảng cách thích hợp thì điện thoại mới trở lại trạng thái sử dụng được.

Tính năng cảnh báo iPhone quá gần mắt người.

Đây là tính năng rất hay, đã cảnh báo tôi rất nhiều lần khi tôi đưa điện thoại quá gần mắt của mình. 

Tính năng Screen Distance trên iPhone sẽ dùng cảm biến để phát hiện mắt của người dùng quá gần với điện thoại để phát ra cảnh báo. Việc giữ cho mắt ở khoảng cách an toàn với điện thoại giúp hạn chế tật khúc xạ này phát triển tệ hơn.

Không chỉ giúp mắt giữ khoảng cách với màn hình điện thoại, tôi xem cảnh báo Screen Distance như một lời nhắc nhở để giữ cho mắt khoẻ hơn. Chẳng hạn, mỗi khi nhận được cảnh báo, tôi có thể dừng sử dụng điện thoại một khoảng thời gian, nếu siêng sẽ đứng dậy vận động một chút hay làm một số động tác thể dục cho mắt (các bạn có thể tìm trên mạng) để mắt được nghỉ ngơi.

Từ sau khi phát hiện ra con gái tôi cũng đôi lúc vô tình sử dụng điện thoại quá gần với mắt, tôi và vợ quyết định đưa chiếc iPhone 13 cho con gái sử dụng ở nhà. Những khi cần học Duolingo hay chơi game, con gái tôi sẽ sử dụng iPhone đã bật sẵn tính năng cảnh báo giữ khoảng cách với màn hình. Khi bé đi học, iPhone sẽ để ở nhà, bé mang theo chiếc điện thoại chỉ có tính năng liên lạc với bố mẹ khi cần thiết.

Theo thống kê, số lượng người mắc tật khúc xạ ngày một gia tăng, nhất là sau đại dịch. Tại Việt Nam, số liệu năm 2022 cho thấy có khoảng 15-40% người bị tật cận thị, tương đương 14-36 triệu người. Đặc biệt, tới năm 2050, 90% trẻ em có nguy cơ mắc bệnh này. Những con số thống kê này có thể như lời cảnh tỉnh để chúng ta quan tâm đến sức khoẻ thị lực của con cái hơn, một trong những cách phổ biến là  giữ khoảng cách tối ưu giữa mắt với màn hình hoặc khi đọc sách.

Chúng tôi tìm ra cách để theo dõi sức khoẻ bố mẹ từ xa

Sau một số điều chỉnh trong gia đình nhỏ của mình, tôi bắt đầu lên kế hoạch để theo dõi sức khoẻ cho bố mẹ hai bên. Chúng tôi sẽ tận dụng tính năng chia sẻ thông tin về sức khoẻ giữa điện thoại của ông bà với điện thoại của chúng tôi. Bên cạnh những chỉ số như tôi và vợ đã chia sẻ với nhau, chúng tôi sẽ cần thêm thông tin liên quan đến sức khoẻ vận động của ông bà.

Nhiều chỉ số hữu ích liên quan đến thăng bằng cơ thể.

Hoá ra có một số tính năng được “giấu” trong iPhone mà tôi chưa từng khám phá ra. Những con số này sẽ giúp người dùng nắm được sơ bộ tình trạng sức khoẻ vận động của họ. Và tôi có thể theo dõi các chỉ số này để biết xu hướng sức khoẻ của bố mẹ hai bên.

Trong mục Mobility, iPhone cung cấp khá nhiều chỉ số có ích. Trong đó có các chỉ số về hiệu suất đi bộ, gồm có tốc độ đi bộ, độ dài bước chân, thời gian hai chân chạm đất và đi bộ không đối xứng. Ngoài ra còn có các thông tin đánh giá về khoảng cách bước chân khi lên xuống cầu thang,… Các con số này có thể được dùng để đánh giá tình trạng sức khỏe của một người, theo dõi quá trình phục hồi sau khi bị chấn thương và phẫu thuật hoặc theo dõi sự thay đổi do tình trạng lão hóa. 

Chẳng hạn phép đo về đi bộ không đối xứng cho phép theo dõi tình trạng chấn thương, sự thoái hoá thần kinh do lão hoá hoặc khi bị bệnh. Con số này thể hiện phần trăm thời gian mà một chân đi nhanh hơn hoặc chậm hơn chân kia. Người khoẻ mạnh thì hai chân bước đi đều nhau, mức độ chênh lệch giữa hai chân không đáng kể. Tuy nhiên nếu một chân bị chậm hơn chân còn lại, thể hiện qua chỉ số phần trăm cao lên, tức là cơ thể có các dấu hiệu cần được theo dõi. Có thể một chân bị đau nên chân còn lại được dùng nhiều hơn. Giả sử tình trạng đau chân được cải thiện, con số về phép đi bộ không đối xứng sẽ giảm dần.

Chỉ số đi bộ không đối xứng trên ứng dụng Health của iPhone.

Tương tự là các chỉ số về tốc độ đi bộ, chiều dài sải chân, thời gian hai chân chạm đất cũng liên quan đến sức khoẻ. Chẳng hạn một người khoẻ mạnh thì thời gian bước đi của họ chủ yếu trên một chân. Nếu hai chân cùng chạm đất trong một thời gian cao hơn mức trung bình chứng tỏ sức khoẻ cần được xem xét. 

Các con số này đều được thống kê theo ngày, tuần, tháng. Người dùng có thể vào xem bất kỳ lúc nào. Có thể vào ứng dụng Sức khoẻ/Health để nhìn thấy các thông tin mặc định trên màn hình chính, hoặc bấm vào Browse để tìm kiếm. Khi muốn chỉ số nào hiển thị ra màn hình chính thì bấm vào nút có biểu tượng ngôi sao (favorite) kế bên tính năng đó.

Nhấn vào Browse sẽ thấy nhiều thông tin sức khoẻ hơn.

Ứng dụng Health không chỉ có những tính năng nói trong bài này, mà còn báo cáo nhiều chỉ số khác liên quan đến sức khoẻ tinh thần và nhiều ứng dụng của bên thứ ba khác mà bạn có thể tìm hiểu. Tôi cũng sẽ sẵn lòng chia sẻ thêm trong một dịp khác.

Nhìn chung, sau khi tự động hoá quá trình theo dõi sức khoẻ các thành viên trong gia đình, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn hẳn. Hai vợ chồng có thể tiếp tục tận hưởng một chút đời sống độc thân trong hôn nhân và vẫn theo dõi được những yếu tố quan trọng liên quan đến những người thân yêu của chúng tôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *